(Baothanhhoa.vn) - Tổng thống Donald Trump tuyên bố ý định xây dựng một “Vòm Vàng” nhằm bảo vệ nước Mỹ, dự án được ông ví như một lá chắn phòng thủ toàn diện, tương tự hệ thống phòng thủ tên lửa.

Tổng thống Donald Trump và “Vòm Vàng” bao phủ nước Mỹ

Tổng thống Donald Trump tuyên bố ý định xây dựng một “Vòm Vàng” nhằm bảo vệ nước Mỹ, dự án được ông ví như một lá chắn phòng thủ toàn diện, tương tự hệ thống phòng thủ tên lửa.

Tổng thống Donald Trump và “Vòm Vàng” bao phủ nước Mỹ

Siêu dự án quân sự mang tính biểu tượng và chiến lược

Đối với Tổng thống Donald Trump, “Vòm Vàng” không đơn thuần là một hệ thống phòng thủ tên lửa. Đó là biểu tượng cá nhân, một “Kim tự tháp hiện đại” phản ánh tham vọng để lại dấu ấn lịch sử trên lĩnh vực an ninh quốc gia và công nghệ quân sự. Trong một tuyên bố gần đây, ông nhấn mạnh: “Tôi đã hứa với người dân Mỹ rằng sẽ xây dựng một lá chắn phòng thủ tiên tiến để bảo vệ quê hương khỏi các cuộc tấn công tên lửa từ nước ngoài”. Theo ông, hệ thống này sẽ đủ năng lực đánh chặn tên lửa từ bất kỳ điểm xuất phát nào trên thế giới, thậm chí cả từ không gian.

“Vòm Vàng” được mô tả là một “Dự án Manhattan mới”, phản ánh tính cấp bách, quy mô lớn và vai trò chiến lược. Dự án dự kiến tích hợp hơn 100 chương trình phòng thủ tên lửa và hệ thống vũ khí khác nhau, với sự tham gia của các tập đoàn quân sự hàng đầu như Lockheed Martin. Tổng chi phí ước tính theo Nhà Trắng vào khoảng 175 tỷ USD, trong đó 25 tỷ USD đã được phân bổ trong ngân sách quốc phòng năm tới. Tuy nhiên, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) dự báo tổng chi phí có thể vượt 500 tỷ USD trong 20 năm, do yêu cầu bao phủ toàn bộ lãnh thổ Mỹ và sự phức tạp trong tích hợp công nghệ.

Tướng Michael Gatlein, Phó Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Không gian Mỹ, được chỉ định chỉ huy dự án, phản ánh trọng tâm chiến lược nghiêng về lĩnh vực phòng thủ không gian và tác chiến quỹ đạo, mở rộng phạm vi từ mặt đất lên tới không gian vũ trụ.

Chi phí khổng lồ và bài toán hiệu quả - rủi ro

Mặc dù Tổng thống Trump kỳ vọng “Vòm Vàng” sẽ trở thành tấm khiên bảo vệ toàn diện cho nước Mỹ trước các mối đe dọa tên lửa hiện đại, song theo Phó Giáo sư Gevorg Mirzayan (Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Nga), hiệu quả thực tế của hệ thống này còn xa vời, bởi hai lý do then chốt:

Thứ nhất, về mặt kỹ thuật, hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay vẫn chưa bắt kịp tốc độ phát triển của các vũ khí tấn công hiện đại, đặc biệt là tên lửa siêu vượt âm và tên lửa đạn đạo mang nhiều đầu đạn độc lập (MIRV). Việc đánh chặn một tên lửa đòi hỏi chi phí cao gấp nhiều lần so với chi phí phóng - một bất cân đối chiến lược. Vụ tấn công tên lửa của Iran vào Israel ngày 14/4/2024 đã buộc Israel phải sử dụng hệ thống phòng thủ trị giá gần 1 tỷ USD, minh chứng rõ ràng cho bài toán chi phí - hiệu quả đang tồn tại.

Thứ hai, mục tiêu thực tế của “Vòm Vàng” dường như không nhằm đối phó với các siêu cường hạt nhân - vốn có kho vũ khí đủ sức xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ nào - mà chủ yếu hướng đến các mối đe dọa hạt nhân hạn chế từ những quốc gia tầm trung hoặc các lực lượng phi quốc gia có khả năng sở hữu vũ khí tầm xa trong tương lai. Tuy nhiên, nếu chỉ nhằm đối phó với các đối thủ quy mô nhỏ, việc chi hàng trăm tỷ USD để phát triển một hệ thống tầm quốc gia lại đặt ra câu hỏi về tính hợp lý và sự cân đối chiến lược.

Phá vỡ thế cân bằng chiến lược hậu Chiến tranh Lạnh?

Trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình từ trật tự đơn cực sang đa cực, các quốc gia ngày càng có xu hướng dựa vào vũ khí hạt nhân để duy trì vị thế và đảm bảo an ninh quốc gia. Pakistan, Triều Tiên và tiềm năng của Iran là những ví dụ điển hình về xu hướng này. Khi ngày càng nhiều quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và công nghệ phóng tên lửa, nhu cầu về hệ thống phòng thủ như “Vòm Vàng” trở nên dễ hiểu hơn về mặt chiến lược.

Tổng thống Donald Trump và “Vòm Vàng” bao phủ nước Mỹ

Tuy nhiên, chính điều đó lại đẩy thế giới vào tình thế bất ổn mới. Việc Mỹ theo đuổi một hệ thống phòng thủ toàn diện, có khả năng làm giảm giá trị răn đe hạt nhân của các nước lớn, có thể bị diễn giải như một hành động phá vỡ thế cân bằng chiến lược toàn cầu. Hệ quả tiềm ẩn là nguy cơ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới, không chỉ về vũ khí tấn công mà cả về công nghệ xuyên thủng phòng thủ. Trong kịch bản xấu nhất, điều này có thể đẩy thế giới đến gần hơn với xung đột hạt nhân thực sự, khi các bên mất đi niềm tin vào khả năng răn đe lẫn nhau.

Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, việc tránh được một cuộc xung đột hạt nhân toàn diện giữa các siêu cường không chỉ nhờ đối thoại chính trị, mà còn dựa trên một nguyên tắc cơ bản trong học thuyết răn đe: đảm bảo phá hủy lẫn nhau (Mutual Assured Destruction - MAD). Tức là, không ai có thể thắng trong một cuộc chiến hạt nhân, và đó chính là yếu tố giữ hòa bình.

Chính để bảo đảm nguyên tắc đó, năm 1972, Hoa Kỳ và Liên Xô đã ký Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM Treaty), nhằm duy trì thế cân bằng chiến lược, tránh việc một bên đạt được lợi thế phòng thủ tuyệt đối có thể làm suy yếu khả năng trả đũa của bên kia. Tuy nhiên, thế cân bằng này bắt đầu thay đổi khi Tổng thống George W. Bush tuyên bố rút khỏi Hiệp ước ABM vào năm 2002.

Mặc dù giới chuyên gia quân sự và vật lý nhiều lần khẳng định rằng không có hệ thống phòng thủ nào có thể đánh chặn hiệu quả một cuộc tấn công hạt nhân quy mô lớn, việc theo đuổi một lá chắn toàn diện vẫn gây ra hậu quả chính trị nghiêm trọng khi làm xói mòn niềm tin chiến lược giữa các cường quốc. Một khi một bên cảm thấy khả năng trả đũa của mình có thể bị vô hiệu hóa, thì sự ổn định dựa trên răn đe cũng sụp đổ.

Không ngạc nhiên khi dự án “Vòm Vàng” vấp phải sự hoài nghi từ Moscow và phản ứng gay gắt từ Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi đây là một hành động làm tăng nguy cơ “biến không gian thành chiến trường, thúc đẩy chạy đua vũ trang và hủy hoại an ninh quốc tế”.

Theo giới chuyên gia, một trong những điểm đáng lo ngại khá là việc “Vòm Vàng” mở rộng vào không gian - với các tên lửa đánh chặn có khả năng tiêu diệt cả vệ tinh quân sự lẫn dân sự. Nếu một cuộc xung đột vệ tinh nổ ra, không chỉ an ninh mà cả kinh tế, hàng không, viễn thông và định vị toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mọi quốc gia sẽ buộc phải phát triển hệ thống phòng vệ vệ tinh riêng, tạo ra một chuỗi phản ứng chiến lược - vòng xoáy quân sự hóa không gian.

Về mặt lý thuyết, các rủi ro trên có thể được giải quyết thông qua một “Hội nghị Yalta hạt nhân mới” - nhằm thiết lập lại nguyên tắc răn đe, quy tắc ứng xử trong không gian và củng cố chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, trong thực tiễn, sự chia rẽ lợi ích và thiếu vắng lòng tin chiến lược khiến kịch bản này khó xảy ra.

Thế giới đang đứng trước nguy cơ bước vào một vòng xoáy chạy đua vũ trang mới - không chỉ trên mặt đất, mà cả trong không gian. Khi niềm tin chiến lược bị xói mòn và các cơ chế kiểm soát vũ khí ngày càng yếu đi, mọi nỗ lực đơn phương nhằm củng cố an ninh quốc gia có thể vô tình làm gia tăng bất ổn toàn cầu - điều mà ngay cả một “Vòm Vàng” cũng không thể ngăn chặn.

Hùng Anh (CTV)


Hùng Anh (CTV)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]