Tích tụ, tập trung đất đai tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp ở Nga Sơn
Với các địa phương có điều kiện thuận lợi về đồng đất, nguồn lao động dồi dào thì việc tích tụ, tập trung đất đai (TTTTĐĐ) không chỉ là hướng đi bền vững, tạo bước đột phá trong sản xuất, mà còn hướng đến nền nông nghiệp hiện đại. Nhận thức được điều đó, thời gian qua, huyện Nga Sơn đã triển khai nhiều giải pháp cùng với cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm khuyến khích các tổ chức, người nông dân đẩy mạnh TTTTĐĐ để hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn, hiệu quả cao.
Mô hình tích tụ tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao của Công ty CP Nông nghiệp Vạn Hoa, tại xã Nga Thạch.
Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 11/01/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “TTTTĐĐ để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, huyện Nga Sơn đã tổ chức quán triệt các nội dung cốt lõi của nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức các hội nghị tuyên truyền đến các thôn, xóm và Nhân dân; hệ thống truyền thanh từ huyện đến xã, thị trấn đã tăng cường thời lượng, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về TTTTĐĐ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Thông qua học tập, quán triệt và tuyên truyền Nghị quyết số 13-NQ/TU, các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên, quần chúng Nhân dân trong huyện đã nhận thức sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, ý nghĩa của việc TTTTĐĐ để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Đi liền với đó, huyện Nga Sơn đã xây dựng kế hoạch TTTTĐĐ để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao giai đoạn 2021-2025 và giao chỉ tiêu cho từng xã, thị trấn tổ chức thực hiện. Cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ chung của tỉnh, HĐND huyện Nga Sơn cũng ban hành nghị quyết hỗ trợ, thưởng cho những mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, như: Hỗ trợ 20 triệu đồng cho 1.000m2 nhà màng; 23 triệu đồng cho 1 hộ dân có diện tích từ 1.000m2 trở lên sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; chính sách đầu tư nâng cấp đường giao thông nội đồng, kênh mương cho các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Nhờ đó, phong trào TTTTĐĐ để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao trên địa bàn huyện được triển khai mạnh mẽ dưới 3 hình thức, bao gồm: Thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhận thầu khoán. Và nhiều mô hình TTTTĐĐ để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn đạt hiệu quả kinh tế cao đã hình thành trên đồng đất Nga Sơn.
Ông Mai Văn Hợi, Phó Chủ tịch UBND xã Nga Thiện, cho biết: "Thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh và sự đầu tư, khuyến khích của huyện, nhiều hộ dân xã Nga Thiện đã tích cực thuê thầu lại đất nông nghiệp để đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất quy mô lớn. Từ năm 2020 đến nay, xã đã tích tụ được gần 35ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có gần 19ha đất đồng bãi phát triển các mô hình trồng rau, củ, quả trong nhà lưới, có liên kết sản xuất; 16ha đất đồng chiêm phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản. Thông qua các mô hình TTTTĐĐ, việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, tiến bộ khoa học - kỹ thuật phát huy hiệu quả, lợi nhuận kinh tế được nâng lên từ 20 - 30% so với sản xuất nhỏ lẻ. Đây là yếu tố để người nông dân Nga Thiện dần hình thành tư duy sản xuất nông nghiệp hiện đại".
Là một trong 4 mô hình TTTTĐĐ bằng hình thức thuê thầu đất để trồng trọt quy mô lớn của huyện, mô hình trồng hoa, cây cảnh và rau củ quả an toàn của Công ty CP Nông nghiệp Vạn Hoa tại xã Nga Thạch đã đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động. Năm 2019, khi huyện Nga Sơn có chủ trương khuyến khích Nhân dân thực hiện TTTTĐĐ để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, công ty đã thuê hơn 2ha đất trồng lạc, ngô hiệu quả kinh tế thấp để cải tạo, xây dựng nhà màng, nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới tự động để sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Với 3 khu nhà màng chuyên trồng dưa vàng, dưa lưới và một số loại rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, giá trị canh tác đạt khoảng 1 tỷ đồng/ha/năm. Nhờ hiệu quả kinh tế vượt trội, công ty tiếp tục thực hiện TTTTĐĐ, đến nay, khu vực sản xuất đã được mở rộng lên 4ha trồng thêm hoa, nho sữa, cây ăn quả, nuôi ong.
Từ năm 2020 đến tháng 11/2024, huyện Nga Sơn đã TTTTĐĐ được hơn 723ha để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có hơn 491ha được tích tụ tập trung theo hướng liên kết, bao tiêu sản phẩm; gần 125ha do các tổ chức, cá nhân thực hiện thuê thầu và 107ha tích tụ qua hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Thông qua TTTTĐĐ, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình TTTTĐĐ để phát triển sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao ở các lĩnh vực trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. Tiêu biểu như: Mô hình sản xuất dưa vàng trong nhà màng, nhà lưới tại các xã Nga Thành, Nga Hải, Nga Giáp, Nga Phượng, Nga Bạch cho lợi nhuận từ 600 - 900 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 7-10 lần sản xuất thông thường; mô hình TTTTĐĐ để sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm tại các xã Nga Trung, Nga Giáp, Nga Thành, Nga Trường cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 1,4 - 1,5 lần so với sản xuất truyền thống; mô hình tôm thẻ thâm canh theo hướng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới cho lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/ha/vụ; các trang trại chăn nuôi lợn theo hướng gia công tại xã Nga Phượng, Nga Thái đạt lợi nhuận từ 350 - 450 triệu đồng/trang trại/năm...
Ông Mai Văn Công, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn, cho biết: “Hiệu quả từ TTTTĐĐ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Nga Sơn đã được khẳng định. Đó là hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân và chuyển đổi cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Phát huy những kết quả đạt được, huyện phấn đấu năm 2025, TTTTĐĐ được khoảng 150ha và giai đoạn 2026 - 2030 phấn đấu TTTTĐĐ được 400ha để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Do đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất hằng năm để khuyến khích các thành phần kinh tế tiếp tục TTTTĐĐ để tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp lớn. Đồng thời, tập trung đào tạo nghề, nâng cao trình độ sản xuất cho người dân để bắt kịp với xu hướng phát triển của nông nghiệp hiện đại”.
Bài và ảnh: Thụy Châu
{name} - {time}
-
2024-12-21 15:47:00
Mở Đường (Bài 2): Một vòng xứ Thanh qua những tuyến đường động lực, kết nối
-
2024-12-21 12:14:00
Những mô hình trang trại tuần hoàn khép kín cho thu nhập cao
-
2024-11-17 14:53:00
“Số hóa” sản phẩm OCOP
Tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế
Thực hiện Chiến lược phát triển thương mại cho nông sản
Bản tin Tài chính 17/11: Giá vàng trong nước ngược chiều thế giới
Giải bài toán bỏ ruộng hoang
Xuân Trường đẩy mạnh phát triển kinh tế
Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo
Bản tin Tài chính 16/11: Vàng nhẫn tăng trở lại; Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ
Nguồn sống mới cho rừng (Bài 1): Giữ “hơi thở” của làng
Khẩn trương hoàn thành kế hoạch thu, nộp quỹ phòng, chống thiên tai