(Baothanhhoa.vn) - Là huyện trung tâm miền núi, Ngọc Lặc có bốn dân tộc anh em cùng sinh sống: Kinh, Thái, Mường, Dao. Tổng dân số 140.000 người. Trong đó người Mường đông nhất, chiếm 70,5%. Cùng với người Mường Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, đồng bào dân tộc Mường Ngọc Lặc có một kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể, một hệ thống lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian vô cùng phong phú.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những người giữ “hồn Mường”

Là huyện trung tâm miền núi, Ngọc Lặc có bốn dân tộc anh em cùng sinh sống: Kinh, Thái, Mường, Dao. Tổng dân số 140.000 người. Trong đó người Mường đông nhất, chiếm 70,5%. Cùng với người Mường Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, đồng bào dân tộc Mường Ngọc Lặc có một kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể, một hệ thống lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian vô cùng phong phú.

Trên mảnh đất xứ Mường, từ thời “Đẻ đất đẻ nước”, Pồn Pôông là loại hình nghệ thuật không thể thiếu. “Pồn” có nghĩa là múa, là hát; “Pôông” có nghĩa là bông hoa. Hai chữ ấy ghép lại thành tên của một loại hình vừa hát, vừa múa bên cây bông để cầu cho bản Mường no ấm, ngô lúa đầy bồ, con người hạnh phúc. Với những giá trị văn hóa ấy, năm 2017 trò diễn Pồn Pôông, xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là niềm vinh dự lớn, là niềm tự hào, niềm vui và hạnh phúc của nhân dân xã Cao Ngọc nói riêng, của huyện Ngọc Lặc nói chung. Những ngày đón Bằng công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đâu đâu người ta cũng nói về Pồn Pôông, về sự tích cây bông với niềm tự hào trào dâng khôn xiết.

Chúng tôi gặp ông Bùi Hồng Nhi, nguyên Trưởng Phòng Văn hóa và anh Phạm Đình Cường vừa là Phó trưởng Phòng Văn hóa, vừa phụ trách Trung tâm Văn hóa huyện. Mấy năm nay rồi mới được gặp lại ông Nhi, người đã lăn lộn nhiều với phong trào văn hóa của huyện nhà, người cả một đời nghiên cứu và tìm cách để gìn giữ những giá trị văn hóa Mường. Ông già đi nhiều sau biến cố của gia đình khi vợ ông qua đời, nhưng trông ông vẫn dẻo dai và tràn đầy sinh lực. Vẫn phong độ như ngày xưa, ông đeo máy ảnh bên mình, chiếc máy ảnh đã gắn bó với ông trong suốt thời gian công tác cho đến bây giờ, nó đã cùng ông dành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi ảnh. Sau mấy câu chào hỏi, anh Cường giục chúng tôi lên đường xuống cơ sở kẻo muộn. Đường vào xã Thạch Lập không khó khăn như chúng tôi nghĩ, bởi đường đã được trải bê tông nhờ đóng góp xã hội hóa của bà con, hai bên đường thấp thoáng một vài nếp nhà sàn còn sót lại. Những đứa trẻ lùa nhau chơi trò trốn tìm hét vang cả bản. Một bức tranh no ấm, bình yên hiện ra trong mắt tôi. Hoa Thanh Táo đang nở rộ 2 bên đường. Hương Thanh Táo thơm một mùi thơm dịu nhẹ. Tôi đề nghị ông Nhi mở cửa kính và cho xe đi chậm lại để tận hưởng cái không khí trong lành của bản Mường. Bỗng cô gái trẻ cùng đi với tôi thốt lên:

- Ông ơi, cháu nghe có tiếng hát Xường ông ạ. Ông Nhi cười vang:

- Đúng rồi đó. Bà con đang hát Xường đấy cháu ạ. Ở đây ai cũng Xường được. Bây giờ họ không chỉ hát trong lễ hội mà trong sinh hoạt hàng ngày. Xường mang lại niềm vui sự hứng thú hơn trong công việc và giúp họ quên đi những mệt nhọc cháu ạ.

Tiếp lời ông Nhi, anh Cường cười nói:

- Có được điều này công lớn phải kể đến đồng chí Nhi đây. Bao nhiêu năm nay đồng chí ấy đã nghiên cứu bảo lưu rồi lại tìm cách để đồng bào Mường Ngọc Lặc không quên đi những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc mình.

Đáp lời anh Cường, ông Nhi vui vẻ nói:

- Tôi là người Mường. Tôi yêu văn hóa Mường. Tôi thường xuyên được “tắm” mình trong văn hóa của cha ông. Tôi không muốn nó dần mất đi. Tôi muốn nó trường tồn cùng thời gian. Việc tôi làm chỉ đơn giản vậy thôi anh ạ.

