(Baothanhhoa.vn) - Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, song thực tế cho thấy, công tác nghiên cứu, ứng dụng các đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) hiện đang tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, nên chưa đáp ứng được các mục tiêu đề ra.

Ứng dụng khoa học và công nghệ: Khoảng cách từ lý thuyết đến thực tiễn (Bài 2): Còn nhiều bất cập

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, song thực tế cho thấy, công tác nghiên cứu, ứng dụng các đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) hiện đang tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, nên chưa đáp ứng được các mục tiêu đề ra.

Ứng dụng khoa học và công nghệ: Khoảng cách từ lý thuyết đến thực tiễn (Bài 2): Còn nhiều bất cập

Nông sản, thực phẩm của huyện Bá Thước tại hội chợ kết nối cung - cầu và trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: P.V

Hiệu quả thấp

Nhiệm vụ “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và trồng thương phẩm cây bơ Booth 7, bơ 034 tại một số huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa”, do Viện Nông nghiệp Thanh Hóa chủ trì. Nhiệm vụ này có mục tiêu chung là ứng dụng KH&CN, xây dựng thành công mô hình sản xuất giống và trồng thương phẩm cây ăn quả giá trị kinh tế cao giống bơ Booth7, bơ 034. Từ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân vùng miền núi tỉnh Thanh Hóa. Nhiệm vụ được UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ tháng 12/2020. Thời gian thực hiện nhiệm vụ là 42 tháng, từ tháng 1/2021 đến tháng 1/2024 (đã được gia hạn đến tháng 6/2024); với tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ là trên 4,68 tỷ đồng.

Tính đến tháng 6/2024, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã tìm hiểu thực tế các điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, kỹ thuật canh tác, cũng như kinh nghiệm nhân giống, trồng và chăm sóc, thu hái sản phẩm của người dân; các cơ sở sản xuất giống, các vùng nguyên liệu tại một số khu vực trồng bơ. Từ đó, đưa ra các tiêu chí lựa chọn vùng trồng có thể mang lại hiệu quả và lựa chọn các hộ tham gia triển khai các mô hình. Kết quả, đã lựa chọn và xây dựng mô hình trồng thương phẩm bơ Booth7, bơ 034, với quy mô 9ha, tại 3 huyện Thường Xuân (4ha), Thạch Thành (1ha), Như Xuân (4ha). Đồng thời, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã tiếp nhận và làm chủ 4 quy trình công nghệ chuyển giao; tổ chức đào tạo tiếp nhận công nghệ cho 15 học viên; tập huấn quy trình kỹ thuật trồng thương phẩm giống bơ Booth7 và giống bơ 034, với quy mô 3 lớp/150 người, tại 3 huyện được lựa chọn xây dựng các mô hình... Tuy nhiên, đến thời điểm này, diện tích toàn bộ các mô hình chỉ còn lại 6,5ha. Nguyên nhân được chỉ ra là do mô hình thương phẩm tại HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thanh Xuân (xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân) bị mưa axit (ngày 28/2/2022), khiến 2,5ha diện tích cây trồng bị thiệt hại.

Hay như “Dự án xây dựng dây chuyền sản xuất gạch không nung từ đá mạt, cát và nguyên liệu sẵn có khác tại tỉnh Thanh Hóa” (thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025, phần kinh phí đối ứng của tỉnh Thanh Hóa). Dự án do Cơ sở cai nghiện ma túy số 1, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Dự án thực hiện từ tháng 7/2017 đến 6/2020, với tổng kinh phí 12,5 tỷ đồng. Dự án đã chuyển giao 8 quy trình sản xuất gạch không nung, tập huấn cho 100 học viên, tổ chức sản xuất gạch. Song từ tháng 10/2020, dự án đã bị ngừng hoạt động. Nguyên nhân được đưa ra lý giải là do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 kéo dài dẫn tới nguồn cung bị gián đoạn, thiếu công nhân, khó khăn trong việc vận chuyển đầu vào và cả việc bán sản phẩm... Hiện nay, do việc bảo dưỡng không được thực hiện, nhiều thiết bị đã xuống cấp, cả công trình tiền tỷ đang bị bỏ hoang, gây lãng phí ngân sách.

Ngoài các nhiệm vụ, dự án kể trên, theo số liệu thống kê của Sở KH&CN, trong giai đoạn 2020-2023, tỉnh Thanh Hóa phải khắc phục các rủi ro, bất cập của một số nhiệm vụ KH&CN (chủ yếu là các nhiệm vụ chuyển tiếp từ giai đoạn trước năm 2020); trong đó, có 12 nhiệm vụ buộc phải dừng thực hiện. Cùng với đó, có 2 nhiệm vụ KH&CN sau khi được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh mục, nhưng đã không còn tính cấp thiết, hoặc do đơn vị chủ trì không đủ năng lực nên có công văn xin không thực hiện. Có 25 nhiệm vụ KH&CN kéo dài, phải gia hạn thời gian thực hiện; có 4 nhiệm vụ KH&CN thực hiện xong, nhưng đánh giá nghiệm thu “không đạt”. Ngoài ra, một số nhiệm vụ khi thực hiện xong, được đánh giá nghiệm thu “đạt”, nhưng chậm đưa vào ứng dụng; hoặc một số nhiệm vụ khi đưa vào ứng dụng phục vụ sản xuất và đời sống nhưng hiệu quả không cao...

