(Baothanhhoa.vn) - Trước mỗi kỳ EURO, các hãng truyền hình của Anh thường chiếu đi chiếu lại bàn thắng của Paul Gascoigne trong trận tuyển Anh gặp Scotland tại vòng bảng EURO 1996.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dấu giày trên sân cỏ: Paul Gascoigne - bài học của cuộc sống

Trước mỗi kỳ EURO, các hãng truyền hình của Anh thường chiếu đi chiếu lại bàn thắng của Paul Gascoigne trong trận tuyển Anh gặp Scotland tại vòng bảng EURO 1996.

Dấu giày trên sân cỏ: Paul Gascoigne - bài học của cuộc sống

Teddy Sheringham tung ra đường chuyền một chạm, đưa bóng bổng đến vị trí của Gascoigne đang bị 2 hậu vệ của Scotland theo kèm. Bóng chạm đất nẩy lên, Paul Gascoigne gẩy bóng tinh tế bằng chân trái, đưa bóng vòng qua hậu vệ đội bạn và tung một cú vô-lê “kết liễu” bằng chân phải. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng 9 giây với 6 pha chạm bóng, kể từ đường phát bóng của thủ môn David Seaman.

Bàn thắng được bình chọn là đẹp nhất của đội tuyển Anh trong các kỳ EURO và xếp thứ 6 trong 10 bàn thắng đẹp nhất lịch sử EURO.

Bàn thắng đó cũng nói lên đầy đủ tài năng thiên bẩm của Paul Gascoigne: Mạnh mẽ, kỹ thuật, tinh tế, sáng tạo, nhạy bén và quyết đoán. Những phẩm chất thuộc hàng “của hiếm” của bóng đá Anh thời bấy giờ.

Chẳng thế mà Bảo tàng Bóng đá Quốc gia Anh mô tả về Paul Gascoigne là “Tiền vệ Anh có năng khiếu thiên bẩm nhất thời đại của mình”.

Sir Alex Ferguson thì vẫn luôn khẳng định: “Gascoigne là cầu thủ Anh xuất sắc nhất từ năm 1966”.

Quay trở lại với EURO 1996. Đội tuyển Anh và Paul Gascoigne đã chơi bóng trong tư thế của một đội bóng hàng đầu, cho đến khi sụp đổ ở trận bán kết gặp đội tuyển Đức. Hiệp phụ của trận bán kết, Anh và Đức đang hòa 1-1. Bóng được căng ngang khung thành tuyển Đức, thủ thành Andreas Koepke chới với nhìn theo bóng, trước mặt Gascoigne chỉ là khung thành trống. Anh lao đến và... đệm hụt bóng. Cơ hội ghi Bàn thắng Vàng đầu tiên trong lịch sử các kỳ Euro đã trôi qua mãi mãi. Để rồi sau đó, người Anh gục ngã trên chấm phạt đền trước người Đức và Paul Gascoigne thậm chí không có cơ hội để thực hiện lượt sút của mình. Nước mắt của chàng trai có cá tính nổi loạn, ngổ ngáo đã trào.

Kỳ EURO năm đó cũng giống như bức họa về cuộc đời Paul Gascoigne với 2 mảng màu sáng – tối. Pha ghi bàn là chấm sáng rực rỡ cuối cùng và cú đệm bóng hụt bắt đầu cho chu kỳ tăm tối.

Trước World Cup 1998, HLV Glen Hoddle thẳng tay loại Paul Gascoigne khỏi đội tuyển sau một vụ trốn đội đi chơi đêm với người bạn thân Chris Evans. Sự nghiệp quốc tế của Gazza kết thúc với chỉ 10 bàn thắng qua 57 trận đấu.

Ở cấp câu lạc bộ, Paul Gascoigne cũng chỉ chứng tỏ được năng lực của mình trong 4 năm chơi bóng trong màu áo Tottenham.

