(Baothanhhoa.vn) - Một trong những sự kiện gây chú ý nhất vào đầu nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump là việc tăng thuế quan trên diện rộng đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ. Chính sách thuế quan mới ảnh hưởng đến hầu hết các đối tác thương mại và thuế quan riêng biệt được áp dụng cho một nhóm gồm hơn 70 quốc gia.

Thuế quan, trừng phạt và ảnh hưởng kinh tế toàn cầu của Mỹ

Một trong những sự kiện gây chú ý nhất vào đầu nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump là việc tăng thuế quan trên diện rộng đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ. Chính sách thuế quan mới ảnh hưởng đến hầu hết các đối tác thương mại và thuế quan riêng biệt được áp dụng cho một nhóm gồm hơn 70 quốc gia.

Thuế quan, trừng phạt và ảnh hưởng kinh tế toàn cầu của Mỹ

Tình trạng khẩn cấp và cơ sở pháp lý mới cho thuế quan

“Chiến tranh thương mại toàn cầu” đã trở thành một cú sốc lớn trong 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Trump. Giới phân tích cho rằng, mức thuế mới không chỉ đơn giản là một điều chỉnh kỹ thuật, mà còn phản ánh một chiến lược lớn hơn: công nghiệp hóa lại nước Mỹ và đạt được sự tự chủ trong ngành công nghiệp.

Văn bản quan trọng trong chính sách thương mại mới của Tổng thống Trump là Sắc lệnh hành pháp số 14257 ngày 2 tháng 4 năm 2025. Cơ sở pháp lý của sắc lệnh này là Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) năm 1977. Với sắc lệnh này, Tổng thống Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp liên quan đến sự mất cân bằng trong thương mại và sự phân phối sản xuất không thuận lợi cho Mỹ. Mức thuế mới là công cụ chính được sử dụng để đối phó với tình trạng khẩn cấp này.

Hiện tại, có 45 tiểu bang tại Mỹ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp theo IEEPA, chủ yếu liên quan đến việc áp dụng các biện pháp trừng phạt, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và thương mại. Tuy nhiên, theo truyền thống, các biện pháp trừng phạt thường được áp dụng độc lập và ít khi bao gồm thuế quan. Thông thường, các biện pháp này tập trung vào việc cấm vận tài chính, kiểm soát xuất khẩu và các hạn chế khác. Trong một số trường hợp, thuế quan được sử dụng như một công cụ bổ sung cho các lệnh trừng phạt, chẳng hạn như trong trường hợp các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga, khi các lệnh trừng phạt tài chính quy mô lớn, kiểm soát xuất khẩu, vận tải, thị thực và các hạn chế khác được tăng cường qua việc áp thuế đối với thép Nga.

Một học thuyết thuế quan mới?

Mặc dù sắc lệnh mới của Tổng thống Trump, ban hành theo Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA), có vẻ như làm mờ ranh giới giữa thuế quan và trừng phạt, trên thực tế, hai công cụ này vẫn khác biệt rõ ràng về mục tiêu. Trừng phạt là công cụ đối ngoại nhằm gây sức ép chính trị, trong khi thuế quan phục vụ lợi ích kinh tế và điều chỉnh thương mại, dù có lồng ghép yếu tố an ninh quốc gia. Do đó, “cuộc chiến thuế quan” của Trump không thể được coi là một hình thức trừng phạt theo nghĩa truyền thống.

Một điểm đáng chú ý của Sắc lệnh hành pháp 14257 là phần khái niệm mở rộng, khá hiếm gặp trong các sắc lệnh hành pháp vốn thường ngắn gọn. Văn bản mang tính học thuyết rõ rệt, đề xuất một lộ trình chính sách thương mại mới dựa trên nguyên tắc “có đi có lại”: hàng hóa nhập khẩu từ một quốc gia phải được bù đắp bằng lượng hàng Mỹ xuất khẩu sang quốc gia đó. Đây là sự hồi sinh của quan điểm cân bằng song phương từng phổ biến trong những năm 1930 - 1940.

Sắc lệnh cho rằng Mỹ đang chịu thiệt vì thuế quan thấp và các rào cản gián tiếp từ đối tác, từ hạn chế cấp phép, quy định kỹ thuật, kiểm dịch, trợ cấp, rào cản đầu tư, cho đến thao túng tỷ giá và tham nhũng. Những yếu tố này được cho là nguyên nhân chính dẫn đến phi công nghiệp hóa: thị phần sản xuất toàn cầu của Mỹ giảm từ 28,4% (2001) xuống 17,4% (2023), và nước này đã mất khoảng 5 triệu việc làm trong ngành sản xuất từ năm 1997 đến năm 2024.

Quá trình phi công nghiệp hóa không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là mối đe dọa an ninh, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu hậu cần quân sự ngày càng lớn, như trong trường hợp viện trợ Ukraine. Sắc lệnh cũng cảnh báo về thâm hụt thương mại ngày càng nghiêm trọng, tăng 40% trong vòng 5 năm và đạt 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2024 - cơ sở cho việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp và triển khai chính sách thuế quan mới.

