(Baothanhhoa.vn) - Với cách làm sáng tạo, những năm qua, phong trào tuổi trẻ Thanh Hóa thi đua lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng đã có sức lan tỏa rộng khắp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Cần câu” giúp thanh niên làm giàu

Với cách làm sáng tạo, những năm qua, phong trào tuổi trẻ Thanh Hóa thi đua lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng đã có sức lan tỏa rộng khắp.

“Cần câu” giúp thanh niên làm giàu

Mô hình trồng bưởi của anh Trịnh Đình Cường, bí thư chi đoàn Trường THPT Thọ Xuân 4 (Thọ Xuân).

Đến thăm mô hình phát triển kinh tế của chị Hoàng Thị Mùi, dân tộc Mường, Phó Bí thư đoàn xã Cẩm Giang (Cẩm Thủy), được chị chia sẻ: Năm 2013, sau khi đi tham quan và học hỏi kinh nghiệm từ mô hình trang trại vườn - rừng ở một số địa phương, chị bắt đầu bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng của mình. Với nguồn vốn tiết kiệm ít ỏi ban đầu, gia đình chị không đủ “lực” để đầu tư phát triển. Vì vậy, thông qua kênh của đoàn, gia đình chị Mùi đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển. Từ nguồn vốn vay, chị tiến hành chuyển đổi 3 ha đất rừng sản xuất kém hiệu quả của gia đình sang trồng keo lai. Đồng thời, chị đầu tư lưới thép để khoanh vùng, xây dựng chuồng trại kiên cố thả hơn 30 con dê và 2 cặp trâu, bò sinh sản. Với phương thức “lấy ngắn, nuôi dài”, chị Mùi kết hợp nuôi dê thịt xuất bán lấy vốn, đồng thời mở rộng trang trại với việc nuôi dê sinh sản để tăng số lượng cho đàn. Mặt khác, để chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc, ngoài việc mở rộng diện tích trồng cỏ sữa, chị Hoàng Thị Mùi còn trồng thêm sắn, ngô để bổ sung tinh bột trong khẩu phần ăn cho trâu, bò. Bằng sự siêng năng, chịu khó cùng cách chăm sóc khoa học, đúng kỹ thuật, những nỗ lực của chị sau nhiều năm đã được đền đáp xứng đáng. Hiện nay, trang trại của chị Hoàng Thị Mùi luôn duy trì số lượng đàn với hơn 80 con dê thịt và dê sinh sản. Mỗi năm xuất bán khoảng 40 con dê thịt với trọng lượng trung bình từ 20-25kg/con, đem về nguồn thu khoảng 120 triệu đồng. Ngoài ra, từ 2 cặp trâu, bò sinh sản với mỗi năm một lứa, gia đình chị cũng thu lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng. Ngoài phát triển trang trại vườn - rừng, chị Hoàng Thị Mùi còn thầu thêm đất, đầu tư trồng 2 ha mía năng suất cao. Tính theo giá mía hiện tại thì dự kiến, cuối năm nay sẽ cho thu về khoảng 140 triệu đồng. Riêng với 3 ha rừng keo lai, dự kiến cuối năm sẽ cho thu hoạch với năng suất trung bình đạt 80 tấn/ha.

Cách đây vài năm, thanh niên huyện Thọ Xuân vẫn còn e ngại trong việc vay vốn ưu đãi thì nay họ đã mạnh dạn hơn trên con đường lập thân, lập nghiệp. Thông qua chương trình vốn vay ưu đãi, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) huyện Thọ Xuân đã khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, đầu tư phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi... Đến nay, tổng dư nợ mà đoàn thanh niên được quản lý khoảng gần 36 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã góp phần hình thành và tiếp sức cho nhiều mô hình sản xuất như: Trồng rừng, chăm sóc rừng luồng, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm... do ĐVTN làm chủ hộ phát triển có hiệu quả. Đa số thanh niên được hưởng lợi từ nguồn vốn này đều có ý thức cao trong việc sử dụng vốn đúng mục đích, trả lãi đúng thời hạn.

Theo đánh giá của Tỉnh đoàn, tính đến nay, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội do thanh niên đứng ra quản lý đạt 959.161 tỷ đồng cho 25.869 hộ vay vốn. Từ các nguồn vốn vay chương trình vay vốn quỹ quốc gia giải quyết việc làm, các cấp bộ đoàn đã giải ngân cho 26 dự án, giải quyết việc làm cho 520 thanh niên; nguồn vốn vay quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn quản lý với 10 tỷ đồng đã giải ngân cho 118 hộ thanh niên vay vốn khởi nghiệp; đã có 10 đồng chí là bí thư chi đoàn tại các huyện Cẩm Thủy, Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn được vay vốn không lãi suất để phát triển kinh tế. Từ việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, các hộ ĐVTN đã đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, đồng thời giải quyết việc làm cho hơn 30.000 lao động thất nghiệp tại địa phương. Việc triển khai nguồn vốn vay đã góp phần giúp ĐVTN giải quyết khó khăn về vốn, đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển trang trại, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đồng thời tạo điều kiện khích lệ, động viên ĐVTN khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Từ việc sử dụng tốt nguồn vốn, nhiều mô hình phát triển kinh tế do ĐVTN làm chủ đã đạt hiệu quả kinh tế cao, thu hút nhiều lao động địa phương, tiêu biểu như các mô hình: Chế biến các sản phẩm từ dứa, dưa bao tử của Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành (Nông Cống) duy trì việc làm cho 32 lao động và tạo việc làm mới cho 40 lao động; mô hình nuôi lợn, cá, chế biến thực phẩm sạch của anh Nguyễn Hoài Châu (Hậu Lộc) duy trì và tạo việc làm cho 7 lao động; mô hình chăn nuôi dê, bò của anh Phạm Văn Châu (Ngọc Lặc), tạo việc làm cho 6 lao động...

Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò của ĐVTN trong việc phát triển kinh tế tại địa phương, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp bộ đoàn, hội trên địa bàn toàn tỉnh định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ cho ĐVTN phát triển rộng rãi mô hình kinh tế tập thể với nhiều hình thức, quy mô và trình độ khác nhau trong các ngành, các lĩnh vực; đẩy mạnh tuyên truyền, biểu dương, giới thiệu gương người tốt, việc tốt..., giúp các ĐVTN có thêm kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng, làm theo; duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình, tổ hợp tác thanh niên làm ăn có hiệu quả...

Bài và ảnh: Lưu Tuấn Kiệt


Bài Và Ảnh: Lưu Tuấn Kiệt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]