(Baothanhhoa.vn) - Đất đai được ví như “miếng mồi ngon” của nhiều cán bộ, công chức tha hóa, biến chất. Lợi dụng sự lỏng lẻo và những “kẽ hở” trong quản lý đất đai, không ít cán bộ, công chức các cấp, các ngành “tay nhúng chàm” đã phải “đứt gánh” giữa đường vì đất.

Trục lợi đất công, không thoát kết đắng (Bài 1): “Đứt gánh” giữa đường vì đất

Đất đai được ví như “miếng mồi ngon” của nhiều cán bộ, công chức tha hóa, biến chất. Lợi dụng sự lỏng lẻo và những “kẽ hở” trong quản lý đất đai, không ít cán bộ, công chức các cấp, các ngành “tay nhúng chàm” đã phải “đứt gánh” giữa đường vì đất.

Trục lợi đất công, không thoát kết đắng (Bài 1): “Đứt gánh” giữa đường vì đất

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Mai Quang Bính, nguyên Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Bỉm Sơn. Ảnh: P.V

Nhiều cán bộ “tay nhúng chàm” phải trả giá

Huyện Thường Xuân những ngày cuối tháng 5-2023 lại “nóng” thêm một lần nữa khi Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Anh Linh, sinh năm 1962, nguyên cán bộ Chi cục Thuế khu vực Thọ Xuân – Thường Xuân về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Nguyễn Anh Linh là bị can thứ 5 bị khởi tố liên quan đến vụ án hình sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại xã Ngọc Phụng và UBND huyện Thường Xuân. Vụ án này từng khiến nhiều người không khỏi “giật mình” khi đưa ra ánh sáng cùng lúc nhiều cán bộ sai phạm đang đương chức. Từ Vũ Ngọc Nam, Chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng đến Lê Văn Khánh, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), kiêm Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Thường Xuân, rồi Nguyễn Chí Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Thường Xuân và cao hơn nữa là Cầm Bá Xuân, nguyên Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, lúc bị khởi tố là Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa.

Theo kết quả điều tra, năm 2014, với vai trò là Trưởng Phòng TN&MT, kiêm Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Thường Xuân, Lê Văn Khánh đã tham mưu cho Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện phê duyệt điều chỉnh quy hoạch và quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; đề nghị Chủ tịch UBND huyện phê duyệt mức giá chuyển mục đích sử dụng đất 100.000 đồng/m2 (thấp hơn giá quy định) và trực tiếp ký 2 phiếu chuyển thông tin địa chính ghi rõ mức giá 100.000 đồng/m2 để tạo điều kiện cho 2 công dân xây dựng cơ sở chế biến lâm sản. Hành vi làm trái quy định này đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng. Nguyễn Chí Thành và Vũ Ngọc Nam là 2 đồng phạm trong vụ án này. Một vụ án, có tới 5 cán bộ trong cùng một huyện bị truy tố thật là đau xót!

Đất đai luôn là lĩnh vực “nóng” bởi “tấc đất, tấc vàng”. Đất càng có giá trị, càng sinh lời thì tình trạng tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai càng có xu hướng gia tăng, để lại những hệ lụy nghiêm trọng, nếu không thất thoát tài sản của Nhà nước thì cũng thiệt hại tiền bạc của Nhân dân. Trong nhiều vụ án tham nhũng mới khởi tố, có nhiều bị can dù hành vi phạm tội đã diễn ra từ những năm trước, nhưng thực hiện quyết tâm chính trị của Đảng là “Không có vùng cấm, không để hạ cánh an toàn, mọi hành vi cố ý làm trái các quy định Nhà nước hoặc dù không cố ý nhưng thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng”, các bị can đều đã bị xử lý thích đáng. Điển hình như vụ án của Nguyễn Văn Tuấn diễn ra trong giai đoạn 2017 – 2020. Trong quá trình giữ chức Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc, Nguyễn Văn Tuấn đã cấu kết với Bùi Ngọc Hải, công chức địa chính xã thu tiền mua đất của 17 hộ dân không đúng quy định, gây thiệt hại cho người dân 1,3 tỷ đồng. Liên quan đến vụ án này, cơ quan công an tiếp tục khởi tố Vũ Huy Cần, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Hậu Lộc đã không thẩm định nhưng vẫn ký vào 10 hồ sơ xin giao đất của UBND xã Hòa Lộc gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 2,5 tỷ đồng. Vụ án Lưu Vũ Lâm, nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Định cùng hai thuộc cấp là Hoàng Văn Phúc và Hà Duyên Lục xảy ra từ năm 2017-2018, nhưng đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022 đều bị khởi tố, bắt tạm giam và đã tuyên phạt án tù. Hay vụ án Nguyễn Bá Hùng, Bí thư Huyện ủy Như Xuân và Văn Xuân Hùng, nguyên Trưởng Phòng Quản lý công sản - Giá (Sở Tài chính) về liên quan đến Dự án Đầu tư xây dựng công trình Hạc Thành Tower tại phường Điện Biên (TP Thanh Hóa) do Công ty CP Sông Mã làm chủ đầu tư diễn ra từ năm 2013 nhưng đến tháng 7-2022 cũng đã bị khởi tố hình sự...

