(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25-1-2002 của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, XVII và đến nay là sau nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã quán triệt, triển khai, chỉ đạo mạnh mẽ việc điều động, luân chuyển (ĐĐLC) cán bộ không phải người địa phương, từng bước khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, nhân ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài 1: Khắc phục tình trạng cục bộ địa phương

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25-1-2002 của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, XVII và đến nay là sau nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã quán triệt, triển khai, chỉ đạo mạnh mẽ việc điều động, luân chuyển (ĐĐLC) cán bộ không phải người địa phương, từng bước khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, nhân dân, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở các địa phương.

Đồng chí Bùi Đặng Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Thành Tân (Thạch Thành) trao đổi với người dân thôn Bái Đang về mô hình cánh đồng mía mẫu lớn áp dụng cơ giới.

Tạo chuyển biến từ “vùng khó”

Thạch Thành là huyện “tiên phong” trong việc triển khai công tác ĐĐLC cán bộ từ huyện xuống xã, thị trấn và luân chuyển ngang. Trong quá trình triển khai, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Thạch Thành đã chú trọng đến việc bố trí cán bộ ở các xã, thị trấn không phải là người địa phương ở những đơn vị vai trò lãnh đạo cấp ủy yếu kém, tình hình đơn, thư khiếu kiện kéo dài, mất đoàn kết nội bộ, vi phạm nguyên tắc tập trung, dân chủ...

Nhớ lại thời kỳ được điều động từ xã Thạch Tân về làm Bí thư Đảng ủy xã Thành Mỹ, đồng chí Vũ Hồng Sơn, hiện là Bí thư Đảng ủy xã Thành Trực, không khỏi bồi hồi: Những năm trước 2015 tại xã Thành Mỹ diễn ra nhiều vấn đề rất phức tạp, do đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã là người địa phương mất tập trung dân chủ, việc cấp phát tiền hỗ trợ, hàng cứu trợ cho người dân bị thiệt hại do lũ lụt gây ra có nhiều sai phạm, dẫn đến làm mất lòng tin của nhân dân. Trước tình hình đó, tôi được BTV Huyện ủy ĐĐLC từ xã Thạch Tân sang xã Thành Mỹ. Mới “chân ướt chân ráo” về cơ sở, không phải là người địa phương, nên thời gian đầu tôi gặp không ít khó khăn. Nhiều cuộc họp của xã được triển khai nhưng cán bộ đi họp không đầy đủ, trong thực thi nhiệm vụ được giao, nhiều cán bộ có biểu hiện phá ngang, không có tinh thần xây dựng. Vẫn còn tình trạng một số cán bộ “sáng cắp cặp đến, tối cắp cặp về”, cả ngày ngồi trà lá tán gẫu, bỏ bê công việc. Qua quá trình trò chuyện với cán bộ, đảng viên và được sự chia sẻ của quần chúng nhân dân, tôi đã tìm ra “nút thắt” của vấn đề. Sau khi báo cáo với BTV Huyện ủy và cấp ủy triển khai những biện pháp “mạnh” để sắp xếp lại vị trí việc làm đúng với khả năng chuyên môn của từng người, không để tình trạng cán bộ không có chuyên môn thì được làm chỗ nhàn hạ, thu nhập cao, trong khi người vững chuyên môn, nghiệp vụ lại không có cơ hội cống hiến, tôi đã cùng đảng ủy xã xây dựng quy chế làm việc theo hình thức chấm điểm công việc từng tuần đối với cán bộ, công chức. Nếu cán bộ, công chức nào không hoàn thành nhiệm vụ sẽ đưa ra cuộc họp kiểm điểm, xếp loại lao động... Từ đó công việc của xã có nhiều tiến triển, những người có năng lực chuyên môn đã phát huy được hiệu quả. Sau 1 năm, tình hình địa phương đã trở lại ổn định, cán bộ, đảng viên yên tâm công tác, tạo “sức bật” mới về mọi mặt: Kinh tế, chính trị, quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng. Năm 2016, đồng chí Vũ Hồng Sơn lại được BTV Huyện ủy Thạch Thành ĐĐLC về làm bí thư đảng ủy xã Thành Trực để tập trung lãnh đạo xây dựng nông thôn mới và sau hơn 1 năm thực hiện nhiệm vụ, đồng chí đã cùng với đảng bộ, chính quyền và nhân dân xây dựng thành công xã nông thôn mới.

