(Baothanhhoa.vn) - Vùng đất Thạch Khê, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn (nay thuộc TP Thanh Hóa) còn được biết đến với tên gọi Kẻ Rủn. Tên gọi này không chỉ gắn với những dấu tích lịch sử, văn hóa cổ xưa, mà còn là sự gợi nhớ về một vùng đất giao thương phát triển.

Về đất cổ Kẻ Rủn

Vùng đất Thạch Khê, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn (nay thuộc TP Thanh Hóa) còn được biết đến với tên gọi Kẻ Rủn. Tên gọi này không chỉ gắn với những dấu tích lịch sử, văn hóa cổ xưa, mà còn là sự gợi nhớ về một vùng đất giao thương phát triển.

Về đất cổ Kẻ RủnĐền thờ Tể tướng Lê Hy trên quê hương Thạch Khê. Ảnh: Khánh Lộc

“Thạch Khê là nơi tụ cư của nhiều dòng họ... đông nhất là họ Lê. Đây là mảnh đất trù phú với những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, sơn thủy hữu tình. Xưa kia nơi đây còn nổi tiếng bởi đầm sen đẹp chạy dài theo dòng sông cạn thường gọi với tên Mau Rủn, suốt mùa hè và mùa thu ngào ngạt hương sen... Thạch Khê là vùng dân cư có truyền thống học hành khoa cử, trước kia từng có văn chỉ thờ Khổng Tử và đề cao Nho học, có bia khắc tên tôn vinh những người đỗ đạt"... (Sách Văn tài võ lược xứ Thanh).

Từ trung tâm TP Thanh Hóa đi về phía Tây (Quốc lộ 47) khoảng 12km sẽ đến vùng đất cổ Kẻ Rủn. Với nhiều thuận lợi về địa thế, từ rất sớm, Kẻ Rủn đã có con người đến cư ngụ. Theo các tài liệu lưu giữ tại địa phương, tên gọi sớm nhất của vùng đất cổ là Kẻ Rủn, rồi làng Rủn. Vào khoảng thế kỷ VII, làng có tên gọi Thạch Khê. Và Thạch Khê bấy giờ cách lỵ sở Trường Xuân chỉ một quãng ngắn. Đến thời vua Gia Long (nhà Nguyễn), từng có thời gian huyện lỵ Đông Sơn được dời về Kẻ Rủn.

Thời Bắc thuộc, khi Thái thú quận Cửu Chân Lê Ngọc xây dựng kinh đô Trường Xuân khởi binh chống lại nhà Đường, người dân Kẻ Rủn - Thạch Khê đã nô nức hưởng ứng. Về sau, khởi nghĩa thất bại, thủ lĩnh Lê Ngọc và những người con của ông bị bắt giết. Để tưởng nhớ tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm, người dân trong vùng đã lập đền thờ phụng.

Đến thế kỷ XV, Nguyễn Chích người Đông Ninh dựng cờ khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Minh, lấy dãy núi Hoàng Nghiêu làm căn cứ, phòng tuyến chống giặc. Nam nhân làng Thạch Khê lại hăng hái tề tựu dưới lá cờ nghĩa của danh tướng Nguyễn Chích. Về sau, nghĩa quân Nguyễn Chích hợp binh với nghĩa quân Lam Sơn, trải qua những năm tháng “nếm mật nằm gai” đã quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi nước Việt...

Khi vua Quang Trung tiến quân ra Bắc đánh đuổi quân Thanh xâm lược, trai làng Kẻ Rủn lại nô nức tòng quân đánh giặc. Về sau, khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, hưởng ứng chiếu Cần Vương, người làng Kẻ Rủn lại không tiếc mình vì đất nước... Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc, “lớp cha trước, lớp con sau, cùng với cả nước, Nhân dân Đông Khê lại bước tiếp cuộc hành trình giữ nước vĩ đại, tích cực chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến... Suốt chiều dài lịch sử, từ khi lập làng với tên gọi Kẻ Rủn xưa cho đến xã Đông Khê ngày nay, trải qua hàng ngàn năm, Nhân dân Đông Khê là những người đã làm nên những trang sử vàng hào hùng của địa phương và góp phần không nhỏ để làm nên tên vùng đất “địa linh nhân kiệt” huyện Đông Sơn” (sách Lịch sử Đảng bộ xã Đông Khê).

Đi qua thời gian và những thăng - trầm cùng lịch sử dân tộc, Kẻ Rủn đã đổi thay, phát triển từng ngày. Dẫu vậy, ở vùng đất này vẫn là cảnh quan làng quê thanh bình với những nét đẹp vốn có của làng quê Việt Nam. Trong không gian cảnh quan ấy, khách phương xa không khỏi ấn tượng trước một Mau (hồ) Rủn rộng lớn - như điểm nhấn cho bức tranh làng quê thêm trong xanh, mát lành.

