(Baothanhhoa.vn) - Trong suốt hành trình sáng tạo của mình, nhà thơ Lâm Bằng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng ban thơ Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vùng biên ải xứ Thanh. Bên cạnh tình yêu quê hương, đất nước, những trang viết ấy lưu giữ biết bao hồi ức, kỷ niệm đẹp của ông về một thời tuổi trẻ nhiệt huyết, say mê, cống hiến hết mình với đồng đội, với màu áo xanh biên phòng, với miền biên ải xứ Thanh tươi đẹp...

Nhà thơ Lâm Bằng với miền biên ải xứ Thanh

Trong suốt hành trình sáng tạo của mình, nhà thơ Lâm Bằng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng ban thơ Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vùng biên ải xứ Thanh. Bên cạnh tình yêu quê hương, đất nước, những trang viết ấy lưu giữ biết bao hồi ức, kỷ niệm đẹp của ông về một thời tuổi trẻ nhiệt huyết, say mê, cống hiến hết mình với đồng đội, với màu áo xanh biên phòng, với miền biên ải xứ Thanh tươi đẹp...

Nhà thơ Lâm Bằng với miền biên ải xứ ThanhTập thơ “Đường tuần tra” của nhà thơ Lâm Bằng.

Nhà thơ Lâm Bằng bộc bạch: “Viết về miền biên ải xứ Thanh, về những người lính biên phòng chính là đang tái hiện một phần cuộc sống của tôi. Bởi đó là nơi tôi đã từng sống, từng công tác. Ở đó có đồng đội tôi, bạn bè tôi và những tác phẩm đầu tay của tôi cũng được ra đời ở đó. Có thể nói, một phần tuổi trẻ của tôi là ở biên cương. Những gian nan, vất vả của tôi và đồng đội là ở nơi ấy. Và những sáng tác của tôi thời ấy đều dành viết về biên cương”. Với ông Bằng, những trang viết đầu tay vẫn còn đó vụng dại, non nớt, hồn nhiên nhưng nhiệt huyết, say mê, chân thật trong cảm xúc là điều không dễ gì tìm lại được. Những tác phẩm mà lớp bụi thời gian cũng không thể phủ mờ trong tâm trí ông, tiêu biểu như: “Lên điểm tựa”, “Đọc thư em trên điểm tựa biên phòng”, “Ơi người chiến sĩ tuần tra”, “Nơi biên thùy anh thức cùng em”...

Từ những dòng thơ đầu tay cho đến ngày hôm nay, khi đã đạt được nhiều thành quả trên thi đàn xứ Thanh, miền biên ải xứ Thanh với đủ đầy những cung bậc cảm xúc, ký ức, hoài niệm vẫn đủ sức khơi dậy mạch nguồn sáng tạo, bật lên thành con chữ, ý thơ. Năm 2020, nhà thơ Lâm Bằng cho ra mắt bạn đọc tập thơ mang tên “Đường tuần tra” (NXB Thanh Hóa). Nếu ví tập thơ “Đường tuần tra” như một trái tim lớn thì 60 bài thơ được giới thiệu trong tác phẩm tựa như những mạch máu căng trào, ấm nóng liên kết với nhau nuôi dưỡng từng nhịp đập con tim ấy.

Đọc tập thơ “Đường tuần tra”, cảnh sắc thiên nhiên, tình người đôn hậu, tình quân – dân thắm thiết... đưa bạn đọc đi qua những miền cảm xúc, ấn tượng khác nhau. Ở đó, độc giả dễ dàng nhận thấy một điều rằng: Người chiến sĩ biên phòng gần như là hình tượng xuyên suốt trong các sáng tác của nhà thơ Lâm Bằng ở mảng đề tài này.

Trong thơ Lâm Bằng, miền biên ải xứ Thanh đầy gian khó, hiểm nguy nhưng cảnh sắc thiên nhiên gợi thương gợi nhớ với màu xanh đại ngàn, với trời cao, mây trắng, nắng vàng: “Nắng đùa gió núi nắng vương ngọn đồi/ Bồng bềnh mây trắng thảng trôi” (Tháng năm đến với biên cương); sắc xuân rực rỡ: “Đào rộ hoa thắm đỏ rừng xuân/ Ngựa tuần tra dừng chân bên suối/ Hoa rắc thơm áo chiến sĩ biên phòng” (Xuân biên phòng); những nẻo đường tuần tra đẹp đến nao lòng: “Đường biên phòng vang rộn tiếng chim/ Đường tuần tra mang hương đồng lúa chín/ Mỗi lẫn đi qua lá rừng bịn rịn/ Nghiêng nghiêng cành níu ve áo xanh” (Từ biên cương anh gửi cho em); mùa đông đến là “núi quấn khăn mây mỗi chiều” và bình minh đến trong “sắc nắng xôn xao”...