Sự chia sẻ chân thành của ông Nhi làm tôi có cảm xúc lạ, một sự trân quý đối với con người hết lòng vì văn hóa dân tộc quê mình. Cảm xúc này làm tôi nhớ đến nhà nghiên cứu văn hóa Vương Anh, người con đất Mường, người đã kể cho tôi nghe câu chuyện tình hoa bông trăng - câu chuyện của lễ hội Pồn Pôông. Theo ông, Lễ hội Pồn Pôông là một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc, gắn với người Mường, có ý nghĩa lớn về tâm linh. Không ai khẳng định Pồn Pôông ra đời khi nào, nguồn gốc từ mường nào, nhưng từ lâu nó trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống của người Mường. Lễ hội Pồn Pôông được gắn liền với chuyện tình sử bi ai của nàng Ờm với chàng Bồng Hương. Hai người yêu nhau tha thiết như đôi chim păng poóp, nhưng bố mẹ nàng Ờm cậy giàu sang phú quý chia cắt tình duyên hai người. Chàng Bồng Hương nhà nghèo khốn khó, cha mẹ nàng Ờm không những không gả con gái cho chàng trai mà còn đánh đập nàng Ờm tàn nhẫn và đuổi khỏi nhà. Đau đớn, nàng Ờm lần theo con suối và gặp chàng Bồng Hương. Hai người rủ nhau vào rừng cùng ăn lá ngón để cùng chết bên nhau. Chàng Bồng Hương lấy chiếc khăn trắng lau vết máu cho nàng Ờm, rồi vắt khăn lên cây chạng bạng. Cây chạng bạng nâng niu chiếc khăn và biến chiếc khăn thành dây hoa bông trắng quấn quýt cây. Từ đó hoa bông trắng nở vào tháng ba, gặp mưa thì hoa có màu trắng, gặp nắng thì hoa biến thành màu đỏ. Vì vậy, người Mường chọn cây hoa chạng bạng có hoa bông trắng nở để mở hội “Pồn Pôông”, hoặc làm hoa bằng giấy trắng, giấy hồng cắm lên cây chạng bạng chuẩn bị cho hội Pồn Pôông để cầu chúc cho mối tình chung thủy của nàng Ờm - Bồng Hương và cũng là dịp Mường vui vầy cùng các nam thanh, nữ tú.

Giật mình, tôi thoát ra khỏi dòng suy nghĩ về câu chuyện tình nàng Ờm và chàng Bồng Hương bởi tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng hát xường vọng ra từ ngôi nhà nhỏ phía trước. Xe dừng hẳn, trước mắt chúng tôi là nhà văn hóa thôn, với không gian thoáng đãng sạch sẽ, những bụi hoa hai bên tường rào được cắt tỉa gọn gàng chứng tỏ luôn được bà con ở đây đến sinh hoạt thường xuyên. Thấy chúng tôi bước vào mế Tắng định dừng lại, anh Cường ra hiệu để mế tiếp tục bài dạy của mình. Dự buổi dạy của một Nghệ nhân Ưu tú ở tuổi thất thập cổ lai hy, chúng tôi thật cảm động trước sự tận tâm của người nghệ nhân già. Mế say sưa hướng dẫn từng động tác cho các học viên. Ai cũng phải lên thực hành từng câu hát, điệu múa. Bỗng mế Tắng dừng lại chỉ tay về phía cuối lớp gọi một học viên lên hát. Một bé gái tóc cháy nắng vội vàng chạy lên. Mế xoa đầu bé cười nói:

- Mế thích mày, mày giống mế, yêu hát xường, yêu Pồn Pôông từ bé, cố học mà giữ vốn của dân tộc mình con nhé.

- Cô bé ấy chưa thể hiểu hết những điều mế nói đâu, bé thích học hát thật hay để được đi hội đấy. Ông Nhi thì thầm rồi nhoẻn miệng cười, mắt ánh lên niềm vui và hy vọng. Quả vậy, niềm vui thật đơn giản, bởi lúc này văn hóa lai căng đang khiến cho thế hệ trẻ quay lưng với văn hóa truyền thống Mường, dần quên lãng Pồn Pôông thì việc nhen nhóm sự thích thú của họ dành cho văn hóa dân tộc đã là niềm hạnh phúc của người cả đời tâm huyết với văn hóa Mường như ông Nhi.

