Ứng viên nào sẽ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng sau khi Tổng thống Biden rút lui?
Rạng sáng ngày 22/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua tổng thống 2024. Đây là điều hiếm khi xảy ra trong lịch sử bầu cử Mỹ hiện đại và gây ra những khó khăn nhất định cho đảng Dân chủ trong việc lựa chọn ứng viên thay thế.
Đảng Dân chủ phải nhanh chóng lựa chọn ứng cử viên mới
Đương kim Tổng thống Joe Biden là thành viên duy nhất của đảng Dân chủ giành được đề cử tổng thống thông qua các cuộc bầu cử sơ bộ và họp kín. Theo nguồn Ballotpedia, kết quả của cuộc bầu cử nội bộ đảng Dân chủ kết thúc vào ngày 8/6, Tổng thống Joe Biden gần như trở thành ứng cử viên sáng giá đại diện cho đảng này, khi giành được 3,9 nghìn phiếu bầu từ các đại biểu bỏ phiếu tại đại hội đảng để đề cử ông. Với việc tuyên bố rút lui, ông Biden đã “trả tự do” cho các đại biểu của mình và họ có thể bỏ phiếu cho bất kỳ ứng cử viên nào khác.
Việc đề cử ứng cử viên mới rất có thể sẽ diễn ra trực tiếp tại Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ Mỹ, dự kiến diễn ra từ ngày 19-22/8. Theo Ballotpedia, dự kiến Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ năm 2024 sẽ có sự hiện diện của khoảng 4.672 đại biểu, trong đó có 3.933 đại biểu cam kết - những người bị ràng buộc phải bỏ phiếu cho một ứng viên nhất định. Ngoài ra còn có 739 “siêu đại biểu” - là các thành viên cấp cao của đảng và có thể tự do bỏ phiếu cho ứng viên tại đại hội đảng.
Để đảm bảo nhận được đề cử, một ứng viên cần phải đạt được đa số phiếu, tức là có nhiều phiếu bầu hơn tất cả những ứng viên khác cộng lại. Nếu không ai đạt được điều kiện đó thì sẽ diễn ra quá trình đàm phán và thương lượng giữa các đại biểu và lãnh đạo đảng, trong đó các đại biểu được tự do bầu cho bất cứ ứng viên nào theo lựa chọn của họ. Các quy tắc sẽ được thiết lập và sẽ tiến hành biểu quyết gọi tên để chọn ra người nhận được đề cử. Giới phân tích chính trị cho rằng, đại hội đảng Dân chủ sắp tới có thể sẽ biến thành một phiên bản tăng tốc của chiến dịch bầu cử: các ứng cử viên tổng thống sẽ phải thuyết phục khoảng 4.700 đại biểu bỏ phiếu cho họ. Không loại trừ khả năng kịch bản gay cấn sẽ diễn ra, và có thể phải mất vài vòng biểu quyết để một ứng viên giành được thế đa số và nhận đề cử chính thức.
Theo tờ RBC, chuyên gia của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga (RIAC), ông Alexei Naumov cho rằng, việc đương kim Tổng thống Biden rút khỏi cuộc đua muộn đã gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh của đảng Dân chủ và “khiến họ trông giống như một đảng không muốn lắng nghe cử tri của chính mình”. Có nhiều đề xuất rằng, ưu tiên của đảng Dân chủ hiện nay là đoàn kết và tập trung phiếu bầu cho bà Kamala Harris, nhấn mạnh yếu tố bà là người Mỹ gốc Phi để thuyết phục cử tri. “Nhưng cơ hội của bà Kamala Harris thậm chí còn thấp hơn ông Biden, ngay cả việc bà Harris là người Mỹ gốc Phi, điều này gây ra những khó khăn nhất định cho cử tri Mỹ”, ông Naumov giải thích.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia chính trị Pavel Dubravsky đánh giá, việc ông Biden rút lui khỏi cuộc đua là “một đòn nặng nề” đối với đảng Dân chủ. “Cử tri không thích khi ứng cử viên của họ bị thay thế trong cuộc bầu cử, nó giống như một quyết định hậu trường, ngay cả khi ứng cử viên đó tự nguyện làm điều đó”. Theo chuyên gia Pavel Dubravsky, quyết định rút lui của ông Biden có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mong muốn bỏ phiếu cho ứng cử viên mới của cử tri Mỹ vào tháng 11 tới.
