(Baothanhhoa.vn) - Làng Chầm nằm ở phía Nam của huyện Ngọc Lặc. Nơi đây, con người đã xuất hiện từ lâu, đa phần là người Mường, nguồn sống chủ yếu dựa vào nghề trồng lúa nước và đồi rừng. Đây còn là vùng đất có nhiều địa danh lịch sử gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỷ XV, như: Bãi tập của nghĩa quân Lam Sơn, hang Bàn Bù, hang Sáng... Xung quanh vùng này còn là quê hương của nhiều tướng lĩnh đã góp sức trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, như: làng Bằng, làng Bứa, làng Như Áng... gắn liền với tên tuổi của Đinh Liệt, Đinh Lễ, Đinh Bồ, Lê Lai...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đền thờ Bà Chúa Chầm và những đóng góp cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

Làng Chầm nằm ở phía Nam của huyện Ngọc Lặc. Nơi đây, con người đã xuất hiện từ lâu, đa phần là người Mường, nguồn sống chủ yếu dựa vào nghề trồng lúa nước và đồi rừng. Đây còn là vùng đất có nhiều địa danh lịch sử gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỷ XV, như: Bãi tập của nghĩa quân Lam Sơn, hang Bàn Bù, hang Sáng... Xung quanh vùng này còn là quê hương của nhiều tướng lĩnh đã góp sức trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, như: làng Bằng, làng Bứa, làng Như Áng... gắn liền với tên tuổi của Đinh Liệt, Đinh Lễ, Đinh Bồ, Lê Lai...

Đền thờ Bà Chúa Chầm và những đóng góp cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

Đền thờ Bà Chúa Chầm, xã Phùng Giáo (Ngọc Lặc).

Theo truyền thuyết kể lại, Bà Chúa Chầm là cung phi của vua Lê Lợi. Tương truyền, Bà Chúa Chầm, người xã Phùng Giáo, tổng Vân Am (nay thuộc xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc) là người con gái hiền lành, phúc hậu, nhà chỉ có hai mẹ con. Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược, bà mới mười sáu tuổi. Trong thời gian 10 năm gian khổ chống giặc Minh, nhiều lần nghĩa quân Lam Sơn đã phải rút lên núi rừng phía Tây của tỉnh. Một trong những lần về đóng quân ở đây, Bình Định Vương Lê Lợi đã gặp mẹ con bà và được mẹ con bà giúp đỡ rất nhiều về lương thảo, nơi ăn chốn ở che mắt quân thù. Cảm phục trước tấm lòng vì nước, vì dân, hết lòng giúp đỡ nghĩa quân, Lê Lợi đã lấy bà làm thiếp, đồng thời chiêu nạp được rất nhiều người ở địa phương tham gia quân khởi nghĩa. Sau khi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh giành thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, mở ra triều đại nhà Hậu Lê kéo dài hơn 300 năm, một triều đại dài nhất trong lịch sử phong kiến nước ta. Đức vua Lê Lợi đã định đô tại Đông Kinh (kinh thành Thăng Long), sắc phong bà làm Hoàng phi và đưa bà ra ở kinh thành.

Một lần về thăm quê và làm giỗ cho mẹ, bà đã dùng thuyền rồng lớn, ngược sông Âm về quê. Thuyền chở bà cùng cả đoàn theo dòng sông Âm, đến đoạn Hón Vắng không may bị bão đánh chìm và bà đã mất tại đây. Thi hài của bà được an táng trên một ngọn đồi cao (đồi Lăng). Để tưởng nhớ đến công lao của bà đối với dân, với nước, vua Lê Thái tổ đã cho Nhân dân dựng đền thờ tại nơi bà mất, gọi là đền thờ Bà Chúa Chầm, tôn bà là vị thần bảo vệ che chở cho dân làng. Trải qua các triều đại, bà đã được các vua ban sắc phong, nhưng do chiến tranh loạn lạc, các sắc phong đó đã không còn. Hiện nay UBND xã Phùng Giáo chỉ còn lưu giữ bản sắc phong niên hiệu Bảo Đại năm thứ 9 (năm 1934), theo triều đình nhà Nguyễn đã sắc phong cho bà là: “Cung phi tiên bà”, mỹ tự “Trinh Uyển tôn thần” (vị thần có tấm lòng trung trinh) và giao cho Nhân dân làng Chầm, xã Phùng Giáo đời đời thờ phụng.

Từ trung tâm TP Thanh Hóa theo Quốc lộ 47 đi huyện Ngọc Lặc, đến ngã ba Si rẽ trái, theo con đường liên xã đến Phùng Minh, Nguyệt Ấn, Phùng Giáo khoảng 10 km là đến đền thờ Bà Chúa Chầm. Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, đền thờ được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI-XVII. Một căn cứ để chứng tỏ sự tồn tại của ngôi đền cũ là cây gỗ kim giao được cung tiến và trồng ở trước đền vào thời gian dựng ngôi đền. Hiện nay, vết tích đền cũ chỉ còn lại là một số chân tảng bằng đá cùng một số hiện vật là đồ thờ cúng. Những năm 1958-1960, ngôi đền cũ đã bị phá dỡ và đem chân tảng làm công trình phúc lợi. Hiện ở đây vẫn còn lưu giữ được một bức ván làm đấu trụ của ngôi đền cũ, được trạm trổ thô sơ, trang trí hình hổ phù và lưỡng long chầu nguyệt. Tại di tích còn tìm thấy những mảnh gốm là mảnh vỡ của bát, đĩa...

Để tưởng nhớ công lao của bà, năm 1997, Nhân dân địa phương cùng dòng họ Lê đã quyên góp tiền của, dựng lại ngôi đền trên nền đất cũ. Hiện, ngôi đền nằm trên một khoảng đất rộng, cao ráo, thoáng mát, mặt quay về hướng Tây Bắc, phía Tây Nam giáp núi, xung quanh là ruộng canh tác của Nhân dân. Đền có 2 gian kiến trúc theo lối thông thường, với các vì kèo liên kết với nhau bằng 8 cây luồng tạo thành khung liên kết tương đối vững chắc. Tổng thể ngôi đền có 12 cột bằng gỗ, gồm 6 cột cái (cột trụ) và 6 cột con (cột quân). Gian ngoài là nơi hành lễ, gian trong được dựng một gác nhỏ bằng tre, luồng, là nơi đặt bài vị của Bà Chúa Chầm cùng một số đồ thờ khác, như: Long ngai được sơn son thếp vàng, một đôi kiếm gỗ, một đôi hài bằng vải, bát hương đá hình chữ nhật trang trí điêu khắc hình hổ phù, mâm bồng gỗ sơn son thếp vàng trang trí hoa văn tứ linh (long, ly, quy, phượng), hai đài rượu bằng gỗ, hộp đựng sắc phong bằng gỗ sơn son thếp vàng trang trí lưỡng long chầu nguyệt, kiệu bát cống, chiêng đồng, sắc phong thời vua Bảo Đại, đôi hạc ngậm sen...

Đền thờ Bà Chúa Chầm mới được xây dựng lại, tuy còn đơn sơ, nhưng vẫn mang lối kiến trúc đặc trưng của người Mường. Hy vọng, thời gian tới, các cấp chính quyền và các ngành liên quan sẽ có phương án để tôn tạo ngôi đền, xứng tầm với công lao đóng góp của Bà Chúa Chầm và đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân làng Chầm.

Bài và ảnh: Nguyễn Ngọc


Bài Và Ảnh: Nguyễn Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]