(Baothanhhoa.vn) - Dưới con mắt thi sĩ cuộc sống là những áng thơ với những giai điệu trầm bổng! Tôi cứ miên man nghĩ vậy với cuốn sách mới trước mặt “Một mình với cỏ thi” của nhà thơ Văn Đắc. Những suy tư như ngọn đèn dầu được khêu lên giữa đêm khuya mà lần dở từng trang, tìm những lớp sóng  ngôn từ,  đặc biệt là những ngôn ngữ đối thoại phổ cho thơ mà chia sẻ cùng ông.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngôn ngữ đối thoại trong “Một mình với cỏ thi”(*) của Văn Đắc

Ngôn ngữ đối thoại trong “Một mình với cỏ thi”(*) của Văn Đắc

Dưới con mắt thi sĩ cuộc sống là những áng thơ với những giai điệu trầm bổng! Tôi cứ miên man nghĩ vậy với cuốn sách mới trước mặt “Một mình với cỏ thi” của nhà thơ Văn Đắc. Những suy tư như ngọn đèn dầu được khêu lên giữa đêm khuya mà lần dở từng trang, tìm những lớp sóng ngôn từ, đặc biệt là những ngôn ngữ đối thoại phổ cho thơ mà chia sẻ cùng ông.

Thường thì thơ là của “trời cho” vào người nào thì người đó hưởng, cộng thêm thói “khác thường” cũng trời sinh mà có. Ngôn ngữ dưới tay họ như những “chiến binh” điêu luyện mà làm nên “trận mạc”. Thơ Văn Đắc hấp dẫn người đọc bằng sự hồn hậu, cộng thêm khao khát tìm sự mới mẻ. Ông biết vận dụng thế mạnh ngôn ngữ thơ để giải mã, phát huy ưu thế của ngôn ngữ đối thoại, tạo ra sự cộng hưởng từ sự va đập giữa các từ để tìm tiếng nói riêng. Cá tính ấy đã bộc lộ từ những tập thơ trước, đến tập thơ này càng rõ nét hơn. Ta hãy cùng cảm nhận những cuộc thoại:

“Một mình ngồi kể chuyện quê

Ngổn ngang mây trắng bay về cửa Sông”.

(Một mình, tr 128)

Chuyện quê, chuyện xưa bao giờ cũng gắn liền với những mộng mơ, êm đềm. Nó long lanh khiến “ngại ngần”, dễ vỡ; nó trầm ngâm trong sự tiếc nuối mà mãn nguyện, nó nhí nhảnh, tồng ngồng như đám trẻ chơi mưa:

“Lắm lúc tôi đi ríu rít với đường làng

Bọn trẻ hò reo: A, ông Đắc, ông Đắc

Thế là cái tên thành tiếng hát

Bạn nhỏ làng ơi, bạn nhỏ làng”.

Thơ Văn Đắc như những cuộc thoại ngầm tạo nên sinh động cho đời sống. “Lắm lúc tôi im lỳ như đống rơm” nhưng tâm hồn thì động “Cứ óng ả với trăng vàng, trăng bạc”. Khéo quá! Và đây “Có ông già vò tôi ra tâm sự” để “Đến bây giờ hương lúa vẫn còn bay” óng ả quá! Quả là “không thể khác được”. Rất Văn Đắc!

Tôi cứ “lẽo đẽo” cùng cảm xúc thơ ông, theo ông về làng:

“Tôi đang là quả chín của làng đây

Bọn trẻ lớn lên, người già đi vãn hết

Có con chim nhớ mùa tìm hạt

Nhận ra tôi ngơ ngác lá trong vườn”.

Những câu thơ vừa hồ hởi, vừa bâng khuâng mà sâu sắc. Cảnh vật còn đây mà người cứ hao dần. Niềm vui hả hê mà ngấn lệ, hụt hẫng. Một hồn thơ muốn níu giữ hồn làng. Muốn níu giữ những “quả chín” hồn quê của làng để khỏi trôi theo quy luật của thời gian.

Cũng viết về làng, bài “nghề canh cửi” cũng có những câu đối thoại đầy chất người Thanh Hóa: “Đi đâu, về đâu đến bao giờ/ Tôi không lẫn vào ai được/ Chỉ rặt một màu Thanh Hóa mẹ cha tôi ”. Cái riêng, cái cố hữu của người xứ Thanh làm nên bản sắc riêng biệt. Tính cách này không phải chỉ gặp một lần, trong bài “Tôi người Thanh Hóa” in trong những tập trước cũng hiện lên kiêu kỳ mà đáng yêu:

“Trời Thanh Hóa của tôi là cái vó

Thả lúc nào cũng vớt được tôi lên”.

