Kinh thành Tây đô trên đất huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, là đô thành của hai triều đại: Nhà Trần và nhà Hồ. Tuy Tây đô chỉ tồn tại 10 năm, nhưng lưu truyền đời đời một công trình kiến trúc đá kỳ vĩ, dân gian thường gọi “Thành Nhà Hồ”. Trong không gian văn hóa tòa thành đá cổ kính rêu phong, nổi tiếng trong lịch sử, di sản văn hóa nhân loại, những công trình kiến trúc: Nhân tạo có Cung điện vua Trần, chùa Phong Công, và thiên tạo là động Kim Sơn, động Hồ Công...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Động Kim Sơn trong không gian văn hóa kinh thành Tây đô

Kinh thành Tây đô trên đất huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, là đô thành của hai triều đại: Nhà Trần và nhà Hồ. Tuy Tây đô chỉ tồn tại 10 năm, nhưng lưu truyền đời đời một công trình kiến trúc đá kỳ vĩ, dân gian thường gọi “Thành Nhà Hồ”. Trong không gian văn hóa tòa thành đá cổ kính rêu phong, nổi tiếng trong lịch sử, di sản văn hóa nhân loại, những công trình kiến trúc: Nhân tạo có Cung điện vua Trần, chùa Phong Công, và thiên tạo là động Kim Sơn, động Hồ Công...

Động Kim Sơn trong không gian văn hóa kinh thành Tây đô

Động Kim Sơn (xã Vĩnh An, Vĩnh Lộc). Ảnh: Hà Hiệp

Ngược dòng lịch sử, trong không gian văn hóa kinh thành Tây đô, thời kỳ cổ đại có di tích núi Nổ, một vành nôi sinh ra con người, di tích văn hóa gốm Đa Bút, Bản Thủy thuộc thời đại Đá Mới. Đồ Gốm Đa Bút, thành tựu đặc sắc văn hóa khảo cổ Việt Nam trên đất xứ Thanh. Những đồ gốm kiểu dáng hình nồi miệng loe tròn, hông phình rộng, đường kính miệng tới 45 cm, đẹp không kém nồi gốm hiện đại, dĩ nhiên chất gốm không thể không thô dày. Người Đa Bút sản xuất những nồi gốm lớn quá cỡ với số lượng rất nhiều để làm gì, nếu không phải dùng làm đồ đựng lương thực, chủ yếu là thóc lúa thu hoạch từ những cánh đồng chân núi Báo, núi Bồng?

Trong bài viết này, chúng ta tập trung tìm hiểu động Kim Sơn - danh sơn thắng tích Thanh Hóa – Việt Nam.

Các sách địa chí cổ, triều Nguyễn mới bắt đầu khám phá động Kim Sơn, trước là Thanh Hóa tỉnh chí, Đại Nam nhất thống chí đời Tự Đức, rồi Đại Nam nhất thống chí đời Thành Thái và Duy Tân.

Động Kim Sơn nằm trong dãy núi Kim Sơn, dân gian gọi là núi Biện hoặc núi Bồng, núi Sóc. Mạch núi Kim Sơn từ phía Đông núi Hùng Lĩnh men theo ven sông Mã bò xuống đến khúc sông Sóc Sơn nổi vọt lên 29 ngọn, xa trông nhấp nhô tàn lộng, lâu đài, cờ quạt, voi ngựa... Khí sắc thay đổi muôn màu, long lanh buổi sáng, tím biếc chiều hôm... dưới những áng mây trời lúc tan khi tụ... Ở chân núi cao vót có hang đá sâu nước biếc thăm thẳm. Động lớn nhất, cửa rộng, vách cao, càng đi vào càng sáng. Xưa khách lãng du, vai đeo bầu rượu; với mái chèo ngư phủ, cưỡi lá thuyền thơ, mở lối vào nguồn đào xuyên suốt qua lòng suối, giữa đôi bờ vách đá, trên đầu nhũ đá buông thả những giọt nước rơi tí tách. Nếu dừng thuyền gỗ vào nhũ đá lớn, tiếng kêu ngân vang tựa chuông khánh.

