(Baothanhhoa.vn) - Trước sức ép cạnh tranh của các loại hình giải trí hiện đại, hoạt động của các bộ môn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, kịch... gặp khá nhiều khó khăn. Do đó, để tồn tại và phát triển, các cơ quan quản lý văn hóa, các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ, diễn viên đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để vừa không làm mai một các giá trị truyền thống, vừa đổi mới, nâng cao chất lượng về mọi mặt đáp ứng yêu cầu của khán giả.

Giữ “hồn” nghệ thuật sân khấu truyền thống trong xã hội hiện đại

Trước sức ép cạnh tranh của các loại hình giải trí hiện đại, hoạt động của các bộ môn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, kịch... gặp khá nhiều khó khăn. Do đó, để tồn tại và phát triển, các cơ quan quản lý văn hóa, các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ, diễn viên đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để vừa không làm mai một các giá trị truyền thống, vừa đổi mới, nâng cao chất lượng về mọi mặt đáp ứng yêu cầu của khán giả.

Giữ “hồn” nghệ thuật sân khấu truyền thống trong xã hội hiện đại

Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Đới (bên trái), thành viên của Câu lạc bộ tuồng cổ làng Bèo, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc), đang sửa soạn đạo cụ biểu diễn.

NSND Hàn Văn Hải, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa chia sẻ: Để tồn tại và phát triển trong đời sống hiện nay, đòi hỏi sân khấu truyền thống phải hoạt động chuyên nghiệp hơn. Mọi khâu từ chọn vấn đề, xây dựng kịch bản đến dàn dựng, diễn xuất, thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng... phải được đầu tư có chiều sâu, đột phá nhưng lại vẫn phải giữ được “hồn cốt” nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Bởi vậy, thời gian qua Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa luôn nỗ lực để có những biến đổi linh hoạt thích ứng với hoàn cảnh thực tế.

Lấy ví dụ ở nghệ thuật tuồng, trên thực tế trong những năm qua, đoàn nghệ thuật tuồng của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa đã có nhiều đóng góp vào việc bảo tồn và gìn giữ vốn văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam. Nhiều vở diễn, trích đoạn thông qua việc sáng tác, biểu diễn của các nghệ sĩ, diễn viên đã thực sự sống lại trên sân khấu sau bao nhiêu năm tưởng đã phai nhạt. Tuy nhiên, điều đáng buồn là hiện nay đa số khán giả (nhất là lớp trẻ) quay lưng với tuồng và bộ môn nghệ thuật độc đáo này đang mất dần vị thế. Bởi vậy, để tuồng có “đất sống” và để lôi cuốn được khán giả, đơn vị phải có cách tiếp cận mới, có sự cách tân để hướng tới thế hệ tương lai. Tuy nhiên, sự thay đổi ấy luôn cẩn trọng và bám sát yếu tố truyền thống cốt lõi mà ông cha ta để lại. Sự cách tân ấy có chăng là nằm trong việc phát hiện đề tài mới bám sát đời sống xã hội, phản ánh những vấn đề được người dân quan tâm... còn với những nét nguyên bản, đặc trưng của tuồng thì phải bảo tồn vẹn nguyên, giữ đúng bản chất.

Cũng trong thời gian qua, nhà hát đã sáng tác nhiều vở tuồng phong phú, hấp dẫn mang đi biểu diễn, tham dự các hội thi, hội diễn ở khá nhiều địa phương cả trong và ngoài tỉnh. Các vở diễn không chỉ đi sâu vào những vấn đề chính trị, thuật trị nước mà còn tập trung làm nổi bật tâm lý các nhân vật, với phong cách dàn dựng mới mẻ, nhằm hướng đến tiếp cận khán giả trẻ. Có thể kể đến như vở “Triết vương Trịnh Tùng”, “Trống trận Ba Đình”, đặc biệt, là vở “Hoàng đế Lê Đại Hành” vừa tham gia Liên hoan tuồng và dân ca kịch toàn quốc - 2022” tại TP Vinh (tỉnh Nghệ An), đã đạt Huy chương vàng và nhiều giải cá nhân, tập thể.

