Rạn nứt lớn trong chính trường Pháp sau kết quả vòng bầu cử sớm
Vòng bầu cử Quốc hội đầu tiên ở Pháp đã kết thúc với chiến thắng thuộc về đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia. Liệu đảng này có thể giành được đa số trong Quốc hội sau vòng bầu cử thứ hai để giành quyền thành lập chính phủ hay không, và sẽ có những điều chỉnh chiến lược đáng kể trong chính sách đối nội, đối ngoại của Pháp thời gian tới?
Kết quả vòng bầu cử đầu tiên
Vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp, đúng như dự kiến được tổ chức vào ngày 30/6, đã kết thúc với chiến thắng thuộc về đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN). Theo kết quả do Bộ Nội vụ Pháp công bố, RN có 33,1% phiếu bầu, trong khi đảng của Tổng thống Macron đứng thứ ba chỉ với 20%. Lực lượng đứng thứ hai là liên minh cánh tả “Mặt trận Bình dân Mới” (NFP) được thành lập ngay trước thềm cuộc bầu cử - đạt 28%.
Cuộc bầu cử 577 ghế trong Quốc hội Pháp được tiến hành qua hai vòng. Ở những đơn vị bầu cử không có ứng cử viên nào giành chiến thắng ngay trong vòng đầu tiên, hai ứng cử viên đứng đầu, cũng như bất kỳ ứng cử viên nào chiếm hơn 12,5% tổng số cử tri đã đăng ký tại đơn vị bầu cử đó, sẽ bước vào vòng thứ hai. Người nào có số phiếu bầu cao nhất ở vòng thứ hai sẽ thắng cử ở khu vực đó. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao vào 30/6 (theo Đài Truyền hình TF1 là khoảng 66,7% tỷ lệ cử tri đi bầu cử) có nghĩa là khoảng 300 khu vực bầu cử hiện đang phải đối mặt với nguy cơ bầu cử ba bên, về lý thuyết là có lợi cho RN.
Theo dự báo, sau vòng 2 cuộc bầu cử (ngày 7/7), RN có thể giành từ 230 đến 280 ghế trong Quốc hội Pháp so với 89 ghế hiện tại. Để đứng ra lập chính phủ, một đảng hoặc liên minh các đảng cần ít nhất 289 ghế tối thiểu trong Quốc hội. Lãnh đạo của đảng RN hiện nay, ông Jordan Bardella hứa sẽ là “Thủ tướng của toàn thể người dân Pháp, tôn trọng phe đối lập, cởi mở đối thoại và luôn quan tâm đến sự đoàn kết của người dân”. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, nếu ông Bardella giữ chức Thủ tướng Pháp, sẽ có một cuộc “chung sống” khó hòa hợp với Tổng thống Macron theo đường lối trung dung cho đến khi nhiệm kỳ của ông Macron hết hạn vào năm 2027.
Khó khăn bủa vây đảng cực hữu RN tại vòng bầu cử thứ hai
Trước chiến thắng lịch sử của phe cực hữu Pháp ở vòng bầu cử đầu tiên, các lực lượng trung dung ủng hộ Tổng thống Macron đang cố gắng đoàn kết với phe cánh tả ở vòng hai. Với chiến thuật “mặt trận cộng hòa” (liên minh tình thế của những lực lượng đối lập với đảng cực hữu), NEP có thể sẽ từ chối đề cử ứng cử viên của mình ở những khu vực bầu cử mà liên minh tổng thống có cơ hội tốt hơn và ngược lại. Như vậy, cơ hội chiến thắng của đảng cực hữu RN có thể bị giảm đi.
TASS dẫn phát biểu của Tổng thống Pháp Macron vào ngày 30/6 nhấn mạnh, “tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao trong vòng đầu tiên cho thấy tầm quan trọng của cuộc bỏ phiếu lần này đối với đất nước và mong muốn làm rõ tình hình chính trị của người dân Pháp. Với việc đảng cực hữu RN trỗi dậy mạnh mẽ, đã đến lúc cần phải liên kết chặt chẽ, rộng rãi những người dân chủ, cộng hòa trong vòng bầu cử thứ hai”.
Thủ tướng đương nhiệm Gabriel Attal cũng kêu gọi rằng, “không một lá phiếu nào được phép dành cho đảng cực hữu RN và bà Le Pen ở vòng hai”. Tuy nhiên, như tờ Le Monde lưu ý, một thỏa thuận như vậy có thể không được bảo đảm nếu ứng cử viên cánh tả đến từ đảng nước Pháp không khuất phục (LFI) cực tả là ông Jean-Luc Melenchon. Bởi lẽ, ông Melenchon là một trong những nhân vật gây chia rẽ nhất trong nền chính trị Pháp, vừa khiến cử tri tín nhiệm, vừa khiến cử tri lo ngại với những đề xuất không kiềm chế về thuế và chi tiêu cũng như luận điệu chiến tranh giai cấp.
Cựu Thủ tướng Edouard Philippe (2017-2020) kêu gọi các ứng cử viên Đảng Xã hội (PS) của ông rút khỏi cuộc bầu cử nếu họ đứng thứ ba và ủng hộ các ứng cử viên trung dung để loại trừ khả năng giành chiến thắng đa số cho đảng cực hữu RN, cũng như đảng cánh tả LFI. Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire, một đồng minh của Tổng thống Macron, kêu gọi cử tri không bỏ phiếu cho ứng cử viên của LFI. “LFI là mối nguy hiểm cho quốc gia”, ông nói với đài phát thanh France Inter.
