(Baothanhhoa.vn) - Tết - một danh từ rất chung mà cũng rất riêng, là tiếng gọi thiêng liêng của đất trời, lòng người. Để rồi hôm nay và mãi về sau, dẫu người già hay con trẻ, miền xuôi hay miền ngược hoặc bất kỳ nơi đâu, những người con đất Việt sẽ cùng hòa chung vào mạch nguồn văn hóa thẳm sâu, hướng về nguồn cội trong những ngày tết đến xuân sang, cùng hát vang khúc ca đón chào năm mới...

Tết ơi, tết à!

Tết - một danh từ rất chung mà cũng rất riêng, là tiếng gọi thiêng liêng của đất trời, lòng người. Để rồi hôm nay và mãi về sau, dẫu người già hay con trẻ, miền xuôi hay miền ngược hoặc bất kỳ nơi đâu, những người con đất Việt sẽ cùng hòa chung vào mạch nguồn văn hóa thẳm sâu, hướng về nguồn cội trong những ngày tết đến xuân sang, cùng hát vang khúc ca đón chào năm mới...

Tết ơi, tết à!Niềm vui du xuân trong những ngày tết đến, xuân về. Ảnh: Đăng Khoa

Rộn ràng tết vùng cao

Cô gái Thái Lương Ngọc Hân 31 tuổi là bà chủ của quán ăn khá đông khách ở thị trấn Sơn Lư (Quan Sơn). Tết đã cận kề nhưng hai vợ chồng Hân vẫn tất bật với hàng quán từ sáng đến đêm, bụng bảo dạ: “Bán buôn thêm ít ngày nữa cho trọn năm”. Nói vui vậy thôi nhưng đôi trẻ cũng náo nức, rộn ràng sắm sanh, chuẩn bị chu đáo cho những ngày vui tết, đón xuân sắp tới. Ngọc Hân chia sẻ: “Công việc thì cứ ngày gối ngày chứ cả năm mới có dịp vui xuân, đón tết. Đây không chỉ là dịp để mọi người được nghỉ ngơi sau những ngày tất bật lo cơm áo gạo tiền mà còn là dịp để gia đình được quây quần bên nhau".

Hân sinh ra và lớn lên trong lòng văn hóa Thái. Cô giới thiệu về quê hương, về dân tộc mình và cách người Thái vui xuân đón tết với tất cả niềm tự hào, yêu mến: “Miền biên viễn Quan Sơn là nơi có 4 dân tộc Kinh, Mường, Thái, Mông cùng sinh sống; dân tộc Thái chiếm hơn 80% dân số. Nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Thái, trong đó có nhiều phong tục, nghi lễ, ẩm thực, trang phục, các trò chơi trò diễn dân gian mỗi dịp tết đến, xuân về”.

Hòa chung không khí của mọi người, mọi nhà trên mọi miền Tổ quốc, từ ngày 25 tháng Chạp, khắp các bản làng người Thái nhộn nhịp, tất bật chuẩn bị cho dịp lễ lớn nhất trong năm như: lên rừng đốn củi để trữ, hái lá dong, tháo ao bắt cá, làm thịt lợn, trâu, bò... Rồi khi củi đã trữ đầy, lá dong đã xanh một góc nhà, thịt lợn, trâu, bò đã báo hiệu một cái tết đủ đầy, người dân nơi đây xúng xính váy áo “xuống chợ”. Phiên chợ cuối năm rực rỡ sắc màu của trang phục truyền thống, đa dạng các sản vật địa phương, phong phú hương vị món ăn, nhộn nhịp không khí bán mua...

