(Baothanhhoa.vn) - Dẫu trải qua nhiều lần đổi tên thì làng Hồng Đô (thị trấn Thiệu Hóa) vẫn gợi lên những hình dung về một miền quê yên ả, thanh bình, lưu dấu nhiều giá trị lịch sử - văn hóa bên hữu ngạn sông Chu, được phù sa đắp bồi nên đồng, bãi. Theo thời gian, bằng sức sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo, tinh thần lao động hăng say, chịu thương chịu khó, các thế hệ người dân làng Hồng Đô đã làm nên sức sống nghề ươm tơ, dệt nhiễu. Sắc vàng Hồng Đô không đơn thuần là danh thơm làng nghề gắn với câu chuyện phát triển kinh tế, đó còn là dòng chảy văn hóa truyền thống làng, xã được bồi đắp, trao truyền.

Sắc vàng Hồng Đô

Dẫu trải qua nhiều lần đổi tên thì làng Hồng Đô (thị trấn Thiệu Hóa) vẫn gợi lên những hình dung về một miền quê yên ả, thanh bình, lưu dấu nhiều giá trị lịch sử - văn hóa bên hữu ngạn sông Chu, được phù sa đắp bồi nên đồng, bãi. Theo thời gian, bằng sức sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo, tinh thần lao động hăng say, chịu thương chịu khó, các thế hệ người dân làng Hồng Đô đã làm nên sức sống nghề ươm tơ, dệt nhiễu. Sắc vàng Hồng Đô không đơn thuần là danh thơm làng nghề gắn với câu chuyện phát triển kinh tế, đó còn là dòng chảy văn hóa truyền thống làng, xã được bồi đắp, trao truyền.

Sắc vàng Hồng ĐôDù có nhiều khó khăn, thử thách, gia đình anh Lê Văn Trường (tiểu khu 10, thị trấn Thiệu Hóa) vẫn quyết tâm gắn bó với nghề như cách gìn giữ, phát huy truyền thống gia đình, nét đẹp văn hóa làng, xã.

Làng Hồng Đô nằm trong lòng vùng đất cổ Thiệu Hóa với hệ thống di tích, lễ hội tiêu biểu, độc đáo. Theo thống kê của huyện Thiệu Hóa, trên địa bàn huyện có 44 di tích đã được xếp hạng, gồm 6 di tích cấp quốc gia và 38 di tích cấp tỉnh. Mảnh đất này có Di chỉ khảo cổ núi Đọ - nơi chứng kiến buổi bình minh của lịch sử loài người; Di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu (xã Thiệu Trung) – Danh nhân văn hóa thế giới, người soạn thảo Đại Việt sử ký - bộ quốc sử đầu tiên trong lịch sử dân tộc; Di tích lịch sử quốc gia đền Trà Đông - nơi thờ Khổng Minh Không, vị tổ sư của nghề đúc đồng ở Trà Đông; đền thờ Nguyễn Quán Nho, chùa Hương Nghiêm...

Không chỉ là nơi hội tụ di tích, lễ hội, Thiệu Hóa có nhiều nghề và làng nghề truyền thống tiêu biểu. Nếu ví Thanh Hóa như mảnh đất của bách nghệ thì từ xa xưa, Thiệu Hóa cũng đủ các loại nghề thủ công như: nghề dệt, đan lát, chế biến lương thực, thực phẩm; đúc đồng làng Trà Đông, nghề đúc lưỡi cày ở làng Ngò, tức làng Ngô Xá, Thiệu Trung; nghề làm nồi đất ở làng Chành, làng Vồm, chế tác đồ đá ở làng Cẩm Vân... Trong đó, nghề dệt là sôi động hơn cả. Theo Ch.Robequain – học giả người Pháp mô tả: “nghề này đứng hàng đầu trong tỉnh bởi số người làm nghề và bởi phạm vi của nó. Thật vậy, khắp cả châu thổ chỗ nào cũng có bàn dệt và ít tổng hoàn toàn không có”... Đối với Thiệu Hóa, nghề dệt phát triển, là một trong những nghề thủ công chính, chia làm 2 loại: dệt bằng sợi bông và tơ tằm.

Trước năm 1945, nghề dệt (bằng sợi bông) vẫn còn tồn tại ở nhiều làng, xã của các tổng cả phía hữu ngạn và tả ngạn sông Chu, nhưng trung tâm dệt nổi tiếng là ở các làng Bình Ngô, Cẩm Vân... Cùng với đó, nghề dệt lụa, nhiễu, nãi ở các xã như: Thiệu Đô, Thiệu Vận, Thiệu Chính, Thiệu Tân... nhưng nổi tiếng hơn cả là nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô. So với nghề dệt vải thì nghề dệt lụa, nhiễu, nãi không phát triển bằng nhưng mang lại nguồn thu nhập cao hơn. Theo các cụ cao niên trong làng, chẳng ai thấu tỏ nghề ươm tơ, dệt nhiễu có ở làng Hồng Đô tự bao giờ. Xưa kia, Hồng Đô là một vùng đồng lầy nước đọng, cây cối um tùm, dân cư thưa thớt với 2 dòng họ ban đầu là họ Hoàng và họ Lê, sau này có thêm các dòng họ Nguyễn, Phạm, Đào, Trần, Đinh, Trương từ nhiều vùng khác nhau đến đây sinh cơ lập nghiệp trở thành cộng đồng dân cư đông đúc với xóm làng trù phú. Đời nọ nối tiếp đời kia, các thế hệ cha ông đã gắn bó với nghề, hình thành làng nghề truyền thống lưu danh.