Động Kim Sơn thuộc núi Sóc Sơn ở khúc sông Sóc Sơn quê hương họ Trịnh dòng Thái úy Trịnh Khả, đại công thần khởi nghĩa Lam Sơn và các triều vua Lê: Thái tổ, Thái tông, Nhân tông... Ông bị quyền thần hãm hại, sau được vưa Lê Thánh tông minh oan, khôi phục chức tước. Lê Quý Đôn ca ngợi Trịnh Khả có 10 con trai đều làm tướng văn tướng võ, là việc hiếm có xưa nay (Kiến văn tiểu lục). Nhà thơ Nguyễn Mộng Tuân, công thần khởi nghĩa Lam Sơn cũng viết bài Minh ở đền thờ Trịnh Khả ca ngợi núi Sóc Sơn và sông Sóc Sơn nơi sinh ra những anh hùng hào kiệt.

Cuối con đường thủy động Kim Sơn – núi Sóc Sơn có lỗ thông lớn thông thiên, một phiến đá nhỏ bắc ngang như chiếc cầu thiên tạo bắc đường lên trời. Dân gian truyền đó là lối lên cõi tiên. Nhưng từ nghìn xưa chưa nghe nói có ai dám bước qua chiếc cầu Tiên ấy. Trong núi Kim Sơn lớp lớp trập trùng nổi danh hai động đá lớn: Tiên Phan và Ngọc Long. Một ngọn núi ở phía Nam tên gọi Tiên Sơn mọc rừng trúc tiên, thân nhỏ xinh xinh, màu lá biêng biếc xanh, mùi thơm thơm lại thoang thoảng tỏa hương trầm, tục truyền không bao giờ vàng úa. Sườn núi thiên tạo một hồ sen rộng ước vài ba mẫu ta, bốn mùa sen bạch, sen hồng, hương bay ngào ngạt (hiện nay không còn). Phía Đông núi là ngọn Cốc Sơn, cao chừng vài trăm mét, chân núi có hang rộng mở thông ra đầm lớn, tục gọi Đầm Tôm. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: Mộ mẫu thân chúa Trịnh Kiểm táng ở đây. Ông vốn người xã Sóc Sơn, nhà nghèo nhưng rất hiếu nghĩa đối với mẹ, thường phải ăn trộm gà của hàng xóm về để nuôi mẹ. Một hôm Trịnh Kiểm đi vắng, hàng xóm lừa bắt bà ném xuống đầm. Không ngờ, giữa đầm lại nổi lên gò đất lớn thành ngôi mộ. Có thầy địa lý Tàu đi qua thấy ngôi mộ lớn đoán rằng: “Phi đế phi bá quyền khuynh thiên hạ nhị bách niên gian, tiêu tường khởi họa” nghĩa là: Không đế, không bá, quyền nghiêng thiên hạ, sau hai trăm năm, trong nhà xảy họa. Về sau quả nhiên họ Trịnh chỉ truyền được hai trăm năm cầm quyền nhà chúa thì mất (mộ đã chuyển đi từ xưa).

Phía trên hang lớn Cốc Sơn, có một động đá rất to rộng tên gọi Kim Sơn, có thể chứa được vài ba trăm người. Lối cửa động này là Bình Sơn có bia đá khắc ba chữ: “Trú quân sơn”. Chữ lớn, khắc sâu, trải qua mưa gió lâu đời, rêu phong phủ kín, vẫn không thể mờ lấp nét chữ.

Quân lính nào từng trú ẩn ở động Kim Sơn? Chưa thấy sách vở xưa nay giải thích.

