(Baothanhhoa.vn) - Chùa Am Các tọa lạc trên sườn phía Đông gần đỉnh núi cao nhất của núi Các, thuộc địa phận xã Định Hải (thị xã Nghi Sơn). Đây là một quần thể danh thắng với nhiều giá trị nổi bật về thời gian và kiến trúc nghệ thuật... mà không phải nơi nào cũng có được, tạo nên vẻ đẹp kỳ thú, linh thiêng cho ngôi cổ tự.

Linh thiêng cổ tự Am Các

Chùa Am Các tọa lạc trên sườn phía Đông gần đỉnh núi cao nhất của núi Các, thuộc địa phận xã Định Hải (thị xã Nghi Sơn). Đây là một quần thể danh thắng với nhiều giá trị nổi bật về thời gian và kiến trúc nghệ thuật... mà không phải nơi nào cũng có được, tạo nên vẻ đẹp kỳ thú, linh thiêng cho ngôi cổ tự.

Linh thiêng cổ tự Am Các

Chùa Hạ là trung tâm của quần thể chùa Am Các, quay mặt về hướng Đông, lưng tựa vào núi Các, hai bên tả hữu là vòng cung núi, tạo cho chùa một vị trí phong thủy hiếm nơi nào có được.

Cho đến nay, chưa tìm thấy bất cứ nguồn tài liệu nào ghi chép một cách chính xác sự ra đời của chùa Am Các. Song, căn cứ vào những hiện vật còn lưu giữ được cho thấy, chùa được hình thành từ rất sớm, gắn liền với quá trình hình thành quốc gia Đại Việt tự chủ và sự phát triển của Phật giáo từ thế kỷ X. Dấu vết các di tích kiến trúc xuất lộ trong các hố thám sát, đặc biệt là những di vật sưu tầm được trong các đợt khảo sát, qua giám định ban đầu có niên đại trải dài từ thời Trần (thế kỷ XIV) đến thời Lê sơ (thế kỷ XV - XVI) và nhiều nhất là di vật thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVIII). Đó là những gợi ý về thời điểm khởi dựng, quá trình phát triển của khu di tích tôn giáo này. Năm 2018, chùa Am Các đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh theo Quyết định số 1533/QĐ-UBND (ngày 27-4-2018).

Đến với chùa Am Các hôm nay, du khách được tận mắt chiêm ngưỡng những hiện vật cổ như: tượng pháp, đồ thờ, những hiện vật còn lưu giữ trên nền móng của chùa trước đây như chân tảng, bệ thờ, tượng Phật, gạch, ngói... Đặc biệt là bức tượng phù điêu trên đá, có niên đại khoảng 1.000 năm (được nhận định bởi các nhà khoa học lịch sử). Mặc dù hiện vật đã bị mai một đi nhiều, song bước đầu cho thấy Am Các là một quần thể kiến trúc Phật giáo có hệ thống chuẩn mực gồm chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng; quy mô mang tính điển hình, toàn vẹn.

Lần theo những câu chuyện về ngôi cổ tự, chúng tôi đã có cuộc hành hương về đây để chiêm bái, khám phá chùa Am Các. Từ trung tâm TP Thanh Hóa đi về phía Nam chừng 45km, qua địa phận thị xã Nghi Sơn rẽ phải theo tuyến đường cao tốc Nghi Sơn - Sao Vàng chừng 4km, đến cầu Phú Long bắc qua hồ Hao Hao là chân núi Các, sau đó đi theo con đường bê tông bên sườn núi chừng 3km là đến chùa.

Theo lời kể của người dân nơi đây, cách đây chừng 8 năm, toàn bộ quần thể chùa Am Các là vùng đất hoang sơ, cây dại mọc đầy nơi, đường lên chùa vòng vèo, độ dốc lớn. Ở ngay khu đất bằng phẳng rộng mấy ngàn mét vuông trên sườn núi - nơi có một ngôi chùa cổ trong quần thể chùa Am Các (chùa Hạ) đã từng tọa lạc nhiều thế kỷ chỉ là nơi cây dại mọc, nền móng cũ và các di vật (bia ký, chân tảng, tượng pháp...) dồn đống phía trước chùa. Nếu tản bộ từ chân núi Các lên đến chùa mất chừng 3 - 4 giờ đồng hồ và phải đi theo những lối mòn hoặc đường nước chảy.