Như tạc vào cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp ấy, hình ảnh người chiến sĩ biên phòng được khắc họa vừa mộc mạc, chân thực, gần gũi vừa sắc nét, đa chiều, đa tầng cảm xúc. Đó không chỉ là hình ảnh người chiến sĩ gan dạ, quả cảm, kiên gan bền chí trên những nẻo đường tuần tra: “Gội sương lội suối băng qua bao đèo/ Vượt bao vách núi cheo leo/ Quản chi vực thẳm suối sâu cản đường” (Ơi người chiến sĩ tuần tra). Đường “lên điểm tựa” lắm nỗi vất vả, nhọc nhằn mà cũng không thiếu niềm vui, hào sảng người lính: “Bảy mươi mốt bậc thang lên điểm tựa/ Ngả ba lô lưng áo đẫm mồ hôi/ Hơi thở dốc chìm bay trong gió/ Tiếng cười vang xen giữa mây trời”. Và có lẽ, nếu có kể mãi về những hiểm nguy, gian khó cũng chẳng bao giờ vơi chuyện: “Điểm tựa nơi anh cao một ngàn năm trăm thước/ Gió như bão bốn mùa nhưng có dễ mưa đâu/ Nói chuyện chỉ hai người cũng như thể cãi nhau/ Nói như quát mới nghe được với gió” (Kể chuyện nước ở điểm tựa)... Về phía biển, “dấu chân người tuần tra” như in vào cát: “Dấu cát in lên những bước dài/ là vẫn vậy giữa thường ngày lặng lẽ/ Tựa vô tình in rồi lại xóa/ Biển ôm vào lòng ngàn vạn bước chân quen”. Bóng dáng người chiến sĩ đứng canh gác giữa mây trời lồng lộng, sóng nước mênh mông mãi là khúc ca đẹp nơi biển đảo: “Một nét như trong ngàn nét biển/ Chẳng lạ xa, vẫn nét biển ngàn đời/ Những con mắt đang dõi canh sắc biển/ Đấy mới là sắc đảo giữa trùng khơi” (Đảo).

Trên dải đất biên cương ấy, người chiến sĩ mang theo nỗi nhớ quê hương, nhớ nhà, bóng dáng người yêu dấu... Nhưng vì tiếng gọi Tổ quốc thiêng liêng, tình yêu quê hương, vì nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, họ tạm gác lại những nỗi niềm riêng ấy.

Đã từng là người lính biên phòng, nhà thơ Lâm Bằng hiểu hơn ai hết tâm tư người chiến sĩ. Vì lẽ đó, lời thơ cất lên như tiếng lòng được thổ lộ: “Trên điểm tựa biên phòng đêm nay anh đọc thư em/ Nghe quê hương lúa đang đọng mật/ Nghe hậu phương đang cùng anh thức/ Nghe trong lòng xao xuyến bâng khuâng” (Đọc thư em trên điểm tựa biên phòng).

Tình quê chan chứa, ấp ủ trong tim giúp người chiến sĩ vượt qua cái giá lạnh, heo hút, mịt mùng trong đêm tối rừng biên: “Sương buông sớm, cây rừng choàng voan trắng/ Bóng tối dần lan giấu lối đi/ Rừng khuya sương lạnh thèm hơi lửa/ Bỗng thấy tình quê ấm biên thùy” (Rừng biên). Nỗi nhớ ấy là vô định lượng, là cảm giác thường trực nên chỉ một cái chạm nhẹ cũng khiến cảm xúc trào dâng: “Một sắc quê hương giữa nước trời/ Mướp vàng chen nở sóng trùng khơi. Ơ hay lối ngõ quê yêu dấu/ Ai đã đem ra tận đảo này” (Quê đảo)...

