(Baothanhhoa.vn) - Cục diện chiến sự Nga - Ukraine vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường. Mặc dù đang gặp bất lợi trên nhiều mặt trận, song giới phân tích chính trị-quân sự cho rằng, không loại trừ khả năng quân đội Ukraine sẽ tổ chức một đợt phản công quy mô lớn thời gian tới như đã làm vào mùa hè năm 2023.

Về khả năng quân đội Ukraine sẽ tổ chức phản công quy mô lớn sắp tới

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường. Mặc dù đang gặp bất lợi trên nhiều mặt trận, song giới phân tích chính trị-quân sự cho rằng, không loại trừ khả năng quân đội Ukraine sẽ tổ chức một đợt phản công quy mô lớn thời gian tới như đã làm vào mùa hè năm 2023.

Về khả năng quân đội Ukraine sẽ tổ chức phản công quy mô lớn sắp tới

Kể từ đầu năm 2024, quân đội Ukraine chịu nhiều thất bại và tổn thất nặng nề do thiếu hụt lực lượng và vũ khí, nhất là sau khi các gói viện trợ quân sự từ phương Tây liên tục bị trì hoãn. Tình cảnh thiếu đạn dược buộc binh sĩ Ukraine phải rút lui khỏi nhiều khu vực trọng yếu xung quanh Avdiivka gần 3 tháng qua, kể từ khi địa điểm chiến lược này rơi vào tay lực lượng Nga.

Sau khi mất Avdiivka, Ukraine đã gấp rút xây dựng chiến hào, hố cáo, vị trí bắn và chướng ngại vật khác trên tiền tuyến. Nhưng việc Nga pháo kích và ném bom không ngừng, tình trạng Ukraine thiếu thiết bị xây dựng và quá trình tiến hành chậm chạp khiến hoạt động gia cố tuyến phòng thủ chưa đạt được như kỳ vọng, AP dẫn lời các binh sĩ Ukraine cho biết.

Theo giới quan sát, tình thế hiện nay buộc quân đội Ukraine phải có những bước đi táo bạo mới có thể tạo ra lợi thế, và thực tế có nhiều dấu hiệu cho thấy về một cuộc phản công quy mô lớn thời gian tới. Đầu tiên là việc Mỹ và các đồng minh châu Âu tăng cường viện trợ quân sự, cung cấp nhiều vũ khí hiện đại cho quân đội Ukraine. Ngày 24/4/2024, Tổng thống Mỹ Biden chính thức ký thành luật gói viện trợ 61 tỷ USD cho Ukraine, sau khi dự luật được Quốc hội Mỹ phê duyệt, nhất là Hạ viện Mỹ thông qua sau nhiều tháng bế tắc. Mỹ cũng đã thiết lập các kênh vận chuyển hàng không trên khắp châu Âu và tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Ngoài Mỹ, nhiều nước châu Âu tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, tập trung vào nâng cao năng lực phòng không. Trong năm 2024, Đức cam kết sẽ gửi một loạt vũ khí mới tới Ukraine, bao gồm 20 xe chiến đấu bộ binh Marder, 15 pháo phòng không tự hành Gepard, 124 máy bay không người lái trinh sát RQ-35 Heidrun, 06 trực thăng quân sự đa nhiệm Sea King Mk41...; Pháp thông báo sẽ chuyển giao gói viện trợ quân sự gồm 40 tên lửa hành trình SCALP-EG và bom dẫn đường thông minh AASM cho Ukraine. Còn với khoản cam kết viện trợ 2,5 tỷ bảng Anh (3,2 tỷ USD) cho năm tài chính tiếp theo, chính quyền Ukraine kỳ vọng Anh có thể cung cấp thêm cho Ukraine tên lửa hành trình Storm Shadow và tên lửa chống tăng.

Không chỉ viện trợ quân sự, các nước phương Tây cũng sẽ cử chuyên gia quân sự tới Ukraine để hỗ trợ vận hành các hệ thống tác chiến điện tử và cung cấp thông tin tình báo quan trọng cũng như khả năng can thiệp điện tử. Có thể nói, sự hậu thuẫn của phương Tây giúp chính quyền Ukraine gần như chỉ phải tập trung duy nhất vào việc chiến đấu chống lại Nga. Các hoạt động quân sự của Ukraine, từ việc phát lương cho binh sĩ, cung cấp vũ khí, vận hành thiết bị kỹ thuật đến xây dựng cơ sở bảo trì và hỗ trợ dịch vụ y tế - quân y, đến hậu cần, vận tải và hỗ trợ tình báo, trinh sát và tác chiến điện tử,... gần như hoàn toàn phụ thuộc vào sự giúp đỡ và hỗ trợ của phương Tây.

