(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, hầu hết các trà lúa vụ mùa năm 2023 đang ở giai đoạn đứng cái - làm đòng, một số diện tích đã bắt đầu trổ. Tuy nhiên, nhiều diện tích mùa ở các địa phương trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng sâu, bệnh, nông dân cần tập trung phòng trừ.

Thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa vụ mùa

Hiện nay, hầu hết các trà lúa vụ mùa năm 2023 đang ở giai đoạn đứng cái - làm đòng, một số diện tích đã bắt đầu trổ. Tuy nhiên, nhiều diện tích mùa ở các địa phương trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng sâu, bệnh, nông dân cần tập trung phòng trừ.

Thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa vụ mùa

Người dân xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa) sử dụng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu cho lúa.

Theo điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay tại các huyện Cẩm Thủy, Yên Định, Thạch Thành, Quan Hóa, Quảng Xương, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Thường Xuân, Bá Thước và thị xã Bỉm Sơn, sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 với mật độ phổ biến 3- 5 con/m2, cao 10-20 con/m2, cục bộ có nơi 40- 50 con/m2 với diện tích nhiễm 48 ha.

Bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng với mật độ rầy phổ biến 35-60 con/m2, cao 120-250 con/m2, cục bộ 380-400 con/m2 phân bố tại các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy, Nông Cống, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Quảng Xương, và TP Sầm Sơn.

Sâu đục thân lứa 5 chủ yếu sâu non tuổi 2, 3; tỷ lệ hại phổ 0,6-1%, cao 2-4%, phân bố tại Yên Định, Thiệu Hóa, Thạch Thành, Đông Sơn, Triệu Sơn, Hoằng Hóa, Bá Thước, Quan Sơn, Vĩnh Lộc, Quảng Xương...

Bệnh lùn sọc đen phương Nam đã xuất hiện tại xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước trên giống Thái Xuyên 111. Đây là bệnh rất nguy hiểm đối với cây lúa, chưa có thuốc phòng trừ, khả năng gây hại lớn.

Bệnh khô vằn gây hại trên một số diện tích lúa bón phân không cân đối tại Thọ Xuân, Yên Định, Đông Sơn, Triệu Sơn với tỷ lệ hại phổ biến 5-10%, cao 20-30%, diện tích nhiễm 45,2 ha, diện tích phòng trừ 60 ha.

Ngoài ra, ở một số dịa phương đã xuất hiện bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn xuất hiện sau các trận mưa rào tại một số ruộng lúa lai bón nặng đạm, có bản lá to, mỏng, mềm tại huyện Yên Định, Đông Sơn.

Thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa vụ mùa

Người dân xã Thiên Phủ (Quan Hóa) chăm sóc lúa mùa.

Dự báo từ nay đến cuối vụ, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 nở rộ từ ngày 6 đến 12-8-2023 và gây hại trên tất cả các trà lúa trong tỉnh với mật độ cao, nhất là trà lúa trổ trước ngày 15-8. Sâu non sâu đục thân 2 chấm lứa 5 tiếp tục gây hại nhẹ, tỷ lệ hại tăng.

Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 5 tiếp tục gây hại trên các trà lúa, mật độ tăng nhanh trong điều kiện nắng mưa xen kẽ. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn tiếp tục gây hại trên những diện tích lúa lai bón thừa đạm, có bản lá to, mỏng; tỷ lệ bệnh tăng nhanh sau các trận mưa rào kèm theo mưa to, gió mạnh. Bệnh khô vằn tiếp tục gây hại trên các diện tích lúa cấy dày, khô hạn, bón phân không cân đối, tỷ lệ bệnh và diện tích nhiễm tăng.

Đặc biệt, bệnh lùn sọc đen phương Nam có nguy cơ phát sinh, lây lan, gây hại trên diện rộng nếu không được điều tra, phát hiện và phòng trừ kịp thời, triệt để.

Thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa vụ mùa

Nông dân xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa) phòng trừ sâu bệnh hại lúa.

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng trừ sâu bệnh bảo vệ năng suất, sản lượng lúa vụ mùa năm 2023. Phân công cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở xác định, phân loại trà lúa (theo thời gian trổ), điều tra, dự báo chính xác thời điểm, mức độ phát sinh và gây hại của các đối tượng sâu bệnh, xây dựng hướng dẫn hoặc phương án phòng trừ.

Đồng thời, phối hợp với các xã, phường, thị trấn, thôn, bản tập trung tuyên truyền, giúp nông dân xác định rõ ràng từng đối tượng sâu bệnh và biện pháp phòng trừ hiệu quả ngay từ khi còn ở diện hẹp, không để sâu bệnh lây lan thành dịch. Đặc biệt lưu ý các trà lúa trổ trong thời gian từ ngày 10 đến 20-8-2023.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc Phòng Kinh tế), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, các xã, phường, thị trấn và các phòng ban có liên quan tổ chức, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng trừ sâu bệnh. Tăng cường thông tin trên phương tiện truyền thông của thôn, xã, huyện, tổ chức giao ban theo cụm hoặc từng đơn vị cấp xã khi có nguy cơ sâu bệnh gây hại nặng để đề ra phương án, thời điểm, phương thức phòng trừ hiệu quả. Huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và các doanh nghiệp nông nghiệp có tham gia liên kết sản xuất hoăc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, máy bay phun thuốc trên địa bàn để hỗ trợ nông dân.

Thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh phù hợp. Đối với bệnh lùn sọc đen phương Nam, cần điều tra, phát hiện, xác định mật độ rầy lưng trắng trên đồng ruộng để phun trừ rầy; kiểm tra, khoanh vùng những diện tích nghi nhiễm bệnh và đã bị bệnh để xử lý kịp thời theo quy trình phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa. Tiếp tục thu bắt mẫu rầy lưng trắng trưởng thành và những cây lúa có biểu hiện thấp lùn, lá xanh đậm, xoắn lá... gửi về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để gửi giám định virus lùn sọc đen.

Tăng cường kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, xử lý các trường hợp kinh doanh thuốc ngoài danh mục, thuốc quá hạn sử dụng, thuốc kém chất lượng… đặc biệt là tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá thuốc. Khuyến cáo ưu tiên sử dụng những loại thuốc có hiệu lực cao đối với sâu bệnh và an toàn với con người, môi trường.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các đơn vị có liên quan dự tính, dự báo kịp thời diễn biến tình hình, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện đảm bảo đầy đủ các điều kiện để phòng trừ sâu bệnh hại tại các địa phương, đơn vị.

Hải Đăng


Hải Đăng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]