(Baothanhhoa.vn) - Để làm tiền đề, động lực cho quá trình phát triển đô thị, ngày 14/2/2019, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hoằng Hóa đã ban hành Nghị quyết 14-NQ/HU về “Xây dựng đô thị hóa nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (sau đây gọi tắt là NQ14). Sau 5 năm triển khai thực hiện, NQ14 đã thực sự “mở đường”, tạo sức lan tỏa để nông thôn Hoằng Hóa ngày càng đổi mới.

Từ nghị quyết “mở đường” đến động lực “nâng hạng” thành thị xã Hoằng Hóa (Bài 1): Cuộc “cách mạng” ở mỗi làng quê

Để làm tiền đề, động lực cho quá trình phát triển đô thị, ngày 14/2/2019, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hoằng Hóa đã ban hành Nghị quyết 14-NQ/HU về “Xây dựng đô thị hóa nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (sau đây gọi tắt là NQ14). Sau 5 năm triển khai thực hiện, NQ14 đã thực sự “mở đường”, tạo sức lan tỏa để nông thôn Hoằng Hóa ngày càng đổi mới.

Từ nghị quyết “mở đường” đến động lực “nâng hạng” thành thị xã Hoằng Hóa (Bài 1): Cuộc “cách mạng” ở mỗi làng quêHạ tầng giao thông ở Hoằng Hóa ngày càng được đầu tư đồng bộ. Ảnh: H.Đ

Thụ hưởng nhiều “quả ngọt”

Những năm gần đây, đi đến bất cứ khu dân cư nào của huyện Hoằng Hóa đều cảm nhận được niềm vui trên từng đường làng, ngõ xóm, bởi sự đổi thay mạnh mẽ từ diện mạo làng quê đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Về Hoằng Thịnh, dạo một vòng quanh xã trên những cung đường khang trang, thấy người dân tay cuốc, tay xẻng san đất, trồng hoa, cây xanh trong các khuôn viên, tiếng cười nói rộn ràng khiến ai cũng cảm nhận rõ niềm vui, sự đồng thuận trong công cuộc XDNTM.

“Có sự đổi thay trong từng nếp nghĩ, cách làm của cán bộ và Nhân dân như hôm nay tất cả là nhờ NQ14. Trước đây, đường giao thông trên địa bàn huyện chật hẹp, xuống cấp; vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, vườn tược trong mỗi gia đình chưa được quan tâm dọn dẹp. Từ khi NQ14 ra đời đã làm thay đổi diện mạo các làng quê, ngay đến cả những vùng đất nắng bụi, mưa lầy trước đây như Hoằng Tiến, Hoằng Phụ, Hoằng Lưu, Hoằng Châu... cũng đã bừng sáng” - Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Thịnh Bùi Quang Sáng phấn khởi chia sẻ.

Ông Sáng còn nhiệt tình kể cho chúng tôi nghe về cách thức triển khai thực hiện NQ14 ở các xã trong thời điểm lúc bấy giờ, từ việc đồng loạt thành lập ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã, việc phân công các phòng, ngành đến các địa phương bám sát địa bàn, theo dõi sâu sát ở cơ sở đến việc trực tiếp tham gia cùng Nhân dân theo tinh thần “cán bộ đi trước, làng nước theo sau”. Sau những câu chuyện, vị bí thư đảng ủy xã với nhiều kinh nghiệm đúc kết lại rằng: “Sự chỉ đạo quyết liệt và sâu sát từ huyện đến cơ sở đã giúp cho các xã, thị trấn xác định rõ được nhiệm vụ chính trị, đó là kết hợp XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo định hướng đô thị, làm đến đâu chắc đến đó. Các xã nằm trong quy hoạch đô thị phải căn cứ vào tiêu chí đô thị để tự đánh giá kết quả, đã thực hiện được đến đâu, được bao nhiêu, từ đó có định hướng cụ thể tiếp theo”.

Đối với xã Hoằng Thịnh, thực hiện NQ14 và các kế hoạch của UBND huyện Hoằng Hóa, xã đã lập quy hoạch chi tiết khu trung tâm, khu dân cư tập trung để làm cơ sở cho đầu tư xây dựng. Ở các mặt bằng dân cư mới, được đầu tư đầy đủ cơ sở hạ tầng như: đường nhựa, vỉa hè, điện chiếu sáng, rãnh thoát nước, cây xanh... theo hướng đô thị. Đối với các khu dân cư cũ, xã đã vận động Nhân dân hiến 1.236,1m2 đất mở rộng đường, hơn 2.000 ngày công lao động và huy động kinh phí hơn 20 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng khu dân cư. Để chỉnh trang cảnh quan theo hướng đô thị, toàn xã đã có 3,96km đường trục chính được thảm nhựa; 850m2 vỉa hè được lát đá; 4,13km rãnh thoát nước được lắp tấm đan; 22,5km lắp đặt đường điện chiếu sáng; 1.595 cây xanh, cây bóng mát được trồng mới trên các tuyến đường công cộng; 100% khu dân cư được đánh số nhà, gắn biển số nhà, biển đường chỉ dẫn...

