(Baothanhhoa.vn) - Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Đàm vừa có triển lãm ảnh cá nhân về “Sản phẩm làng nghề Thanh Hóa” triển làm trưng bày 70 tác phẩm ảnh được Hội NSNA Việt Nam bảo trợ về nghệ thuật. Đó là kết quả lao động nghệ thuật nghiêm cẩn, bền bỉ, say mê của một nhà báo, nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp đã góp nhặt trong nhiều năm, đi biết bao quãng đường để có được những bức tranh giàu tính nghệ thuật và chứa đựng hơi thở đời sống xã hội trong từng bức ảnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lửa nghề lan tỏa từ những bức ảnh của Trần Đàm

Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Đàm vừa có triển lãm ảnh cá nhân về “Sản phẩm làng nghề Thanh Hóa” triển làm trưng bày 70 tác phẩm ảnh được Hội NSNA Việt Nam bảo trợ về nghệ thuật. Đó là kết quả lao động nghệ thuật nghiêm cẩn, bền bỉ, say mê của một nhà báo, nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp đã góp nhặt trong nhiều năm, đi biết bao quãng đường để có được những bức tranh giàu tính nghệ thuật và chứa đựng hơi thở đời sống xã hội trong từng bức ảnh.

Dệt thổ cẩm. Ảnh: Trần Đàm

Trong triển lãm ảnh “Sản phẩm làng nghề Thanh Hóa” nói riêng và toàn bộ các bức ảnh về nghề truyền thống, nghề công nghiệp hiện đại Thanh Hóa của Trần Đàm đều thể hiện niềm tự hào của quê hương xứ Thanh trong sự tự tin, bền bỉ, kiên định duy trì nghề truyền thống của nhân dân ta để những ngọn lửa đam mê với nghề cháy mãi khát vọng ấm no, hạnh phúc trong mỗi gia đình, ngọn lửa đó còn có công năng lan truyền tới công chúng, nhân dân tình yêu nghề và sự kích hoạt làm nghề truyền thống trên quê hương xứ Thanh. Những bức ảnh nghề công nghiệp hiện đại của NSNA Trần Đàm lại đánh dấu một bước lớn mạnh về CNH, HĐH trên quê hương xứ Thanh.

Có một bức ảnh của NSNA Trần Đàm sau nhiều năm tôi đã xem, nhưng mỗi khi nhìn lại, tôi vẫn cảm phục người nghệ sĩ đã chớp được khoảnh khắc này. Bức ảnh có tên “Truyền nghề”. Nếu không có tài chọn góc chụp, chờ đợi ánh sáng, chắc gì bức ảnh đã thu hút người xem ấn tượng như thế?. Một cụ già râu tóc như tiên ông, vẻ mặt tươi tắn nhưng không thiếu chất thiền, tỏa ra từ khuôn mặt và ánh mắt của ông cụ đang đục khắc gỗ cạnh cậu thanh niên đang ngồi với đôi bàn tay cầm cái chàng cúi xuống tấm gỗ tủm tỉm cười mãn nguyện. Cậu ấy đã tìm được con đường lập nghiệp ư? Hẳn thế, nếu không làm sao khuôn mặt, ánh mắt cậu ấy lại ngời lên hạnh phúc?!. Người xem ảnh lúc này là tôi lại ước: Giá như mình cũng có một cậu con trai yêu nghề chạm khắc gỗ và có một người “thầy” như thế... rồi một ngày xa xôi, con trai mình an hạnh với cuộc đời bằng nghề và lại “truyền nghề” và khi con mình về già cũng sẽ đẹp được như ông cụ - một vẻ đẹp an yên, viên mãn...

Ảnh sản phẩm làng nghề của Trần Đàm vượt ra khỏi công việc giới thiệu nghề truyền thống và hiện đại, nó lan tỏa tình yêu nghề từ tính nghệ thuật và những nét ảnh tài hoa mà nhà nhiếp ảnh dày công tìm kiếm. Những bức ảnh hiện lên tinh thần cần cù lao động của nhân dân ta, sự vượt khó, vượt số phận để tạo dựng cuộc sống nhưng không bi lụy, mỗi bức tranh đều là một bài học nhân sinh tươi nguyên hơi thở cuộc sống. Bức ảnh “Rồng xanh trên đồng cói” cũng là một trong số những bức ảnh nói lên điều đó. Giữa hai cánh đồng cói, trên mặt nước xanh trong xuất hiện một “con rồng” xanh uốn lượn được kết lại từ những bó cói được nước xòe ra do hai anh thanh niên kéo đi. Sau những lần gặt cói, những người nông dân biết kết thành dãy dài và dựa vào sức nước để đưa cói vào bờ. Vô tình sóng xô, nước đẩy, những bó cói kết lại uốn lượn thành hình con rồng xanh “bơi trên mặt nước” để một mai sẽ thành: “Chiếu Nga Sơn...” nổi danh ba miền, để chiếu cói Nga Sơn xuất khẩu sang cả Trung Quốc, Nga, Ấn Độ...

