(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa được biết đến là một trong những địa phương có nhiều làng nghề truyền thống, trong đó có những làng nghề, nghề tồn tại và phát triển hàng trăm năm. Tuy nhiên, hiện nhiều làng nghề đứng trước nguy cơ bị mai một do cơ chế thị trường. Vì vậy, việc giữ nghề truyền thống đang là nỗi trăn trở của cả người dân cũng như chính quyền địa phương.

Trăn trở nghề truyền thống

Thanh Hóa được biết đến là một trong những địa phương có nhiều làng nghề truyền thống, trong đó có những làng nghề, nghề tồn tại và phát triển hàng trăm năm. Tuy nhiên, hiện nhiều làng nghề đứng trước nguy cơ bị mai một do cơ chế thị trường. Vì vậy, việc giữ nghề truyền thống đang là nỗi trăn trở của cả người dân cũng như chính quyền địa phương.

Trăn trở nghề truyền thốngNghề đan lát mây tre đan tại phố Chính Trung, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương).

Nghề mây tre đan ở phố Chính Trung, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) đã có từ năm 1955 và đã từng là nghề thu hút đông đảo người dân địa phương cùng làm, mang lại thu nhập ổn định. Vào thời điểm phát triển nhất của nghề cũng là lúc lực lượng lao động tham gia đông đảo nhất. Hầu như đều là người trẻ có tay nghề giỏi vào lúc đó, cung cấp sản phẩm đi khắp nơi. Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, nghề mây tre đan ở Chính Trung không còn phát triển như xưa, số thợ lành nghề theo đó cũng giảm dần. Hiện tại, ở địa phương chỉ còn một số ít hộ gia đình theo nghề, lượng hàng hóa sản xuất ra lại khó bán khiến người dân trăn trở có nên tiếp tục hay buông bỏ?

Gần nửa thế kỷ gắn bó với nghề, ông Bùi Văn Bốn, phố Chính Trung không khỏi chạnh lòng khi nhắc đến cái nghề mà mình đã từng đi qua bao thăng trầm. “Làng tôi giờ chỉ còn khoảng 10 gia đình sản xuất nhưng chủ yếu là người già, số lượng sản phẩm làm ra rất ít và lẻ tẻ. Thế hệ trẻ không còn mặn mà với nghề, phần nhiều đi làm công nhân và những công việc khác. Gia đình tôi cũng chỉ còn tôi và vợ ngồi đan móc hằng ngày. Tuy nhiên từ sau tết đến nay, không có đơn hàng mới nên tôi cũng phải quay lại làm ruộng để duy trì đời sống cho gia đình” - ông Bốn nói. Trung bình một ngày, vợ chồng ông Bốn và những hộ gia đình khác làm mây tre đan ở địa phương chỉ kiếm được khoảng 20.000 đồng. Chính vì thu nhập ít ỏi nên nhiều người đã dần bỏ nghề đi tìm việc khác, chỉ còn lại người già tranh thủ lúc rảnh rỗi kiếm thêm chút thu nhập phụ giúp con cháu, vừa cũng bởi lưu luyến cái nghề cha ông để lại mà không nỡ bỏ.

Xã Xuân Hồng (Thọ Xuân) trước đây nổi tiếng với làng nghề đan cót ép. Thời hưng thịnh của nghề có đến hơn 80% lao động trong xã tham gia sản xuất và nghề này được coi là thu nhập chính của hàng nghìn người dân lúc ấy. Thời điểm đó, ngày nào cũng có xe tải chở vầu, nứa về xã cho các hộ làm nguyên liệu sản xuất cót ép. Thế nhưng, đứng trước sự thay đổi nhanh chóng của thị trường, các sản phẩm từ cót ép đang dần được thay thế bởi những sản phẩm làm từ nhựa tổng hợp và vật liệu khác khiến nghề đang dần đứng trước nguy cơ bị mai một.

Ông Lê Đình Hảo, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thọ Xuân, chia sẻ: "Sản phẩm cót ép trước đây được cung cấp chủ yếu cho các công trình, nhưng ngày nay đã có nhiều thiết bị hiện đại thay thế nên nhu cầu sử dụng cót ép giảm mạnh. Cộng thêm sự phát triển của các sản phẩm làm từ nhựa khiến nghề làm cót ép không còn thị trường để tiêu thụ, hàng làm ra không bán được nên nhiều người đã bỏ nghề”.

Có thể nói, việc các ngành nghề, nghề truyền thống đang dần mai một có rất nhiều nguyên nhân. Một phần là do yêu cầu của người tiêu dùng ngày một cao, sản phẩm cần chất lượng hơn, mẫu mã phải đa dạng hơn... nhưng nhiều làng nghề lại không đáp ứng được điều đó khiến sản phẩm không có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp hiện đại khác trên thị trường. Mặt khác, điều kiện làm việc tại các làng nghề nông thôn còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp khiến nguồn lao động trẻ tìm đến các ngành nghề có điều kiện phát triển với mức thu nhập ổn định hơn. Bên cạnh đó, phần lớn số lượng thợ, nghệ nhân chưa thường xuyên được đào tạo nên khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, giá trị gia tăng còn thấp...

Sự mai một của các làng nghề truyền thống cũng đồng nghĩa với việc làm mất đi nét văn hóa lâu đời của mỗi địa phương. Vì vậy, việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống là nhiệm vụ cần thiết, không chỉ góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa cha ông đã để lại, mà việc phát triển làng nghề còn giúp người dân nông thôn có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. Bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của mỗi làng nghề, rất cần sự hỗ trợ của các sở, ngành và địa phương trong việc xây dựng kế hoạch và các chính sách để khôi phục và bảo tồn làng nghề; từ đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các làng nghề phát triển.

Bài và ảnh: Chi Phạm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]