(Baothanhhoa.vn) - Nguyễn Xí (1397-1465) tuy không phải quê gốc Thanh Hóa nhưng ông là một danh tướng, đại thần dưới bốn triều vua: Lê Thái tổ, Lê Thái tông, Lê Nhân tông, Lê Thánh tông, làm phụ chính cho hai vua: Lê Thái tông, Lê Nhân tông.

Nguyễn Xí, công thần nhà Lê

Nguyễn Xí (1397-1465) tuy không phải quê gốc Thanh Hóa nhưng ông là một danh tướng, đại thần dưới bốn triều vua: Lê Thái tổ, Lê Thái tông, Lê Nhân tông, Lê Thánh tông, làm phụ chính cho hai vua: Lê Thái tông, Lê Nhân tông.

Nguyễn Xí, công thần nhà Lê

Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí cùng các vị công thần khai quốc thời Hậu Lê được thờ trong Di tích lịch sử cấp quốc gia Đền Ngọc Lan ở thị trấn Lam Sơn (Thọ Xuân). Ảnh: Kiều Huyền

Nguyễn Xí tên chữ Hán có nghĩa là ngọn lửa rực sáng của họ Nguyễn. Ông sinh ở làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc (nay là xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Mồ côi cha mẹ từ khi 9 tuổi, Nguyễn Xí cùng với anh trai là Nguyễn Biện rời quê hương ra đất Lam Sơn (Thanh Hóa) ở với Lê Lợi.

Năm 1416, Lê Lợi cùng 18 chiến hữu mở hội thề Lũng Nhai dấy nghĩa chống giặc Minh xâm lược. Hai anh em Nguyễn Biện, Nguyễn Xí đều có mặt. 21 tuổi, Nguyễn Xí cùng anh trai và các chiến hữu lập công đầu trong các trận đánh ở Lạc Thủy, Mường Thôi... thuộc các vùng thượng lưu sông Chu.

Mười năm nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử, Nguyễn Xí luôn là vị tướng tiên phong tham gia đánh thắng nhiều trận đánh lớn: Bồ Đằng, Trà Lân, thành Nghệ An, thành Diễn Châu, Tốt Động, Chúc Động, Đông Quan, Xương Giang... để “giang sơn thu về một mối”, đất nước hoàn toàn giải phóng sau 20 năm chìm đắm dưới ách thống trị của giặc Minh, vang khúc “Bình Ngô đại cáo” khắp non sông.

Năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi lên ngôi vua, Nguyễn Xí được xếp vào hàng “khai quốc công thần” được phong chức “Long hổ thượng tướng suy trung bảo chính công thần”. Năm Thuận Thiên thứ hai (1429), nhà vua cho khắc biển công thần, khi bàn công, ông đứng vào hàng thứ năm, được phong tước Huyện Hầu. Để thể hiện sự ưu ái đặc biệt cho những người có công lớn trong khởi nghĩa, Lê Lợi đã ban quốc tính cho Nguyễn Xí là Lê Xí.

Các sách sử “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Đại Việt thông sử”, “Lịch triều hiến chương loại chí”, “Việt sử tổng vịnh” và các thư tịch khi miêu tả lại quá trình phục hưng nhà Lê đều đã ghi công đầu cho Nguyễn Xí.

Năm 1433, Vua Lê Thái tổ qua đời. Nguyễn Xí nhận di chiếu cùng một số quần thần lập Thái tử Nguyên Long (tức Lê Thái tông) lên ngôi vua lúc mới 10 tuổi. Ông giữ cương vị Phụ nhiếp chính triều đình (giúp vua điều hành công việc triều chính).

Trong vương triều nhà Lê, Nguyễn Xí giữ nhiều chức vụ trọng yếu, góp phần to lớn để xây dựng đất nước, mở mang bờ cõi, củng cố chế độ nhà Lê. Khi đất nước bị ngoại xâm, ông là người cầm quân đi đánh giặc. Đặc biệt, khi vương triều nhà Lê bị lâm vào cảnh Lê Nghi Dân giết Lê Băng Cơ và Hoàng Thái hậu chiếm đoạt ngôi vua, gây ra sự nhiễu loạn trong triều đình, Nguyễn Xí đã chủ xướng cuộc chính biến vào năm 1460 diệt trừ bọn phản loạn. Sau khi dẹp bỏ Lê Nghi Dân và bè đảng, Nguyễn Xí đưa Lê Tư Thành (tức Lê Thánh tông) lên ngôi báu. Với chiến công oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống quân Minh giải phóng dân tộc và công lao vĩ đại đối với quốc gia trong việc lập lại triều chính, Nguyễn Xí được Vua Lê Thánh tông ban tặng là người: “Bình Ngô khai quốc/ Tịnh nạn trung hưng”. Cũng chính từ đó, các đời sau coi Nguyễn Xí là: “Người hai lần khai quốc”.

