(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, nhiều hộ dân huyện Thọ Xuân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp đầu tư thâm canh, chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Qua đó không chỉ nâng cao hiệu quả trong sản xuất mà còn giúp người dân nâng cao thu nhập, mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả.

Thọ Xuân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao hiệu quả sản xuất

Thời gian qua, nhiều hộ dân huyện Thọ Xuân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp đầu tư thâm canh, chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Qua đó không chỉ nâng cao hiệu quả trong sản xuất mà còn giúp người dân nâng cao thu nhập, mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả.

Thọ Xuân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao hiệu quả sản xuấtMô hình trồng bưởi mang lại hiệu quả kinh tế cao của người dân xã Xuân Giang.

Là một trong những xã đầu tiên của huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, Xuân Trường thời điểm này đã “thay da đổi thịt” rõ rệt khi cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư ngày càng đồng bộ, đời sống sinh hoạt của người dân ngày một được nâng cao. Những năm qua, người dân xã Xuân Trường đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa nhiều giống cây trồng, con giống có giá trị cao vào sản xuất. Ông Lê Văn Thọ, thôn Thọ Tiến là một trong số những hộ dân có thu nhập ổn định nhờ linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Với diện tích hơn 1.000m2 đất, ông Thọ không chỉ trồng ngô, lúa đơn thuần như các hộ dân khác, mà còn đầu tư thêm hệ thống tưới nước tự động để trồng rau sạch, mang lại thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Mùa nào thức nấy, từ đầu năm đến nay, ông tiếp tục chuyển đổi diện tích đất trồng rau sang trồng mướp, bí, cà chua... Ông Thọ chia sẻ: “Để nâng cao hiệu quả về kinh tế, trước tiên phải nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Nếu chỉ trồng lúa hay một số cây trồng truyền thống thì thu nhập của bà con sẽ bấp bênh, không ổn định. Do đó, người nông dân phải tìm hiểu rõ nhu cầu thị trường để tập trung trồng những loại cây theo mùa, có giá trị kinh tế cao. Cùng một diện tích nhưng trồng bí hay mướp đắng chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa”.

Sự tâm huyết cùng tư duy nhạy bén ấy đã giúp ông Thọ thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện 1.000m2 trồng rau, củ, quả của gia đình ông đã được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên không còn phải lo về đầu ra, mang lại thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/năm.

Ngoài gia đình ông Thọ, tại xã Xuân Trường cũng đã có rất nhiều hộ chuyển đổi diện tích các loại cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang cây trồng, con giống chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tính đến nay, xã đã chuyển đổi thành công được hơn 65ha đất kém hiệu quả để thực hiện các mô hình phát triển nông nghiệp. Các mô hình đã cho thấy giá trị cao gấp từ 6 đến 8 lần so với trồng lúa trước đây. Thời gian tới, xã Xuân Trường tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng thông qua việc duy trì và mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, từ đó hình thành vùng sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn, thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất và hình thành chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Còn tại xã Xuân Hồng cũng có nhiều hộ dân gặt hái được thành công nhờ nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ vùng đất cằn cỗi, đến nay Xuân Hồng được biết đến nhiều hơn nhờ những loại cây ăn quả có tiếng như cam, bưởi, nhãn... Theo ông Trịnh Vinh Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã, từ hơn 10 năm trước xã đã có chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả. Thời điểm đó, nhiều hộ dân đã có thu nhập hơn 100 triệu đồng nhờ trồng cam với giá bán 30 - 40.000 đồng/kg. Từ đó tạo động lực cho các hộ dân khác vươn lên làm giàu, thoát khỏi cảnh bấp bênh khi trồng lúa.

Nối tiếp thành công đó, thời gian qua, xã Xuân Hồng đã đẩy mạnh các công tác tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật để đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất. Đồng thời tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông dân phát triển. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đổi mới, đầu tư để trồng các loại cây mới, cũng như xây dựng mô hình kinh tế trang trại, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ 10ha đất được chuyển đổi ban đầu, đến nay xã đã mở rộng và phát triển lên hơn 100ha chuyên canh cây ăn quả.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thọ Xuân, cho biết: "Với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả sản xuất, thời gian tới, huyện Thọ Xuân đã thực hiện quy hoạch diện tích sản xuất kém hiệu quả, vận động bà con chuyển đổi sang các cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Trong đó, tập trung vào các loại cây trồng như: cây ăn quả, rau màu... ưu tiên xây dựng các mô hình có liên kết sản xuất, từng bước thay đổi tập quán, tư duy sản xuất nông sản hàng hóa cho nông dân. Bên cạnh đó, huyện cũng đã lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ kinh phí để các xã đầu tư bê tông hóa đường giao thông nội đồng, cải tạo đồng ruộng, khuyến khích nông dân thực hiện chuyển đổi sản xuất hiệu quả".

Bài và ảnh: Chi Phạm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]