(Baothanhhoa.vn) - 45 năm đã đi qua nhưng tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của Đại thắng mùa xuân năm 1975 vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Những giá trị ấy được hiện hữu và lưu giữ trang trọng tại nhà truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 390 anh hùng thông qua những hình ảnh, hiện vật lịch sử thiêng liêng, quý giá.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975 – 30-4-2020

Những kỷ vật thiêng liêng, quý giá

Những kỷ vật thiêng liêng, quý giá

Sa bàn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tại nhà truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng – Sư đoàn 390.

45 năm đã đi qua nhưng tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của Đại thắng mùa xuân năm 1975 vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Những giá trị ấy được hiện hữu và lưu giữ trang trọng tại nhà truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 390 anh hùng thông qua những hình ảnh, hiện vật lịch sử thiêng liêng, quý giá.

Sư đoàn 390 - Quân đoàn 1 tiền thân là Đại đoàn Đồng Bằng (mang phiên hiệu 320) được thành lập ngày 16-1-1951 tại đình Móng Lá, xã Yên Quang, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Năm 1965, Sư đoàn 320 rút gọn cán bộ thành lập một Sư đoàn mang số hiệu 320B. Đến năm 1979, Sư đoàn 320B đổi phiên hiệu thành Sư đoàn 390. Trong kháng chiến chống Pháp, Sư đoàn tham gia 9 chiến dịch, đánh hơn 400 trận, diệt và bắt sống hơn 10.400 tên địch, thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch. Trong kháng chiến chống Mỹ, Sư đoàn tham gia 2 chiến dịch lớn, giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, đánh hơn 1.000 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 2 lữ đoàn, 18 tiểu đoàn, 39 đại đội, 148 trung đội địch, diệt hơn 35.400 tên địch, bắt sống 5.197 tên, phá hủy 927 xe quân sự, bắn rơi và bắn cháy 337 máy bay, đánh chìm 19 tàu chiến đấu các loại; thu 5 máy bay, 300 xe quân sự và hàng vạn súng các loại.

Tất cả những chiến công vang dội, oanh liệt trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và những phần thưởng cao quý được Đảng, Nhà nước, Quân đội trao tặng cho Sư đoàn 390 hiện được lưu giữ tại nhà truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng. Trong đó, phần hình ảnh, hiện vật về cuộc kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là Đại thắng mùa xuân năm 1975 khá phong phú, đa dạng. Tất cả thể hiện sinh động, trọn vẹn từng sự kiện lịch sử của sư đoàn. Trang trọng và ngời sáng ở chính giữa trung tâm khánh tiết của nhà truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng là hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù rất bận rộn với công việc của đất nước, nhưng Bác vẫn luôn dõi theo những bước đi, những chiến công và dành cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Đồng Bằng – Sư đoàn 390 hôm nay một tình cảm trìu mến, một tình thương bao la. Đặc biệt, là hình ảnh Bác vẫy tay chào cán bộ, chiến sĩ sư đoàn khi Bác về thăm đơn vị.

Thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”, sau giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972, sư đoàn trở về vị trí cũ và đứng chân trong đội hình Quân đoàn 1, xây dựng đơn vị chính quy hiện đại, có sức chiến đấu cao, sức đột kích mạnh, sức cơ động lớn sẵn sàng có lệnh là đi chiến đấu. Đầu năm 1975, trong khi đang thực hiện nhiệm vụ đắp đê ở sông Đáy (Ninh Bình), Sư đoàn được lệnh lên đường tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh lễ mít tinh biểu thị quyết tâm chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ tại công trường sông Đáy được treo trang trọng tại phòng trưng bày. Đồng chí Đỗ Mạnh Đạo, Bí thư Đảng ủy Sư đoàn phổ biến nhiệm vụ và quyết tâm chiến đấu cho các đơn vị. Chỉ sau 3 ngày, đơn vị đầu tiên đã xuất phát, tiếp đó từng đoàn xe cơ giới hành quân rầm rập không kể ngày đêm. Trong số đó, có chiếc xe của Đoàn 559 anh hùng chở bộ đội sư đoàn hành quân thần tốc để tham gia chiến dịch vẫn còn được lưu giữ. Nằm trong đội hình binh đoàn quyết thắng, sư đoàn đã hành quân thần tốc, vượt gần 2.000 km để đảm nhiệm mũi tiến công chủ yếu là thọc sâu đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy.

