(Baothanhhoa.vn) - Năm 2021, Thanh Hóa ghi dấu ấn vô cùng đậm nét trên bảng xếp hạng cả nước về Chỉ số PAPI và Chỉ số PAR INDER. Đó là thành quả kết tinh từ quyết tâm chính trị rất cao của tỉnh Thanh Hóa trong chặng đường kiên trì, nhất quán thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, vì Nhân dân phục vụ.

Cuộc bứt phá ngoạn mục trên bảng xếp hạng PAPI (Bài 2): “Chìa khóa” tạo dựng thành công

Năm 2021, Thanh Hóa ghi dấu ấn vô cùng đậm nét trên bảng xếp hạng cả nước về Chỉ số PAPI và Chỉ số PAR INDER. Đó là thành quả kết tinh từ quyết tâm chính trị rất cao của tỉnh Thanh Hóa trong chặng đường kiên trì, nhất quán thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, vì Nhân dân phục vụ.

Cuộc bứt phá ngoạn mục trên bảng xếp hạng PAPI (Bài 2): “Chìa khóa” tạo dựng thành côngNgười dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Ngọc Lặc. Ảnh: Tố Phương

Tin liên quan:
  • Cuộc bứt phá ngoạn mục trên bảng xếp hạng PAPI (Bài 2): “Chìa khóa” tạo dựng thành công
    Thanh Hóa: Cuộc bứt phá ngoạn mục trên bảng xếp hạng PAPI (Bài 1): Bước “nhảy ...

    Lần đầu tiên kể từ khi được công bố năm 2021, Thanh Hóa đã bứt phá ngoạn mục khi vươn lên xếp thứ 3 cả nước về Chỉ số PAPI (tăng 21 bậc so với năm 2020) và thứ 14 cả nước về Chỉ số PAR INDEX (tăng 15 bậc so với năm 2020). Bước “nhảy vọt” ấn tượng này đã khẳng định tầm nhìn chiến lược và sự nhất quán trong hành động của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở khi kiên trì thực hiện các mục tiêu cải cách hành chính.

Tạo dựng giá trị niềm tin

Thực hiện dự án Đại lộ Đông - Tây TP Thanh Hóa, phường Phú Sơn có 134 hộ dân bị ảnh hưởng. Để thực hiện dự án, Nhân dân đồng thuận, nhận bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao đất cho chủ đầu tư. Thế nhưng, khi dự án hoàn thành đã bộc lộ một số điểm bất hợp lý ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân khu dân cư Phú Thọ 1 như: cao độ nền đường thiết kế so với cao độ nền dân cư hiện trạng là quá lớn; thiết kế hệ thống vuốt nối với các đường dân sinh không hợp lý, độ dốc cao gây rất nhiều khó khăn, nguy hiểm cho việc di chuyển của Nhân dân; tình trạng ngập, nước tràn vào nhà dân xảy ra dù lượng mưa chưa lớn... Sau khi Nhân dân có ý kiến phản ánh, đầu năm 2022, UBND phường Phú Sơn đã tổ chức đối thoại với Nhân dân để tuyên truyền, vận động, giải thích, đồng thời có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa, Sở Giao thông - Vận tải xem xét, giải quyết. Sau khi tiếp nhận thông tin, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, đồng thời giao TP Thanh Hóa sớm khắc phục để bảo đảm đời sống cho Nhân dân.

Ông Nguyễn Quang Thược, người dân Phú Thọ 1 cho biết: “Chúng tôi rất phấn khởi khi những kiến nghị, đề xuất của Nhân dân được cấp ủy, chính quyền quan tâm, chỉ đạo giải quyết sớm. Điều cho thấy, việc xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, vì Nhân dân phục vụ đang được thực hiện rất tốt tại Thanh Hóa”.

Trong năm 2021, đồng chí Lê Anh Xuân, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Thanh Hóa đã có 2 buổi đối thoại trực tiếp với đại diện 181 hộ dân phố Tân Nam, phường Nam Ngạn liên quan đến việc người dân mua đất của Công ty CP kim loại màu Bắc Hà từ năm 2007 đến nay chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đối thoại với Nhân dân 2 xã Hoằng Đại, Hoằng Quang, Công ty CP Vn Water Hoằng Hóa về tình hình thực hiện dự án nước sạch. Chủ tịch UBND thành phố đối thoại với gần 40 hộ dân xung quanh khu đất được UBND tỉnh giao cho giáo họ An Lộ xây dựng nhà thờ tại phố Xuân Minh, phường Đông Hải... Ngoài ra, 34 phường, xã trên địa bàn thành phố cũng tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các đoàn thể xã hội và Nhân dân theo định kỳ. Thông qua đối thoại có thể khẳng định chính quyền hành động thực sự là chính quyền biết lắng nghe dân, lấy Nhân dân làm đối tượng phục vụ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân để tìm ra tiếng nói chung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực hiện các chính sách xã hội, tạo được niềm tin trong Nhân dân, qua đó Nhân dân tích cực vào cuộc cùng với cấp ủy, chính quyền trong việc hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra.

