(Baothanhhoa.vn) - Nằm ở phía Tây huyện Hà Trung, làng quê Tâm Quy (Tam Quy) xã Hà Tân có rừng sến Tam Quy nổi tiếng. Đây cũng là ngôi làng cổ xưa ở xứ Thanh có lịch sử hình thành và phát triển từ rất sớm.

Về làng cổ Tâm Quy

Nằm ở phía Tây huyện Hà Trung, làng quê Tâm Quy (Tam Quy) xã Hà Tân có rừng sến Tam Quy nổi tiếng. Đây cũng là ngôi làng cổ xưa ở xứ Thanh có lịch sử hình thành và phát triển từ rất sớm.

Về làng cổ Tâm Quy

Giếng làng Tâm Quy được người dân hết sức giữ gìn. Ảnh: Khánh Lộc

Người dân Tâm Quy vẫn luôn tin rằng, làng có lịch sử hình thành cách đây gần 2.000 năm. Truyền thuyết tại địa phương kể rằng, Tâm Quy khi xưa có tên là Tâm Khẩu, là vùng thung lũng có nhiều đồi núi đá vôi và rừng rậm rạp. Lúc bấy giờ, có ông Nguyễn Công Thành vốn là người ngoài phía Bắc đã tập hợp lực lượng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo. Khi cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, ông Nguyễn Công Thành đã chọn vùng đất Tâm Quy làm nơi rút quân. Sau khi mất, ông được người dân thương quý lập đền thờ phụng.

Đến thời Nguyễn, Tâm Quy thuộc tổng Nam Bạn, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tâm Quy thuộc xã Tân Tiến và sau đó đến năm 1954 chính thức thuộc xã Hà Tân cho đến ngày nay. Làng Tâm Quy nằm khu vực trung tâm xã Hà Tân. Lý giải về ý nghĩa của tên làng, ông Đỗ Nguyên Quynh, hơn 80 tuổi, là bậc cao niên trong làng, cho biết: “Dù địa hình đồi núi bao quanh, nhưng người dân Tâm Quy vẫn luôn tin rằng đây là nơi có phong thủy tốt tươi, có thể gây dựng cơ nghiệp bền vững. Bởi vậy mà cái tên Tâm Quy đã được cha ông đặt cho tên làng với mong muốn tốt đẹp như vậy chăng?! Đất làng Tâm Quy nói riêng, xã Hà Tân nói chung khi xưa là nơi đất quý mà theo người xưa đó là thế đất “rồng nằm, hổ ngồi”, có lẽ bởi vậy mà Quốc công Nguyễn Văn Lang đã dời nhà từ Gia Miêu ngoại trang xuống đây. Làng Tâm Quy cũng nổi tiếng bởi từng đón vua Lê xa giá về thăm...”.

Ở Tâm Quy khi xưa còn có chợ nổi tiếng khắp vùng, thu hút rất đông người dân tìm về giao thương, buôn bán. Nói về chợ Tâm Quy, sách “Địa chí huyện Hà Trung” viết: “Đây là một trong 4 chợ nổi tiếng của huyện Tống Sơn được sách Đại Nam nhất thống chí nêu tên. Chợ được mang tên làng Tâm Quy, đây là một trong những chợ sớm nhất ở Hà Trung và Thanh Hóa. Theo truyền lại thì chợ có từ thời vua Lê Thánh tông (thế kỷ XV). Mặc dù là chợ ở miền núi rừng song lại rất tiện đường sông nước nên chợ Tâm Quy vẫn rất đông người từ các huyện Thạch Thành, Vĩnh Lộc đến và từ các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc lên... để mua bán các mặt hàng lâm thổ sản (gỗ, luồng, nứa, song, mây, giang, sậy) và thóc, gạo, ngô, sắn cùng gia súc, gia cầm... Có thời kỳ chợ còn có cả hiệu kim hoàn bán vàng bạc và đồ trang sức. Có thể nói đây là chợ điển hình về sự giao lưu mua bán và trao đổi giữa cư dân của 3 vùng miền núi, đồng chiêm trũng và ven biển trong tỉnh. Vì vậy vốn từ xưa, chợ Tâm Quy đã đi vào tâm thức của người gần xa như một sự hò hẹn, mong đợi”.

Cũng bởi có lịch sử lập làng từ rất sớm, giao thương buôn bán lại phát triển, dễ hiểu vì sao trong lịch sử, người dân Tâm Quy đã dành nhiều tâm huyết xây dựng các công trình kiến trúc, tôn giáo. Nổi bật là đình, chùa, đền thờ làng Tâm Quy đến nay vẫn được người dân trong làng nhắc đến với niềm tự hào và cả nuối tiếc.

