(Baothanhhoa.vn) - Hòa cùng sự phát triển của tỉnh, miền Tây xứ Thanh đang đổi thay từng ngày. Không chỉ có những tuyến giao thông “huyết mạch” và diện mạo nông thôn mới (NTM) ở mỗi bản, làng; mà đời sống đồng bào các dân tộc cũng từng bước được nâng lên. Thành quả ấy được khởi nguồn từ sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh thông qua các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, an sinh xã hội và sự nỗ lực phấn đấu của mỗi người dân.

Miền Tây xứ Thanh trên hành trình tiến về phía trước

Hòa cùng sự phát triển của tỉnh, miền Tây xứ Thanh đang đổi thay từng ngày. Không chỉ có những tuyến giao thông “huyết mạch” và diện mạo nông thôn mới (NTM) ở mỗi bản, làng; mà đời sống đồng bào các dân tộc cũng từng bước được nâng lên. Thành quả ấy được khởi nguồn từ sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh thông qua các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, an sinh xã hội và sự nỗ lực phấn đấu của mỗi người dân.

Miền Tây xứ Thanh trên hành trình tiến về phía trước

Tuyến đường trung tâm thị trấn Ngọc Lặc (Ngọc Lặc) rực rỡ cờ hoa.

Từ TP Thanh Hóa, chúng tôi vượt chặng đường gần 300km qua địa danh Cổng Trời để đến với huyện biên giới Mường Lát. Đây là mảnh đất cực Tây của tỉnh Thanh Hóa - nơi một thời đồng bào các dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái, Dao, Mường chỉ quen canh tác nương, rẫy nên cái nghèo, cái đói vẫn hàng ngày đeo bám cuộc sống. Những tưởng xa xôi, cách trở thì các bản ở Mường Lát sẽ có nhiều “cái không”. Suy nghĩ ấy gần như tan biến khi chúng tôi đặt chân đến bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi. Đón chúng tôi ở nhà văn hóa, anh Phan Văn Cấu, trưởng bản Hạ Sơn tay bắt mặt mừng vội khoe: “Bản có 52 hộ dân, với 228 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Dao. Từ chỗ khó khăn, Hạ Sơn giờ đã thay da đổi thịt, với các công trình điện, đường, trường học, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang. Những cánh rừng, những thửa ruộng bậc thang, nương ngô xanh ngút ngàn. Bức tranh nông thôn no ấm, thanh bình ấy được tạo nên nhờ sự nỗ lực, tinh thần đoàn kết, đồng lòng trong XDNTM của cán bộ và dân bản”.

Cuối năm 2018, UBND xã Pù Nhi đã phê duyệt Đề án “Xây dựng bản Hạ Sơn đạt chuẩn NTM năm 2019”. Nhận rõ những khó khăn và trở lực, Chi bộ bản Hạ Sơn đã thống nhất, ban hành nghị quyết chuyên đề về XDNTM để tập trung lãnh đạo cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện các tiêu chí bản NTM. Cùng với việc phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên, chi bộ bản còn chỉ đạo ban công tác mặt trận, các đoàn thể tích cực tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình XDNTM. Đồng thuận nghe theo cán bộ và nêu cao tinh thần “mình làm, mình thụ hưởng”, mỗi hộ đồng bào Dao bản Hạ Sơn đã tự nguyện bỏ kinh phí 30 triệu đồng để xây dựng, sửa chữa các công trình như: Bể nước, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, cổng ngõ, tường rào. Đồng thời, sau khi được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà văn hóa, Nhân dân trong bản còn tự nguyện đóng góp hơn 50 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị phục vụ hội họp, văn hóa, văn nghệ và công tác thông tin, tuyên truyền. Bằng tinh thần đoàn kết, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân kết hợp sự trợ lực của Nhà nước, tháng 12-2019, bản Hạ Sơn đã “về đích” NTM. Ngày đón nhận quyết định bản đạt chuẩn NTM, những tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước lại được dân bản Hạ Sơn hát vang trong niềm tự hào.

Bà Trương Thị Huyền, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mường Lát đánh giá: “Cùng với chương trình XDNTM, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ... là chiếc “cần câu” cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Mường Lát nói chung và bản Hạ Sơn nói riêng. Mặc dù mỗi bản, làng đã có nhiều đổi thay, nhưng Mường Lát vẫn là huyện nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất cả nước”. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Mường Lát thoát ra khỏi danh sách huyện nghèo, ngày 29-9-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về “Xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây chắc chắn là nghị quyết mở đường, đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các bản của huyện Mường Lát.

Miền Tây xứ Thanh trên hành trình tiến về phía trước

Đồng bào Mông bản Pù Toong, xã Pù Nhi thu hoạch đào.

Không riêng huyện Mường Lát, nhờ hệ thống chính sách toàn diện, bao trùm của Trung ương và tỉnh Thanh Hóa như Nghị quyết 30a, Chương trình 135, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy... khu vực miền núi xứ Thanh đã được thổi một luồng “sinh khí” thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và thực hiện hiệu quả công cuộc giảm nghèo. Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, Nhà nước đã ưu tiên nguồn vốn từ các chương trình, dự án để xây dựng kết cấu hạ tầng ở các huyện miền núi trong tỉnh với kinh phí trên 80.000 tỷ đồng. Riêng chính sách hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định 102/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chính sách vay vốn, chính sách đối với người có uy tín, các đề án tuyên truyền chính sách, pháp luật cho vùng dân tộc thiểu số được phân bổ gần 2.800 tỷ đồng. Đến nay, các huyện miền núi có đường giao thông đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông hóa đạt 100%; tỷ lệ thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa đạt 92%; tỷ lệ hộ dân được dùng điện lưới đạt 99,8%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 91%; tỷ lệ trạm y tế xã được xây dựng kiên cố đạt 81,1%; tỷ lệ phòng học kiên cố trên địa bàn các huyện miền núi đạt 80,4%. Từ những đổi thay của quê hương, đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây xứ Thanh thêm tin tưởng vào sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Nhằm “mở đường” cho kinh tế - xã hội khu vực miền núi phát triển, giảm nghèo nhanh và bền vững, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc, đưa vùng dân tộc miền núi sớm đạt trình độ phát triển chung của cả tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xây dựng Chương trình trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Cụ thể hóa chương trình trọng tâm ấy, Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 624-QĐ/TU ngày 23-7-2021 về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Bằng những kế hoạch cụ thể về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp dựa trên tiềm năng thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, chính là “chìa khóa” giúp đồng bào các dân tộc miền núi trong tỉnh mở “cánh cửa” thoát nghèo bền vững.

Miền Tây xứ Thanh đang tiếp tục hành trình tiến về phía trước. Phía trước là những vùng đồi được đánh thức, những bản làng NTM yên bình, đời sống đồng bào các dân tộc ấm no, hạnh phúc, khoảng cách giàu - nghèo giữa miền núi với miền xuôi dần ngắn lại...

Bài và ảnh: Thụy Châu


Bài và ảnh: Thụy Châu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]