Những vụ án tham nhũng liên quan đến đất đai hầu hết đều mang “lợi ích nhóm” và có chung động cơ, mục đích phạm tội là chiếm đoạt trái phép tài sản của Nhà nước, của công dân để trục lợi. Thế nhưng, sự cấu kết từ cấp dưới đến cấp trên, từ những cái “bắt tay” trong “bóng tối”, làm khổ dân, làm thiệt hại tài sản Nhà nước đã và đang bị trả giá rất đắt. Những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất đã phải “đứt gánh” giữa đường và nhận sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật. Có những người từ cán bộ lãnh đạo quản lý đã trở thành tội phạm không thể dung tha. Những khu “đất vàng” để phát triển địa phương lại trở thành “hố đen” vùi lấp một số cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất. Các vụ việc được đưa ra ánh sáng thêm một lần nữa khẳng định quyết tâm: “Tất cả mọi sai phạm, bất kể người đó là ai nếu lạm quyền, làm trái pháp luật để thu lợi bất chính đều phải trả giá”.

Thoái hóa, biến chất vì... đất

Xuất phát từ lòng tham vô đáy của những kẻ có chức quyền đã lợi dụng một số “lỗ hổng” trong Luật Đất đai để kiếm lợi bất chính. Họ cấu kết với nhau bằng các “nhóm lợi ích” và lợi dụng sơ hở, sự lỏng lẻo trong các quy định liên quan đến quy hoạch, sử dụng, cho thuê đất hay là sự chưa đồng bộ, thống nhất giữa các luật về quy hoạch, đầu tư, đấu thầu, nhà ở... để kiếm chác, làm giàu. Sự thiếu liêm chính, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là căn nguyên dẫn đến tham nhũng và ngược lại.

Trung tá Lương Ngọc Hải, Đội trưởng Đội hướng dẫn, điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh cho biết: “Thời gian qua, lực lượng cảnh sát kinh tế, Công an Thanh Hóa đã tập trung đấu tranh, xử lý các vi phạm trong việc giao đất, thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để chiếm đoạt tài sản, gây thất thoát ngân sách Nhà nước, thiệt hại đến các tổ chức, cá nhân. Từ năm 2021 đến nay, đã khởi tố 13 vụ án với 29 bị can phạm tội liên quan đến đất đai trên địa bàn toàn tỉnh. Các địa phương xảy ra nhiều vi phạm là Ngọc Lặc, Yên Định, Hậu Lộc, Thường Xuân, Thiệu Hóa, thị xã Bỉm Sơn”. Những vụ việc được đưa ra xử lý mới chỉ là phần nổi, còn “tảng băng chìm” thì chưa biết thế nào bởi còn những vụ việc, vụ án chưa bị phát hiện và lôi ra ánh sáng.

