(Baothanhhoa.vn) - Trong buổi bình minh của lịch sử quốc gia - dân tộc Việt Nam, thời đại Hùng Vương đã tỏa rạng vô vàn tia sáng rực rỡ. Để rồi, dù đã lùi sâu vào quá khứ cả ngàn năm, thì không ít hào quang của thời đại ấy, vẫn phản chiếu lên đời sống đương đại, trong truyền thống văn hiến và trở thành một phần cốt cách dân tộc, phẩm giá làm người...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giỗ tổ Hùng Vương 10-3 (âm lịch): Khơi dậy những giá trị đẹp!

Trong buổi bình minh của lịch sử quốc gia - dân tộc Việt Nam, thời đại Hùng Vương đã tỏa rạng vô vàn tia sáng rực rỡ. Để rồi, dù đã lùi sâu vào quá khứ cả ngàn năm, thì không ít hào quang của thời đại ấy, vẫn phản chiếu lên đời sống đương đại, trong truyền thống văn hiến và trở thành một phần cốt cách dân tộc, phẩm giá làm người...

Giỗ tổ Hùng Vương 10-3 (âm lịch): Khơi dậy những giá trị đẹp!

Quang cảnh Khu Di tích lịch sử đền Hùng. Ảnh: Tư liệu

Thời đại Hùng Vương gắn với các cuộc đấu tranh sinh tồn, chinh phục thiên nhiên và gây dựng Nhà nước Văn Lang. Bởi vậy, xét về mặt lịch sử, thời đại này đã đặt nền móng ban đầu, cho sự ra đời một quốc gia lớn mạnh và toàn vẹn – cả về lãnh thổ cương vực, dân cư và các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội – sau này. Sự ra đời của Nhà nước Văn Lang, đã đẩy bánh xe vận mệnh dân tộc đi trên hành trình vạn dặm, của vô số cuộc đấu tranh chống ách đô hộ, đồng hóa, bảo vệ giống nòi; đồng thời, chống chọi với thiên tai, địch họa để tồn tại, phát triển. Trong quá trình lâu dài và đầy thử thách khắc nghiệt ấy, truyền thống yêu nước, lòng nhân ái, tinh thần vượt khó, đức hy sinh, bản tính cần cù... của con người và của dân tộc này, đã hình thành và được vun đắp cho bền vững.

Nói về thủy tổ của cư dân Bách Việt và quốc gia Đại Việt, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn: “Lạc Long Quân nối đời Hồng Bàng, lấy con gái họ Âu Lạc mà có điềm lành sinh trăm con trai, tổ người Bách Việt thực bắt đầu từ đấy, hưởng nước trải nhiều năm, rất là lâu dài, đã phú thọ lại nhiều con trai, từ xưa đến nay chưa từng có vậy. Hùng Vương nối nghiệp của Lạc Long Quân, chăm ban đức huệ, để vỗ yên dân, chuyên nghề làm ruộng chăn tằm, chẳng có can qua chinh chiến, con cháu nối dòng đều gọi Hùng Vương, phúc gồm 18 đời, năm trải hơn 2.000 năm; buộc nút dây mà làm chính trị, dân không thói gian dối, có thể thấy được phong tục thuần hậu quê mùa vậy”. Mối duyên kỳ diệu của cha Rồng - mẹ Tiên và bọc trăm trứng, dẫu đầy huyền ảo, nhưng lại là cách lý giải đầy thuyết phục của người xưa về thủy tổ dân tộc Việt Nam. Cũng bởi toàn thể dân tộc này đều có chung một cội nguồn, cho nên ý thức hệ dân tộc cũng có cơ sở để thống nhất. Ý thức hệ ấy có thể là điều gì khác nếu không phải là tinh thần đoàn kết máu thịt và một lòng yêu nước nồng nàn, luôn chảy xuôi trong huyết quản mỗi con người. Để từ đó đan kết, xoắn xuýt bền chặt thành sức mạnh lớn lao, đưa dân tộc đi qua những năm tháng đằng đẳng của chiến tranh, ngoại xâm mà tìm lại “hình của nước”.

