Tín dụng chính sách góp phần tái thiết Sa Ná
Trở lại bản Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn) hôm nay, điều dễ nhận thấy là một diện mạo hoàn toàn mới. Sự khởi sắc này không chỉ thể hiện qua cơ sở hạ tầng của khu tái định cư mà còn qua chất lượng cuộc sống, nguồn thu nhập của người dân. Ông Ngân Văn Thêu, Trưởng bản Sa Ná cho biết: Cơn lũ diễn ra vào đầu tháng 8/2019 đã khiến 10 người chết, hơn 50 ngôi nhà bị cuốn trôi, hư hỏng; hàng chục héc-ta lúa, hoa màu bị vùi lấp..., nhiều gia đình lâm cảnh trắng tay.
Cán bộ NHCSXH huyện Quan Sơn đến thăm hộ vay vốn ở bản Sa Ná.
Sau lũ, bản tái định cư đã được xây dựng mới từ nguồn ngân sách Nhà nước, sự đóng góp từ các nhà hảo tâm trên nền diện tích 2,8ha của đồi Pom Ngô. Chỉ sau 3 tháng nỗ lực thi công, 19 ngôi nhà cấp bốn, 32 căn nhà sàn truyền thống được hoàn thiện, cùng với hai điểm trường mầm non, tiểu học, nhà văn hóa cộng đồng... Tất cả đều khang trang, kiên cố, mang lại nơi “an cư” an toàn lâu dài cho người dân. Bên cạnh hạ tầng khu tái định cư mới, con đường bê tông dài hơn 3km nối từ Quốc lộ 217 vào bản Sa Ná cũng được đầu tư làm mới, giúp việc đi lại của người dân thuận tiện, học sinh đến trường không còn phải lo nghỉ học mỗi khi mùa lũ về.
Tuy nhiên, sau khi người dân “an cư” thì vấn đề phát triển sinh kế bền vững cho bà con gặp nhiều khó khăn, vì đất sản xuất phải khôi phục lại, phải lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng sau lũ... Rất may, chương trình tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã kịp thời hỗ trợ giúp người dân có nguồn vốn đầu tư khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Bà Nguyễn Vân Anh, tổ trưởng tổ kế hoạch nghiệp vụ NHCSXH huyện Quan Sơn, cho biết: “Ngay sau cơn lũ năm 2019, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn, như việc người dân mất nhà cửa chưa ổn định nơi ở; việc cơ cấu lại đất sản xuất, cơ cấu cây trồng đang trong quá trình hoạch định... khiến cho việc giải ngân các chương trình cho vay tái sản xuất gặp nhiều khó khăn... Song, để tạo tâm lý ổn định cho người dân vùng lũ, NHCSXH huyện đã rà soát, tiến hành khoanh nợ cho 21 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng số tiền gần 935 triệu đồng. Cùng với đó hướng dẫn người dân các thủ tục để vay mới.
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, các hộ dân đã tận dụng để đầu tư vào những mô hình kinh tế thiết thực, mang lại hiệu quả rõ rệt. Điển hình như trường hợp gia đình chị Vi Thị Cư. Trong cơn lũ năm 2019, gia đình chị Cư mất toàn bộ nhà cửa, thóc lúa, cùng khoản vay 60 triệu đồng từ NHCSXH để chăn nuôi lợn, gà... Sau lũ, gia đình chị không chỉ được ngân hàng khoanh nợ mà ngân hàng còn tạo điều kiện cho gia đình chị vay thêm tiền để đầu tư phát triển kinh tế gia đình.
Chị Cư cho biết, với quyết tâm khôi phục lại kinh tế, với 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay của ngân hàng, chị Cư đã đầu tư mua trâu, phục tráng đồi luồng bị suy kiệt. Nhờ sự chăm chỉ, nỗ lực, đến nay gia đình chị Cư đã thoát nghèo. Đàn trâu, bò hơn 10 con cùng hơn 2ha luồng đang cho nguồn thu nhập ổn định hàng năm.
Tương tự, gia đình anh Lò Văn Đông đã sử dụng 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay hộ cận nghèo của NHCSXH để phục tráng 4,6ha rừng luồng; phát triển chăn nuôi dưới tán luồng, vươn lên thoát nghèo. Anh Đông chia sẻ: “Trước đây do thiếu vốn, đồi luồng bị nghèo kiệt sau nhiều năm khai thác. Nhờ nguồn vốn này, tôi có thể mua phân bón, chăm sóc rừng luồng, tận dụng diện tích dưới tán luồng để nuôi trâu, bò”.
Không chỉ gia đình chị Cư, anh Đông, nhiều hộ khác của bản Sa Ná cũng đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH. Từ nguồn vốn vay, các hộ gia đình đã đầu tư vào chăn nuôi; phục hồi rừng luồng, rừng vầu... mang lại hiệu quả kinh tế cao, thoát nghèo bền vững. Đến nay, dư nợ tín dụng của bản Sa Ná đã tăng gấp đôi thời điểm trước lũ, đạt 2,4 tỷ đồng, với 28 hộ vay. Thu nhập bình quân đầu người của bản Sa Ná đạt gần 30 triệu đồng/năm. Số hộ nghèo giảm còn 16 hộ. Bản Sa Ná cũng đạt chuẩn NTM từ năm 2020.
Ông Phạm Đức Lương, Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo đánh giá: Hiệu quả từ nguồn vốn vay của NHCSXH tại bản Sa Ná không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ tài chính, còn giúp phục hồi, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Các chương trình vốn vay ưu đãi đã trở thành “cầu nối” giúp bà con vùng lũ tái thiết cuộc sống, từ đó khơi dậy tinh thần vượt khó, quyết tâm làm lại từ đầu sau thiên tai.
Bài và ảnh: Đình Giang
{name} - {time}
-
2024-12-21 23:08:00
Phát triển rừng bền vững (Bài 2): Tiềm năng mở nhưng còn nhiều “rào cản”
-
2024-12-21 21:18:00
Không phải cứ nhịn, rồi sẽ lành
-
2024-11-02 14:33:00
Mường Lát đẩy nhanh tiến độ số hóa dữ liệu hộ tịch
Trao sinh kế - “chìa khóa” giúp người dân thoát nghèo bền vững
Nâng cao chất lượng xe buýt, xe khách liên tỉnh
Phát động Tháng hành động vì Bình đẳng giới năm 2024
Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính của 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Prudential trao “món quà” chu toàn giải pháp bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình dịp cuối năm (**)
Cụm thi đua số 13 trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa
Loạn thu tiền điện tại các khu trọ dành cho sinh viên, công nhân
Đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt
Quan Sơn đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động