Nhiều vướng mắc

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực KH&CN, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các nhiệm vụ KH&CN chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Trong đó có nguyên nhân từ quy định của pháp luật về quản lý và trình tự thủ tục thực hiện nhiệm vụ KH&CN còn bất cập, nhiều điểm chưa rõ ràng, kéo dài qua nhiều khâu, nhiều bậc, nhất là trong việc xử lý tài sản hình thành và thương mại hóa kết quả nhiệm vụ KH&CN, nên không tạo được động lực khuyến khích các nhà nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, chu kỳ, vòng đời công nghệ ngày càng ngắn, tính thương mại hóa cao trong khi thời gian để thực hiện 1 nhiệm vụ KH&CN theo quy định hiện nay là từ 2 đến 4 năm mới có kết quả. Do đó, thời điểm xác định nhiệm vụ KH&CN để đề xuất đặt hàng đang có tính mới, cấp thiết, nhưng khi kết thúc nhiệm vụ thì tính mới và cấp thiết giảm nhiều, nên các tổ chức, cá nhân gặp khó khăn trong việc triển khai ứng dụng và nhân rộng kết quả. Trong khi hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra nhiều đột phá mới trên các lĩnh vực, cũng gây ra khó khăn và áp lực trong việc nghiên cứu và ứng dụng các nhiệm vụ KH&CN vào sản xuất và đời sống.

Thời gian qua, một số đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN phải dừng hoạt động, nhất là doanh nghiệp, do những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, mặc dù số lượng doanh nghiệp KH&CN được thành lập trong những năm gần đây cao so với toàn quốc (32 doanh nghiệp KH&CN đứng thứ 3 sau TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), tuy nhiên mức độ phát triển doanh nghiệp KH&CN còn chậm (chỉ có 1 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp KH&CN trong năm 2023). Chưa kể, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, tâm lý ngại chấp nhận rủi ro... nên không dám mạnh dạn ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chưa thực sự quan tâm nhiều đến công tác phát triển thị trường KH&CN; thiếu các tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm để kết nối cung cầu. Nguồn cung công nghệ của thị trường còn hạn chế, nguồn cầu cũng chưa nhiều do đổi mới công nghệ chưa trở thành nhu cầu cấp bách của doanh nghiệp...

Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, không thể không nhấn mạnh đến một nguyên nhân có tính chủ quan nữa là vai trò của Sở KH&CN trong việc tham mưu đề xuất các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh vẫn còn những hạn chế. Việc đánh giá năng lực của một số tổ chức, cá nhân được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN chưa thật sát đúng, dẫn đến có một số nhiệm vụ KH&CN triển khai chậm, phải gia hạn, phải dừng hoặc bị đánh giá nghiệm thu “không đạt”. Công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai một số nhiệm vụ KH&CN còn chưa thường xuyên, trách nhiệm chưa cao, do đó chưa kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị chủ trì. Ngoài ra, công tác phối hợp triển khai ứng dụng, nhân rộng kết quả nhiệm vụ KH&CN giữa Sở KH&CN với các ngành, địa phương và doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, nên không ít nhiệm vụ đánh giá, nghiệm thu xong vẫn chưa được ứng dụng trong thực tiễn, hoặc nếu có thì hiệu quả cũng chưa cao.

Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, công chức ngành KH&CN được giao quản lý các nhiệm vụ KH&CN rất mỏng, trong khi nhiệm vụ KH&CN hằng năm rất lớn. Tính cả số nhiệm vụ chuyển tiếp, nhiệm vụ mới và nhiệm vụ cấp quốc gia, nhiệm vụ thuộc các chương trình nông thôn, miền núi là khoảng 180 nhiệm vụ/năm. Các nhiệm vụ KH&CN đang được triển khai trên khắp các lĩnh vực, thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố. Do vậy, Sở KH&CN đang gặp không ít khó khăn trong công tác kiểm tra, thanh tra việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trong thực tiễn. Ngoài ra, một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chủ trì các nhiệm vụ KH&CN còn thiếu tiềm lực phục vụ nghiên cứu, triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu. Do đó, nhiều nhiệm vụ KH&CN được hội đồng KH&CN chuyên ngành đánh giá cao, nhưng thực tế khi triển khai ứng dụng thì lại không đạt được kết quả như kỳ vọng...

Bài cuối: Nỗ lực tháo gỡ các rào cản.

Nhóm PV



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]