Đồng chí Bùi Đặng Hùng, nguyên phó bí thư Đảng ủy xã Thành Tâm cũng là một trong số cán bộ được luân chuyển về vùng khó để gây dựng phong trào. Theo anh Hùng cho biết, tháng 4-2015, khi được BTV Huyện ủy ĐĐLC về giữ cương vị bí thư Đảng ủy xã Thành Tân, anh cũng gặp không ít khó khăn, đó là tình trạng cán bộ chưa nhiệt tình với công việc, một số vấn đề thời kỳ trước để lại, tính cục bộ địa phương vẫn còn nhiều, xã còn gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, việc đầu tiên anh Hùng phải làm là “sốc” lại tinh thần của đội ngũ cán bộ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng. Anh Hùng đã dành nhiều thời gian tiếp xúc, đối thoại với dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và từng bước tháo gỡ khó khăn cho người dân. Với thái độ cầu thị, hết lòng phục vụ nhân dân, anh đã dần tạo được niềm tin đối với cán bộ, nhân dân, công việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và hoạt động của MTTQ, các tổ chức đoàn thể của các thôn đi vào nền nếp, tập trung cho phát triển sản xuất, trong đó đáng chú ý là chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng mùa vụ đạt hiệu quả cao hơn. Tỷ lệ hộ nghèo từ 27% (năm 2015) đến nay giảm xuống còn 8,6%; xã phấn đấu năm 2020 đạt 19 tiêu chí nông thôn mới.

Đồng chí Phạm Trọng Dũng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thạch Thành, cho biết: Từ năm 2005 đến nay, BTV Huyện ủy Thạch Thành đã tổ chức ĐĐLC được gần 300 lượt cán bộ. Qua quá trình triển khai thực hiện, BTV Huyện ủy Thạch Thành đã rút ra bài học kinh nghiệm, đó là: Trước mỗi đợt thực hiện ĐĐLC cán bộ, BTV đều xây dựng phương án cụ thể, lựa chọn tiêu chuẩn, đối tượng, chức danh và lựa chọn đơn vị để bố trí cho phù hợp tình hình thực tế. Đồng thời, tổ chức gặp mặt động viên, giao nhiệm vụ cho cán bộ và các đơn vị có cán bộ đi, cán bộ đến. Việc ĐĐLC cán bộ đã tạo nên những bước đột phá trong công tác bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Công tác ĐĐLC cán bộ không phải là người địa phương đã khắc phục tư tưởng trì trệ, cục bộ, dòng họ, làng xóm, địa phương, khắc phục tình trạng “phép vua thua lệ làng” ở một số đơn vị, từng bước xóa bỏ tâm lý trì trệ, bảo thủ, trông chờ, ỷ lại của một bộ phận cán bộ, đảng viên; đổi mới tác phong, lề lối làm việc, tăng cường đoàn kết nội bộ ở cơ sở. Các cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương đến đơn vị mới đã cùng tập thể cải tiến lề lối, tác phong, phong cách làm việc, chấn chỉnh giờ giấc, kỷ luật lao động của cán bộ, công chức ở cơ sở. Có đơn vị nhiều năm không có sự đổi mới, không có bước đột phá nhưng sau khi có cán bộ ĐĐLC đã có sự chuyển biến rõ nét như: Thành An, Thành Công, Thành Thọ, Thạch Bình, Thành Yên, Thành Vân... Có đơn vị khi chưa ĐĐLC, nội bộ có biểu hiện thiếu thống nhất, sau khi điều động đã khắc phục rõ nét, giải quyết các mâu thuẫn, tạo ra khí thế mới trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc thực hiện ĐĐLC cũng góp phần khắc phục tâm lý thỏa mãn, chủ quan “sống lâu lên lão làng” của cán bộ địa phương, xử lý vấn đề khách quan, tháo gỡ những vướng mắc do lợi dụng chức trách nhiệm vụ được giao để “thâu tóm quyền lực”, vi phạm những vấn đề liên quan đến đất đai, ngân sách Nhà nước, làm trái quy định pháp luật.