Với một cội nguồn đáng tự hào như vậy, nên với người Việt, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ lâu, đã trở thành “tín ngưỡng gốc”. Đó cũng đồng thời là nền tảng hình thành nên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên – một nét bản sắc độc đáo, giàu giá trị của văn hóa Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản tinh thần vô giá và thiêng liêng, được thế hệ cháu con hôm nay thừa hưởng và vun đắp. Để rồi những ngày này, dẫu cuộc hành hương về miền đất tổ Vua Hùng phải tạm hoãn vì lý do bất khả kháng; thì có lẽ vẫn có những cuộc hành hương của tâm thức, của niềm xác tín tâm linh trong mỗi người. Bởi lẽ “Cây có gốc mới nở cành xanh lá/ Nước có nguồn mới bể cả sông sâu”, người Việt Nam dẫu có sống trong nghịch cảnh cũng chưa bao giờ quên mất nguồn cội tổ tiên mình. Vậy nên, bằng tất cả sự ngưỡng vọng đối với tiền nhân và khát vọng cho một quốc gia hưng thịnh, trên dưới đồng lòng, đề cao thuần phong mỹ tục... tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hướng con người đến những giá trị sống cao đẹp, của “một nhân dân quen với hy sinh yêu những người giống mình”!

Những ngày cả nước gồng mình chống dịch COVID-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” – một cuộc chiến lâu dài, phức tạp và đôi khi còn cam go hơn chống giặc. Bởi đó không phải là cuộc đối đầu trên chiến trường giữa ta và địch, mà “giặc” đang nằm trong cơ thể đồng bào ta và có thể ẩn vào bất kỳ ai lơi là, thờ ơ, thiếu ý thức phòng tránh. Tệ hơn nữa là “giặc” này có thể gây chia rẽ trong cộng đồng, do những thông tin lệch lạc, mang tính kích động nhan nhản trên mạng; “giặc” này còn có thể tạo ra “căn bệnh thứ phát” mang tên xa lánh, kỳ thị những người có bệnh, thậm chí kỳ thị cả những người đang ngày đêm đối mặt với tử thần... Thế nhưng, trong cuộc chiến này, không có ai là người ngoài cuộc và cũng không ai được phép đứng ngoài cuộc. Cho nên lúc này, “yêu nước là ở trong nhà”, “yêu nước là tỉnh táo trước thông tin thất thiệt”, “yêu nước là bảo vệ chính mình vì cộng đồng”, “yêu nước là cách ly”... Đó là những điều mà mỗi công dân có trách nhiệm có thể làm được, để góp phần vào công cuộc phòng chống dịch bệnh.

Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc từng đưa ra nhận định rằng, muốn có một hệ tinh thần dân tộc xuất phát từ tâm thức người dân bình thường, thì sự thống nhất không thể dựa trên lưỡi kiếm, mà phải xuất phát từ nhu cầu tồn tại chung của mọi người. Cái minh triết dân gian ấy vốn không xa lạ với người dân Việt Nam. Bởi qua cuộc sống gian khổ và qua trường kỳ chống chọi với thiên nhiên, ngoại xâm từ thời Hùng Vương dựng nước, tinh thần ấy đã được hun đúc, được kế thừa và phát triển cho đến tận ngày nay. Để rồi, khi đất nước bị đặt vào nghịch cảnh, hơn lúc nào hết, tinh thần yêu nước lại được cổ vũ, khơi dậy và được tiếp lửa bằng vô vàn nghĩa cử đẹp đang nhân lên trong cộng đồng. Từ những đứa trẻ 6-7 tuổi đến những cụ già 80-90 tuổi, sẵn sàng dành phần tiền ít ỏi ủng hộ công cuộc chống dịch. Những cốc cafe đắng kèm theo lời nhắn gửi động viên từ người xa lạ, bỗng trở nên ngọt ngào với những y, bác sĩ đã nhiều ngày tháng chưa biết đến bữa cơm gia đình thảnh thơi. Hàng triệu khẩu trang được phát miễn phí cho người qua đường của đoàn viên, thanh niên hay hội viên phụ nữ, mang theo mong ước thêm một người được bảo vệ là cả nước được khỏe mạnh. Những người lính ăn sương nằm gió trên khắp đường mòn lối mở, để tạo ra tấm lá chắn ngăn chặn dịch bệnh từ biên cương. Những chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch, họ làm việc không chỉ bằng trách nhiệm, mà còn bằng lương tri của người thầy thuốc...

Tinh thần đoàn kết và yêu nước, được dân gian lưu lại qua câu chuyện truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh, Thánh Gióng; hay tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là “kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể có tính đại diện cho nhân loại”... tất cả đều là những tia sáng rạng rỡ nhất, mà thời đại văn minh các Vua Hùng đã vun đắp và trao truyền cho hậu thế. Để rồi, nhiệm vụ của thế hệ hôm nay là biến truyền thống vốn đã thấm rất sâu trong tâm can mỗi người, thành những giá trị sống tốt đẹp và thành hành động cụ thể, để cùng dân tộc “đi qua những ngày giông bão”.

Hoàng Xuân


Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]