Tạ Quang Bạo - cây đại thụ của làng điêu khắc Việt Nam
Ngày 3-9-2020, chúng tôi đến ngôi nhà 31 ngõ 8, đường Hoa Lư, TP Hà Nội, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đang tiếp khách. Thấy chúng tôi, anh reo lên: A! Người Thanh Hóa! Phải tiếp đồng hương quý cái đã. Chúng tôi ôm nhau thắm thiết, cái ôm của những người lâu ngày gặp lại, mừng vui lâng lâng.
Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo (người bên trái) trong không gian tượng tại gia đình.
Mấy anh em ngồi uống trà trong một rừng tượng, người và tượng bên nhau; xôn xao nói, xôn xao cười, xôn xao kể chuyện. Những bức tượng được tạc bằng đá hoa cương, bằng gốm, bằng gỗ, bằng đồng nhưng dường như đều biết nói, biết hát, biết thở than như có hồn người. Hồn người Tạ Quang Bạo thổi vào, tạc vào. Ba tầng lầu nhà anh Bạo là ba không gian tượng và người cùng chung sống, cùng vui buồn, cùng chia sẻ. Sự sắp đặt của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo thật hài hòa trong ánh sáng hân hoan và những biến tấu hồ hởi, vừa thực, vừa siêu hình làm ta choáng ngợp. Mỗi bức tượng là một câu chuyện lịch sử, một tình yêu đằm thắm, một khúc dân ca. Nỗi đau của chiến tranh, một sử thi về tình mẹ, tình yêu, về đồng đội của nhà điêu khắc ngày ở chiến trường. Ở không gian tầng ba thì đúng là một rừng tượng. Ta có cảm tưởng như đang ở trong một bảo tàng quốc gia hoành tráng, tĩnh lặng mà xôn xao, vui mà bi tráng, mới lạ mà nhuốm bụi thời gian. Nó là con tàu chở tải những tư duy và tâm thức, tâm linh hơn 60 năm sáng tạo của Tạ Quang Bạo. Qua rừng tượng này ta thấy dòng suối chảy giữa những lồi và lõm, trong và ngoài, có và không của Tạ Quang Bạo là vô định; không nhìn ra đâu là nơi bắt đầu, đâu là chỗ kết thúc. Tiếng nói của nghệ thuật điêu khắc vang lên khi vừa tìm ra sự bắt đầu thì ngay lập tức ở nơi đó lại hiện diện sự kết thúc, cuộc diễn tiến như một dòng thác không bao giờ ngưng. Ta nhìn thấy những tác phẩm điêu khắc có tên và không tên, bằng đá hay bằng chất liệu đồng, gốm như: Khúc mắc thiếu nữ; Mẹ con; Điều không thể nói; Trước gió; Gia đình nhà chim; Cửa gió; Trăng khuyết; Giao duyên; Cao nguyên; Gia đình; Thanh thản; Thiếu nữ dâng hoa; Chim... Hàng trăm bức tượng được tạo hình như thế, hàng trăm cung bậc người sáng tạo với bao mồ hôi, nước mắt, sức lao động miệt mài không mệt mỏi.
Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân nhận định: “Suốt nhiều năm nay, tượng Tạ Quang Bạo bao giờ cũng là tiếng thở riêng biệt của mình. Khi rừng rực như cháy trong gió lửa, lúc lặng thinh lầm lì như đất. Có những khối như không tìm ra tên gọi, như không có mục đích đi tìm ai, nhưng bao giờ chúng cũng được cái khoảnh khắc suy niệm lay động trong lòng ta... Tạ Quang Bạo đã đi hết chặng đường “thế hệ trẻ” từ lâu. Bây giờ anh thuộc vào khuôn mặt đi đầu thế hệ đàn anh của điêu khắc Việt Nam...”.
Khối lượng tượng bằng chất liệu đá, nhất là đá trắng rất nhiều. Tạ Quang Bạo là người đầu tiên sử dụng chất liệu đá trong những tác phẩm về phụ nữ, mẹ và con, gia đình, hai chị em... và rất nhiều tượng về đề tài mẹ và con, mỗi bức tượng mẹ và con mang một câu chuyện khác nhau, một sự thể hiện bay bổng tinh tế khác nhau, không lẫn lộn, không lặp lại.