Còn rất nhiều những bài thơ viết về làng cũng vẫn cái hăm hở như thế được toát lên từ những cuộc thoại như: Ngôi mộ mẹ tôi, Lời người xa quê, Biển và bờ, Làng tôi có người đàn bà như thế, Thơ hai câu (2), Về cửa sông, Chuyện ở làng chài...

Có một bài thơ cho tôi nhiều cảm xúc, đó là bài “Đi tìm câu tục ngữ của dòng sông”. Từ câu tục ngữ về kinh nghiệm đánh bắt của dân làng chài “tôm chạng vạng, cá rạng đông”, bài thơ đi xa hơn nói về văn hóa ứng xử của ngư dân, về cảm nhận tinh tế của con người xứ biển:

“Câu tục ngữ bao giờ ai đó bỏ quên

Tôi nhặt được trong túp lều cuối bãi

Nghe đã rõ mà lòng còn muốn hỏi

Ngọn sào cong đang dịch nắng sang chiều.

Đăm đăm nhìn câu tục ngữ theo tôi

Thấp thoáng cây chờ và lá đợi

Chân trời biển như lợp toàn ngói mới

Hai triền sông mở cửa đón tôi vào”.

Đi tìm câu tục ngữ của dòng sông, mà liên tưởng biết bao điều ấm no, xóm làng trù phú, yên bình trước mặt. Mạch đối thoại khi chùng xuống, lúc dồn dập tự nhiên như hơi thở của xóm của làng.

Ở đây một lần nữa ta gặp lại bóng ông “lắc lư” trong chiều “Một lần Huế”:

“Khách tiêu dao là ta

Khách giang hồ là ta

...Ai đó gặp rồi xa khuất mãi

Để ta dằng dặc Huế bên lòng”.

Lạ thế, thơ cảm được đời và đời tạo ra thơ. Văn Đắc, cứ nhẫn tìm, chắt chiu cho những câu thơ hay. Đó là “nhãn tự” làm cho thơ sáng lên, là bệ đỡ cho sức sống thăng hoa. Chính nó cũng tạo nên một Văn Đắc trên thi đàn. Ông biết cái ưu, biết những giới hạn của mình để tìm cách vượt qua, vươn xa. Bài “Lên biên giới” và “Đêm chợ Đồng Mỏ” là hai bài thơ hay trong tập viết tặng Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ông phiêu diêu tận miền biên giới để sẻ chia cùng bạn đọc.

Nếu chỉ tay thì biên giới đầu tay

Nhìn vào mắt biên giới sâu trong mắt

Một dải đất bây giờ là đất nước

Ngực con người chắn trước mũi lê.

(Lên Biên giới – trang 43)

Đây là bài thơ viết về một thời chiến tranh hào hùng và gian khổ. “Lên biên giới” chỉ là một tâm sự riêng của Văn Đắc với Hoàng Phủ Ngọc Tường nhưng đi tới tận cùng của riêng tư sẽ chạm đến đời sống, quê hương và dân tộc.

Hoặc:

“Tôi không dám đi ngang

Sợ vướng vào câu lượn

Tôi không là người hẹn

Xin được làm người nghe

Có vầng trăng thức khuya

Đã ướt đầm sương núi”.

(Đêm chợ Đồng Mỏ, trang 41)

Hay như khi viết về vẻ đẹp của người con gái, ông biết kiệm lời nhưng vẫn “rạng ngời” nét kiêu sa, lãng mạn:

Sỏi nhìn trắng tận gót chân

Ô kìa con suối tắm trần bến sông

Cây nghiêng đầu núi khom lưng

Trời cao cởi cả bóng rừng xuống em.

Thi pháp và thẩm mỹ thơ có thể khác nhau, nhưng “cái đẹp” thì luôn làm xúc động mọi con người. Văn Đắc là người biết tạo dựng vẻ đẹp cho thơ. Dù không phải câu thơ nào của ông cũng hay, bài thơ nào cũng hay nhưng có thể khẳng định “Một mình với cỏ thi” là tập thơ chắt lọc tinh túy thơ Văn Đắc.

Thy Lan

(*) Nxb Hội nhà văn, tháng 10-2018.


Thy Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]