Lúc giải lao tôi tranh thủ gặp mế. Nói chuyện với mế mới hiểu được tình yêu mà mế dành cho Pồn Pôông, cho văn hóa Mường sâu sắc chừng nào. Nó ngấm vào máu của mế ngay từ khi còn trong vòng tay của mẹ. Khi nghe chúng tôi nói về việc học tập và làm theo Bác Hồ, mế hồ hởi nói:

- Người Mường chúng tôi ơn Bác, ơn Đảng lắm. Mế không hiểu điều gì cao siêu, chỉ biết rằng mình sống để yêu và cống hiến hết mình cho văn hóa dân tộc là vui rồi các cô ạ. Như vậy có phải học theo Bác không cô? Thế rồi mế cười to khiến chúng tôi cảm kích biết bao trước sự giản dị trong sáng, hồn nhiên, tự nhiên ấy. Ngồi bên cạnh mế Tắng, ông Bùi Hồng Nhi thủng thẳng nói:

- Mế ơi, chúng ta như vậy là học Bác rồi mế. Chúng ta đang cố gắng để gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mình như vậy là đáng quý lắm. Bác Hồ cũng như chúng ta, Người cũng được nuôi dưỡng tâm hồn bằng những câu dân ca, những làn điệu ví dặm xứ Nghệ, những giá trị văn hóa của dân tộc. Người khuyên chúng ta phải biết kế thừa, phát triển di sản quý báu của dân tộc. Như vậy chúng ta đang học tập và làm theo những gì Bác dạy đấy mế ạ.

- Phải đấy mế, chúng ta học Bác từ những điều đơn giải nhất là giữ gìn và truyền lại những gì chúng ta đang có là được mế ạ - nắm bàn tay gầy của mế, tôi nói trong xúc động. Đã hơn 10 năm gắn bó với công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tôi thật sự yêu quý người nghệ nhân già này. Ngay từ những ngày đầu khi tôi được gặp mế, tôi đã ấn tượng với hình ảnh người phụ nữ Mường vừa đánh trống vừa nhảy rất hăng say trong chương trình văn nghệ “Hương sắc vùng cao” do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức năm 2010. Lúc ấy tôi còn chưa biết người phụ nữ ấy là mế Tắng, mãi sau này được đi cơ sở về với những con người đang gìn giữ hồn cốt của văn hóa Mường tôi mới biết đó là mế - người phụ nữ Mường nhỏ bé, say mê với trò diễn Pồn Pôông. Khi ấy mế còn chưa được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, nhưng hàng ngày mế vẫn dạy hát, dạy nhảy cho các con mày, con nuôi để họ cùng vui với mế trong các dịp lễ hội. Năm nay mế đã 74 tuổi, mế vẫn tiếp tục dạy miễn phí cho con, cháu trong ngoài xã. Người dân xã Cao Ngọc nơi mế sinh ra, nhờ có mế mà ai cũng thích Pồn Pôông, ai cũng có thể tham gia các trò diễn trong lễ hội. Năm 2019 được sự ủng hộ của UBND huyện Ngọc Lặc trong công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trò diễn Pồn Pôông, mế Tắng được mời đi truyền dạy tại các xã trong huyện. Hôm nay, tôi được gặp lại mế ở lớp truyền dạy tại xã Thạch Lập. Mế vẫn vậy, vẫn nhiệt huyết như ngày nào. Tuổi tác không làm giảm đi ngọn lửa cháy trong tim của người Nghệ nhân Ưu tú này.

- Mế Tắng nhiệt tình lắm cô ạ, tham gia các lớp truyền dạy này có xã gần, có xã xa nhưng mế không bỏ buổi nào đâu. Tiếng của anh Cường cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi. Cô biết không, chúng tôi đang tranh thủ những nghệ nhân tâm huyết này đấy. Tôi sợ lắm, sợ cái ngày các cụ mang đi tất cả sang thế giới bên kia các cô ạ.

Tôi tin điều anh Cường nói. Trong suốt thời gian theo dõi phong trào văn hóa cơ sở ở huyện tôi biết huyện Ngọc Lặc đã nỗ lực hết mình trong công tác gìn giữ văn hóa Mường. Ngoài việc thành lập câu lạc bộ (CLB) văn hóa dân gian Mường, huyện cũng đã lập kế hoạch truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - trò diễn Pồn Pôông của dân tộc Mường. Người đứng lớp là nghệ nhân Phạm Thị Tắng, Phạm Vũ Vượng, ông Bùi Hồng Nhi và chị Hương. Mỗi xã cử ra 2 người yêu thích trò diễn Pồn Pôông và các công chức văn hóa - xã hội. Số người này là nòng cốt để lan tỏa niềm đam mê văn hóa dân gian trong cộng đồng của 22 xã, thị trấn huyện Ngọc Lặc.

- Thường thì ai đưa mế đi ạ? Tiếng cô gái đi cùng tôi nhỏ nhẹ hỏi.

