(Baothanhhoa.vn) - “Cứ vào những ngày này, mọi ký ức về những lần gặp Bác Hồ trong tôi dường như sống lại. Giây phút thiêng liêng mà tôi cùng đồng đội được gặp, được nghe những lời căn dặn từ Người khiến tôi không thể nào quên được…”, người lính Hải quân già Trương Tiến Ba (Sinh năm 1933), phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Ký ức của người lính hải quân về những lần gặp Bác

“Cứ vào những ngày này, mọi ký ức về những lần gặp Bác Hồ trong tôi dường như sống lại. Giây phút thiêng liêng mà tôi cùng đồng đội được gặp, được nghe những lời căn dặn từ Người khiến tôi không thể nào quên được…”, người lính Hải quân già Trương Tiến Ba (Sinh năm 1933), phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Ký ức của người lính hải quân về những lần gặp Bác

Ông Trương Tiến Ba, phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa kể một cách rành rọt về những lần vinh dự được gặp Bác Hồ.

Trải dài suốt cuộc đời người lính hải quân Trương Tiến Ba, có lẽ kỷ niệm không thể nào quên đó là những lần được gặp Bác Hồ. Dù ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, có những chuyện nhớ nhớ, quên quên nhưng những lần gặp Bác thì được ông Ba kể lại một cách rành rọt.

Cũng như bao thanh niên cùng thời khác, năm 1952 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông nhập ngũ vào Trung đoàn 88, thuộc Sư đoàn 308, rồi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, tháng 10-1954, đơn vị ông được lệnh về tiếp quản thủ đô Hà Nội.

Đầu năm 1955, khi Bộ Quốc Phòng thành lập Trường Huấn luyện Bờ Biển (gọi tắt là C45, Tiền thân của Học viện Hải quân), để đào tạo nhân sự cho việc quản lý trên 800 km dải bờ biển miền Bắc từ Móng Cái đến vĩ tuyến 17 (Quảng Trị). Tháng 5-1955, ông được cử đi học tại Hải Nam, Trung Quốc. Đến tháng 10-1956, sau khi học xong, ông cùng đồng đội nhận nhiệm vụ đưa 4 con tàu tuần tiễu vỏ sắt đầu tiên (gồm 524-526-528-530, có trọng tải 50 tấn) từ Trung Quốc về nước để bảo vệ bờ biển. Rồi ông được phân về Đại đội C3, thuộc C45 (Hải Phòng), cũng chính nơi đây, đã mang lại cho ông những ký ức không thể nào quên về những lần gặp Bác.

Ký ức của người lính hải quân về những lần gặp Bác

Ông Trương Tiến Ba bên những kỷ vật của một thời “không thể nào quên”.

Nhắc đến đây, mọi ký ức trong ông lại ùa về, ông kể: “Vào trung tuần tháng 3-1959, đơn vị tôi nhận nhiệm vụ đưa đoàn cán bộ cấp cao từ Trung ương đi thăm vùng đảo Đông Bắc. Lúc này, Trường Huấn luyện Hải quân (trước là Trường huấn luyện Bờ Biển) có một phân đội tàu gồm 3 đại đội C1, C2, C3. Bốn con tàu tuần tiễu của đại đội C3 đưa từ Trung Quốc về được nhận nhiệm vụ đặc biệt này. Lúc ấy tôi là lính chạy máy tàu 524...

Khoảng hơn 8 giờ ngày 30-3-1959, khi đang ở dưới hầm tàu bỗng nghe thấy tiếng đồng đội trên boong reo vang: “A, Bác Hồ! Bác Hồ đến!” trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Tôi vội vàng chạy lên. Trước mắt tôi là một ông cụ hơi gầy, với đôi mắt sáng, vầng trán cao, râu dài, tóc bạc mặc bộ quần áo nâu, chân đi dép cao su bước tới với nụ cười đôn hậu. Mọi người như nín lặng trong giây lát rồi bỗng nhiên hò reo sung sướng. Cái cảm giác lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, tôi không thể diễn tả hết được niềm hạnh phúc vô bờ ấy. Đến giờ vẫn còn một cảm giác lâng lâng khó tả!”, ông Ba bộc bạch.

Ông Ba còn nhớ rất rõ hình ảnh giản dị của Người, dù là lãnh tụ của đất nước, nhưng khi xuống tàu Bác chấp hành rất nghiêm điều lệ hoạt động của tàu từ những điều nhỏ nhất. Khi rửa mặt, Bác chắt một ít nước ra chậu nhỏ vừa dùng, còn lại bảo anh em cất đi. Bác hướng dẫn anh em cách nấu cơm, xếp củi, để nước thế nào cho gọn gàng, sạch sẽ và tiết kiệm. Khi lên đảo, anh em bày ra đủ thứ để thiết đãi Bác, Người liền nhắc nhở anh em không được hoang phí và làm gương luôn, khi dùng cơm, Bác ăn vừa suất và không để thừa…

Ký ức của người lính hải quân về những lần gặp Bác

Mắt ông lại rưng rưng nước khi nhắc tới những kỷ niệm về Bác Hồ.