Đồng bộ từ chủ trương đến triển khai thực hiện

Từ thực tiễn triển khai ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, thông qua những lần hội nghị rút kinh nghiệm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu với BTV Tỉnh ủy ban hành Kết luận 60 về việc thực hiện chủ trương bố trí chức danh bí thư, phó bí thư thường trực cấp ủy, phó bí thư – chủ tịch UBND cấp huyện không phải người địa phương. Theo tinh thần Kết luận 60, BTV Tỉnh ủy đề ra mục tiêu phấn đấu thực hiện bố trí các chức danh bí thư, phó bí thư thường trực cấp ủy, phó bí thư - chủ tịch UBND không phải người địa phương ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Những nơi có điều kiện có thể bố trí cả 3 chức danh hoặc 2 chức danh hoặc ít nhất có một chức danh không phải người địa phương. BTV Tỉnh ủy cũng quy định đối với cán bộ cấp tỉnh ĐĐLC về cấp huyện là giám đốc sở, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, còn đủ tuổi công tác từ 1 nhiệm kỳ trở lên về làm bí thư cấp ủy cấp huyện. Đối với phó giám đốc sở, phó thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các chức danh tương đương còn đủ tuổi công tác từ 1 nhiệm kỳ trở lên về làm phó bí thư thường trực, phó bí thư - chủ tịch UBND cấp huyện. Nếu cán bộ là phó giám đốc sở, phó thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các chức danh tương đương được quy hoạch giám đốc, quy hoạch cấp trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, còn đủ tuổi công tác từ 2 nhiệm kỳ trở lên về làm bí thư cấp ủy cấp huyện. Trường hợp là trưởng, phó phòng cấp sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các chức danh tương đương được quy hoạch giám đốc, phó giám các sở; quy hoạch cấp trưởng, cấp phó các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, còn đủ tuổi từ 2 nhiệm kỳ trở lên, được xem xét về làm phó bí thư thường trực, phó bí thư - chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND cấp huyện. Về cán bộ cấp huyện ĐĐLC sang huyện khác nếu là bí thư cấp ủy cấp huyện, còn đủ tuổi công tác từ 1 nhiệm kỳ trở lên sang làm bí thư cấp ủy huyện khác. Phó bí thư thường trực, phó bí thư - chủ tịch UBND cấp huyện, còn đủ tuổi công tác từ 1 nhiệm kỳ trở lên sang làm phó bí thư thường trực, phó bí thư - chủ tịch UBND huyện khác. Trường hợp bố trí ở chức danh cao hơn phó bí thư thường trực, phó bí thư - chủ tịch UBND được quy hoạch bí thư cấp ủy cấp huyện, còn đủ tuổi công tác từ 2 nhiệm kỳ trở lên được xem xét sang làm bí thư cấp ủy huyện khác. Các đồng chí ủy viên BTV, phó chủ tịch HĐND, UBND được quy hoạch phó bí thư thường trực, phó bí thư - chủ tịch UBND cấp huyện, còn đủ tuổi từ 2 nhiệm kỳ trở lên được xem xét sang làm phó bí thư thường trực, phó bí thư - chủ tịch UBND huyện khác.

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Kết luận 60, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương tại 22/27 huyện, thị xã, thành phố, trong đó bí thư: 12 đồng chí; phó bí thư thường trực cấp ủy huyện: 13 đồng chí; phó bí thư - chủ tịch UBND cấp huyện: 15 đồng chí. Có 421 xã, phường, thị trấn bố trí 1 trong 3 chức danh: Bí thư đảng ủy: 233 đồng chí; phó bí thư thường trực đảng ủy: 103 đồng chí; phó bí thư, chủ tịch UBND cấp xã: 182 đồng chí, không là người địa phương.

Đồng chí Vũ Đức Soãn, Trưởng Phòng huyện - cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nhận xét: Công tác ĐĐLC cán bộ thời gian qua đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức; từng bước khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ ở các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, góp phần đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn, có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, sâu sát, toàn diện hơn. Đối với những địa phương, đơn vị có cán bộ luân chuyển đến, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có sự chuyển biến tiến bộ; công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành từng bước được chấn chỉnh đi vào nền nếp, kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo dân chủ, nhất là những nơi trước đó còn trì trệ, chậm phát triển, phức tạp kéo dài thì được khắc phục, tình hình chuyển biến tích cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước.

Bài 2: Tăng cường cán bộ về cơ sở để đào tạo, thử thách.


Bài và ảnh: Minh Hiếu – Phan Nga

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]