(Baothanhhoa.vn) - Di sản văn hóa xứ Thanh được hình thành và mang đặc trưng từ môi trường  địa lý, lịch sử, sinh thái, sinh hoạt, sản xuất...  của vùng đất này. Trải qua hàng nghìn năm, miền đất “địa linh nhân kiệt” đã tạo nên một kho tàng di sản vật thể và phi vật thể hết sức phong phú, đa dạng, đặc sắc và giàu giá trị.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa: Những vấn đề đặt ra

Di sản văn hóa xứ Thanh được hình thành và mang đặc trưng từ môi trường địa lý, lịch sử, sinh thái, sinh hoạt, sản xuất... của vùng đất này. Trải qua hàng nghìn năm, miền đất “địa linh nhân kiệt” đã tạo nên một kho tàng di sản vật thể và phi vật thể hết sức phong phú, đa dạng, đặc sắc và giàu giá trị.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa: Những vấn đề đặt raĐền Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn). Ảnh: Khôi Nguyên

Khôi phục “diện mạo” kho tàng di sản

Nói đến văn hóa xứ Thanh là nói đến những đại diện tiêu biểu như nền văn hóa Đông Sơn, di chỉ Núi Đọ, Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Khu di tích lịch sử Lam Kinh, đền Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn, di tích khảo cổ hang Con Moong; Trò Xuân Phả, Trò Chiềng, dân ca dân vũ Đông Anh, Kin Chiêng Boọc Mạy, Pồn Pôông, lễ hội đền Độc Cước, lễ hội Cầu Ngư, lễ hội Lam Kinh, lễ hội đền Bà Triệu, lễ hội Sòng Sơn, nghề đúc đồng Trà Đông... Bên cạnh đó, hệ thống danh lam thắng cảnh còn nổi tiếng với Sầm Sơn, thắng cảnh Hàm Rồng, động Từ Thức, động Hồ Công, Bến En... không chỉ được xem như “báu vật” được thiên nhiên ban tặng, mà còn được con người thêu dệt nhiều truyền thuyết, huyền tích thấm đẫm tính nhân văn luôn có sức lôi cuốn, hấp dẫn người dân và du khách. Bởi vậy, di sản văn hóa cũng có thể ví như tấm gương phản chiếu lịch sử hình thành vùng đất, con người, cũng như mang ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc và có khả năng cố kết cộng đồng bền chặt.

Di sản văn hóa không dễ hình thành, lại rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biển mất nhanh chóng. Chính vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vừa là nhiệm vụ cấp thiết, vừa mang tính lâu dài; đồng thời, không phải nhiệm vụ của một cấp, một ngành hay riêng địa phương, đơn vị nào. Xác định rõ điều đó, trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được tỉnh ta quan tâm và có được nhiều kết quả quan trọng. Điển hình trong đó phải kể đến việc huy động các nguồn lực đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích đã và đang xuống cấp. Trong đó, tập trung các di tích lịch sử văn hóa - kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử cách mạng, như Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Khu di tích lịch sử Lam Kinh, đền thờ Lê Hoàn, đền Bà Triệu, đền Độc Cước, đền thờ Trần Khát Chân, chùa Hoa Long, phủ Trịnh, cụm di tích lịch sử cách mạng Hàm Hạ, Di tích nhà thờ Họ Vương, Di tích cách mạng Yên Trường...

Chỉ tính riêng giai đoạn 2012-2017, nguồn vốn từ chương trình hỗ trợ các mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa dành cho công tác bảo tồn, tu bổ, phục hồi cho 15 di tích đã lên đến 833,894 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách của tỉnh đầu tư tu bổ, tôn tạo cho 30 di tích, với kinh phí 783,174 tỷ đồng; kinh phí chống xuống cấp đối với 155 di tích là 49,621 tỷ đồng. Nguồn kinh phí của Trung ương tập trung vào phục dựng, bảo quản, tu bổ các di tích tiêu biểu như Lam Kinh, đền Bà Triệu, phủ Trịnh, chùa Hoa Long, đền thờ Trần Khát Chân, nghè Vẹt, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh... Ngoài ra, công tác xã hội hóa phục vụ trùng tu, tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội dân gian, truyền dạy nghề truyền thống và các loại hình văn hóa phi vật thể... cũng được các địa phương chú trọng và mang lại nhiều kết quả tích cực. Ước tính trong giai đoạn 2012-2017, nguồn kinh phí từ công tác xã hội hóa đạt gần 520 tỷ đồng, phục vụ tu bổ, tôn tạo cho 220 di tích. Những di tích thu hút được nguồn kinh phí xã hội hóa lớn phải kể đến như đền Hàn, đền Cô Bơ, chùa Hàn Sơn, chùa Giáng, chùa Đại Bi...