Trong cuộc đời làm quan phụng sự 4 triều Vua Lê (Lê Thái tổ (1428-1433), Lê Thái tông (1434-1442), Lê Nhân tông (1443-1459), Lê Thánh tông (1460-1497), Nguyễn Xí một lòng một dạ trung trinh, khai quốc công thần, mở mang đất đai bờ cõi non sông, bảo vệ từng tấc đất cha ông để lại. Ông đã có vai trò khá quyết định trong nhiều chính sách tiến bộ. Theo đó, chia quân ra làm 5 phiên, chỉ để một phiên tại ngũ còn lại cho về làm ruộng theo đường lối “Động vi binh, tĩnh vi dân” (khi động thì làm lính, khi tĩnh thì làm dân), cấp cho dân những nơi không có ruộng đất đến cày cấy ở những nơi thừa ruộng đất, cấm không được giữ đất để bỏ hoang, cho miễn thuế, miễn mọi thứ tạp dịch phu phen nhằm tạo sự an cư lạc nghiệp cho Nhân dân ở các vùng mới khai phá. Không chỉ là một võ tướng tài ba, Nguyễn Xí còn là một nhà chính trị lỗi lạc đối với quốc nội và quốc ngoại.

Cả một đời trung nghĩa với đất nước, với vương triều, ông răn dạy con cháu đời sau phải giữ sự trung thành bằng cách viết bản di huấn trình lên vua ngự phê rồi khắc vào bia đá để lưu truyền cho các thế hệ sau. Bản di huấn của ông được Vua Lê Thánh tông chuẩn y và cho đóng dấu nhà vua lên dòng chữ ghi niên hiệu viết văn bản.

Để tỏ lòng kính trọng Nguyễn Xí, Vua Lê Thánh tông còn viết bài “Chế dụ” với lời lẽ hết sức trân trọng: “Xét Nguyễn Xí đây khí độ trầm hùng, tính người cương đại... Ra vào hết chức phận tướng văn tướng võ. Trước sau giữ trọn tiết làm tôi, làm con. Giữ mình có đạo, hồn nhiên như ngọc chẳng khoe tươi. Nghiêm mặt ở triều, lẫm liệt như thanh gươm mới tuốt. Các quan đều ngưỡng mộ phong thái. Bốn biển đều ngưỡng vọng uy danh...”.

Khi Nguyễn Xí tạ thế (1465), Vua Lê Thánh tông nghe tin đã bỏ 3 ngày ngự triều. Linh cữu của ông được quàn tại điện Kính Thiên, thực hiện hội tế theo nghi lễ quốc tang. Ngoài ra, nhà vua còn truy tặng ông tước “Thái sư Cương Quốc công, Đặc ân khai quốc, Thụy Nghĩa vụ”.

Với những cống hiến lớn lao cho dân tộc Đại Việt, Nguyễn Xí đã được tôn vinh không chỉ lúc sinh thời với những chức tước trọng yếu khác nhau, mà sau khi qua đời công lao của ông vẫn được tỏa sáng. Các triều vua sau tiếp tục phong cho ông mức cao nhất là “Thượng thượng đẳng tôn thần”.

Không chỉ có đền thờ do Nhà nước xây dựng, ông còn được Nhân dân nhiều nơi lập đền thờ và tôn làm phúc thần như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội. Đặc biệt, ông còn được phối thờ ở miếu Lịch đại đế vương do triều đình lập nên để thờ các bậc đế vương và danh thần, danh tướng các triều đại. Tên của ông được đặt cho các công trình đường sá, trường học ở nhiều thành phố trên khắp cả nước như ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vinh, Cửa Lò... Đặc biệt, Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Xí, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An với sự đầu tư kinh phí lớn của Nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2020.

Về khu 1 - thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, cách Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Lam Kinh khoảng 1 km, di tích Chiêu Anh quán - đền Ngọc Lan (Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1962) nơi trạm canh gác, nơi chiêu binh đầu tiên trước khi quân sĩ vào Lam Sơn cũng đặt bàn thờ bảy vị công thần của nhà Lê, trong đó có Nguyễn Xí. Tuy không bề thế nhưng đây chính là tấm lòng của người hậu thế “Uống nước nhớ nguồn” đối với Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí.

Suốt 37 năm liên tục (1428-1465) phụng sự 4 triều Vua Lê, Nguyễn Xí là một võ tướng tài ba, một nhà chính trị lỗi lạc. Để đến nay, sau hơn 550 năm, nhắc về ông hậu thế có thể hiểu tại sao ông lại chính là nhân vật hiếm có trong lịch sử phong kiến được nhà vua tôn trọng, quan tâm chu đáo đến tận những ngày cuối đời.

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]