Bức ảnh “Mồ hôi trên đồng mặn” cũng là bức ảnh đẹp và lột tả được sự nỗ lực lao động của bà con diêm dân trên đồng muối, dưới ánh nắng chói chang. Những hạt muối trắng tinh soi hình bao gương mặt sạm đen vì mưu sinh. Sự tương phản này NSNA Trần Đàm đã thu vào ống kính một góc nhìn cuộc sống thấm đẫm tính nhân văn đáng suy ngẫm về những giọt mồ hôi của người dân lao động, với một nghề khó nhọc chắt nước thành muối trong những ngày nắng lửa. Họ vẫn đẩy xe cút kít đi như công việc vốn cần như vậy, chỉ bởi một lẽ giản đơn: Nghề đã nuôi sống gia đình họ nhiều đời.

Bức ảnh “Người giữ lửa làng nghề đúc đồng Đông Sơn” từng được trưng bày ở triển lãm tại Hy Lạp và Tiểu vương quốc Ả Rập là một bức ảnh thu vào đó một thế giới vừa hư vừa thực, cổ kính và gợi tưởng về hành trình ông cha ta đi tìm một con đường hành nghề trắc trở ra sao và quá trình giữ nghề gian nan nhường nào. “Giọt đồng ngày hội” là bức ảnh nói về nghề đúc đồng ở Thiệu Trung, Thiệu Hóa, chỉ cần nhìn thấy dòng đồng vàng chóe chảy ra dưới những vò đồng nung trên ngàn độ thành thể lỏng rót xuống khuôn để cho ra muôn hình, ngàn dạng cho thấy trình độ nghề đúc đồng truyền thống Thanh Hóa có bề dày hàng trăm năm tới nay vẫn lưu truyền, phát triển. Sản phẩm đúc đống không chỉ vang danh, khiến khách thập phương dập dìu mua sắm, nhất là vào dịp tết đến, xuân về, họ cần một món đồ thờ cúng tổ tiên mà chỉ có làng nghề đúc đồng Thiệu Trung, Thiệu Hóa mới có thể làm cho họ hài lòng. Khách nước ngoài như Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia, My-an-ma cũng tìm tới đặt hàng...

Không chỉ có những bức ảnh nghề truyền thống, nghề công nghiệp như may mặc, hàn xì, xây dựng... cũng được lăng kính của NSNA Trần Đàm thu được. Mỗi bức ảnh thể hiện cái tâm của người cầm máy ảnh, cái tầm và cái tài của người tìm góc chụp. Làm sao để chen vào những quầng lửa điện để chụp bức “hoa lửa” hừng hực hơi thở đời sống công nghiệp như vậy?. Ông đã đứng ở vị trí nào để chụp được những bức hình bao quát, như các bức: “San lấp mặt bằng cho công trình thế kỷ”, “Vươn cao”, “Cốt lõi công trình”, “Rộn rã công trường”... Phải có tình yêu nghề sâu nặng, đam mê và nhiệt huyết mới có được trong tay những bức ảnh nghề Thanh Hóa quý như vậy.

Tỉnh Thanh Hóa đã, đang phát triển, đổi thay từng ngày. Nghề truyền thống và nghề hiện đại đang góp phần làm cho Thanh Hóa sẽ trở thành “tỉnh kiểu mẫu” như Bác Hồ hằng mong đợi. NSNA Trần Đàm đã góp phần khắc họa vào bức tranh xứ Thanh vẻ đẹp tiềm tàng và phong phú của các làng, phố xứ Thanh, tôn vinh bàn tay tài hoa của các nghệ nhân ở các làng nghề đúc đồng, mây tre đan, thổ cẩm, tơ lụa, làm nón, dệt chiếu cói... ở nhiều địa phương trong tỉnh. Qua đó khơi dậy niềm tự hào và lan tỏa tình yêu nghề cho công chúng, nhân dân yêu nghề truyền thống nói riêng, nghề công nghiệp hiện đại tỉnh Thanh Hóa nói chung. Với những nỗ lực lao động miệt mài của người NSNA trên con đường nghệ thuật, ảnh về nghề Thanh Hóa của NSNA Trần Đàm được nhiều công chúng yêu thích. Đi và tìm tòi đến những vỉa, tầng trong đời sống xã hội, quê hương xứ Thanh, để chớp được những hình ảnh đẹp phục vụ công chúng cũng là con đường chân – thiện – mỹ mà người NSNA đang dấn thân. Chúng ta hy vọng NSNA Trần Đàm sẽ có thêm nhiều bức ảnh đẹp, những cuộc triển lãm ấn tượng nữa.


Hoàng Thi Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]