Những con số thống kê ở một xã mà trước đây có thời điểm được đánh giá là ì ạch về phong trào, chưa tạo được nhiều đột phá thì nay với sự thay đổi về cán bộ quản lý, cách triển khai nghị quyết đã mang đến nhiều sự khác biệt, là minh chứng cho tinh thần đồng lòng của người dân với mong muốn đổi mới, hiện đại và văn minh hơn.

Không chỉ ở xã Hoằng Thịnh, hầu hết các khu dân cư trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đều có sự thay đổi đáng kể. Người dân đều được thụ hưởng nhiều “quả ngọt” kể từ khi toàn huyện đồng thuận thực hiện NQ14 và XDNTM nâng cao, kiểu mẫu theo hướng đô thị. Chủ tịch UBND xã Hoằng Kim Lê Quang Thành cho biết: “Là một trong 4 xã nằm trong quy hoạch đô thị Phú Quý, khi thực hiện NQ14 đã tạo cơ sở để xã Hoằng Kim có cơ hội được “đi trước một bước” trong phát triển hạ tầng, đầu tư, chỉnh trang các công trình theo hướng đô thị. Xã huy động và sử dụng nguồn lực, từng bước hoàn thiện dần các tiêu chí của xã NTM nâng cao gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn. Riêng trong năm 2023, trên địa bàn xã đã có 3 tuyến đường giao thông trong các khu dân cư cũ được thảm nhựa với chiều dài 2,6km; phối hợp với các đơn vị viễn thông hạ ngầm hệ thống cáp, thu gom, bó gọn các đoạn cáp dư thừa tại khu trung tâm... Khu Công nghiệp Bắc Hoằng Hóa dần hình thành và phát triển; Trung tâm Văn hóa, thể dục, thể thao Bắc Hoằng Hóa được đầu tư trên địa bàn, trở thành công trình điểm nhấn của khu vực, bộ mặt nông thôn khởi sắc từ đó.

Tương tự Hoằng Kim, xã Hoằng Thái cũng đang trên đà đô thị hóa với cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, khang trang khi là xã đã được công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Theo Chủ tịch UBND xã Hoằng Thái Trịnh Hữu Vui, nếu như trước đây, người dân rất ngại ra đường khi trời tối thì nay đã khác. Cùng với việc đầu tư, nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông, kết nối làng trên, xóm dưới, 100% các tuyến đường chính của xã đã được đầu tư hệ thống điện chiếu sáng; các tuyến đường trục thôn, xóm cũng được lắp đèn chiếu sáng, giúp người dân đi lại thuận lợi, bảo đảm an ninh trật tự;... vỉa hè, cây xanh, nhà ở dân cư, các công trình công cộng được hoàn thiện, tạo cảnh quan đô thị nông thôn. “Quá trình XDNTM nâng cao, kiểu mẫu gắn với xây dựng đô thị nông thôn đã thực sự mang lại những đổi thay lớn cho địa phương. Làng trong đô thị, đô thị trong làng, người dân Hoằng Hóa được thụ hưởng rất nhiều “quả ngọt”, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt” - đồng chí Trịnh Hữu Vui nhấn mạnh.

Đột phá về hạ tầng giao thông

Một trong những mục tiêu mà huyện Hoằng Hóa đặt ra trong tiến trình XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu là các tiêu chí thực hiện được gắn với định hướng đô thị. Mục tiêu này phù hợp với xu thế phát triển của xã hội nên sau khi có NQ14, UBND huyện đã ban hành các kế hoạch nhằm đưa nghị quyết vào cuộc sống. Và, cuộc “cách mạng” về giao thông được xem là một trong những bước đột phá quan trọng.

Cách đây 2 năm về trước, khi đến thăm các làng quê ở huyện Hoằng Hóa, chúng ta dễ dàng bắt gặp cảnh tượng người dân tự tay phá tường rào, cổng ngõ để hiến đất mở rộng đường. Thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, nhưng ở hầu khắp các vùng quê của huyện ven biển phong trào hiến đất diễn ra sôi nổi. Sự chung sức, đồng lòng của người dân đã làm cho những tuyến đường nhỏ hẹp được rộng mở, những “nút thắt cổ chai” được giải tỏa.

Là hộ tiên phong trong việc hiến đất mở rộng đường ở thôn Đình Long, xã Hoằng Phong, ông Lê Văn Ngọc đã tự nguyện phá dỡ cổng, tường rào, một phần nhà cấp bốn để hiến hơn 20m2 đất thổ cư và tự bỏ kinh phí gần 40 triệu đồng để xây dựng lại công trình. Ông Ngọc cho biết: “Có chủ trương mở đường, các gia đình đã tự nguyện hiến đất, tự tháo dỡ công trình và không đòi hỏi bất kỳ điều gì bởi chúng tôi nhận thức rõ khi con đường được thông thoáng, sạch đẹp sẽ mang lại nhiều lợi ích, thuận tiện lưu thông, thúc đẩy giao thương”. Sau khi gia đình ông Ngọc tháo dỡ công trình hiến đất, rất nhiều hộ đã làm theo. Riêng ở thôn Đình Long đã có 30 hộ dân hiến đất, hộ nhiều nhất hiến tới 200m2 đất nông nghiệp, hộ ít cũng vài chục mét vuông; có nhiều hộ hiến đất ở và tự nguyện di dời cây cối, tường rào, trong đó có những hộ kinh tế gia đình chưa mấy khá giả nhưng khi được vận động vẫn đồng thuận ủng hộ phong trào chung.

