(Baothanhhoa.vn) - Tính dân tộc được đề cập trong bản Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 được đánh giá có vai trò như ngọn cờ dẫn đường giúp tập hợp lực lượng, thống nhất nhân tâm cho công cuộc cứu quốc và xây dựng đất nước. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu diễn ra ngày càng sâu rộng như hiện nay, ảnh hưởng văn hóa giữa các quốc gia trở nên phổ biến, thì tính dân tộc trong văn hóa càng được coi trọng và được đề cập trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng, góp phần đưa văn hóaViệt Nam phát triển lên một tầm cao mới.

Đề cương về Văn hóa Việt Nam: Ý nghĩa và giá trị lịch sử (Bài 2): Tính dân tộc góp phần đưa văn hóa Việt Nam lên tầm cao mới

Tính dân tộc được đề cập trong bản Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 được đánh giá có vai trò như ngọn cờ dẫn đường giúp tập hợp lực lượng, thống nhất nhân tâm cho công cuộc cứu quốc và xây dựng đất nước. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu diễn ra ngày càng sâu rộng như hiện nay, ảnh hưởng văn hóa giữa các quốc gia trở nên phổ biến, thì tính dân tộc trong văn hóa càng được coi trọng và được đề cập trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng, góp phần đưa văn hóaViệt Nam phát triển lên một tầm cao mới.

Đề cương về Văn hóa Việt Nam: Ý nghĩa và giá trị lịch sử (Bài 2): Tính dân tộc góp phần đưa văn hóa Việt Nam lên tầm cao mớiThắng tích Cửa Đạt. Ảnh: Lê Dung

Năm 1943 Tổng Bí thư Trường Chinh đã vận dụng những tư tưởng tiến bộ của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam để xây dựng bản Đề cương Văn hóa Việt Nam. Đây chính là cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó khẳng định ba nguyên tắc cần thực hiện đó là: “Dân tộc hóa”, “Đại chúng hóa”, “Khoa học hóa” và khẳng định sự nghiệp văn hóa là của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam được khẳng định là một thứ văn hóa có tính chất “dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung”(1). Lấy tính dân tộc của văn hóa làm chiếc khuôn để chứa đựng những gì tiến bộ, văn minh của các nền văn hóa khác trở thành phù hợp với tính chất của dân tộc mình. Trong bản đề cương, tính dân tộc được đề cập đầu tiên. Đặc biệt, tính dân tộc trong thời điểm lịch sử này rất có lợi trong việc thống nhất dân tộc chống ngoại xâm và cung cấp cơ sở lý luận mác xít cho chính sách đoàn kết dân tộc trong thời đại cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Trong những bước đường tiếp theo của cách mạng, tính dân tộc của văn hóa tiếp tục được khẳng định trong các văn kiện quan trọng của Đảng. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, tháng 7-1948 xác định: “Xây dựng nền văn hóa dân chủ mới Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng mà khẩu hiệu thiết thực lúc này là dân tộc, dân chủ”(2). Trong Văn kiện Đại hội III và V của Đảng tính dân tộc của văn hóa được đề cập rõ hơn kèm theo nội dung XHCN, tính Đảng, tính Nhân dân sâu sắc, thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước. Đại hội VII của Đảng (tháng 6-1991) xác định tính dân tộc của văn hóa là một trong sáu đặc trưng cơ bản của chế độ XHCN ở Việt Nam: “Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”(3). Như vậy, đến Cương lĩnh chính trị (1991) nhận thức về xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là một nhiệm vụ trọng yếu trong thời kỳ quá độ lên CNXH đã được khẳng định rõ hơn. Quan điểm này, tiếp tục được bổ sung, phát triển đầy đủ và phong phú hơn trong các Văn kiện Đại hội X và XII của Đảng.