Về phần mình, để chuẩn bị cho đợt phản công này, Kiev được cho đã tập hợp 100.000 quân cơ động theo hướng Kharkov và Zaporizhia, sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào. Theo thông tin, hơn 5.000 “lính biệt kích tù nhân” đã được điều động tới hướng Kharkov và đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến ở thành phố Volchansk.

Theo trang tin Top War của Nga nhận định, có nhiều yếu tố buộc chính quyền Kiev phải tổ chức một đợt phản công lớn. Giới chuyên gia quân sự cho rằng, việc quân đội Ukraine ngồi ở thế phòng thủ quá lâu sẽ dẫn đến những bất lợi đối với chiến thuật tác chiến, cũng như chiến lược về lâu dài. Ngoài ra, điều này còn làm sụt giảm niềm tin, sĩ khí chiến đấu của binh lính, cũng như người dân Ukraine ủng hộ xu hướng thân phương Tây.

Lý do thứ hai là chính quyền Kiev cần phải cho các nước phương Tây thấy rằng, những khoản viện trợ quân sự, những vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại mà các nước này cung cấp cho Ukraine đang được sử dụng hiệu quả và được thể hiện rõ nhất trên chiến trường. Rõ ràng, cục diện chiến sự hiện nay không thể làm các nước phương Tây hài lòng, và muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ phương Tây, quân đội Ukraine cần phải có những bước tiến mới trên chiến trường, hoặc ít nhất cũng phải giành được một mục tiêu mang tính biểu tượng nào đó nhằm ngăn các đồng minh “quay lưng” với Ukraine.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự của Top War, đây có thể là nước cờ mạo hiểm, canh bạc tất tay của chính quyền Kiev. Nguyên nhân là do quân đội Ukraine hiện vẫn chưa giải quyết được những khó khăn đang gặp phải, nhất là sau đợt phản công thất bại vào mùa hè năm 2023. “Ukraine không có hàng trăm xe tăng, không có hàng chục máy bay chiến đấu, cũng không có tên lửa tầm xa. Tình hình thiếu hụt về thiết bị trở nên nghiêm trọng từ mùa hè năm ngoái - chỉ đủ thiết bị để có thể kiềm chế Nga ở một số khu vực nhất định. Tháng 8 sắp đến song máy bay chiến đấu F-16 vẫn chưa xuất hiện ở Ukraine”, theo Top War.

Trong khi đó, tình hình nhân sự của quân đội Ukraine còn đáng lo ngại hơn. Tháng 4/2024, Tổng thống Zelensky đã ký thông qua luật cho phép hạ độ tuổi huy động quân của Ukraine từ 27 xuống 25. Để chuẩn bị cho đợt phản công, quân đội Ukraine cũng huy động được hàng trăm nghìn tân binh, song số lượng tân bình này cần phải được đào tạo từ 3-6 tháng mới có đủ điều kiện để ra trận.

Giới phân tích quân sự cho rằng, với những khó khăn trên, rất khó cho quân đội Ukraine có thể tạo ra bất ngờ trước sức mạnh vượt trội về vũ khí và nhân lực của Nga. Nếu quân đội Ukraine thất bại, đây có thể sẽ trở thành một bước ngoặt đối với toàn bộ cuộc xung đột. Để tổ chức phản công quy mô lớn, quân đội Ukraine sẽ phải sử dụng những lực lượng tốt nhất của mình cho chiến dịch này, và rất có thể sẽ không còn đủ sức để kháng cự nếu lực lượng Nga tổ chức tấn công trở lại trong tương lai. Sự suy yếu của Quân đội Ukraine sau chiến dịch phản công sẽ là cơ hội để Nga đẩy mạnh các hành động quân sự nhằm tiêu hao sức kháng cự của đối thủ, khiến Ukraine bị “phi quân sự” hóa và tạo ra lợi thế lớn cho Nga trong cuộc xung đột hiện nay.

Rõ ràng, cục diện chiến sự hiện nay buộc quân đội Kiev phải có những hành động quyết liệt hơn để tạo ra lợi thế cho mình. Tuy nhiên, tổ chức một cuộc phản công lớn vào thời điểm này có thể là một nước cờ mạo hiểm, một canh bạc tất tay. Bởi lẽ, nếu thất bại, quân đội Ukraine khó có đủ sức kháng cự nếu lực lượng Nga tổ chức các cuộc tấn công trở lại.

Hùng Anh (CTV)


Hùng Anh (CTV)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]