(Baothanhhoa.vn) - Để góp phần làm nên những kỳ tích của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, ngoài con đường Trường Sơn trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển cũng được hình thành để vận chuyển vũ khí, hàng hóa phục vụ chiến trường miền Nam. “Con đường huyền thoại” với những đoàn “tàu không số” ra đời đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, đồng thời mở ra bước phát triển mới của tuyến vận tải chiến lược “độc nhất vô nhị” trong lịch sử.

Kỷ niệm 61 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 - 23-10-2022): Huyền thoại những con “tàu không số”

Để góp phần làm nên những kỳ tích của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, ngoài con đường Trường Sơn trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển cũng được hình thành để vận chuyển vũ khí, hàng hóa phục vụ chiến trường miền Nam. “Con đường huyền thoại” với những đoàn “tàu không số” ra đời đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, đồng thời mở ra bước phát triển mới của tuyến vận tải chiến lược “độc nhất vô nhị” trong lịch sử.

Kỷ niệm 61 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 - 23-10-2022): Huyền thoại những con “tàu không số”Cựu chiến binh Hà Trọng Bân, phường Đông Tân (TP Thanh Hóa) ôn lại kỷ niệm khi tham gia đoàn “tàu không số”.

Ngày 23-10-1961, lực lượng vận tải quân sự trên biển mang tên Đoàn 759 được thành lập (tiền thân của Đoàn 125, sau là Lữ đoàn 125), có nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, vũ khí tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Đầu năm 1962, trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ đã tăng viện trợ và cố vấn, đẩy mạnh bình định, lập ấp chiến lược, tăng cường ngăn chặn biên giới nhằm cô lập miền Nam, gây nhiều khó khăn cho cách mạng. Sau khi thành lập, từ quá trình nghiên cứu, trinh sát, trung tuần tháng 8-1962, Quân ủy Trung ương thông qua nghị quyết “Mở đường vận chuyển chiến lược trên biển”. Từ đây, Đoàn 759 bước vào một giai đoạn hoạt động đặc biệt, làm nên “con đường huyền thoại” trên biển với những kỳ tích có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Để bảo đảm bí mật cho tuyến đường vận tải đặc biệt này, những chiếc tàu của Đoàn 759 phải cải hoán thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, xen kẽ, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân trên biển. Tên gọi đoàn “tàu không số” ra đời từ đó. Vượt mọi hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ “tàu không số” với những con tàu thô sơ, nhỏ bé, chở nặng vũ khí đã bí mật, bất ngờ, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm vượt qua mọi sóng to, gió lớn, bão táp của biển cả, cùng sự ngăn chặn, bao vây, lùng sục của quân địch để đi đến các chiến trường miền Nam.

Với người lính biển Lê Duy Mai, mỗi chuyến “tàu không số” rời bến là một lần sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Quên sao được chuyến đi cuối cùng của tàu C235 bởi đồng đội của ông có những người đã mãi mãi không trở về, thanh xuân của các anh đã hóa thành mênh mông biển cả. Theo kế hoạch, ngày 27-2-1968, tàu C235 xuất phát để cập bến Hòn Hèo (Khánh Hòa). Khi cách bến Hòn Hèo khoảng 19 hải lý, tàu C235 bị quân địch phát hiện và bao vây. Đêm tối, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh nhanh trí tắt hết đèn, cho tàu luồn lách qua đội hình của địch và vào bến xã Ninh Phước. Tàu C235 đánh tín hiệu xin thả hàng nhiều lần nhưng không thấy phía bến trả lời. Tình thế vô cùng cấp bách, quân địch ngày càng tiến gần hơn buộc tàu phải thả hàng xuống biển để giữ bí mật. Khoảng 2 giờ 30 phút sáng ngày 1-3-1968, hàng thả xong cũng là lúc tàu C235 bị bủa vây. Chúng bắn đạn cỡ lớn chặn phía trên bờ, đồng thời dùng các loại súng bắn thẳng vào tàu để tiêu diệt. Tàu C235 trúng đạn bị hỏng máy, thuyền trưởng nhanh chóng ra lệnh “nổ bộc phá, phá tàu”. Các đồng chí bị thương và những người không có nhiệm vụ nổ bộc phá được rời tàu bằng xuồng cao su, cựu chiến binh Lê Duy Mai là 1 trong 3 người ở lại tàu làm nhiệm vụ nổ bộc phá. Mọi thứ chuẩn bị xong, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh lệnh điểm hỏa và cho anh em rời tàu. Khi các chiến sĩ đã an toàn bơi vào bờ, tàu C235 nổ, đem theo những bí mật về con đường huyền thoại vào lòng đại dương.

7 năm với 18 chuyến vượt biển, đó là cả hành trình đầy gian nan nhưng rất đỗi vinh quang của cựu chiến binh Vũ Trung Tính, phường Hải Ninh (thị xã Nghi Sơn). Trong cuộc đời binh nghiệp của ông, từ lúc nhập ngũ tháng 2-1964 đi huấn luyện tân binh ở Tiên Yên, Quảng Ninh đến khi nghỉ hưu năm 1991, có lẽ những chuyến vượt biển để đưa vũ khí vào chiến trường miền Nam khiến ông nhớ mãi khôn nguôi. Là thế hệ cán bộ đầu tiên của miền Bắc tham gia đoàn “tàu không số”, cựu chiến binh Vũ Trung Tính vinh dự được làm nhiệm vụ trên 2 tàu 154 và 42. Trong tất cả 18 chuyến đi bám “tàu không số”, ông có rất nhiều ký ức, nhưng ấn tượng vẫn là lần tàu 154 thực hiện chuyến đi vượt biển chở 58 tấn vũ khí và một số cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam vào Ghềnh Hào giữa ban ngày năm 1970.