Họa sĩ Chu Hồng Tiến viết về nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo: “Đến với Tạ Quang Bạo, bạn thường được tiếp xúc với thế giới tượng của ông. Tôi hay ám ảnh với con chim bằng đồng được ông bày ở vị trí gần giữa trong phòng khách. Một con chim như đã thấy đó đây giữa bao la thiên nhiên, lại như lần đầu gặp, nó tinh nghịch và suy ngẫm như đứa trẻ trong một ông già. Tôi vẫn gọi là “con chim hiền triết”, lần nào nhà điêu khắc cũng chỉ cười hiền lành...
... càng về sau, tượng của Tạ Quang Bạo càng rời xa những chủ đề để dẫn dụ vào nội tại của siêu hình bay bổng, làm nên sự đồ sộ tự thân, tạo nhịp điệu cho toàn tác phẩm trong kết cấu, bố cục, chủ đề, đề tài chỉ còn phảng phất là cái cớ để ông biểu đạt cảm xúc.
Người nữ - người mẹ trong tượng của Tạ Quang Bạo có cái vóc dáng khỏe khoắn, khúc triết của tâm hồn lành mạnh, yêu đời. Sự bất tử của người nữ trong tình yêu, trong tình mẫu tử, cả khi cô đơn... chứa chất sự thanh bình, thuần khiết, khiến người ta nhìn ngắm như được an ủi, ôm ấp, vỗ về”.
Ông Nguyễn Đức Hòa đánh giá về cá tính sáng tạo đặc sắc của Tạ Quang Bạo: “Tạ Quang Bạo là một trong số không nhiều những cá tính sáng tạo đặc sắc của điêu khắc hiện đại Việt Nam. Những thành tựu của ông tập trung phần lớn trong điêu khắc tượng tròn và một số tượng dài...
... cái đáng nói là những sức hút thực sự, chất lượng thực sự, hiệu quả thực sự mà từng pho tượng của ông luôn ám ảnh và quyến rũ một cách thường trực mỗi khi tôi diện kiến hoặc chỉ đơn giản là thấy hình ảnh bất chợt gợi lên trong óc”.
Bên cạnh hàng trăm bức tượng tròn, ngắn, dài, kích thước vừa phải, Tạ Quang Bạo còn có hàng chục cụm tượng đài hoành tráng theo các chủ đề khác nhau được dựng ở khắp các vùng miền của đất nước.
Tượng đài “Chiến thắng Sông Lô” cao vời vợi được đặt trên đỉnh một quả đồi. Mặt tượng gồm những chiến sĩ Sông Lô bất khuất, oai hùng, tay bồng súng lăm lăm, những đôi mắt vừa giận dữ vừa hiền thục, sắc phục áo trấn thủ ghi dấu ấn một thời lịch sử khó khăn gian khổ của người lính Cụ Hồ. Cùng với Trường ca Sông Lô của Văn Cao, tượng đài Chiến thắng Sông Lô (1978) như một chứng nhân lịch sử, từ xa chúng ta đã được chiêm ngưỡng và đời đời con cháu sẽ nhớ về cha ông mình thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.
Cụm tượng đài Việt - Lào (1982) lại cho ta cảm xúc về tình hữu nghị anh em đồng cam cộng khổ “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”. Tình hữu nghị hai nước Việt - Lào thể hiện trong cụm tượng đài đặt ở Nghĩa trang Đường 9 thể hiện sự kề vai sát cánh, sống chết có nhau, cùng chiến đấu và hy sinh cho hai đất mẹ anh hùng. Cũng tại Nghĩa trang Đường 9, còn có cụm tượng đài “Viếng đồng đội” tạc lại những hình ảnh thật xúc động: một nam thương binh cụt một chân, đặt tay trên ngực trái, mắt rưng rưng; một chiến sĩ khác thì ngả mũ ngồi trước anh linh những đồng đội đã ngã xuống; một nữ đồng đội vai khoác súng, mắt đăm chiêu như dồn hết tâm trí và tình cảm cho đồng đội. Hình tượng bất khuất như nói rằng: chúng tôi sẽ trả thù cho các anh để giải phóng đất nước này khỏi chiến tranh, khỏi chết chóc. Tạ Quang Bạo cũng là một chiến sĩ ở chiến trường nên những tượng đài về chiến tranh, về đồng đội cho ta thấy được tâm hồn tác giả dồn nén và dốc hết tình cảm vào những tác phẩm điêu khắc để nó sống động mãi.