Niềm tin của Nhân dân - đó không chỉ là những lá phiếu điều tra xã hội học hay những cuộc phỏng vấn được thực hiện hằng năm; mà đó còn là sự đồng thuận, ủng hộ thực hiện các chủ trương của Trung ương, tỉnh, huyện và xã; là sự tham gia một cách chủ động của người dân để góp phần xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ngày càng vững mạnh. Minh chứng rõ nhất cho giá trị niềm tin mà Thanh Hóa tạo dựng được trong lòng Nhân dân đó là việc phát huy dân chủ trong tham gia bỏ phiếu bầu trưởng thôn, bản, tổ trưởng tổ dân phố - những “hạt nhân” trong hệ thống chính trị. Qua đó, thể hiện quyền chủ động của người dân trong việc tham gia quyết định tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ cấp nhỏ nhất. Tiếp đó là sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết 786 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng được sự đồng thuận, ủng hộ, nhất trí cao từ phía người dân, Thanh Hóa đã thành công khi giảm từ 635 xã, phường, thị trấn xuống còn 559 xã, phường, thị trấn. Đây là con số của sức mạnh niềm tin, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước về sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy. Hay cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021–2026, Thanh Hóa đã thành công rất tốt đẹp với 99,75% cử tri đi bỏ phiếu, đạt tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay. Kết quả này thể hiện sự đồng thuận, đoàn kết, phát huy dân chủ cao trong Nhân dân, thể hiện sự tin tưởng sâu sắc của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp.

Để tạo dựng niềm tin trong Nhân dân, Thanh Hóa xác định làm tốt việc giải trình, đối thoại với Nhân dân. Định kỳ hằng tháng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp công dân để giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh của Nhân dân; đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tiếp doanh nghiệp để nắm bắt và tháo gỡ những vướng mắc, những kiến nghị, đề xuất về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính (TTHC), bảo đảm cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã cũng đề cao vai trò, trách nhiệm trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cùng với đó, hoạt động đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân cũng được tăng cường đã khắc phục dần tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cấp, các ngành trong giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Ngoài đối thoại định kỳ, mỗi khi có vụ việc “nóng” phát sinh, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã trực tiếp xuống địa bàn đối thoại cùng Nhân dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân và những vấn đề Nhân dân quan tâm để kịp thời tháo gỡ, qua đó củng cố vững chắc niềm tin của người dân vào sự chỉ đạo, điều hành của tỉnh.

Cùng với trách nhiệm giải trình, Thanh Hóa xác định kiểm soát tốt tham nhũng để tạo sự minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của khu vực công - một trong những điều mong mỏi nhất của người dân. Để kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, hoạt động hiệu quả. Cơ chế trong tổ chức thi tuyển, tiếp nhận, điều động công chức, viên chức từ tỉnh đến cấp xã luôn được đổi mới, chú trọng người có năng lực và phẩm chất để bắt kịp với yêu cầu thực tiễn. Trong 7 chỉ số nội dung mà Thanh Hóa nằm trong nhóm cao nhất cả nước, chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 7,81 điểm, đứng thứ 2 trong toàn quốc. Một kết quả không dễ để có được.

Soi rõ 8 nội dung đánh giá của Bộ Chỉ số PAPI quốc gia những năm trước đây, Thanh Hóa nhận thấy rằng, một bộ phận người dân chưa hài lòng với hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp do những “nút thắt” niềm tin chưa được cởi bỏ. Sử dụng “chìa khóa” công khai - minh bạch - phục vụ như thế nào để mở “nút thắt” niềm tin, tạo sự hài lòng từ phía người dân đã được Thanh Hóa vào cuộc quyết liệt. Đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, xuyên suốt, thống nhất từ cấp tỉnh đến cơ sở; là những đổi mới, sáng tạo, đột phá trong thu hút nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phục vụ tốt nhất cho đời sống Nhân dân; là ưu tiên nguồn lực thỏa đáng để đưa các xã, thôn, bản thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; là khuyến khích người dân chủ động tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã, phường, thị trấn văn minh theo cách lấy người dân là chủ thể; là thuận lợi nhất cho người dân trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính liên thông từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh... Hàng loạt những đổi mới, đột phá, sáng tạo được áp dụng đã đem lại cho Thanh Hóa không chỉ là sự phát triển bằng tăng trưởng GRDP nằm trong top 5 địa phương cao nhất cả nước năm 2021, mà đó là chỉ số hài lòng của Nhân dân với chính quyền các cấp ngày càng được nâng cao.

