(Baothanhhoa.vn) - Sau hơn 6 năm sáp nhập vào TP Thanh Hóa, 19 xã thuộc các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Đông Sơn, Thiệu Hóa đã có bước “chuyển mình” với những tín hiệu đáng mừng về sự phát triển. Từ những xã nông thôn thuần túy còn nhiều khó khăn, giờ đây các xã này đã hòa mình vào nhịp sống năng động của thành phố, thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Diện mạo mới vùng ven đô

Sau hơn 6 năm sáp nhập vào TP Thanh Hóa, 19 xã thuộc các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Đông Sơn, Thiệu Hóa đã có bước “chuyển mình” với những tín hiệu đáng mừng về sự phát triển. Từ những xã nông thôn thuần túy còn nhiều khó khăn, giờ đây các xã này đã hòa mình vào nhịp sống năng động của thành phố, thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn.

Diện mạo mới vùng ven đô

Tuyến đường thuộc làng văn hóa Cát Thái – Thôn, xã Quảng Cát (TP Thanh Hóa) được nhựa hóa sạch đẹp.

Cũng như nhiều xã khác khi sáp nhập vào TP Thanh Hóa năm 2012, xã Quảng Cát có những mặt thuận lợi và khó khăn riêng. Là một trong những xã có nhiều tiềm năng của huyện Quảng Xương nhưng so với mặt bằng chung của các xã, phường thuộc thành phố thì Quảng Cát “đuối” hơn về nhiều mặt, nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng do xã không có các nguồn thu tại chỗ mà chủ yếu huy động nhân dân đóng góp. Từ khi sáp nhập vào thành phố, được sự hỗ trợ của TP Thanh Hóa, xã Quảng Cát đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống sân vận động, nhà văn hóa, đường điện, đường giao thông, kênh mương nội đồng; trường học, trạm y tế được nâng cấp, cải tạo đạt chuẩn quốc gia. Ngoài sự hỗ trợ của thành phố, xã Quảng Cát cũng đã chủ động, vươn lên trong phát triển kinh tế và thu được những kết quả đáng phấn khởi. Về lĩnh vực trồng trọt, với hơn 50 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, địa phương đã tập trung quy hoạch, mở rộng để người dân phát triển cây thuốc lào vốn là thế mạnh của xã; quy hoạch chuyển đổi vùng đất kém hiệu quả sang các mô hình cây con có giá trị kinh tế cao, tạo điều kiện cho các hộ phát triển mô hình cá – lúa kết hợp, mô hình trồng rau sạch, làm nấm, nuôi ếch, nuôi chim én... Các mô hình này góp phần giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân. Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân phát triển sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa các ngành nghề như vận tải, cơ khí, dịch vụ thương mại... Về Quảng Cát hôm nay, nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi sự “thay da đổi thịt” của mảnh đất thuần nông này. Chia sẻ về sự phát triển trong tương lai của xã Quảng Cát, ông Lê Hữu Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quảng Cát, cho biết: “Vừa qua, xã Quảng Cát đã được thẩm định hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Đây là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã tiếp tục huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu xây dựng thành công xã lên phường vào cuối năm 2019 theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa”.

So với 19 xã cùng thời điểm sáp nhập vào thành phố, xã Hoằng Lý được đánh giá là xã có xuất phát điểm thấp nhất. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm... thiếu sự đầu tư. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo ở ngưỡng cao. Lúc bấy giờ, danh hiệu “đạt chuẩn nông thôn mới” là mục tiêu xa của lãnh đạo và nhân dân xã Hoằng Lý. Tuy nhiên, kể từ khi sáp nhập vào thành phố cho đến nay, được sự quan tâm, đầu tư ngân sách của TP Thanh Hóa cùng với sự chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân, xã Hoằng Lý đã có sự thay đổi rõ rệt, thể hiện ở kết quả đạt được trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Ngoài xây dựng các vùng sản xuất tập trung như vùng trang trại chăn nuôi, vùng rau an toàn, vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, xã khuyến khích nhân dân phát triển các ngành nghề như nem chua, mộc, hàn... để nâng cao thu nhập. Hiện toàn xã có 55 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể làm ăn hiệu quả, góp phần giải quyết lao động dư thừa tại địa phương. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Hoằng Lý đã huy động được hơn 37 tỷ đồng nâng cấp, xây mới hệ thống cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, các công trình công cộng; những con đường liên thôn, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa khang trang, sạch đẹp làm thay đổi diện mạo cả một vùng quê. Hoằng Lý đã hoàn thành tất cả các tiêu chí nông thôn mới và đang trong quá trình thẩm định để được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019.

19 xã khi sáp nhập về TP Thanh Hóa có xuất phát điểm không đồng đều. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực phấn đấu, chung sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các xã cũng như sự quan tâm, giúp đỡ, chỉ đạo kịp thời của Thành ủy, UBND TP Thanh Hóa, tất cả các xã đều đã có những bước “chuyển mình” đáng phấn khởi. Trong 19 xã sáp nhập năm 2012 có 10 xã nằm trong lộ trình lên phường. Đây chính là cơ hội để các địa phương tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội theo hướng đô thị. Hiện nay, 10 xã nằm trong lộ trình lên phường đang tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp thuần túy sang nền kinh tế đa ngành nghề, trong đó tập trung tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ để nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với đó, các địa phương tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực nâng cấp, cải tạo và xây mới cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch phát triển đô thị. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa của thành phố sẽ đạt 88%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra là 81%.

Bài và ảnh: Tố Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]