Quy trình ươm tơ, dệt nhiễu thủ công, truyền thống rất kỳ công, tỉ mỉ. Theo đó, giống tằm chủ yếu để ươm tơ, dệt nhiễu ở Thiệu Đô trước đây là giống tằm kén vàng, mịn bóng. Người dân nuôi tằm tại nhà. Khi nuôi, tằm được để trên nong, nia rộng xếp trên giá đỡ có màn, hoặc mành sáo che cho kín để ruồi không bay vào được. Thức ăn của tằm là lá dâu thái nhỏ. Từ khi tằm sắp làm kén, người nuôi càng phải đặt tâm sức, trăn trở chăm chút. Bởi lẽ, tằm là loài ưa sạch sẽ, nếu không cẩn thận thì rất dễ sinh bệnh, chết. Sau khi tằm đã làm kén xong, người ta bỏ từ 30 - 50 kén vào một nồi nước sôi để ươm và lấy đũa quấy cho tơ nhả ra, rồi kéo tơ vào guồng...

“Về sự nổi tiếng của nghề dệt lụa tơ tằm thì ở trong tỉnh, trong huyện không đâu bằng làng Hồng Đô. Hơn 70% gia đình ở đây tham gia vào nghề dệt lụa và có sự phân công lao động rõ ràng. Phụ nữ thì chuyên dệt, còn bà già và trẻ em ươm tơ, kéo sợi” (Địa chí Thiệu Hóa). Quá khứ sôi động ấy được lưu lại trong tâm thức dân gian: “Nhiễu Hồng Đô kẻ vồ, người vập/ Vải Phù Nguyên chê ngược chê xuôi/ May khăn mua nhiễu làng Hồng/ May váy đánh còng mua vải Phù Nguyên”. Hay “Đẹp nhất là nhiễu Hồng Đô/ Mênh mông bể sở bãi ngô Kẻ Phùng”, “Chè xanh làng Núi/ Nhiễu tơ làng Hồng”... Từ hoạt động sôi nổi của nghề mà làm nên nhiều nét văn hóa đặc biệt của làng. Cũng như quan niệm của nhiều làng nghề khác trên cả nước, các cụ cao niên trong làng Hồng Đô kể: Xưa kia để giữ nghề, gái làng không gả chồng xa, sợ bí quyết nhà nghề bị truyền sang làng khác. Đối với các hộ nuôi tằm thì đặc biệt kiêng kỵ nhiều điều vì sợ “ông tằm” bệnh, chết.

Gia đình ông Hoàng Viết Đức (59 tuổi, tiểu khu 10, thị trấn Thiệu Hóa) là hộ dành nhiều tâm huyết giữ gìn, phát triển nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô. Ông Hoàng Viết Đức tâm sự: “Gia đình tôi có 4 đời làm nghề ươm tơ, dệt nhiễu, bao phen thăng trầm cùng với con tằm, lá dâu quê hương”. Ông Đức nhớ về giai đoạn khôi phục lại nghề với biết bao phấn khởi, từ năm 1991, khi cánh đồng dâu của làng được khôi phục lại, cả làng Hồng Đô rộn ràng, phơi phới không khí khẩn trương lao động, sản xuất. Thời kỳ đó, gia đình ông Đức có 3 khung dệt nhiễu, 10 lao động thường xuyên làm nghề. Bằng tâm huyết, ý chí dám nghĩ, dám làm của một sĩ quan quân đội trở về quê hương, năm 2010, ông Đức và gia đình mạnh dạn thành lập công ty chuyên thu mua nhiễu cho bà con trong làng. Ông Đức cho biết: “Bà con làm ra sản phẩm đến đâu là chúng tôi đảm bảo thu mua hết cho bà con. Là những người sinh ra và lớn lên với nghề, chúng tôi mong muốn có thể làm được điều gì đó để gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của cha ông. Đây cũng là tất cả tâm sức của vợ chồng tôi”.

Gia đình anh Lê Văn Trường (tiểu khu 10, thị trấn Thiệu Hóa) có 23 năm gắn bó với nghề truyền thống của làng. Thời điểm nghề phát triển, gia đình anh có 3 bếp ươm tơ hoạt động, có khoảng 7 - 8 lao động, trung bình ươm khoảng 1 tạ kén/ngày, cho ra 12kg tơ/ngày. Sau khi trừ các chi phí, gia đình anh thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng. Cũng bởi có nghề, từ đôi vợ chồng trẻ lấy nhau, xây dựng tổ ấm với nhiều thiếu khó, đến nay, nếp nhà khang trang hơn, đời sống ngày càng được nâng cao. “Điều quan trọng nhất là được sống và làm việc trên chính quê hương mình, cùng chung tay góp sức gìn giữ, phát huy nghề truyền thống cha ông trao truyền”, anh Trường chia sẻ.

Cùng với thăng trầm thời gian, biến động thị trường, nhiều nghề và làng nghề truyền thống khó khăn tìm chỗ đứng, hướng phát triển, nghề ươm tơ, dệt nhiễu làng Hồng Đô cũng không phải ngoại lệ. Giờ đây, diện tích những cánh đồng dâu dần co hẹp, trong làng chỉ còn một số hộ nuôi tằm, ươm tơ, kiên trì bám trụ với nghề. Với họ, sắc vàng Hồng Đô không chỉ là câu chuyện kinh tế mà đó là ký ức gia đình, nét đẹp, niềm tự hào về lịch sử - văn hóa truyền thống làng, xã cần được gìn giữ, phát huy.

Bài và ảnh: Hoàng Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]