Năm 1992, Paul Gascoigne gia nhập Lazio trong sự chào đón nồng nhiệt của người hâm mộ. Thế nhưng, sau 3 mùa giải tại Italia, Paul Gascoigne chỉ có 41 trận đấu và vỏn vẹn 6 bàn thắng. Chưa kể, tai tiếng bên ngoài sân cỏ luôn tỷ lệ nghịch với phong độ: Đấm phóng viên, ợ hơi xuống micro trong một chương trình truyền hình trực tiếp, đeo còi của huấn luyện viên trưởng vào cổ ngỗng...

Paul Gascoigne sau đó gia nhập Glasgow Ranger, “lang thang” qua nhiều câu lạc bộ của Anh, thậm chí đến Trung Quốc và giải nghệ vào năm 2004 ở Mỹ.

Sự nghiệp Paul Gascoigne xuống dốc không phanh không chỉ bởi cá tính ngông cuồng, mà còn bởi bệnh cuồng ăn, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn lưỡng cực và đặc biệt là nghiện rượu nặng.

Có một video đã ghi lại cảnh: Tham dự một sự kiện từ thiện ở Northampton trước 500 vị khách. Tay của Gascoigne run rẩy đến nỗi không thể cầm được micro và phải nhờ tới sự giúp đỡ của người đại diện Terry Barker ông mới ngồi vững trên ghế. Paul Gascoigne nói gì đó mà người ta nghe không rõ, rồi ngay sau đó phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Tháng 1 năm 2014, Paul Gascoigne lần thứ 7 vào trại cai nghiện rượu. Chỉ 9 tháng sau đó, Gascoigne say khướt tại nhà và cảnh sát lại được gọi đến để đưa anh ta đi cai nghiện.

Cả trong và sau thời gian chơi bóng, cái tên Paul Gascoigne xuất hiện trên mặt báo chủ yếu với những dòng tít: “say ngoắc cần câu”, “nhập viện vì say xỉn”, “quấy rối bạn gái cũ”, “có hành vi phân biệt chủng tộc với vệ sĩ da đen của mình”, “hành hung nhiếp ảnh gia”...; kèm theo đó là thân hình chảy nhão, gương mặt tàn tạ vô hồn.

Vì rượu và thói ngông cuồng, Paul Gascoigne đã đánh mất tất cả: Sự nghiệp, gia đình, tiền bạc, danh vọng và sức khỏe.

Bóng đá đã cứu rỗi cuộc đời Paul Gascoigne và cả gia đình nghèo khó, vực anh dậy từ hố sâu ám thị bởi những biến cố đau thương trong cuộc đời. Thế nhưng, chính Gascoigne đã hủy hoại mọi ân huệ mà cuộc đời dành cho anh.

Bóng đá là một bức tranh đa sắc của cuộc sống. Ở đó có những Rivaldo, Dani Alves, Cristiano Ronaldo, Angel Di Maria... vươn lên từ nghèo khó, vượt qua bi kịch, không ngừng khẳng định mình. Song cũng có những Paul Gascoigne, Adriano, Samir Nasri, Scott Davies, Icardi... không vượt qua được những cám dỗ, nghịch cảnh, tự hủy hoại sự nghiệp và cuộc sống theo những cách khác nhau.

Mới đây, nhiều người nhìn thấy Paul Gascoigne cùng dắt chó đi dạo với bà mẹ 2 con Wendy ở Salford, Gtr Manchester. Wendy cũng được cho là động lực để huyền thoại bóng đá Anh giã từ rượu.

Chính Paul Gascoigne nói rằng, bây giờ anh chỉ uống một ít bia, hoặc một ly rượu vang chứ không hề đụng đến rượu mạnh.

Hôm nay, Paul Gascoigne bước sang tuổi 53. Hy vọng đây sẽ là một chương mới của cuộc đời “Gazza”.

Còn với những người đã, đang nuôi dưỡng ước mơ cuộc đời với quả bóng tròn, hãy xem đó là bài học quý giá.

Nguyên Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]