Những sai phạm về đất đai không chỉ gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước, cho tổ chức, công dân mà hệ lụy nghiêm trọng hơn là làm xói mòn lòng tin của Nhân dân vào cấp ủy, chính quyền địa phương. Khi những người có chức trách, nhiệm vụ được trao quyền lại lạm quyền, lộng quyền, không thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, thậm chí còn tìm cách để bịt đường, đe dọa để người khác không dám đứng lên đấu tranh, tố giác các hành vi tiêu cực, tham nhũng. Nhiều cán bộ quản lý là người có trình độ, kinh nghiệm trong công tác, nhưng vì động cơ không trong sáng, bị vật chất làm “mờ mắt” đã cố ý làm trái quy định để trục lợi, bòn rút tài sản công. Mất cán bộ, mất cả lòng tin với dân cũng từ đất.

Thị trấn Quý Lộc (Yên Định) những ngày giữa tháng 7-2023 vẫn râm ran những câu chuyện xung quanh vụ án giao đất trái thẩm quyền, thu tiền sử dụng đất không đúng quy định. Chỉ cần được gặp phóng viên là người dân nơi đây “không tiếc lời” để nói về sự tha hóa của Lê Văn Khang, nguyên là công chức địa chính – xây dựng thị trấn Quý Lộc. Hệ lụy không chỉ với người dân mà cả hệ thống chính trị từ huyện đến thị trấn cũng phải đau đầu vì chưa tìm được cách giải quyết tốt nhất bởi những phức tạp trong lĩnh vực đất đai. Sự việc âm ỉ đã nhiều năm nhưng chính thức bị “phanh phui” cách đây 4 tháng, khi Cơ quan CSĐT (Công an tỉnh) thi hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Lê Văn Khang, sinh năm 1987, nguyên là công chức địa chính – xây dựng thị trấn Quý Lộc về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Theo kết quả điều tra ban đầu, giai đoạn 2018 - 2021, Lê Văn Khang đã nhận tiền để mua chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10 hộ dân trên địa bàn thị trấn Quý Lộc, đồng thời viết giấy cam kết sẽ mua đất giúp người dân. Thế nhưng, sau nhiều năm, Lê Văn Khang vẫn không mua được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chiếm đoạt 227 triệu đồng của người dân để tiêu xài cá nhân. Liên quan đến các sai phạm xảy ra tại thị trấn Quý Lộc, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Định đã kỷ luật bằng hình thức cách hết chức vụ trong Đảng đối với ông Trịnh Đình Khoa, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Quý Lộc khi ký xác nhận các giấy nhận tiền giữa Lê Văn Khang với người dân.

Những vụ án lớn vừa qua được xử lý nghiêm minh đã phần nào giúp cho cán bộ quản lý các cấp thấm sâu và tự xem lại để răn dạy bản thân mình. Những vụ án càng được làm sáng tỏ, càng thấy được một thực tế xót xa: Tham nhũng đã ngấm vào bộ máy, ăn sâu vào tư tưởng của một bộ phận cán bộ. Những cán bộ, đảng viên sai phạm, ngoài “kẽ hở” về cơ chế, chính sách, pháp luật thì sự suy thoái phẩm chất, đạo đức mang tính quyết định. Cơ chế, chính sách, pháp luật có “lỗ hổng” là điều kiện để cán bộ tha hóa vi phạm. Nếu ai không trong sáng, không dùng sức mạnh đạo đức, lương tâm, danh dự để tự bảo vệ mình thì rất dễ rơi vào tham nhũng. Phòng, chống tham nhũng đã khó, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống lại càng khó gấp bội, bởi nó thường xuyên ẩn náu trong mỗi con người và sẵn sàng trỗi dậy làm cho con người ta gục ngã trước một cám dỗ nào đó.

Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ sai phạm là điều không ai mong muốn, nhưng vì sự nghiệp chung nên phải làm và kiên quyết làm. Hàng loạt những vụ án tham nhũng trong nhiều cấp, nhiều ngành đã bị phanh phui, điều tra, kiên quyết xử lý không làm hạn chế sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những người tâm huyết; cũng không làm chậm sự phát triển của tỉnh mà ngược lại, làm trong sạch và tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ cán bộ, củng cố và tăng cường lòng tin của Nhân dân. Điều này cũng khẳng định mạnh mẽ, nhất quán quan điểm “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không còn hạ cánh an toàn, bất kể người đó là ai và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”.

Nhóm phóng viên

Bài 2: Những “mánh khóe” trục lợi.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]