Tấm lòng dành cho trẻ tự kỷ
Với mong muốn mang lại niềm vui, tăng thêm kiến thức, kỹ năng cho những trẻ tự kỷ, những người điều dưỡng tại Đơn nguyên Tâm bệnh, Khoa Thần kinh - Tâm bệnh (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) luôn kiên trì, nhẫn nại, đồng hành cùng trẻ và hơn thế là luôn dành tình yêu thương cho những trẻ tự kỷ. Những tấm lòng ấy đã giúp nhiều trẻ dần hoàn thiện hơn và có hành trang vững bước trong cuộc sống.
Điều dưỡng Ngô Thị Hoa trong giờ can thiệp cho trẻ.
Có mặt tại Đơn nguyên Tâm bệnh vào buổi sáng, ngay từ ngoài hành lang, chúng tôi đã nghe tiếng cười đùa xen lẫn những tiếng khóc của trẻ. Bởi, có nhiều trẻ hợp tác, nhưng cũng có nhiều trẻ đôi lúc không vượt qua được những đau đớn khi luyện tập và những giây phút rối loạn không kiểm soát. Trước những tình huống ấy, các cô luôn nhẹ nhàng, bình tĩnh trò chuyện và dùng các liệu pháp để giúp trẻ vượt qua. Bác sĩ chuyên khoa 1, Phó trưởng Khoa Thần kinh - Tâm bệnh Trịnh Thị Minh Anh chia sẻ: “Các điều dưỡng luôn kiên trì, bám sát nhu cầu, cảm xúc của trẻ. Đặc biệt, họ luôn phải tự kiềm chế, nhẹ nhàng với trẻ trong mọi hoàn cảnh, giúp các con điều hòa cảm xúc, vượt qua những rối loạn. Bởi, chỉ cần có một cảm xúc hay hành động nóng giận thì các bé sẽ không hợp tác, phản ứng tiêu cực khiến tình trạng bệnh có thể nặng hơn”.
Đi qua các phòng trị liệu, chúng tôi phần nào hiểu được những cố gắng, kiên trì của các nữ điều dưỡng. Họ không chỉ là điều dưỡng mà còn như là cô giáo, mẹ hiền lấp đầy những hành trang cần thiết có thể giúp trẻ hòa nhập cuộc sống.
Trong căn phòng trị liệu ngôn ngữ, điều dưỡng Ngô Thị Hoa kiên trì trò chuyện, hướng dẫn trẻ. Những thẻ chữ, thẻ hình được lặp đi lặp lại đủ để các em ghi nhớ, bắt chước và làm theo. Thế nhưng, chốc chốc lại thấy điều dưỡng Hoa nhắc nhở bạn trẻ ngồi nghiêm túc, tập trung vào bài học. Bởi, sự tập trung, ghi nhớ của những trẻ rối loạn tự kỷ rất hạn chế. Do đó, dạy trẻ cần kiên trì, có phương pháp phù hợp và lặp đi lặp lại nhiều lần...
Trò chuyện với điều dưỡng Ngô Thị Hoa, chúng tôi càng khâm phục sự kiên trì và tâm huyết về những người điều dưỡng dành cho trẻ tự kỷ. Tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý, điều dưỡng Hoa đã sẵn sàng tinh thần, tâm thế tiếp xúc với những trẻ kém may mắn. Ấy thế mà, khi vào làm tại Đơn nguyên Tâm bệnh, điều dưỡng Hoa cũng không tránh khỏi những giây phút choáng ngợp. Chị Hoa chia sẻ: “Bệnh nhân vào khám và điều trị khá đông, nhiều trường hợp nặng nên khiến tôi hơi ngợp trong thời gian đầu. Song điều đó lại trở thành động lực cho tôi cống hiến và đồng hành cùng trẻ với mong muốn giúp trẻ tự kỷ sớm hòa nhập cộng đồng”.