Cho đến năm 2014, sư thầy Thích Nguyên Đại về đây coi sóc, bằng ý chí, nghị lực, tinh thần vượt khó, sư thầy đã huy động mọi nguồn lực để tu tạo, phục hồi chùa Am Các thành một quần thể di tích thắng cảnh đặc sắc ở đại ngàn vùng đất Nam Thanh - Bắc Nghệ. Cũng chính sư thầy Thích Nguyên Đại là người dày công nghiên cứu, khám phá ra các địa điểm đã từng được các sư tăng thời xưa xây dựng như: chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, Tứ Phủ, đền Trình, lò gạch ngói và bức phù điêu hình tượng phật ở hòn núi đá ẩn khuất trong rừng cây rậm rạp. Ngoài ra, nhà sư còn phát hiện ra cả địa điểm mà người xưa đã xây dựng các lò nung gạch, ngói để làm nguyên liệu xây dựng chùa. Nhờ đó mà đã giúp các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đoán định về niên đại và sự phát triển của ngôi chùa trong nghìn năm phong kiến.

Vượt qua quãng đường chừng 3km từ chân núi Các lên đến chùa, điểm đầu chúng tôi đến chính là chùa Hạ - khu vực chính trong quần thể chùa Am Các. Chùa Hạ quay mặt về hướng Đông, lưng tựa vào núi Các, hai bên tả hữu là vòng cung núi ôm lấy chùa như một tay ngai. Trước chùa là ao đá kè hình chữ nhật, xa hơn là dòng suối nhỏ rồi đến hồ Hao Hao. Toàn bộ cảnh quan tạo cho chùa có vị thế phong thủy hiếm nơi nào có được.

Cách chùa Hạ chừng 1km, theo đường mòn lên đỉnh núi du khách sẽ đến chùa Trung. Giữa chốn rừng núi tĩnh mịch hiện ra một không gian rộng lớn, địa thế bằng phẳng, mọc đầy trúc hoa (loài cây mà nhà bác học Lê Quý Đôn nhắc tới trong “Vân đài loại ngữ”). Và lên đến đỉnh cao nhất của núi Các là chùa Thượng. Từ trên chùa Thượng có thể quan sát rất rõ phía trước là Quốc lộ 1A, phía sau là đường cao tốc Bắc - Nam, phía tay trái là cao tốc Nghi Sơn - Sao Vàng. Như vậy, chùa Am Các ngày nay được tạo thành bởi một thế tam giác về giao thông mà chùa Thượng là đỉnh cao của tam giác. Đây quả thực là một lợi thế lớn về giao thông để có thể phát triển nơi đây trở thành điểm đến du lịch sinh thái, tâm linh hấp dẫn.

Giữa rừng núi xanh thăm thẳm, ở độ cao hơn 500m so với mực nước biển, nhiều điểm đến trong quần thể chùa Am Các có vị thế bằng địa rộng đến vài héc-ta như chùa Hạ, chùa Trung. Với kiến trúc cổ độc đáo, các điểm đến trong quần thể phân bố rộng rãi và cách nhau tương đối xa, tạo nên không gian thoáng đãng cho Nhân dân và du khách hành hương, chiêm bái. Đặc biệt, địa thế nơi đây chia thành 3 cấp rõ rệt: Thượng - Trung - Hạ. Theo ý nghĩa biểu pháp bên trong của giáo lý Phật Đà, điều này thể hiện cấp độ tu hành (thượng căn - trung căn - hạ căn) và sự chứng nhiệm chân lý của từng cấp độ khác nhau, mang đến giá trị lớn lao cho ngôi chùa cổ.

Đại đức Thích Nguyên Đại, Trụ trì chùa Am Các cho biết: Đối với các nhà tu hành thì chùa Am Các là một nơi lý tưởng để cho sự tu hành gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp. Không chỉ sở hữu một địa thế và cảnh quan thiên nhiên hiếm có mà chùa Am Các còn có giá trị về mặt lịch sử, là một mảnh ghép trong vô số mảnh ghép của lịch sử văn hóa Việt. Và đặc biệt, chùa Am Các là nơi sở hữu nhiều giá trị nổi bật gồm: thời gian xuất hiện và các di vật cổ; phong thủy, cảnh quan; hệ thống và mạng lưới giao thông; kiến trúc nghệ thuật; có tính kết nối cao. Chính những giá trị nổi bật mà chùa Am Các có được sẽ là điểm đến lý tưởng và hấp dẫn đối với du khách thập phương.

Có thể nói, dấu vết của công trình cùng những di vật còn lại đến ngày hôm nay là một bằng chứng hiển nhiên, là sự khẳng định về lịch sử phát triển của chùa Am Các trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam. Cùng với thảm thực vật xanh trên núi Am Các, hồ Hao Hao dưới chân núi, đặc biệt là giá trị về giao thông, phong thủy cảnh quan... là những giá trị nổi bật để tiếp tục phát triển chùa Am Các trở thành điểm dừng chân lý tưởng, một địa điểm có vị thế quan trọng về văn hóa tâm linh nằm trong quần thể thiên nhiên đặc sắc và thơ mộng ở vùng đất phía Nam Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Lê Anh


Bài và ảnh: Lê Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]