Theo sự tìm hiểu của tôi, năm Ất Mão (1555) quân Mạc đem đại binh tiến đánh Thanh Hoa, ngược dòng sông Mã mà lên trước tàn phá quê hương Biện Sơn – Sóc Sơn của họ Trịnh, sau đánh vào hậu cứ kinh thành Vạn Lại – Yên Trường của Vua Lê. Quân Mạc đóng quân tại núi Kim Sơn, thấy chim vẫn bay hót, khỉ vẫn vin cành hái quả, tin rằng không có phục binh. Gần núi Kim Sơn là chợ Ông Công (Ông Cung) chiều hôm thấy quân Mạc, sợ bỏ chạy cả. Quân Mạc tạm dừng thuyền lên chợ nấu ăn, hàng quán người ta bỏ lại tha hồ vơ vét. Nhưng nửa đêm, quân Mạc bất ngờ bị phục binh bốn mặt đổ ra đánh cho tan tác. Tướng Mạc tiên phong là Thọ quận công đóng ở Kim Sơn, bị phục binh trong hang ngọn Cốc Sơn đổ ra vây bắt sống. Đại quân Mạc Kính Điển tiến sau thất kinh tháo chạy tán loạn. Trận ấy quân Mạc đại bại. Khi Vua Lê Trung hưng đã trở về Thăng Long, người ta khắc bia đá tại hang mấy chữ “Trú quân sơn” để kỷ niệm việc tướng Mạc Thọ quận công bị quân Lê đồn trú ở đây bắt sống...

Phía Nam động Kim Sơn, từ cổ xưa có một ngôi chùa, gọi là chùa Liên Hoa. Trèo lên trông xuống thấy núi non bao bọc chung quanh, những vòng sóng bạc của sông Mã dập dồn xô tới, cảnh trí rất thần tình. Năm Tự Đức triều Nguyễn, sử quán toản tu Lê Lượng Bạt vâng mệnh sưu tầm sách cũ và sách kinh điển bên nhà Thanh (Trung Quốc), nhân gặp tiết trùng cửu (9-9) có mời Phiên sứ (Bố chính) Hoàng Kế Viêm và Niết sứ (Án sát) Nguyễn Vĩnh Tu, mang theo dàn nhạc lên chơi động Kim Sơn và cùng nhau xướng họa rất vui...

Đại Nam nhất thống chí chép 3 bài thơ: Bài xướng của Hoàng Kế Viêm, bài họa thứ nhất của Nguyễn Vĩnh Tu, thứ hai của Lê Lượng Bạt. Nội dung thơ các tác giả đều ca ngợi thắng cảnh động Kim Sơn, chốn non nước thần tiên. Các tác giả không phải là nhà thơ nhưng cảnh đẹp động Kim Sơn khơi dậy những tâm hồn thơ hòa cùng cung đàn nhịp phách.

Năm Thành Thái thứ tư (1892) nguyên Án sát tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Xuân Tiêu xin Tổng đốc Nguyễn Thuật cho tiền thuê thợ đục núi làm bậc đi lên, bên trong làm giường ghế bằng đá để ngồi. Lại làm biển khắc tên cho 6 động bằng đá là: Ngọc Kiều, Ngọc Hồ, Ngọc Thanh, Ngọc Khung, Ngọc Tỉnh và Ngọc Hoa. Động thứ nhất ở ngoài là động nước sâu, từ đó đi thuyền vào các động cạn bên trong. Phía ngoài động có dựng một ngôi nhà đặt tên là Hà Phong đình (đình Gió Sen). Giáo thụ phủ Quảng Hóa (gồm 4 huyện: Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Quảng Địa và Thạch Thành – sau Quảng Địa nhập vào Thạch Thành) là Lê Đoài Trạch có làm một bài ký, nghe nói để khắc vào tấm bia đá trước cửa động chính, nơi những bậc đá đi lên ghế ngồi trong Hà Phong đình. Ngồi ở đây, du khách ngắm phong cảnh động Kim Sơn tuyệt diệu, lạ kỳ có một không hai của tạo hóa. Bài ký bằng chữ Hán:

Phiên âm:

Động chi trung, khuếch hồ ky hữu dung,

Như thiên gian chi đại hạ.