- Hôm thì con gái mế, hôm thì ông già Vượng kia kìa. Mế nói rồi chỉ tay về phía ông Vượng đang dắt xe từ ngoài cổng vào. Thấy ông Vượng vào đến cửa mế nói to cố ý để ông nghe:

- Hôm nay ông già bỏ tôi đi một mình nên đến muộn rồi đấy. Mế cười vang khiến tất cả mọi người ai cũng chung theo cảm xúc vui vẻ của mế.

Ông Vượng người nhễ nhại mồ hôi, vẫn giọng lơ lớ không rõ tiếng kinh ông chào hỏi chúng tôi rồi uống một hơi hết cốc nước trà xanh...

- Đến giờ lên lớp của ông rồi đấy, ông chuẩn bị dạy đi thôi, ông Nhi nhắc nhẹ.

Như sực nhớ ra công việc của mình, ông vội vàng đứng dậy chỉnh lại bộ cồng 4 và trống chuẩn bị cho buổi truyền dạy của mình. Ông bắt đầu buổi dạy bằng một hồi cồng ngân vang.

Hơn nửa đời người gắn bó với cồng, chiêng, ông được xem là người đánh cồng chiêng điêu luyện nhất huyện Ngọc Lặc và cũng được xem là người truyền dạy cồng chiêng tốt nhất của huyện. Ông yêu chiêng như chính sinh mạng của mình. Hiện tại ở nhà ông có 24 chiếc chiêng, tất cả đều được ông yêu quý, gìn giữ đặc biệt cẩn thận. Với tâm nguyện giữ gìn và truyền lại những gì ông đang có cho thế hệ trẻ, nên năm 2007 ông Phạm Vũ Vượng đã đề xuất với chính quyền địa phương, đứng ra thành lập “CLB cồng chiêng”, đến năm 2008, CLB này đổi thành “CLB văn hóa dân gian dân tộc Mường, huyện Ngọc Lặc”. Đây là nơi hội tụ những người đam mê văn hóa dân tộc Mường, không kể già, trẻ, trai, gái; không phân biệt tuổi tác, họ đều có chung một tâm nguyện muốn lưu truyền vốn văn hóa quý báu của dân tộc mình cho con cháu mai sau. Ban đầu CLB có 72 người, độ tuổi từ 17 đến 92 tuổi, nhưng một số người do điều kiện không cho phép nên họ xin rút khỏi CLB, một số cụ do tuổi cao, sức yếu đã qua đời, nên hiện CLB chỉ còn 35 hội viên (người ở xa nhất khoảng 20km). Khi mới thành lập CLB, ban đầu ông chỉ dạy cho những người trong CLB cồng chiêng của thôn Quang Thuận, về sau mọi người trong, ngoài xã đến nhờ ông dạy. Cho đến giờ ông chưa từ chối một ai và cũng không thu phí của bất kỳ ai. Bởi với ông việc truyền lại cho thế hệ trẻ hôm nay niềm say mê cồng chiêng là việc làm ông vui, vui vì có thêm nhiều người cùng chung tay gìn giữ, phát huy nét văn hóa truyền thống dân tộc mình trong cuộc sống hôm nay.

Tôi nhớ có lần ông Vượng tâm sự:

- Trong di sản văn hóa Mường, cồng chiêng luôn hiện hữu đồng thời với sự hiện hữu người Mường. Cồng chiêng vang lên khi đứa bé Mường chào đời, đến khi người Mường qua đời. Cồng chiêng nói thay tâm tình giữa người với người, thay người liên lạc với thần linh, dẫn linh hồn người Mường chu du qua vũ trụ “ba tầng bốn thế giới” Mường. Cồng chiêng, do đó là tiếng lòng người Mường ngàn đời ngân vang khắp rừng, khắp núi. Và hôm nay tiếng lòng của ông thông qua tiếng chiêng thổi vào tâm hồn thế hệ con cháu để họ nối tiếp ông gìn giữ “tiếng lòng” của người Mường. Tháng 8 năm nay ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, đây là sự ghi nhận của Nhà nước dành cho những cống hiến của ông trong suốt cuộc đời. Nó là nguồn động viên tinh thần để những bước chân không mỏi của ông tiếp tục đến với các bản mường, dùng tiếng chiêng của mình đánh thức những tâm hồn người Mường để họ cùng ông giữ lấy hồn cốt văn hóa dân tộc Mường.

Mặt trời gần đứng bóng, thời tiết nóng nực nhưng các học viên vẫn hăng say nhảy đều theo tiếng trống, tiếng chiêng. Có lẽ họ đã thực sự tìm lại được “hồn Mường” trong con người họ khi đến với lớp học và lúc này họ quên đi mọi thứ, chỉ có tình yêu với văn hóa Mường là ở lại.

Hoàng Hằng (Trung tâm Văn hóa tỉnh)


Hoàng Hằng (Trung Tâm Văn Hóa Tỉnh)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]