Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 9/2024
Ngày 14/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2024, nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khắc phục hạn chế, tháo gỡ vướng mắc, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.
Trước khi vào Phiên họp, Chính phủ dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng do bão lũ gây ra - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Dự Phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Bùi Thanh Sơn, Hồ Đức Phớc; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Trước khi vào Phiên họp, trước tình trạng mưa bão, sạt lở, ngập lụt gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, Chính phủ dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng do bão lũ gây ra.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận đóng góp ý kiến để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khắc phục hạn chế, tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho phát triển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ cho biết, bão số 3 (Yagi) với cường độ đặc biệt lớn đổ bộ trực tiếp vào nước ta và hoàn lưu sau bão gây mưa lớn kéo dài trên diện rộng, gây lũ lụt tại nhiều địa phương khu vực phía bắc gây những thiệt hại rất lớn cả về tính mạng và tài sản; ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân.
Trong những ngày qua, cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, nhất là các lực lượng vũ trang tại các tỉnh, thành đã dồn sức, chung tay hỗ trợ người dân ở khu vực bị ảnh hưởng. Trong cơn hoạn nạn, tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, tình yêu thương đồng bào, bản lĩnh sức mạnh của dân tộc đã góp phần giảm thiểu thiệt hại của cơn bão.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu và chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân, nhất là những người có thân nhân mất, hy sinh trong bão lũ; ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước, trong đó có rất nhiều nghĩa cử cao đẹp thể hiện sâu sắc “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”.
Thủ tướng chỉ rõ, xây dựng, hoàn thiện thể chế là đột phá của đột phá; là động lực, nguồn lực cho phát triển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các thành viên Chính phủ “mỗi người làm việc bằng hai”, tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và 8 Công điện của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3, mưa lũ, sạt lở, ngập lụt nhằm khẩn trương ổn định đời sống và sản xuất, nhất là tạo công ăn, việc làm, tạo sinh kế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển-xã hội đã đề ra.
Cùng với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu ngay trong Phiên họp xây dựng pháp luật này, các thành viên Chính phủ thể hiện tinh thần, trách nhiệm, trí tuệ, thảo luận đóng góp ý kiến để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khắc phục hạn chế, tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, xây dựng, hoàn thiện thể chế là đột phá của đột phá; là động lực, nguồn lực cho phát triển. Trong đó, việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nút thắt về thể chế, khơi dậy mọi tiềm năng và khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Phiên họp chuyên đề về xây pháp luật tháng 9 cũng là phiên họp thứ 9 của năm 2024 nhằm xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 05 đề nghị, dự án Luật (gồm: Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia; đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) và đề nghị xây dựng Luật Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Thủ tướng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung 05 Luật này là rất cần thiết.
Các thành viên Chính phủ tham dự Phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong đó, việc sửa đổi, bổ sung một số luật trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư và tài chính nhằm xử lý ngay các bất cập, vướng mắc pháp lý phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển, qua đó khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng.
Việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật giúp thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm trong xây dựng pháp luật, đơn giản hóa cách làm, tăng cường phân cấp, phân quyền, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Việc sửa đổi Luật Báo chí nhằm xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.
Thời gian Phiên họp có hạn, yêu cầu cao, phạm vi rộng, nội dung khó, phức tạp, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung trí tuệ, tiếp tục tinh thần đổi mới; trình bày báo cáo, phát biểu ý kiến ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào vấn đề; tập trung trao đổi về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần thảo luận, xin ý kiến Chính phủ; bảo đảm tiến độ, chất lượng của Phiên họp.
Theo VGP News
{name} - {time}
-
2024-12-15 12:53:00
Từ “khoảng lặng” cuối năm
-
2024-12-15 12:28:00
Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa có chủ nhiệm mới
-
2024-09-14 08:00:00
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 14/9/2024
[Góc nhìn]: Những mảng màu sau bão
Điểm nóng sáng 14/9: Bắt Cục phó Cục Thuế Bình Phước
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng 14/9
Sự kiện nổi bật trong nước, quốc tế ngày 13/9
Hội nghị bàn giao nhiệm vụ điều hành công việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa cho đến khi kiện toàn chức danh Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025
Thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân đuối nước tại huyện Cẩm Thủy
[Bản tin 18h] Thanh Hóa nằm trong 10 tỉnh, thành có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất
Lang Chánh khắc phục hậu quả mưa bão tại điểm trường mầm non Tân Bình
Tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 6 tỷ đồng cho các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả do cơn bão số 3