Động chi thủy, tinh hồ ky vô trể,

như băng hồ chi trực tả.

Trạo chàng nhi thạch chung hưởng,

Đình xuyên như sơn quang tạ.

Gián dĩ ti trúc, như quân khiên chi tấu

hồ Quảng Hàn chi dạ.

Động chi trù khả bàng khả thoản,

khả phòng khả dũ.

Vãng tích y nhiên, nhược hữu tị thế giả.

Thử giai sơn động, chi kỳ trạng,

non nhất nhất tả.

Lục động tắc thạch, tinh thục khai?

Thạch ỷ thực tọa?

Thạch khung, thạch sưởng?

Thạch kiều, thạch giá?

Thần chùy quỷ tạc chi diệu,

cánh linh nhân đoạt mục nhi hải sá!

Lê Đoài Trạch

Tạm dịch:

Trong động này rộng rãi bao dung,

như tòa nhà lớn nghìn gian.

Nước trong động lặng yên trong vắt,

như hồ ngọc kia chảy xiết.

Chèo khua mà chuông đá vọng,

thuyền qua mà ánh núi soi.

Thỉnh thoảng tiếng tơ tiếng trúc,

như tấu nhạc quân thiên trong đêm Quảng Hàn.

Bên cạnh động có nhà bếp,

có bếp đun, có căn phòng, có cửa sổ.

Dấu cũ vẫn y nguyên,

như có người xa lánh trần đến ở.

Vẻ đẹp của động núi này,

thực khó nhất miêu tả.

Lục động thì giếng đá ai khơi?

ghế đá ai ngồi?

Vòm đá ai mở? Cầu đá ai bắc?

Thần dùi quỷ tạc tuyệt vời,

càng khiến người ta hoa mắt kinh hồn!

Hoàng Văn Lâu dịch

Viên công sứ Thanh Hóa người Pháp là Bu-lốt-tơ (Boulotte) nghe tiếng những thắng cảnh vùng Thành Nhà Hồ qua chơi thăm cho rằng động Kim Sơn đẹp không kém động Hồ Công. Động Hồ Công được chúa Trịnh Sâm đề tặng 4 chữ “Thanh kỳ khả ái” (trong lạ đáng yêu). Bắt chước người xưa, Bu-lốt-tơ cũng sai người khắc 4 chữ “Thanh Hóa thắng tích” lên vách đá động Kim Sơn.

Động Kim Sơn có 29 ngọn, 28 ngọn là “nhị thập bát tú” tượng trưng cho 28 ngôi sao sáng và một ngôi sáng nhất là vương tinh trên bầu trời xứ Thanh. Tiếc rằng chúng ta chưa phát hiện thấy những áng thơ văn kiệt tác xứng đáng với danh sơn thắng tích động Kim Sơn.

Ngành văn hóa địa phương nên chăng khôi phục cảnh cũ tích xưa, những bậc đá, bàn ghế, bếp đun trà sen, nơi ngồi thưởng thức rượu cúc, đình đàn nhạc như đình Hà Phong, con thuyền thơ đưa du khách xuyên qua lạch suối tiên thăm thú cảnh nước non tiên trong tiếng chuông khánh đá reo vang dư âm bất tận...

Hoàng Tuấn Phổ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Trịnh Huỳnh Đức, tp Hồ Chí Minh - 17:33 26/05/19

 Trả lời

Quê tôi ở cách động Tiên Sơn chỉ khoảng vài cây số nhưng vì xa quê lâu năm và bận công tác nên chưa có dịp về thăm. Thật là đáng trách và đáng tiếc. Vào dịp tới đây, nếu được về xứ Thanh tôi sẽ dành thời gian tới chiêm ngưỡng cảnh đẹp này. Xin cám ơn tác giả rất nhiều!

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]