Thực tế đã chứng minh chính tính dân tộc trong văn hóa và thông qua các biểu hiện của văn hóa như tư tưởng, học thuật, nghệ thuật... đã giúp bạn bè quốc tế nhận diện và đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khi văn hóa trở thành một thứ sức mạnh mềm, không chỉ đại diện cho phát ngôn của một quốc gia, mà còn đem đến những tiềm năng về phát triển kinh tế - xã hội vô cùng to lớn, thì tính dân tộc của văn hóa lại càng được Đảng, Nhà nước ta đề cao hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, hiện nay những tinh túy của văn hóa dân tộc, nội lực của văn hóa Việt Nam chưa được khai thác và phát huy tốt.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa tuy đã được Chính phủ, các tỉnh, thành quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhưng ở nhiều di tích việc trùng tu lại không tuân theo thiết kế ban đầu, không giữ nguyên được các giá trị kiến trúc, thẩm mỹ, thậm chí làm mới, làm hỏng di tích. Đơn cử như việc trùng tu ở di tích cầu Ngói (xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), cây cầu hàng trăm năm tuổi đã bị làm mới, sai lệch so với kết cấu ban đầu, phần cổng vào bị trát phẳng và sơn giả đá làm mất toàn bộ hoa văn và vẻ đẹp cổ kính của cây cầu. Ở một di tích lịch sử cấp quốc gia khác như đình Trùng Hạ (xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) toàn bộ các cấu kiện gỗ trong đình đã được sơn đỏ, phủ lên những chi tiết chạm trổ tinh xảo, trong khi cái làm nên tính dân tộc của di tích này là các kiến trúc được điêu khắc mộc không sơn thếp đã không được xem xét kỹ.

Thời điểm các quốc gia trên thế giới không ngừng ra sức quảng bá các lễ hội độc đáo của mình, không thể phủ nhận công sức phục hồi các lễ hội truyền thống, làm sống lại những giá trị văn hóa dân tộc ở nước ta trong thời gian qua. Tuy nhiên, đi kèm với đó là tình trạng biến tướng, thương mại hóa, lạm dụng lễ hội để trục lợi, điển hình là việc chùa Ba Vàng (phường Quang Trung, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) truyền bá chuyện “vong báo oán” và lợi dụng sự mê tín của người dân để thu lợi mỗi năm cả trăm tỷ đồng mà Báo Lao Động đã điều tra. Hay tại lễ hội chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) những năm gần đây vẫn còn tình trạng người chèo đò vòi tiền khách, khách bị “chặt chém” khi sử dụng các dịch vụ (đi lại, ăn uống), tiền lẻ được rải khắp ở các ban thờ cho đến gốc cây, tình trạng đốt vàng mã bừa bãi. Như vậy, ở những nơi, những dịp đóng vai trò lưu giữ những vẻ đẹp của văn hóa dân tộc, qua đó khuyến khích mọi người sống theo lối sống tốt đẹp lại trở thành nơi của những bán mua, của lòng tham và sự mê tín.

Đề cương về Văn hóa Việt Nam: Ý nghĩa và giá trị lịch sử (Bài 2): Tính dân tộc góp phần đưa văn hóa Việt Nam lên tầm cao mới