Là người gắn bó và tâm huyết với đoàn tuồng tại Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa từ nhiều năm nay, nghệ sĩ trẻ Tống Như Đạt đã có nhiều chia sẻ tâm huyết về việc giữ gìn nghệ thuật tuồng trong xã hội hiện đại. Anh cho rằng, là một diễn viên tuồng, điều đầu tiên phải nắm vững đặc tính, bản chất của nhân vật và tiếp đó là thể hiện sao cho đúng với bản chất ấy. Nghệ thuật tuồng mang đậm tính tượng trưng, ước lệ, không có xu hướng tả thực mà chú trọng lột tả cái thần, là lột tả cái cốt lõi cơ bản, không đi sâu vào những chi tiết vụn vặt không có hiệu quả nghệ thuật. Chính vì muốn lột tả cái thần nên phải dùng thủ pháp khoa trương, cách điệu từng lời nói cho đến động tác nhưng phải có nguyên tắc, quy luật cụ thể. Khi diễn tuồng, người diễn viên sử dụng vũ đạo (múa), hệ thống nói lối, bài bản, làn điệu (hát) là hai phương tiện chính để lột tả tính cách, tâm trạng của nhân vật làm sao để cho khán giả có thể thấy được, hiểu được. Đồng thời, trong quá trình diễn diễn viên cũng cần linh hoạt sáng tạo để các tác phẩm không chỉ bảo tồn nguyên vẹn vẻ đẹp vốn có của dân gian, mà còn để vẻ đẹp ấy tỏa sáng, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của công chúng hiện nay.

Không chỉ ở các sân khấu chuyên nghiệp mà hiện nay tại nhiều địa phương, để bắt kịp với xu hướng mới bên cạnh việc nỗ lực giữ gìn, truyền tải những giá trị nghệ thuật truyền thống mà ông cha để lại qua từng vai diễn, các nghệ sĩ, diễn viên “cây nhà lá vườn” cũng đang từng ngày, từng giờ tìm cách đổi mới. Tại Câu lạc bộ tuồng cổ làng Bèo, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) theo chia sẻ của Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Đới, thành viên của câu lạc bộ: Từ xa xưa tuồng vốn là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân làng Bèo chúng tôi. Với mong muốn bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo của cha ông để lại, năm 2005 những người yêu tuồng ở đây đã cùng nhau tập hợp để thành lập nên câu lạc bộ tuồng cổ gồm 25 thành viên. Xác định việc gìn giữ nghệ thuật tuồng một cách thiết thực và hiệu quả nhất chính là phát triển nó, làm cho nó không chỉ mang ý nghĩa của một di sản văn hóa trong quá khứ mà còn là một sản phẩm văn hóa của thời đại mới, là tiếng nói, tâm hồn và tư tưởng của người dân hôm nay. Câu lạc bộ đã quan tâm dàn dựng nhiều vở tuồng mới gồm đủ các thể loại, đề tài khác nhau như tái hiện lại những giai đoạn lịch sử của dân tộc, những vở diễn mang âm hưởng của đời sống, những sự kiện chính trị - xã hội... và mang đi trình diễn phục vụ Nhân dân khắp mọi tỉnh thành, vùng miền trong cả nước. Đặc biệt, để gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật tuồng truyền thống, chúng tôi đang tích cực truyền dạy lại cho lớp trẻ ở địa phương thông qua nhiều hình thức khác nhau như truyền dạy tại trường học, tích cực sáng tác, biểu diễn nhiều đề tài phù hợp với lớp trẻ...

Dù xã hội có hiện đại đến đâu thì các loại hình nghệ thuật truyền thống vẫn luôn là “viên ngọc long lanh sắc màu” trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc. Bởi vậy, để giữ gìn giá trị nghệ thuật truyền thống các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa, đặc biệt ngành văn hóa cần khảo sát để đánh giá một cách khách quan thực trạng hoạt động sân khấu truyền thống hiện nay. Từ đó có những đổi mới, sáng tạo tìm hướng đi đúng để phát triển nghệ thuật truyền thống phù hợp với xu hướng hiện đại. Cùng với đó, là tiếp tục có chính sách hỗ trợ, đãi ngộ về kinh phí, hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ như mở các lớp tập huấn, sáng tác cho các nghệ sĩ, diễn viên; tổ chức thường xuyên các liên hoan, hội thi, hội diễn cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc, nhằm phát triển, động viên phong trào; tạo mọi điều kiện để các câu lạc bộ, các đội văn nghệ có đất hoạt động biểu diễn nhân các sự kiện chính trị, xã hội... Và hơn hết là phải chú trọng đưa nghệ thuật truyền thống vào trong trường học để thu hút lớp trẻ tham gia giữ gìn và phát huy.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt


Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]