Nhiều trẻ tự kỷ mức độ nặng đi kèm khuyết tật trí tuệ và nhiều rối loạn nên việc tiếp cận tương đối khó. Nhiều trường hợp trẻ không hợp tác, phản kháng la khóc. Thậm chí dù đã hợp tác với các cô, song đôi khi những giây phút rối loạn làm trẻ chạy lung tung, la hét và có xu hướng bạo lực với bản thân và người khác. Bởi vậy, những người điều dưỡng phải chịu rất nhiều áp lực, khó khăn. Đặc biệt, trong thời gian đầu tiếp xúc, tiếp cận với trẻ rất khó. Nếu ai không dành tình cảm, tâm huyết và sự kiên trì thì không thể đồng hành cùng với trẻ. Khi kiên trì và quan tâm thì điều dưỡng dần sẽ nhìn ra những điểm sáng của trẻ để tiếp cận và thúc đẩy sự phát triển của trẻ - điều dưỡng Hoa chia sẻ.
Đó không chỉ là quan điểm của riêng điều dưỡng Hoa, mà các điều dưỡng tại Đơn nguyên Tâm bệnh luôn dành một tình cảm đặc biệt cho những trẻ tự kỷ và luôn chủ động rèn luyện bản thân để mong sao hỗ trợ tốt nhất cho trẻ. Bởi hơn ai hết, chính họ là người tiếp xúc với trẻ hàng ngày, hiểu được những thiệt thòi của trẻ và cũng là người hiểu rõ tính chất, yêu cầu công việc này.
Còn đối với điều dưỡng Võ Thị Trang khi gắn bó với Đơn nguyên Tâm bệnh chị mới thấy rõ sự đặc biệt của những điều dưỡng nơi đây. Không như những khoa khác, khi điều dưỡng thực hiện tiêm, truyền cho trẻ thì luôn có bố mẹ, người thân của trẻ hỗ trợ. Nhưng tại Đơn nguyên Tâm bệnh, mọi hoạt động của điều dưỡng đối với trẻ đều được thực hiện 1-1 và không dùng thuốc can thiệp mà dùng các biện pháp can thiệp bằng tâm lý, giáo dục trong một thời gian dài. Do đó, người điều dưỡng cần dành tình cảm, tâm huyết cũng như thời gian, công sức cho trẻ, giúp các trẻ cảm nhận được sự an toàn, vui vẻ.
“Điều dưỡng không chỉ dạy, hướng dẫn trẻ mà chúng tôi luôn dành cho các em sự yêu thương, chăm sóc qua những cử chỉ, thái độ. Mỗi người điều dưỡng phải trở thành chỗ dựa tinh thần để các con có thể trải lòng cũng như tham gia các hoạt động. Vì thế, nhiều trẻ đã gắn bó như người thân” - điều dưỡng Võ Thị Trang chia sẻ.
Chắc hẳn, ai có mặt tại Đơn nguyên Tâm bệnh, chứng kiến điều dưỡng dỗ dành, âu yếm, hướng dẫn cũng đều cảm nhận được tình thương dành cho trẻ. Song, mình tình yêu thương, sự kiên trì, tâm huyết là chưa đủ để trẻ tự kỷ có thể hòa nhập và dần phát triển hơn. Bởi, để hỗ trợ trẻ tự kỷ cần sự chung tay của cả cộng đồng, nhất là gia đình cần đồng hành cùng điều dưỡng trong giáo dục và rèn luyện cho trẻ. Có như vậy, trẻ mới bứt phá, dần hoàn thiện và phát triển tốt hơn.
Bài và ảnh: Thùy Linh
- 2024-11-02 15:28:00
Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội tỉnh Thanh Hoá và Bắc Ninh 2024
- 2024-11-02 14:38:00
Thường Xuân nỗ lực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
- 2024-04-04 09:22:00
Khai thác Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư phục vụ điều tra dân số và nhà ở
Đường cao tốc phải có tối thiểu 4 làn xe, tốc độ tối đa 120km/h
Hỗ trợ người khuyết tật có khó khăn về tài chính được bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng
Hiệu quả từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Hiến đất xây dựng nông thôn mới - cuộc cách mạng thay đổi diện mạo làng quê
Phát động hưởng ứng chiến dịch “Triệu bước chân nhân ái”
Người dân cần chủ động phòng ngừa cháy, nổ khi bước vào mùa nắng nóng
Gieo mầm thiện lành nơi ngã ba sông
5 trường hợp khóa căn cước điện tử kể từ ngày 1/7/2024
Phát huy sức trẻ trong phát triển kinh tế - xã hội