Tạ Quang Bạo được sinh ra ở làng Bình Lâm, Hà Lâm trong cái lưu vực 3 con sông mẹ. Hà Lâm là vùng trũng quanh năm, xứ sở của ốc nhồi, cua, tép, rau má, rau lang. Thế nhưng, ở nơi đây đã sinh ra nhiều người tài, trong đó có Tạ Quang Bạo. Gia đình Tạ Quang Bạo cũng là một gia đình trí thức văn hóa, nghệ thuật. Từ bé, người ta đã thấy Tạ Quang Bạo đứng vẽ ở các triền sông, phố chợ - một cái chợ rất cũ nhưng chứa đựng nền văn minh lúa nước, góp phần giúp nhiều người từ rau má, ốc, cua mà trưởng thành.
Được học hội họa như chắp cánh cho ước mơ nghệ thuật tạo hình của Tạ Quang Bạo, rồi được công tác ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, được vào chiến trường cầm bút và cầm súng là những cơ duyên, là môi trường giúp cho Tạ Quang Bạo có vốn sống, có cái nhìn cuộc đời, nhìn thời cuộc, thời thế để anh tư duy sáng tạo.
Hàng trăm tác phẩm đang hiện hữu ở bảo tàng gia đình anh, hàng chục bức tượng được đặt trong các bảo tàng quốc gia, hàng chục tượng đài trên khắp đất nước đã đưa anh lên vị trí hàng đầu của làng điêu khắc Việt Nam.
Anh được nhận nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế, đặc biệt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật mà anh được trao tặng đã khẳng định sự lao động sáng tạo, miệt mài, không ngơi nghỉ để mang lại cho đời những tinh hoa văn hóa mỹ thuật, cao siêu của một tâm hồn người lính Cụ Hồ, người anh cả, cây đại thụ của giới mỹ thuật nước nhà.
Trong các cuộc trò chuyện, tôi ghi nhận tấm lòng anh qua lời tâm sự: “Tôi chỉ muốn thể hiện tình yêu, cái đam mê của mình trong cuộc đời này, làm thế nào để bộc lộ được nó trong các tác phẩm càng nhiều thì tôi càng thấy hạnh phúc...”.
Tháng 9-2020
Trần Đàm
{name} - {time}
-
7 giờ trước
Như thế nào là “lấy công làm lãi”?
-
8 giờ trước
[E-Magazine] - Chỉ muốn thấy mình trong sâu thẳm của thời gian
-
00:52 20/09/2020
Phát huy giá trị di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng gắn với phát triển du lịch ở Thạch Thành
Y phục phù hợp lòng thành
Người bảo tồn và phát huy nét đẹp thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt
Độc đáo ngôi chùa cổ trên núi Ốc Sơn
Công bố quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Hang Con Moong và các di tích phụ cận
Bamboo Airways tri ân ưu đãi và vé bay thẳng miễn phí Côn Đảo từ Hà Nội, Vinh, Hải Phòng cho các cựu chiến binh cùng thân nhân
Văn hóa làng trong xây dựng làng văn hóa
Góp phần nâng cao chất lượng văn xuôi Thanh Hóa
Tháo “điểm nghẽn” trong khai quật khảo cổ di sản Thành Nhà Hồ
Tọa đàm “Bay thẳng tới Côn Đảo: Trải nghiệm thiên đường du lịch mới”
Địa phương
Thời tiết
- 19°C - 22°CNhiều mây, không mưa
- 15°C - 22°CNhiều mây, không mưa