Qua lời giới thiệu của chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, nhân viên tuyên huấn, Phòng Chính trị, Sư đoàn 390, mỗi hiện vật đưa chúng tôi trở về thời kỳ rực lửa của cán bộ, chiến sĩ sư đoàn năm xưa. Ngày 27-4-1975, các đơn vị vào vị trí xuất phát tiến công. Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 27 áp sát đường 16 Tân Uyên, Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 27 luồn sâu vào Lái Thiêu, Tiểu đoàn 7 làm dự bị ở phía sau, Trung đoàn 54 vào chiếm lĩnh trận địa ở cầu Cát Bi, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 66 đánh chiếm cầu Bình Triệu. Sau khi Tân Uyên hoàn toàn giải phóng, Sư đoàn quyết định tách đội hình theo 2 hướng. Hướng thứ yếu do Trung đoàn 27 đảm nhiệm. Ngày 30-4-1975, Trung đoàn 27 đồng loạt nổ súng tiến công, chi khu Lái Thiêu, cầu Lái Thiêu, cầu Vĩnh Bình, cầu Bình Phước được giải phóng, mở thông đường vào bên trong. Hướng chủ yếu do Trung đoàn 48 đảm nhiệm. 6 giờ 45 phút sáng ngày 30-4, bộ phận đi đầu đã diệt 1 xe tăng, bắt 7 tên địch, 1.000 tên khác ra hàng. 7 giờ 15 phút, đội hình của ta thọc qua đội hình xe tăng, bộ binh của địch ở cầu Ông Đen, cầu Bình Triệu và đồng loạt nổ súng, chỉ sau 30 phút quân ta đã đập tan các điểm chốt của địch, buộc các thiết đoàn 17, 18, 20, 22 và bọn lính dù phải đầu hàng. Quân ta thu 141 xe tăng và lấy 8 xe dẫn đường vượt cầu Bình Triệu, theo đường Bạch Đằng, Chi Lăng, Võ Tánh tiến thẳng vào Bộ Tổng tham mưu Ngụy. 8 giờ 30 phút, Lữ đoàn pháo binh 45 đặt trận địa gấp ở Búng, bắn phá mãnh liệt vào Bộ Tổng tham mưu Ngụy, chi viện trực tiếp cho Trung đoàn 48 tiến công. Sau đó, các mũi tiến công của quân ta áp sát mục tiêu, quân địch ngoan cố chống trả quyết liệt. 3 mũi tiến công của quân đội ta cùng với 1 mũi của Trung đoàn 1 - Sư đoàn 10 đồng loạt tiến công vào Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Đến 9 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ của Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam do Đại đội 5, Tiểu đoàn bộ binh 2, Trung đoàn 48 thực hiện đã tung bay trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Song song với hướng chủ yếu, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Tân Uyên, Trung đoàn 27 chia thành 2 mũi, một mũi vượt cầu Bình Phước theo sa lộ đại hàn, một mũi vượt cầu Lái Thiêu đánh vào khu quân binh chủng Gò Vấp. 10 giờ 30 phút, toàn bộ các mục tiêu mà sư đoàn được giao đã hoàn toàn giải phóng. 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, Tổng thống Mỹ Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Tại nhà truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng, tấm ảnh cán bộ, chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn bộ binh 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 cắm cờ trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy được treo trang trọng phía trên sa bàn của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Không chỉ thế, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ cắm cờ trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy còn được tái hiện lại qua bức phù điêu đặt ở chính giữa phòng trưng bày số 5, là điểm nhấn quan trọng của sư đoàn trong chiến dịch. Bên cạnh bức phù điêu minh chứng cho thắng lợi cuối cùng của dân tộc là những lá cờ của cố vấn Mỹ, chiếc chìa khóa danh dự của Thống đốc bang Chicago của nước Mỹ tặng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, con dấu của Ngụy quân – Ngụy quyền Sài Gòn, phù hiệu và huân chương của tướng tá Ngụy... do cán bộ, chiến sĩ sư đoàn thu được tại Bộ Tổng tham mưu Ngụy ngày 30-4-1975.

Những hình ảnh, hiện vật, kỷ vật về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử được lưu giữ, trưng bày không chỉ góp phần soi sáng lịch sử, mà còn thể hiện sự tri ân sâu sắc của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 390 hôm nay đối với các thế hệ cha anh đi trước. Để âm vang cách mạng mãi mãi trường tồn, việc giáo dục truyền thống qua các hình ảnh, kỷ vật sẽ giúp mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức đúng đắn về lịch sử dân tộc, từ đó biết trân trọng, giữ gìn và phát huy “thiên sử vàng” chói lọi trong thời đại mới.

Tố Phương


Tố Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]