Kỷ niệm 61 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 - 23-10-2022): Huyền thoại những con “tàu không số”

Một chuyến tàu của đoàn “tàu không số” trên đường vận chuyển vũ khí chi viện cho miền Nam. Ảnh: qdnd.vn

Ông Tính kể: “Ngày 24-8-1970, tàu 154 được lệnh nhổ neo rời cảng K20 Thủy Nguyên (Hải Phòng). Khi đi đến đảo Long Châu thì gặp sóng to, gió lớn, tàu phải đi ngược về hướng Bắc qua bán đảo Lôi Châu, đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sau đó, tàu chuyển hướng đi về phía Philippines thì gặp tàu khu trục Mỹ hoạt động buộc chúng tôi phải chuyển hướng đi qua Malaysia. Trong suốt hành trình, nhiều đêm chúng tôi phải thức trắng, ăn lương khô, uống nước lã và tìm mọi cách để thoát khỏi nguy hiểm. Từ hải phận Malaysia, tàu chuyển hướng vào Nam, bắt đèn hải đăng Hòn Khoai (Cà Mau) để vào bến Vàm Hố theo kế hoạch. Khi vào gần bến Vàm Hố thì phát hiện có một số tàu chiến của địch đang hoạt động nên phải chuyển hướng đi về Bạc Liêu. Lúc này đã 3 giờ sáng, tàu vẫn chưa xác định được vị trí neo đậu, nếu cho tàu quay ra hải phận quốc tế sẽ dễ bị phát hiện, toàn bộ anh em đều hy sinh và lộ cả mục tiêu. Vì thế, chúng tôi tiếp tục cho tàu vào bờ, nếu bị phát hiện sẽ cho cán bộ, chiến sĩ nhảy tàu bơi vào bờ và phá hủy con tàu để giữ bí mật. Sau thời gian rất ngắn bàn bạc, tàu 154 tiếp tục tiến sát bến Vàm Hố mà không bị phát hiện. 58 tấn vũ khí đã được đưa lên bờ, chuyển đến các mặt trận ở đồng bằng Sông Cửu Long để quân ta chiếm lại một số khu vực trước đó đã rơi vào tay địch”.

Đã 77 tuổi nhưng trong trí nhớ của cựu chiến binh Hà Trọng Bân, phường Đông Tân (TP Thanh Hóa) vẫn còn hằn in những kỷ niệm cùng đoàn “tàu không số”. Để phục vụ chiến trường miền Nam, tháng 10-1970, ông Hà Trọng Bân và các chiến sĩ tàu 121 nhận lệnh chở 50 tấn vũ khí vào tỉnh Bến Tre. Ông Bân nhớ lại: “Sau sự kiện Vũng Rô, Mỹ kiểm soát rất gắt gao, con đường vận chuyển chiến lược trên biển bị lộ. Trước tình hình đó, tàu 121 nhận được lệnh đi trinh sát ở Trường Sa để nghiên cứu lại con đường vận chuyển theo hướng mới, kịp thời chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Tàu 121 xuất phát từ cầu Đá Bạc (Hải Phòng), do thời tiết thuận lợi, không gặp nhiều sóng to gió lớn, lại không bị tàu khu trục và máy bay Mỹ theo dõi nên chỉ 7 ngày chúng tôi đã cập bến an toàn. Lúc đó, tôi là chiến sĩ thông tin vô tuyến nên đứng ở đài chỉ huy để bắt liên lạc với bờ, sau 2 lần không bắt được tín hiệu, thuyền trưởng ra lệnh sẽ thả hàng nếu không bắt được tín hiệu. Song đến lần thứ 3 thì có tín hiệu trả lời và tàu được đón vào bờ để bốc hàng. Sau chuyến đi thành công của tàu 121, 4 chuyến đi khác cũng được lệnh đi theo hành trình của tàu 121 nhưng có 3 chuyến bất thành vì bị quân địch phát hiện. Năm 1972, tôi tiếp tục đi thêm 3 chuyến nữa nhưng đều phải quay lại vì bị tàu của Mỹ phát hiện và bám theo".

Từ những năm 1961-1975, cán bộ, chiến sĩ “tàu không số” đã lập nên những kỳ tích anh hùng trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn, ác liệt. Các đơn vị vận tải quân sự trên tuyến đường biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, vượt qua sự kiểm soát gắt gao, phong tỏa, đánh phá ác liệt của địch, tổ chức hàng trăm lượt tàu ra khơi, về đích; vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí, đạn dược, hàng hóa cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương lớn vào tiền tuyến, đáp ứng kịp thời sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Những người con quê Thanh Hóa vinh dự đứng trong hàng ngũ lực lượng vận tải quân sự đặc biệt - đoàn “tàu không số” đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cùng với những con đường trên đất liền, đường Hồ Chí Minh trên biển đã làm nên thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bài và ảnh: Tố Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]