Ông Đỗ Nguyên Quynh “nhớ lại” hình ảnh của những di tích đã in hằn trong tâm thức: Đình làng Tâm Quy được xây dựng dưới thời vua Minh Mệnh, là một trong những ngôi đình lớn dùng toàn gỗ quý hiếm như lim, sến. Đình làng được tạo tác uy nghi với nhiều nét chạm trổ tinh xảo. Tòa đại đình rộng lớn là nơi người dân hội họp, bàn bạc các vấn đề lớn của làng. Bên trong hậu cung phối thờ các vị thần (Thành Hoàng làng).

Chùa làng Tâm Quy (hay còn gọi là Cao Sơn tự) được dựng lên hoàn toàn từ các loại gỗ quý, tam quan bề thế có treo chuông đồng rất lớn... Cây đa, giếng nước, sân đình vẫn được xem là “hồn cốt” của làng quê xưa, vậy nhưng đáng tiếc đến nay, những công trình đong đầy niềm tự hào của cha ông vì nhiều lý do chỉ còn lại dấu tích. “Cũng may, ở Tâm Quy vẫn còn giữ được giếng làng”, ông Đỗ Nguyên Quynh nói thêm: “Giếng này là long mạch của làng chúng tôi đấy cô ạ, bao nhiêu năm mà nước giếng lúc nào cũng trong xanh, mát lành, đặc biệt dù trời có nắng hạn bao lâu cũng chưa bao giờ thấy giếng cạn, quý lắm!”.

Tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi được biết thêm nhiều điều về đình và chùa làng Tâm Quy. Nếu như đình làng Tâm Quy vào năm 1945 là địa điểm ra mắt của Ủy ban Dân tộc giải phóng đầu tiên tại Hà Trung; thì Cao Sơn tự từng là nơi hội họp của cán bộ Việt Minh trước Cách mạng Tháng Tám. Và năm 2005, chùa Cao Sơn đã được công nhận địa điểm di tích cách mạng cấp tỉnh. Ông Nguyễn Văn Trình, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tân, cho biết: “Trong thời kỳ cách mạng và hai cuộc chiến vệ quốc của dân tộc, xã Hà Tân là cơ sở cách mạng với nhiều hoạt động sôi nổi, hai làng Tâm Quy và Vỹ Liệt đã được công nhận là làng có công với nước. Nhà thơ Tố Hữu trong lần về thăm Tâm Quy, Vỹ Liệt - từng là nơi nuôi giấu ông trong những tháng ngày hoạt động cách mạng tại đây, đã để lại những vần thơ đầy ân tình, đến nay còn được người dân Tâm Quy nhắc nhớ: “Hà Trung ruộng trũng đồi cao/ Thông reo lúa chín vẫy chào người thân/ ...Tâm Quy ơi! nhớ những ngày/ Muối dưa đùm bọc, bàn tay mẹ già...”. Hà Tân cũng vinh dự nhiều lần được nhận huân chương, cờ thi đua, bằng khen của các cấp. Vinh dự hơn khi năm 2008, Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Hà Tân đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”.

Không chỉ là vùng đất cổ có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, địa danh Tâm Quy còn là tên gọi gắn liền với rừng sến Tam Quy (Tâm Quy) - tài nguyên rừng quý giá và độc đáo. Theo sách “Địa chí huyện Hà Trung”: “Rừng sến Tâm Quy là rừng tự nhiên có từ lâu đời. Các di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật (như đình, đền, chùa) ở Hà Trung phần lớn đều được làm bằng gỗ sến, được khai thác từ rừng sến nguyên sinh này. Điều đó là minh chứng để nói rừng sến ở đây có tuổi đời từ rất sớm, chí ít cũng tới vài thế kỷ trở lên... Cho đến hôm nay, với sự hiện diện của rừng sến Tâm Quy ở chính miền đồng bằng xứ Thanh của khu vực Bắc miền Trung đất Việt - một bảo tàng tự nhiên về chủng loại sến chắc chắn mang lại cho Hà Trung niềm tự hào to lớn”.

Về Tâm Quy trong những ngày nắng hạ, hai bên đường vào làng là những cánh rừng sến phủ xanh ngút ngàn và tĩnh lặng, du khách sẽ cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp của vùng đất cổ...

Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]