(Baothanhhoa.vn) - Vĩnh Lộc là vùng đất hình thành và nuôi dưỡng nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc. Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa này đang gặp phải không ít khó khăn, khi nhiều di sản đang đứng trước nguy cơ mai một, thậm chí không thể khôi phục.

Nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc

Vĩnh Lộc là vùng đất hình thành và nuôi dưỡng nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc. Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa này đang gặp phải không ít khó khăn, khi nhiều di sản đang đứng trước nguy cơ mai một, thậm chí không thể khôi phục.

Nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện Vĩnh LộcCâu lạc bộ tuồng cổ thôn Bèo, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân địa phương.

Đến với Vĩnh Lộc để được hòa mình vào “Tiếng hát chèo thuyền trên sông” trong lễ hội Rước nước chùa Báo Ân (xã Vĩnh Hùng); “Mười điệu hát múa chèo chải” trong lễ hội Kỳ Phúc (xã Vĩnh Quang); hát múa chèo chải và sân khấu hóa ở lễ hội Trần Khát Chân (thị trấn Vĩnh Lộc); lễ hội phủ Trịnh (xã Vĩnh Hùng)... Đây là những lễ hội truyền thống, cũng là những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, giữ vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa - tinh thần của người dân vùng đất Tây Đô từ bao đời nay.

Trong thời gian qua, nhiều chương trình, dự án có liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã và đang được huyện Vĩnh Lộc chú trọng thực hiện. Theo đó, những di sản như: hát múa chèo chải, hát chèo cạn, hát ca công, hát tuồng cổ... bước đầu được quan tâm bảo tồn và đưa vào phục vụ Nhân dân, khách du lịch. Đặc biệt, có 3 câu lạc bộ (CLB) đã được Quỹ FOR tài trợ kinh phí khôi phục và duy trì hoạt động: CLB chèo chải, xã Vĩnh Quang, CLB chèo cạn, xã Vĩnh Thành, CLB chèo chải chùa Báo Ân, xã Vĩnh Hùng.

Cùng với đó, một số CLB văn nghệ dân gian đã được thành lập và hoạt động, bước đầu đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của Nhân dân, gắn với phục vụ khách du lịch như: CLB tuồng cổ tại thôn Bèo, CLB chèo tại thôn Xuân Áng (xã Vĩnh Long), CLB văn hóa nghệ thuật Thành Nhà Hồ. Tuy nhiên, cũng có không ít CLB gần như không hoạt động. Cụ thể như CLB ca trù xã Vĩnh Ninh, do không có sự định hướng của chính quyền địa phương, không có kinh phí duy trì hoạt động, thậm chí không thu hút được sự tham gia của cộng đồng, nên đã ngừng hoạt động. Cùng với đó là hát múa chèo chải trong Lễ hội Kỳ Phúc, xã Vĩnh Quang; trò chơi dân gian bài điếm ở xã Vĩnh Tân, xã Vĩnh Ninh đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Một số loại hình trình diễn dân gian như hát cách sông và hát trống quân, không có khả năng phục hồi do không có người truyền dạy, còn các câu hát đã thất truyền, không còn đủ bài theo nguyên gốc.

Theo báo cáo kết quả kiểm kê, đến nay trên toàn huyện có 6 loại hình văn hóa phi vật thể với 37 di sản. Trong đó có 22 di sản còn tồn tại, 7 di sản đã bị mai một không có khả năng phục hồi, 3 di sản có nguy cơ mai một (cờ người, bài điếm, tuồng cổ). Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song huyện Vĩnh Lộc đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể. Đó là nguồn kinh phí, phương tiện, con người phục vụ cho công tác này còn nhiều hạn chế.

Được biết, để phát huy hiệu quả hoạt động của các CLB tuồng cổ, chèo chải, mỗi năm ngân sách của huyện và xã hỗ trợ 30 triệu đồng/CLB. Tuy nhiên, do ngân sách có hạn nên khó có thể “với” được hết di sản văn hóa phi vật thể.

Đại diện Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Vĩnh Lộc cho rằng, muốn bảo tồn bền vững, phải bắt đầu từ cộng đồng. Song, để thực hiện được điều này cần sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài, nhiều loại hình văn hóa phi vật thể chưa được quan tâm bảo tồn, hoặc bảo tồn thiếu tính toàn diện, dẫn đến một số loại hình đã mai một, không có khả năng khôi phục và một số loại hình trên đà mai một. Mặt khác, trong đời sống xã hội hiện nay, nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đã không còn phù hợp. Trong khi đó, đặc thù của di sản văn hóa phi vật thể là chỉ có thể tồn tại khi được cộng đồng thực hành, gìn giữ.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND huyện Vĩnh Lộc đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025”. Theo đó, việc bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể sẽ gắn với phát triển du lịch, nhằm giữ gìn văn hóa truyền thống, phong tục địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng và vai trò quản lý Nhà nước của chính quyền; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trên các phương tiện thông tin, truyền thông...

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]