Mau Rủn kéo dài từ Đông Hoàng, qua Đông Khê, nối với hệ thống sông đào nhà Lê. Có kiến giải cho rằng, Mau Rủn xưa kia có thể là một nhánh của sông Hoàng, quá trình “dịch chuyển” dòng chảy đã để lại một Mau Rủn cho vùng đất cổ. Mau Rủn gắn bó mật thiết với đời sống người dân Kẻ Rủn từ xa xưa đến ngày nay. Nơi đây không chỉ cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, điều tiết môi trường sinh thái, cùng với đó còn mang đến nguồn lợi cá tôm cho người dân địa phương. Cũng bởi những thuận lợi mà Mau Rủn mang đến, từ hàng trăm năm về trước, hai bên bờ Mau Rủn đã là chốn quần cư của người trong vùng.

Bờ Bắc của Mau Rủn là làng Thạch Khê Thượng (làng Thượng); tiếp đó là làng Thạch Khê Tiên (làng Tiên)... Bao quanh Mau Rủn có nhiều tre trúc. Và phía ngoài mau là đồng ruộng tốt tươi. Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, khi xưa phía Nam Mau Rủn là chợ Rủn. Lại nói, chợ Rủn khi xưa từng là trung tâm giao thương lớn trong vùng. Tại đây, tập trung hàng hóa nông lâm sản từ các huyện vùng thượng du đưa xuống, thủy, hải sản, muối, gạo từ đồng bằng, miền biển lên. Và cùng với đó còn có hàng hóa từ các nơi về... Từ đó, tạo nên những phiên chợ Rủn nhộn nhịp bán buôn.

Với lịch sử hình thành xóm làng từ rất sớm, người dân Kẻ Rủn trong hành trình lập làng, phát triển, không chỉ nỗ lực mưu sinh mà còn tạo dựng, vun đắp nên các giá trị văn hóa truyền thống.

Cũng như nhiều làng quê Việt truyền thống, trên đất Kẻ Rủn khi xưa có sự hiện hữu của nhiều công trình kiến trúc, văn hóa, gắn liền với đó là niềm tin tín ngưỡng của người dân trong làng. Theo lời kể của các bậc cao niên, trên đất làng Thạch Khê xưa kia, mỗi làng (nhỏ) đều có đền (nghè) thờ Thành hoàng. Như làng Thạch Khê Thượng thờ Thành hoàng làng Phổ Minh; làng Thạch Khê Tiên thờ Thành hoàng làng Quang Minh. Nhị vị Thành hoàng làng Phổ Minh và Quang Minh được cho là con trai của Thái thú quận Cửu Chân Lê Ngọc năm xưa.

Nằm giữa hai làng Thạch Khê Thượng và Thạch Khê Tiên có đình Trung - nơi diễn ra hội họp, bàn các việc lớn của làng (xã). Đình Trung cũng là không gian văn hóa diễn ra lễ hội mỗi dịp lễ, tết của người dân trong vùng.

Cùng với đó, làng còn có chùa, rồi cả cầu đá nối liền hai bờ Nam - Bắc của Mau Rủn; rồi cả “giếng nghiên, mũi bút”, gắn liền với những chuyện kể về tinh thần hiếu học của đất và người Thạch Khê.

Nhắc đến các di tích trên đất cổ Thạch Khê, không thể không nhắc đến Di tích lịch sử cấp quốc gia Bia đá và đền thờ Tể tướng Lê Hy - nhân vật nổi danh lịch sử thời Lê Trung hưng. Tên tuổi ông được nhắc đến trong nhiều sử sách như Đại Việt sử ký toàn thư; Khâm định Việt sử thông giám cương mục... Lịch sử “nhắc” đến Lê Hy với tư cách không chỉ là một nhà chính trị quyền cao, chức trọng, mà còn là một sử gia đã đóng góp trí tuệ, công sức vào việc hoàn thành bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư.

Và vùng đất cổ Kẻ Rủn - Thạch Khê cũng được biết đến là quê hương của cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Dẫn chúng chúng tôi tham quan vòng quanh làng, ông Lê Huy Khải, một người dân địa phương tự hào cho biết: “Kẻ Rủn, Thạch Khê xưa, Đông Khê ngày nay là vùng đất cổ. Sự cổ kính không chỉ ở tên gọi, những địa danh, mà còn cả ở những truyền thống, nét đẹp văn hóa được đời nối đời các thế hệ người dân lưu giữ. Đó là niềm tự hào, cũng là động lực để đất và người Đông Khê tiếp tục nỗ lực phát triển, xây dựng quê hương”.

Khánh Lộc

(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong các sách Văn tài võ lược xứ Thanh; Lịch sử Đảng bộ xã Đông Khê).



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]