Đền Lạch Bạng, thị xã Nghi Sơn. Ảnh: Lê Dung

Giáo dục nước nhà đã đạt được những thành tựu hết sức lớn lao, tuy nhiên cũng có một vài điều đáng bàn, trong đó cụ thể là việc Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sắp xếp môn Lịch sử thành môn tự chọn ở bậc THPT, đã gây nhiều tranh luận trong nước khi tính dân tộc trong giáo dục chưa được chú trọng đúng mức. TS Đoàn Nguyệt Linh, Trưởng bộ môn Lịch sử, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: “Ở Việt Nam, môn Lịch sử không còn là môn học thuần túy trong nhà trường, mà lịch sử là nguồn gốc, nguồn cội, là lòng tự hào, truyền thống dân tộc” (môn Lịch sử được các quốc gia trên thế giới dạy thế nào?, Báo Dân Việt ngày 24-5-2022). Chính vì điều đó, Lịch sử trở thành môn học bắt buộc từ lớp 1 - 12 ở các quốc gia như: Hoa Kỳ, các quốc gia châu Úc, Israel... Một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc sau khi đã nhận thức rõ những hệ lụy của việc đưa Lịch sử là môn lựa chọn, đến nay đều phải quay lại đưa Lịch sử trở thành môn học bắt buộc. Ở nước ta, sau khi vấp phải sự phản đối của các chuyên gia, các nhà sử học, ý kiến của Quốc hội, đến tháng 8-2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư sửa đổi, đưa Lịch sử trở thành môn học bắt buộc đối với tất cả các bậc học giáo dục phổ thông.

Ở các lĩnh vực của nghệ thuật tuy nước ta hội nhập quốc tế có phần muộn hơn so với nước khác, nhưng đã kịp để lại những dấu ấn ở các loại hình nghệ thuật (hội họa, điêu khắc, văn chương, kiến trúc, âm nhạc, sân khấu,...), tuy nhiên trong việc khai thác và phát huy những chất liệu dân tộc vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Cụ thể đối với việc khai thác tác phẩm kinh điển đại diện cho tính dân tộc như Truyện Kiều, nếu những phương thức diễn dịch nghệ thuật khác đều gây được tiếng vang, thì điện ảnh vẫn chưa có tác phẩm nào thực sự thành công. Gần đây nhất là 3 tác phẩm chuyển thể Truyện Kiều (Sài Gòn nhật thực - 2007, Kiều - 2021), dù các đạo diễn trẻ đã rất dũng cảm và tâm huyết khi dấn thân vào một đề tài khó, nhưng tất cả đều tạo ra những dư luận trái chiều, doanh thu không đạt như mong đợi, thậm chí có phim còn lỗ nặng. Lý giải sự thất bại này, Viện Sân khấu - Điện ảnh cho rằng: “Những bộ phim thất bại đều mắc phải những sai lầm căn bản như không xây dựng được hình tượng nhân vật chính sâu sắc, thuyết phục; cách kể truyện lộn xộn, khiên cưỡng; lạm dụng những kỹ thuật, kỹ xảo không phù hợp gây cảm giác giả tạo, khó chịu cho khán giả; diễn xuất vụng về, lên gân; hình ảnh và âm thanh, âm nhạc không đạt chuẩn” (tham luận Bản sắc văn hóa dân tộc trong các phim cải biên từ tác phẩm văn học kinh điển, Hội thảo “Điện ảnh - Kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa”, ngày 10-11-2022). Điều này, thật trái với những điều mà điện ảnh Hàn Quốc đã làm được với tác phẩm kiệt tác “Xuân Hương truyện” (Chunhyangjeon) của đất nước mình, khi họ đã kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ điện ảnh xuất sắc và đặc biệt là tôn trọng tinh thần nhân văn, giá trị văn học đẹp đẽ của nguyên tác gốc, đó chính là tính dân tộc nguyên bản của tác phẩm.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ quan điểm về thực trạng đáng buồn này: “Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí... Công tác giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh; tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại còn hạn chế; chưa coi trọng đúng mức và có biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc; nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc (nói nặng ra là “vô văn hóa”, “phản văn hóa”)”(4).

Những yếu kém, bất cập trên đã được đề cập trong rất nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng. Sự yếu kém, bất cập này đã gây hệ lụy, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đến xây dựng con người và môi trường văn hóa của nước nhà. Nguyên nhân được đề cập đến có cả khách quan và chủ quan, nhưng chủ quan đóng vai trò chính yếu, đặc biệt về công tác và phương thức lãnh đạo - quản lý, thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối văn hóa của Đảng, công tác tổ chức - công tác cán bộ vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

Trong bối cảnh thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, văn hóa nước nhà đứng trước nguy cơ bị “đồng hóa”, bị hấp dẫn bởi các nền văn hóa khác, vấn đề tính dân tộc trong văn hóa ngày càng được Đảng ta nhìn nhận và rõ hơn bao giờ hết. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã tái khẳng định rằng: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”(5).