Về cơ bản, các di tích được tu bổ, tôn tạo, phục hồi đã bảo đảm các nguyên tắc và quy định của Luật Di sản văn hóa. Qua đó, không chỉ góp phần khôi phục lại “diện mạo” văn hóa xứ Thanh phong phú, đa dạng, giàu giá trị; mà còn mang lại hiệu quả tích cực về mặt kinh tế - xã hội, cũng như góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm và niềm tự hào của mỗi người dân xứ Thanh về di sản cha ông ta đã gây dựng và trao truyền lại. Điển hình trong đó phải kể đến việc trùng tu, tôn tạo Khu di tích lịch sử Lam Kinh. Trải gần 6 thế kỷ hình thành và qua nhiều lần bị tàn phá nghiêm trọng đã khiến di tích gần như trở thành phế tích. Bằng nguồn kinh phí hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác; đồng thời, qua hàng chục năm dày công nghiên cứu và từng bước tiến hành thi công, đến nay hàng chục hạng mục quan trọng đã được phục dựng và dần trả lại cho Lam Kinh diện mạo bề thế, uy nghiêm của “kinh đô tưởng niệm” nhà Hậu Lê. Cũng nhờ đó, Lam Kinh đang trở thành một trọng điểm du lịch tâm linh thu hút hàng nghìn lượt du khách mỗi năm đến tham quan, ngưỡng vọng, chiêm bái. Đồng thời, khu di tích cũng trở thành một địa chỉ giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho con dân xứ Thanh, con dân đất Việt.

Bên cạnh công tác trùng tu, tôn tạo, công tác kiểm kê di sản cũng được tỉnh ta sớm triển khai thực hiện. Theo đó, đợt kiểm kê lần thứ nhất diễn ra vào năm 1995 đối với di sản vật thể. Qua đó, toàn tỉnh có khoảng 1.535 di tích đã được kiểm kê, công bố. Đợt kiểm kê lần thứ hai được thực hiện với cả hai loại hình vật thể và phi vật thể và đến năm 2017, việc kiểm kê di sản vật thể cơ bản hoàn thành, còn di sản văn hóa phi vật thể vẫn đang được các địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, công tác lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích và di sản văn hóa phi vật thế để đưa vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia cũng được chú trọng. Tỉnh Thanh Hóa bắt đầu triển khai công tác lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích từ năm 1962 cho đến nay. Các di tích trên địa bàn toàn tỉnh đã được lập hồ sơ khoa học xếp hạng từ di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt và di sản văn hóa thế giới. Ngoài ra, công tác khoanh vùng di tích để bảo vệ được thực hiện nghiêm túc theo quy định (trên hồ sơ xếp hạng). Cụ thể, 100% di tích được lập hồ sơ khoa học, đưa vào đề nghị xếp hạng (từ khi có Luật Di sản văn hóa năm 2001) đều được lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ; việc cắm mốc giới bước đầu được quan tâm đối với một số di tích trọng điểm.

Cùng với việc quan tâm đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản vật thể, tỉnh ta cũng dành sự quan tâm cho di sản phi vật thể. Hằng năm, tỉnh đầu tư hàng tỷ đồng cho công tác nghiên cứu khoa học, phục dựng, truyền nghề, xuất bản sách... để bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Điển hình như nghệ thuật trình diễn dân gian (Trò Xuân Phả, Ngũ trò Viên Khê, hò Sông Mã, Pồn Pôông, Kin Chiêng Boọc Mạy...); nghiên cứu, khôi phục một số lễ hội truyền thống (lễ hội Trò Chiềng, lễ hội đền Độc Cước, lễ hội Cầu Ngư...); khôi phục và phát triển nghề thủ công truyền thống (đúc đồng Trà Đông, nước mắm Khúc Phụ, nước mắm Ba Làng...). Nhờ đó, nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc được dần tìm lại vị thế và sức sống trong cộng đồng. Trong đó phải kể đến nhiều lễ hội truyền thống được duy trì tổ chức thường xuyên gắn với di tích lịch sử văn hóa, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tham gia; tiêu biểu như lễ hội Lam Kinh, lễ hội Lê Hoàn, lễ hội đền Bà Triệu, lễ hội Quang Trung...; các lễ hội tín ngưỡng dân gian như lễ hội đền Sòng, lễ hội đền Độc Cước, lễ hội bánh chưng – bánh dày, lễ hội Pồn Pôông...

Những vấn đề đặt ra

Mặc dù công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đã tạo được bước chuyển đáng kể và mang lại nhiều kết quả tích cực. Song, khách quan nhìn nhận, đây là nhiệm vụ vừa khó khăn, phức tạp, vừa cần nguồn lực lớn cả về kinh phí và nhân lực. Do đó, trong quá trình thực hiện không tránh khỏi có những hạn chế, bất cập phát sinh. Trong đó phải kể đến, công tác lập quy hoạch, khoanh vùng, cắm mốc giới bảo vệ di tích chưa được quan tâm đúng mức, triển khai còn chậm, tỷ lệ đạt thấp so vớ số lượng 1.535 di tích đã được kiểm kê, công bố. Công tác tu bổ, bảo quản, phục hồi di tích và nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng di sản văn hóa vật thể còn nhiều hạn chế. Trong đó, nhiều di tích đã và đang xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ trở thành phế tích nhưng chưa được đầu tư tu bổ, phục hồi (toàn tỉnh hiện có trên 400 di tích bị xuống cấp và nằm trong diện cần phải bảo quản, tu bổ, phục hồi); việc tu bổ, tôn tạo, phục dựng ở một số di tích có khâu chưa đúng quy định, chưa tuân thủ nghiêm trong thiết kế, thi công, dẫn đến làm biến dạng, mâu thuẫn với yếu tố gốc (nguyên bản) cấu thành di tích, nhất là di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật.