Chuyên gia Pavel Dubravsky cũng đánh giá bà Kamala Harris là ứng cử viên sáng giá nhất, đặc biệt vì chính đương kim Tổng thống Biden cũng giành sự ủng hộ cho bà. Tuy nhiên, khả năng giành chiến thắng của bà Harris trong cuộc chạy đua gấp rút sắp tới là một câu hỏi lớn. “Kamala Harris không được đánh giá cao khi ít được tham gia vào các hoạt động của chính quyền Biden và sự nghiệp chính trị của bà đang đặt ra dấu hỏi lớn. Cho đến nay, bà Harris có vẻ yếu thế hơn rất nhiều so với ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử”, ông Pavel Dubravsky nhấn mạnh.
Những ứng viên thay thế tiềm năng
Ứng cử viên tiềm năng nhất thay thế cho ông Biden rõ ràng là Phó Tổng thống 59 tuổi Kamala Harris. Theo một cuộc thăm dò gần đây của YouGov, bà Harris có thể nhận được 39% số phiếu bầu so với 44% của ông Trump (phần còn lại được chia cho các ứng viên độc lập Robert Kennedy Jr., Jill Stein và Cornel West). Trong khi đó, nghiên cứu của Ipsos thể hiện sự cân bằng hơn khi dự đoán tỷ lệ tương đương - 44% cho cả hai, bà Kamala Harris và đối thủ Donald Trump.
Hiện nay, mọi con mắt cũng đang hướng về “băng ghế dự bị năm 2028” - những đảng viên đảng Dân chủ tương đối trẻ, chủ yếu là các thống đốc, những người dự kiến sẽ không tham gia cuộc đua tổng thống cho đến chu kỳ bầu cử tiếp theo. Trong số này phải kể đến Thống đốc California Gavin Newsom, 56 tuổi. Ông Gavin Newsom là một trong những thống đốc nổi tiếng và có sức lôi cuốn nhất trong số các thống đốc của đảng Dân chủ; Thống đốc Illinois Jay Robert Pritzker, 59 tuổi. Ông Robert Pritzker là người thừa kế đế chế khách sạn Hyatt Hotels và là quan chức cấp cao giàu nhất nước Mỹ (tài sản của ông ước tính khoảng 3,5 tỷ USD); Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer, 52 tuổi. Bà Gretchen Whitmer được đánh giá là một trong những ngôi sao mới của đảng Dân chủ. Ngoài ra, Thống đốc Pennsylvania Joshua Shapiro, Thống đốc bang Kentucky Andy Beshear, Thống đốc bang Maryland Wes Moore,... cũng đều được nhắc tên.
Bên cạnh đó, truyền thông Mỹ cũng nhắc nhiều đến hai cựu đệ nhất phu nhân là bà Michelle Obama và Hillary Clinton. Tuy nhiên, bà Michelle Obama đã nhiều lần phủ nhận tham vọng chính trị của mình, còn bà Hillary Clinton đã từng bị chính đối thủ Donald Trump đánh bại vào năm 2016. Theo cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos, bà Michelle Obama là ứng cử viên duy nhất có khả năng đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử giả định, giành được 50% phiếu bầu, trong khi ứng viên Trump của đảng Cộng hòa chỉ giành được 39%.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-14 09:05:00
Ukraine mất thế trận trên chiến trường, thoả thuận ngừng bắn còn mơ hồ
-
2025-01-13 07:00:00
Điều gì chờ đợi Trung Đông sau một năm đẫm máu?
-
2024-07-21 17:47:00
Nga đáp trả động thái hạt nhân của Mỹ ở Đức
Chuyên gia Pháp khẳng định ý nghĩa về quân sự, chính trị của Hiệp định Geneva
Chính trường Pháp vẫn bị bao phủ trong màn sương mù sau bầu cử sớm
Cuộc tập trận tương tác hàng hải Nga-Trung: Tạo đối trọng cạnh tranh với phương Tây ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Nỗi lo toàn cầu từ gánh nặng nợ công và “thâm hụt ngân sách dai dẳng”
Máy bay chiến đấu F-16 sẽ mang lại lợi thế cho quân đội Ukraine trên chiến trường?
Trung Quốc làm gì để giải cứu thị trường bất động sản?
Mục tiêu chiến lược của NATO ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
NATO ra bản tuyên bố chung 38 điểm - Giới hạn của tham vọng
Nga-Ấn Độ có mối quan hệ đối tác chiến lược bền chặt và mở rộng