Chiến lược “cây gậy và củ cà rốt”

Chính sách thuế quan mới của Chính quyền Tổng thống Trump triển khai theo hai bước then chốt: đầu tiên là mức thuế 10% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ; tiếp theo là mức thuế bổ sung phân tầng áp dụng cho hơn 70 quốc gia, tùy theo mức độ mất cân bằng thương mại với Mỹ. Tuy vậy, một số mặt hàng chiến lược, như thép, nhôm, chất bán dẫn, dược phẩm, khoáng sản quan trọng và năng lượng, cũng như các quyền sở hữu trí tuệ theo IEEPA, được miễn trừ, phản ánh sự cân nhắc giữa bảo hộ kinh tế và nhu cầu an ninh công nghiệp.

Dù vẫn được hưởng các ưu đãi từ USMCA, Canada và Mexico tiếp tục đối mặt với mức thuế 25%, ngoại trừ sản phẩm năng lượng của Canada (10%). Biện pháp này được hợp pháp hóa thông qua tình trạng khẩn cấp mới - lần này là về dòng chảy ma túy qua biên giới - cho thấy cách Tổng thống Trump linh hoạt sử dụng IEEPA để mở rộng quyền hạn thương mại.

Thuế quan, trừng phạt và ảnh hưởng kinh tế toàn cầu của Mỹ

Theo nhiều chuyên gia, sắc lệnh 14257 đưa ra cơ chế “củ cà rốt và cây gậy”: đối với các quốc gia hợp tác điều chỉnh cán cân thương mại, thuế quan có thể được nới lỏng; ngược lại, các hành động trả đũa sẽ kéo theo biện pháp trừng phạt mạnh hơn. Trung Quốc là mục tiêu ưu tiên của chiến lược này. Từ đầu nhiệm kỳ thứ hai, một loạt sắc lệnh (14195, 14256, 14257, 14259) liên tục nâng thuế đối với hàng Trung Quốc - từ mức 10% ban đầu lên đến 125%, đồng thời siết chặt kiểm soát hàng hóa giá trị thấp và đình chỉ ưu đãi nhập khẩu với 75 quốc gia.

Tuy nhiên, vòng xoáy thuế quan leo thang đã nhanh chóng đẩy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trở lại bàn đàm phán. Các cuộc hội đàm diễn ra tại Geneva ngày 10 - 11/5 với sự tham gia của các quan chức cấp cao từ cả hai phía, kết thúc bằng việc đồng thuận thành lập cơ chế tham vấn kinh tế và thương mại song phương. Những tuyên bố tích cực từ cả Bắc Kinh và Washington cho thấy vẫn còn dư địa đối thoại giữa hai nước sau giai đoạn đối đầu gay gắt.

Rõ ràng, những gì đang diễn ra mới chỉ là giai đoạn khởi đầu của một cuộc cải tổ sâu rộng trong chính sách thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, ngay từ giai đoạn đầu, có thể rút ra hai kết luận quan trọng.

Thứ nhất, chính sách thương mại Mỹ đang ngày càng an ninh hóa - nghĩa là nó không chỉ phục vụ mục tiêu kinh tế, mà còn gắn chặt với các ưu tiên chiến lược và an ninh quốc gia, từ phục hồi công nghiệp nội địa đến chống buôn ma túy xuyên biên giới. Việc triển khai chính sách trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp và dựa trên IEEPA khiến nó tiệm cận với chính sách trừng phạt. Dù vậy, vẫn cần phân biệt rõ: thuế quan là công cụ thương mại, trong khi trừng phạt là công cụ đối ngoại - khác nhau về cả mục tiêu lẫn logic hành động.

Thứ hai, chính quyền Trump đang vận dụng chiến lược “củ cà rốt và cây gậy” một cách có hệ thống. Những phản ứng ban đầu cho thấy mô hình này bước đầu phát huy hiệu quả: hầu hết các quốc gia bị áp thuế riêng đều đã bước vào đàm phán với Washington. Trường hợp Trung Quốc là ví dụ rõ nhất - sau các biện pháp trả đũa, Mỹ lập tức tăng thuế mạnh tay, đẩy Bắc Kinh quay lại bàn đối thoại.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những câu hỏi lớn: liệu mức thuế cao có thực sự giúp phục hồi nền công nghiệp Mỹ, hay chỉ khiến người tiêu dùng trong nước phải gánh chi phí lớn hơn? Ngoài ra, tương lai của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn bất định, nhất là trong bối cảnh hai nền kinh tế tiếp tục phụ thuộc lẫn nhau về công nghệ, chuỗi cung ứng và tài chính.

Câu trả lời sẽ dần hé lộ trong phần còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống Trump.

Hùng Anh (CTV)


Hùng Anh (CTV)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]