Đời lính viễn chinh nay đây mai đó, từ nơi nào xa lắm mà thấy một con sông cũng mang nặng dáng hình xứ sở, mang nặng tình yêu thương dành cho em: “Nhớ quê mình nhớ lắm em ơi/ Mỗi khi hát “Con sông Hồng chảy về đất mẹ”/ Nỗi nhớ lắng sâu, sao tha thiết thế/ Bởi “cuối dòng sông nơi ấy quê nhà”/ Dẫu đầu nguồn và nơi ấy cách xa/ Nhưng khoảng cách không gian như ngắn lại/ Khi dòng nước trôi về nơi ấy/ Và nơi này anh hát khúc “gửi em” (Khi hát về dòng sông).

Một câu dân ca cũng khiến lòng anh lâng lâng hạnh phúc: “Bỗng vút lên giữa rừng câu hò sông Mã/ Nghe bồi hồi như đi giữa miền quê/ Nỗi nhớ nhung xao xuyến được vỗ về/ Bởi nghe em hát dân ca trước giờ lên điểm tựa” (Nghe em hát dân ca trước giờ lên điểm tựa).

Nhà thơ Lâm Bằng đã dành nhiều trang viết của mình để khắc họa, tâm sự, giãi bày và lan tỏa cảm xúc yêu mến, trân trọng, tự hào khi nghĩ về miền biên ải xứ Thanh. Tuy nhiên, chính ông cũng mang theo nhiều trăn trở, tâm tư khi tiến bước trên “địa hạt” này. Ông giãi bày: Miền biên ải xứ Thanh rộng lớn, đa sắc, đa màu, là chất liệu văn học nghệ thuật tuyệt vời. Xứ Thanh là mảnh đất màu mỡ cho văn học nghệ thuật phát triển; lực lượng văn nghệ sĩ xứ Thanh cũng rất đông đảo. Và hầu như trong hành trình sáng tác của mình, mỗi nhà văn, nhà thơ ít nhất đã từng một lần đặt bút viết về miền biên ải xứ Thanh, về những người chiến sĩ và công lao, đóng góp, hy sinh thầm lặng của họ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó, chứng tỏ các nhà thơ xứ Thanh rất tâm huyết về đề tài này. Nhiều cây viết đã ghi được dấu ấn như: Nguyễn Minh Khiêm, Hoàng Quốc Cảnh, Nguyễn Thanh Xuyết, Bùi Khắc Viên, Bùi Nhị Lê, Bùi Kim Quy, Nguyễn Duy Chinh, Nguyễn Trọng Liên... Tuy nhiên, bên cạnh những điều đã làm được, chúng ta cũng cần có sự nhìn nhận thẳng thắn: Văn học nghệ thuật xứ Thanh vẫn chưa có tác phẩm lớn, xứng tầm với những chiến công cũng như những hy sinh vất vả, những gian lao, nhọc nhằn của chiến sĩ biên phòng và người dân; sáng tác văn học vẫn chưa theo kịp đời sống sôi động của vùng biên ải. Đó là điều trăn trở của người viết và cũng là thách thức lớn cho những người cầm bút hôm nay.

Sự tinh tế trong hình ảnh, nhịp điệu, chau chuốt ngôn từ, thăng hoa trong cảm xúc là những đặc sắc nghệ thuật trong thơ Lâm Bằng. Tập thơ “Đường tuần tra” cũng không là ngoại lệ. Mỗi vần thơ gieo vào lòng bạn đọc, lan tỏa đi muôn phương thông điệp tác giả muốn gửi gắm: Miền biên viễn xứ Thanh đẹp lắm, hình ảnh người lính thân thương lắm. Họ là những người luôn phải đối mặt với nhiều gian nan, vất vả, sẵn sàng hy sinh tính mạng để giữ vững từng tấc đất biên cương, hải đảo. Khi mối ngày chúng ta sống là một ngày bình yên thì đâu đó trên biên giới, tiếng súng vẫn nổ và máu người lính vẫn đổ. Những hy sinh, mất mát của người lính nơi biên ải vẫn luôn thường trực ngay cả ở thời bình. Mỗi người trong chúng ta hãy thấu hiểu hơn những hy sinh, vất vả của những người canh giữ biên cương, hải đảo để từ đó thêm yêu hơn người lính, yêu hơn mảnh đất biên ải xa xôi mà gần gũi, nêu cao ý thức, trách nhiệm, chung tay góp sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Bài và ảnh: Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]