Cùng với tiếng nói, chữ viết thì trang phục, ẩm thực là những “chỉ dấu” quan trọng để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Ngọc Hân cho biết: “Các món ăn trong ngày tết của người Thái Quan Sơn thường có xôi, bánh chưng, thịt trâu, bò gác bếp, cá đồ, rêu đồ... Đặc biệt, cá nướng là món ăn không thể thiếu”. Đồng bào Thái cũng có rất nhiều phong tục vui xuân đón tết độc đáo. Ví như vào buổi sáng mùng 1 tết, gia chủ sẽ làm lễ cúng, vừa để báo cáo tình hình vừa gọi mời ông bà tổ tiên về ăn tết, chung vui với gia đình. Đồng thời, thông qua đó, gia chủ cũng tỏ lòng thành kính, biết ơn ông bà tổ tiên và gửi gắm những mong cầu, ước vọng về một năm mới an khang thịnh vượng... Những trò chơi, trò diễn dân gian như: ném còn, nhảy sạp, hát khặp,... đã góp phần vẽ nên bức tranh xuân trên miền sơn cước thật sinh động, mang đậm sắc thái văn hóa riêng.

Tết trong lòng những người con xa xứ

Trong tâm thức người Việt, điều quý giá nhất vào mỗi dịp tết là được sum vầy bên gia đình, người thân. Với những người con xa xứ, nỗi mong ngóng, khát khao ấy càng mãnh liệt hơn bao giờ.

Tết ơi, tết à!Công đoàn Báo Thanh Hóa tổ chức Ngày hội bánh chưng xanh. Ảnh: Tô Dung

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 này là năm đầu tiên mà cô gái Nguyễn Thị Kiều Anh 25 tuổi (Lang Chánh) không ở bên gia đình. Nước Úc, vùng đất nằm ở phía Nam bán cầu, nơi Kiều Anh đang sinh sống và học tập nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nền văn hóa đa dạng cùng những con người thân thiện, dễ mến. Nhưng tất cả điều ấy không thể khỏa lấp được tình yêu và nỗi nhớ của cô gái trẻ. Từng ký ức, kỷ niệm về tết cứ thế dâng đầy trong tâm tưởng, rưng rưng nơi khóe mắt, tưởng chừng lúc này mà nghe giọng mẹ hỏi han qua điện thoại là khóc òa như con nít...

Cũng như đông đảo du học sinh khác, Kiều Anh phải tự mình mạnh mẽ vượt qua, học cách quen dần với cảm giác nhớ nhà, nhớ hương vị tết cổ truyền dân tộc. Kiều Anh tâm sự: “Cảm xúc đầu tiên của những người con đón tết xa nhà như em chắc chắn là sẽ nhớ gia đình, nhớ bạn bè và nhớ cảm giác tụ họp, đoàn viên mà có lẽ nhiều người đã đợi cả năm mới có dịp trở về, đoàn tụ. Thông thường trong giai đoạn này, hầu hết các bạn du học sinh sẽ quay trở về Việt Nam ăn tết cùng gia đình. Tuy nhiên, các công ty hay doanh nghiệp tại Úc vẫn hoạt động như bình thường nên em nghĩ đây cũng là thời điểm thích hợp để tìm kiếm công việc, có cơ hội rèn luyện bản thân”. Bên cạnh đó, Kiều Anh cũng tò mò và muốn khám phá thêm người Việt ở nước ngoài hay những người nước ngoài có nét tương đồng trong phong tục, tập quán sẽ đón tết như thế nào. Kiều Anh chia sẻ: “Cộng đồng du học sinh nơi em đang sinh sống, theo học đến từ nhiều quốc gia khác nhau nên rất đa dạng về văn hóa. Tại một số khu người Việt Nam hay người Trung Quốc đều có tổ chức các hoạt động vui Tết Nguyên đán. Em sẽ cùng bạn bè tham gia các hoạt động này”.

Xuân đã la đà, tết đã chạm ngõ mọi nhà, lòng người đã hân hoan trong niềm vui sướng sắp sửa đón chào năm mới. Xuân - tết vẫn là một dịp đặc biệt để gắn kết, xóa nhòa “khoảng cách thế hệ”, khoảng cách địa lý. Đó là khi mà tất cả chúng ta được “sống cùng nhau trong một tình cảm, một ý tưởng chung, cùng một xúc động tập thể”, hướng về giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được trao truyền và tiếp nối tự ngàn đời.

Đăng Khoa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]