Bao nhiêu năm trôi qua, nhưng với ông Trương Tiến Ba, trong chuyến đi đảo Đông Bắc lần ấy Bác đã để lại trong ông những bài học “khắc cốt, ghi tâm”, theo ông suốt cả cuộc đời.

Hôm ấy, khi tàu 524 chạy được gần 1 giờ đồng hồ, hết ca trực, ông lên boong thì thấy Bác đang đứng quan sát biển. Lúc ấy Bác muốn hút thuốc lá, Bác hỏi đồng chí thuyền trưởng: Trên tàu quy định hút thuốc lá ở chỗ nào? Nghe Bác hỏi vậy, một đồng chí thông tin đi lấy gạt tàn thuốc lá và bao diêm lên đài chỉ huy cho Bác.

Thấy vậy, Bác hỏi lại: Tàu mình quy định hút thuốc ở chỗ nào? Thuyền trưởng đáp: Dạ thưa Bác, nơi quy định hút thuốc ở cuối con tàu ạ. Bác nói ngay: Quy định hút ở cuối con tàu, tại sao chú lại mang gạt tàn thuốc lá lên đây? Lúc này thuyền trưởng lúng túng trả lời: Dạ, để Bác sử dụng ạ. Bác liền nói: Điều lệnh của hạm tàu quy định hút thuốc ở cuối con tàu mà các chú để Bác hút ở trên đài chỉ huy thì điều lệnh hạm tàu lại trừ Bác à? Nghe Bác nói xong tất cả mọi người im lặng và Người nhanh chóng bước về cuối con tàu.

Kết thúc nhiệm vụ, Trường Huấn luyện Hải quân tặng Bác Hồ bông hoa đá. Bác nói: “Các chú tặng bông hoa đá cho Bác rất đẹp nhưng nó không ăn được. Nếu như các chú biếu Bác quả bí, quả bầu trồng được thì Bác mang về sẽ vui hơn”. Từ đó, nhà trường phát động phong trào thi đua tăng gia sản xuất cũng như công tác chuyên môn.

Đến năm 1962, một lần nữa ông Trương Tiến Ba lại vinh dự được gặp Người. Đây là lần Bác Hồ về thăm đơn vị tàu phóng ngư lôi trên cảng Vạn Hoa (Quảng Ninh). “Lần này, Bác vẫn xuất hiện với một phong thái giản dị mà vô cùng ấm áp… Lúc đó, tôi đang là trạm trưởng trạm điện. Dù không phải lần đầu, nhưng mắt tôi bỗng nhòa đi vì hạnh phúc! Một lần nữa, những hành động nhỏ nhất của Người vẫn dạy cho tôi những bài học không thể nào quên về tinh thần đoàn kết, tiết kiệm… và đặc biệt là phải tích cực tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống”, ông Ba nhớ lại.

Sau khi đánh đuổi tàu Ma-đốc trong sự kiện vịnh Bắc bộ do Mỹ dựng lên, năm 1968 ông Trương Tiến Ba chuyển ngành về công tác tại Thanh Hóa. Đến năm 1986, ông về hưu nhưng vẫn được nhân dân tín nhiệm cử làm nhiều công việc khác nhau tại địa phương.

Ký ức của người lính hải quân về những lần gặp Bác

Trong suốt cuộc đời cống hiến, ông Trương Tiến Ba đã nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành…

Dù mỗi lần được gặp Bác Hồ chỉ trong phút chốc, nhưng những bài học từ Người luôn hằn sâu trong ký ức người lính Hải quân Trương Tiến Ba. Cho đến bây giờ, sau hàng chục năm rời quân ngũ, kinh qua nhiều nhiệm vụ khác nhau, rồi về hưu sống, làm việc tại địa phương, ông Trương Tiến Ba vẫn luôn ghi nhớ và học theo Bác cách sống giản dị, tiết kiệm…

“Diễn tả sao cho hết những giây phút thiêng liêng ấy. Những bài học từ Người đã theo tôi suốt cả cuộc đời tôi. Nó trở thành động lực, là kim chỉ nam để tôi phấn đấu mỗi khi gặp khó khăn, trở ngại trong cuộc sống”, ông Ba xúc động nói.

Hoài Thu


Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]