Cách đây hơn 80 năm, tính dân tộc trong Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đóng vai trò như một ngọn cờ đầu tập hợp lực lượng, thống nhất nhân tâm và huy động tất cả tiềm lực của đất nước hoàn thành nhiệm vụ duy nhất là cứu quốc và kiến quốc. Trong bối cảnh hiện nay, khi văn hóa được các quốc gia quan niệm là một thứ “sức mạnh mềm” (hay quyền lực mềm - soft power) qua đó lan tỏa sức ảnh hưởng của mình đối với các nước khác, thì tính dân tộc lại trở nên thời sự hơn bao giờ hết, và để giữ vững những thành tựu lớn lao của cách mạng cũng là góp phần đưa nền văn hóa nước nhà phát triển lên một tầm cao mới, không còn cách nào khác phải giương cao ngọn cờ tính dân tộc lên một lần nữa. Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng, vì tình yêu Tổ quốc, Nhân dân ta có thể gác lại tất cả những mâu thuẫn, những hạn chế hay hy sinh những lợi ích cá nhân để phụng sự Tổ quốc, để vị thế của đất nước sánh ngang với các cường quốc năm châu.

Nguy cơ, thách thức từ hội nhập quốc tế thì rất lớn nhưng nó cũng mở ra nhiều vận hội mới cho nền văn hóa nước nhà. Nhưng để tránh tinh thần dân tộc bị hiểu nhầm là chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cần phải xây dựng cơ sở lý luận về tính dân tộc của văn hóa một cách toàn diện, đầy đủ, từ những chỉ đạo mang tầm vĩ mô trong các văn kiện, đường lối của Đảng tới những lý luận cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực. Việc thực thi những chỉ đạo này cũng cần phải đồng bộ, thống nhất và có sự giám sát, kiểm tra; nghiêm trị đối với những hành vi làm sai lệch đường lối, hoặc thuyên chuyển đối với những người không có năng lực. Vấn đề công tác tổ chức và công tác cán bộ trên lĩnh vực văn hóa cần phải đặt lên hàng đầu, sao cho tuyển chọn được những người thực tài, người có nhân cách và lối sống tốt đẹp. Cơ chế chính sách cần phải được cởi mở hơn để thu hút sự tham gia đóng góp của các lực lượng tinh hoa ngoài Đảng, trong số đó phải kể đến là tầng lớp trí thức Việt Nam ở nước ngoài.

Cuối cùng đối với mỗi người dân - chủ thể của văn hóa, trong khi chờ đợi những chuyển biến kia xảy đến, mỗi người hãy là một người dân yêu nước với những phẩm chất tốt đẹp, lối sống lành mạnh tiến bộ, không ngừng hoàn thiện bản thân, giáo dục con cháu trở thành những công dân biết yêu Tổ quốc. Người Việt Nam không chỉ trong nước mà ở khắp mọi nơi trên thế giới cần phải đoàn kết hơn, tránh những hành vi làm tổn hại thể diện quốc gia, chúng ta thể hiện lòng tự tôn dân tộc dựa trên tinh thần hiếu học, bằng những cống hiến và những hoạt động tôn trọng luật pháp của nước sở tại và quốc tế.

Trường Hùng

(1). Văn kiện Đảng toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 318, 320.

(2). “Nhận thức lý luận của Đảng về văn hóa với cách mạng, với đổi mới và phát triển qua các chặng đường lịch sử cách mạng Việt Nam”, PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, ngày 23-11-2021.

(3). Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 52, tr. 134.

(4). Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24-11-2021.

(5). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.1, tr. 116.

Bài cuối: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi!



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]