Đột phá tư duy và hành động

Giai đoạn 2017-2020, các Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDER), Chỉ số hài lòng (SIPAS), Chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Thanh Hóa luôn không ổn định và thường xếp ở nhóm cuối của cả nước. Đơn cử như Chỉ số PAR INDER đứng ở vị trí thứ 61 (năm 2017), thứ 57 (năm 2018), thứ 43 (năm 2019), thứ 29 (năm 2020).

Nhìn lại kết quả nhiều năm liên tục xếp ở nhóm cuối của cả nước, Thanh Hóa nhận thấy còn nhiều những “điểm nghẽn” chưa được khơi thông. Từ đó, cả hệ thống chính trị đã “nhìn thẳng vào sự thật” và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện với nhiều mô hình, cách làm mới chưa có trong tiền lệ. Với tư duy đổi mới, nhiều nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch lớn về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Đặc biệt, Thanh Hóa lần đầu tiên đưa mục tiêu “nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước” về các Chỉ số PCI, PAR INDEX, SIPAS và PAPI vào kế hoạch hành động thực hiện “Khâu đột phá đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn” giai đoạn 2021-2025. Điều này thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cả hệ thống chính trị vì lợi ích của Nhân dân. Cũng trong năm 2021, Thanh Hóa đã xây dựng và ban hành Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) để truyền “lửa cải cách”, để các đơn vị “thi đua” lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu của mọi sự phục vụ. Nắm bắt kịp thời xu thế phát triển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về “Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với 3 trụ cột chính là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Thanh Hóa cũng thực hiện chấm điểm chỉ số CCHC của các ban, sở, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố, “buộc” các cơ quan công quyền phải thay đổi tư duy, hành động quyết liệt và xuyên suốt mới có thể giành thứ hạng cao. Công tác giám sát CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC của Thường trực HĐND tỉnh cũng được thực hiện toàn diện, rộng khắp để nắm bắt kịp thời các vấn đề còn tồn tại và nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo ra địa bàn toàn tỉnh. Chưa dừng lại ở đó, hàng loạt các hội nghị thảo luận, phân tích, đánh giá các Chỉ số SIPAS, PAR INDEX, PAPI, PCI cũng được tổ chức để bàn giải pháp thực hiện sao cho hiệu quả nhất.

Thanh Hóa cũng nhận ra rằng việc khơi thông “điểm nghẽn” phải bắt đầu từ con người, đó là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh phải gần dân, sát dân, trọng dân, nêu cao tinh thần phục vụ Nhân dân. Chính vì vậy, tỉnh đã tạo môi trường tốt nhất để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, rèn luyện, được cống hiến, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Cùng với việc đổi mới mạnh mẽ các khâu trong công tác cán bộ, hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm, Thanh Hóa đã siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính để mỗi cán bộ, công chức, viên chức thực sự liêm chính, tận tụy khi phục vụ Nhân dân và xử lý nghiêm các hành vi gây phiền hà cho người dân. Đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị gắn với công việc của mỗi người; lấy kết quả, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị để đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý và thực hiện nhiệm vụ.

Công tác chỉ đạo, điều hành được đặt lên hàng đầu - đó chính là “chìa khóa” để Thanh Hóa gỡ dần những “nút thắt” và mở cánh cửa thành công bằng những trái ngọt đầu mùa. Điều này được minh chứng khi năm 2021, Thanh Hóa vượt qua nhiều tỉnh, thành phố khác vươn lên xếp thứ 14 cả nước về Chỉ số PAR INDEX (tăng 15 bậc so với năm 2020) và bứt phá “nhảy vọt” trên bảng xếp hạng PAPI với sự có mặt trong top 3 tỉnh dẫn đầu cả nước (tăng 21 bậc so với năm 2020). Đây là động lực để Thanh Hóa quyết tâm giữ vững Chỉ số PAPI và chinh phục mục tiêu nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về 3 Chỉ số PAR INDER, SIPAS và PCI. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thanh Hóa và các tổ chức, công dân trong tỉnh kỳ vọng cấp ủy, chính quyền các cấp sẽ tiếp tục có nhiều cải biến sâu sắc, đưa CCHC trở thành “đòn bẩy”, là “chìa khóa” để mở cánh cửa thu hút đầu tư, đưa Thanh Hóa sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, cùng với Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển.

Tố Phương

Bài cuối: Hành trình không có điểm dừng.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]