Tận mắt chứng kiến bà con Nhân dân trong huyện tự tay phá tường rào, các công trình phụ trên đất, rồi tự bỏ tiền ra xây dựng lại công trình, chỉnh trang nhà cửa, chúng tôi càng thêm thấm thía “Lòng dân chính là vận nước” và khi lòng dân đã thuận thì mọi vấn đề khó khăn của cấp ủy, chính quyền địa phương đều có thể được giải quyết! Và rồi cũng từ sự hy sinh lợi ích riêng vì việc chung của Nhân dân, sự đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng của Nhân dân đã góp phần quan trọng cho những cung đường của huyện Hoằng Hóa được đầu tư theo hướng đô thị với đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật (đường, rãnh thoát nước, vỉa hè, điện chiếu sáng, cây xanh) đã “ra đời”, góp phần thay đổi không gian kiến trúc cảnh quan nông thôn.

Đường Thịnh - Đông, đoạn qua địa bàn xã Hoằng Thịnh là cung đường mới được hình thành và có cảnh quan đẹp. Đường 6 làn xe rộng rãi, đấu nối với Quốc lộ 1A; hàng cây chà là được trồng trên dải phân cách tạo điểm nhấn hiện đại của một cung đường đô thị. Gần 1 năm trở lại đây, tuyến đường này dần trở thành tuyến giao thông quan trọng trong vùng, kết nối với các xã vùng Đông Nam của huyện.

Ông Nguyễn Đình Đức, một người con Hoằng Hóa đang sinh sống ở Hà Nội đánh giá: “Đường sá ở Hoằng Hóa những năm gần đây thay đổi rất thuận tiện cho người dân. Từ các trục đường lớn liên vùng, liên huyện được đầu tư hiện đại đến các đường liên xã, liên thôn cũng được mở rộng thông thoáng hơn rất nhiều so với trước đây. Đơn cử như tuyến đường Thịnh - Đông được đầu tư xây dựng rất đẹp, dẫn đến khu vực Cụm công nghiệp Thái - Thắng, nơi có nhà máy may lớn của một tập đoàn Hồng Kông đang được đầu tư xây dựng. Cung đường này đã phát huy tác dụng rõ rệt, góp phần giảm tải lưu lượng phương tiện trên các trục giao thông chính khác của huyện, tạo thuận tiện cho Nhân dân rất nhiều. Bản thân tôi và nhiều người Hoằng Hóa xa quê thực sự rất phấn khởi, bởi quê hương ngày một phát triển”.

Trong phát triển đô thị ở Hoằng Hóa những năm gần đây, có thể nói điểm nhấn quan trọng nhất là địa phương đã tạo dấu ấn đột phá về hạ tầng giao thông. Trong 5 năm, toàn huyện đã có 333,41km đường giao thông được xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo. Trong đó có 165,12km đường rộng trên 7,5m; 71,29km đường rộng từ 4m - 7,5m và 96km đường rộng dưới 4m. Đáng chú ý, nếu như thời điểm trước khi thực hiện nghị quyết toàn huyện chỉ có 7,9km đường giao thông được thảm bê tông nhựa thì đến nay, toàn huyện đã có 133,1km đường được thảm bê tông nhựa qua các khu dân cư cũ.

Từ năm 2018 trở về trước, Hoằng Hóa chưa có đường đôi 4 làn xe, nhưng bắt đầu từ năm 2019 đến nay, toàn huyện đã có hơn 50km đường đô thị từ 4 làn xe trở lên với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Nổi bật nhất phải kể đến như: đường từ Quốc lộ 1A đi ngã tư Gòng (2,6km); đường Quỳ - Xuyên (4km); đường Thịnh - Đông giai đoạn 1 (6,38km); đường Kim - Quỳ (4,9km)...

Hàng loạt dự án giao thông khác có vai trò đặc biệt với sự phát triển của địa phương đã và đang được hình thành, như: đường Thịnh - Đông giai đoạn 2 (2,62km); đường từ Quốc lộ 10 thị trấn Bút Sơn đi Khu du lịch Hải Tiến (5,2km); Quốc lộ 1A đi Quốc lộ 45 (7,6km); đường từ đền Tô Hiến Thành đi Hoằng Trường (3,3km); đường nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 45 từ xã Hoằng Kim đến xã Thiệu Long (Thiệu Hóa)...

Diện mạo nông thôn Hoằng Hóa thay đổi từng ngày, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng tiệm cận đô thị; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp; đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Trên nền tảng giàu bản sắc văn hóa và những đổi mới về hạ tầng đã từng bước đưa nông thôn Hoằng Hóa trở thành miền quê đáng sống.

Tô Dung - Việt Hương

Bài 2: “Bước ngoặt” phát triển đến từ những định hướng “đúng” và “trúng”.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]