(Baothanhhoa.vn) - Có quá nhiều điều để nhớ về World Cup 2006. Từ chuyện cầu thủ đầu tiên và có thể là duy nhất của đội tuyển Croatia nhận... 3 thẻ vàng trong một trận đấu, Ronaldo lập kỷ lục ghi bàn mới, cú “thiết đầu công” của Zinedine Zidane...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Niềm kiêu hãnh mang sắc Thiên thanh

Có quá nhiều điều để nhớ về World Cup 2006. Từ chuyện cầu thủ đầu tiên và có thể là duy nhất của đội tuyển Croatia nhận... 3 thẻ vàng trong một trận đấu, Ronaldo lập kỷ lục ghi bàn mới, cú “thiết đầu công” của Zinedine Zidane...

Niềm kiêu hãnh mang sắc Thiên thanh

Đó đều là những chi tiết sống động, giàu cảm xúc. Song có một hình ảnh tĩnh sẽ lắng đọng mãi trong ký ức người hâm mộ - những người yêu mến màu áo Thiên thanh, đó là lúc đội trưởng Fabio Cannavaro khoanh tay trước ngực, gương mặt bình thản và thế đứng vững chãi như một bức tượng cẩm thạch của Michelangelo, quan sát loạt đá luân lưu quyết định.

Một Adrean Pirlo nổi tiếng là trầm tĩnh, lạnh lùng mà đến loạt đá thứ 3 đã chẳng thể giấu được sự hồi hộp, lo lắng, đứng đằng sau ôm chặt lấy vai người đội trưởng – một chỗ dựa tinh thần vững chãi nhất. Trong lúc đồng đội phấn khích ăn mừng sau cú sút thành công của Del Piero thì Cannavaro vẫn trầm tĩnh chờ đợi, bởi anh biết còn cú sút quyết định của Grosso. Chỉ sau khi Grosso găm bóng vào lưới, Cannavaro mới cho phép mình gào lên cùng đồng đội trong hạnh phúc vỡ òa.

Nhìn Adrean Pirlo nép mình sau Fabio Cannavaro, mới hiểu tại sao trong đội hình tuyển Italia năm ấy, nhiều người đủ “trình” và “tầm” mang trên tay chiếc băng thủ quân, từ thủ môn Gianluigi Buffon, “Hoàng tử thành Roma” Francesco Totti, đến những cầu thủ dự bị như Del Piero, Daniele De Rossi – những người đang hoặc từng là đội trưởng mẫu mực ở CLB mình thi đấu, nhưng chỉ “Nhà vua thành Naples” Cannavaro là xứng đáng nhất.

Có một đoạn video dài tới 6 phút 25 giây điểm lại màn trình diễn của Fabio Cannavaro trong trận Chung kết năm đó. Nó lý giải vì sao dàn sao thượng thặng của Pháp với Zinedine Zidane, Thiery Henry, Trezuegue... lại “tắt điện” hoàn toàn trước hàng phòng ngự của Italia (trừ pha sút phạt đền của Zinedine Zidane), để rồi sau đó thua trong loạt sút luân lưu.

Một tình huống sử dụng tiểu xảo trong pha va chạm trực tiếp ngay giây thứ 56 với Thiery Henry ở khu vực giữa sân khiến tiền đạo tuyển Pháp lập tức cần tới sự chăm sóc của bác sĩ. Quan trọng hơn, đợt phản công với 3 cầu thủ của tuyển Pháp bị chặn đứng, tiền đạo chủ lực của Pháp bị “dằn mặt” ngay từ đầu trận để rồi cả trận “ke” chân mỗi lần phải đấu 1-1 với hậu vệ Italia. Một loạt tình huống chọn vị trí khôn khéo, tỳ đè cắt bóng bổng ngay “trước mũi” những “gã khổng lồ” bên phía tuyển Pháp như Thiery Henry, Patrick Vieira... Phút 79, Cannavaro còn bật cao tới mức gần như... ngồi lên vai Zinedine Zidane để cắt một pha bóng bổng, khiến “gã hói” chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán. Đó còn là pha bọc lót khôn ngoan cho Gianluca Zambrotta phút 42 khiến Florent Malouda vừa bị đau, vừa mất bóng trong một pha tăng tốc xuống biên. Pha “cài chân” phút 49 khiến Franck Ribery lúng túng “như gà mắc tóc” với quả bóng; chưa kể phút 70, Cannavaro còn khiến “anh chàng mặt sẹo” của tuyển Pháp “ăn hành” trong một tình huống đeo bám cực kỳ khó chịu.

Thú vị nhất phải là pha bóng ở phút 66. Cannavaro từ phía sau lao lên tranh chấp bóng với Florent Malouda trong một tình huống mà anh gặp nhiều bất lợi. Malouda vung tay vào người Cannavaro khiến hậu vệ người Italia bị “hất tung”. Trọng tài ngay lập tức cắt còi. Tuy nhiên, xem lại pha quay chậm mới thấy, đó là một pha “diễn kịch” cực dẻo của Cannavaro – anh chỉ thuận theo đà vung tay của Malouda để ngã lăn xuống mặt cỏ. Malouda sau đó ngơ ngác phân bua. Còn Cannavaro – máy quay kịp ghi lại nụ cười tinh quái của anh...

Điểm lại để thấy, tất cả hảo thủ của tuyển Pháp đêm hôm ấy đã chiến bại trước Cannavaro. Người đội trưởng mang áo số 5 đã gần như phong tỏa mọi lối vào khung thành của Gianluigi Buffon một cách khoa học, lỳ lợm, tinh quái. Đó là lý do vì sao trước khi bước vào loạt luân lưu định mệnh, Gianluigi Buffon đi bên cạnh người đội trưởng tươi cười trò chuyện vô cùng thoải mái. Đó cũng là lý do người ta gọi Cannavaro ở World Cup 2006 là “Il Muro di Berlino” - bức tường Berlin.

Cannavaro không tham gia đá luân lưu, nhưng thế đứng của người đội trưởng đã cho thấy niềm kiêu hãnh, tự tôn của người Italia. Không còn nỗi ám ảnh để lại từ sau Chung kết World Cup 1994; không còn những bất an do scandal “Calciopoli” với những án phạt treo giò lơ lửng chờ các cầu thủ. Chỉ còn niềm kiêu hãnh mang sắc Thiên thanh ở thời khắc lịch sử.

Trong lịch sử các đội tuyển quốc gia, chỉ có 20 người đội trưởng từng được vinh quang giơ cao Cúp vàng thế giới. Trong số đó, chỉ Fabio Cannavaro làm được điều kỳ diệu này ở trận đấu thứ 100 của mình.

Cậu bé năm nào nuôi dưỡng ước mơ bóng đá trên những con phố bụi bặm và bạo lực ở Napoli đã trở thành kẻ chinh phục vĩ đại ở Berlin trong đêm hè cách đây 14 năm.

Nguyên Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]