Bên cạnh đó, công tác lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích, di sản văn hóa phi vật thể có thời điểm còn chậm, chưa chủ động; số di tích và loại hình di sản văn hóa phi vật thể được công nhận, xếp hạng quốc gia còn ít so với di sản hiện có; còn nhiều di tích đã được công nhận xếp hạng chưa có đủ hồ sơ theo quy định. Công tác nghiên cứu khoa học về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm thực hiện một cách chủ động, thường xuyên và chưa có chiều sâu. Công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng di sản văn hóa phi vật thể chưa được quan tâm đúng mức, thực hiện chậm, hiệu quả thấp; nhiều loại hình đã và đang bị mai một, thất truyền như tiếng nói, chữ viết của một số dân tộc thiểu số (Thái, Mông, Dao); tri thức dân gian; một số hình thức diễn xướng dân gian; trò chơi truyền thống dân gian ít được tổ chức trong lễ hội; không ít lễ hội truyền thống đang bị mất đi yếu tố gốc bởi sân khấu hóa và hiện đại hóa; việc truyền dạy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ chưa được thực hiện thường xuyên, nhiều nơi không quan tâm...

Mặc dù văn hóa được Đảng ta xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, song nhận thức về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, có lúc có nơi còn hạn chế. Do vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở một số địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chưa tương xứng với phát triển kinh tế. Trong khi đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa nói chung, công tác di sản văn hóa nói riêng còn nhiều bất cập. Việc tham mưu văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa nhiều lúc, nhiều nơi còn chậm, lúng túng. Hoạt động của một số ban quản lý di tích hiệu quả chưa cao, nhất là còn lúng túng trong quản lý di tích, tổ chức lễ hội, tu bổ, tôn tạo di tích... nên đã xảy ra tình trạng mất cắp di vật, cổ vật, tranh chấp đất đai, xâm hại di tích, tiếp nhận đồ thờ tùy tiện; việc quản lý nguồn kinh phí xã hội hóa, tiền công đức nhiều nơi còn lỏng lẻo, chưa công khai, minh bạch... Ngoài ra, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, tham mưu về lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là cán bộ văn hóa cơ sở; đội ngũ hướng dẫn viên ở các khu di tích phần lớn là thiếu, trình độ chuyên môn, kiến thức về lịch sử, văn hóa, trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu...; đội ngũ tư vấn thiết kế tu bổ di tích và giám sát công trình thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn và thiếu đội ngũ thợ thi công lành nghề. Hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn ít so với hệ thống di tích và lễ hội.

Nhiều năm qua, nguồn lực dành cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản mặc dù đã được tỉnh ta quan tâm, song vẫn còn khá khiêm tốn so với yêu cầu thực tế. Kinh phí dành cho công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích các cấp chủ yếu phục vụ các di tích tín ngưỡng, tâm linh mà chưa quan tâm đúng mức đến di tích lịch sử cách mạng. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác đào tạo cán bộ quản lý di sản văn hóa, hướng dẫn viên, truyền dạy nghề, chưa có chính sách hỗ trợ, ưu đãi nghệ nhân dân gian; kinh phí đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống bảo tàng công lập chưa đáp ứng yêu cầu... Ngoài ra, công tác xã hội hóa trong bảo tồn di tích ở nhiều nơi không tuân thủ các quy định của pháp luật, thiếu hiểu biết về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật và đặc biệt là Luật Di sản văn hóa dẫn đến việc tự ý tu bổ, không tôn trọng yếu tố nguyên gốc, đưa một số tượng thờ, linh vật không phù hợp vào di tích; công tác xã hội hóa mới tập trung vào các di tích tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh...

Di sản văn hóa là sự phản ánh của tinh hoa và bản sắc văn hóa của mỗi địa phương, mỗi vùng miền. Do vậy, việc lưu giữ, bảo tồn, trao truyền di sản văn hóa là nhiệm vụ hết sức cần thiết, thể hiện trách nhiệm, sự tri ân của hậu thế đối với tiền nhân. Song phải làm thế nào cho hiệu quả, khoa học và đúng quy định của pháp luật, thì không chỉ cần ý thức trách nhiệm, sự trân trọng, mà càng cần hết sức thận trọng và tôn trọng các giá trị lịch sử, văn hóa gốc của di sản.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]