Reuters lưu ý rằng, chiến thuật mặt trận cộng hòa chống lại cực hữu đã mang lại hiệu quả trong quá khứ, nhưng các nhà phân tích hiện đang đặt câu hỏi liệu cử tri Pháp hiện đã sẵn sàng bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử quyết định theo yêu cầu của các nhà lãnh đạo chính trị hay chưa. Alexey Chikhachev, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Học viện Ngoại giao Moscow (MGIMO) cho rằng, việc sử dụng chiến thuật đoàn kết trong các liên minh tình thế chống lại phe cực hữu là điều đang được mong đợi. “Nếu các đại diện của RN lọt vào vòng hai, thì các thế lực chính trị khác được xem là các đồng minh tình thế, chỉ để ngăn chặn phe cực hữu lên nắm quyền. Tổng thống Macron hiện nhìn thấy sự cứu rỗi ở lực lượng cánh tả, vì họ dễ thương lượng hơn đối với ông. Vì vậy, họ cùng nhau cố gắng ngăn chặn chiến thắng đa số tuyệt đối của RN, điều này vẫn có thể xảy ra về mặt toán học”, RBC dẫn nhận định của ông Alexey Chikhachev.
Theo quan điểm của chuyên gia Alexey Chikhachev, nếu bằng cách liên kết với các đồng minh tình thế để có thể hạ gục làn sóng cánh hữu, thì Tổng thống Macron sẽ có thể hợp tác với các lực lượng cánh tả ôn hòa và tàn dư của Đảng Cộng hòa, tức là phe trung hữu, tạo ra một lực lượng cánh tả ôn hòa. Liên minh này sẽ nằm ở vị trí trung tâm, với Le Pen ở cánh phải và Melenchon ở cánh trái. “Câu hỏi đặt ra là liệu các đảng này có đủ quyền hạn của Quốc hội để thành lập một liên minh như vậy hay không. Trong mọi trường hợp, nó sẽ cực kỳ bất ổn, vì Tổng thống Macron sẽ không dễ dàng hòa hợp ngay cả với những người theo chủ nghĩa xã hội và các nhà bảo vệ môi trường. Trong kịch bản như vậy, thủ tướng rất có thể cũng sẽ là một người không thuộc đảng của tổng thống, và sẽ xuất hiện sự “chung sống” khó chịu giữa hai nhà lãnh đạo đất nước. Sau cuộc bầu cử, một liên minh như vậy sẽ không tồn tại được lâu và Pháp sẽ phải đối mặt với một cuộc bầu cử sớm khác trong một năm hoặc một cuộc cải tổ chính phủ”, chuyên gia Chikhachev kết luận.
Những điều chỉnh chiến lược nếu đảng cực hữu RN lên nắm quyền
Theo RBC, ngay cả khi cực hữu RN giành được đa số trong Quốc hội và thành lập chính phủ, Tổng thống, theo Hiến pháp, vẫn giữ vai trò lãnh đạo trong chính sách quốc phòng và đối ngoại. Tuy nhiên, nếu Bardella lên giữ chức Thủ tướng, ngân sách nhà nước sẽ nằm trong tầm kiểm soát của đảng cực hữu RN. Trong trường hợp này, Tổng thống Macron có nguy cơ mất đi đòn bẩy trong thực hiện các chương trình nghị sự, bao gồm các vấn đề chính sách kinh tế và an ninh, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc hỗ trợ cho Ukraine. Thủ tướng đương nhiệm Gabriel Attal không loại trừ khả năng khối lượng hỗ trợ quân sự cho Kiev sẽ bị giảm trong trường hợp này.
Tuy nhiên, ông Bardella ngày 19/6 cam kết ủng hộ quyền tự vệ của Ukraine. Ông tuyên bố: “Tôi muốn Ukraine có đủ đạn dược và trang thiết bị cần thiết để bảo đảm vững chắc tuyến phòng thủ”. Lãnh đạo RN cũng đảm bảo rằng ông sẽ thực hiện các cam kết của Pháp với NATO, bao gồm cả việc tăng chi tiêu quốc phòng. Còn bà Marine Le Pen, trong một cuộc phỏng vấn với Le Télégramme, lưu ý rằng, Bardella sẽ không tạo ra những mâu thuẫn, xung đột với Tổng thống Macron, nhưng sẽ đã đặt ra ranh giới đỏ: Đối với Ukraine, Tổng thống sẽ không thể cử quân đội Pháp đến đó.
Ngay trước khi bắt đầu cuộc bầu cử Quốc hội sớm, RN đã xóa khỏi trang web của mình các nội dung liên quan đến chính sách quốc phòng của Pháp, đề xuất làm sâu sắc hơn quan hệ ngoại giao với Nga, dừng các dự án chung với Đức và rút khỏi bộ chỉ huy quân sự chung của NATO. Giới phân tích cho rằng, nếu giành chiến thắng, RN nhiều khả năng sẽ không thay đổi chính sách mà giới chức châu Âu cho là quá cực đoan, thay vào đó sẽ tuân thủ các quy tắc truyền thống và tập trung vào chương trình nghị sự về phát triển kinh tế-xã hội.
Trong khi đó, Politico lưu ý rằng, mặc dù RN đã giảm bớt giọng điệu của mình về một số nội dung cơ bản, như liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine,... nhưng đảng cực hữu vẫn hoài nghi sâu sắc về các chính sách chủ đạo của phương Tây. Và chiến thắng của đảng cực hữu trong cuộc bầu cử Quốc hội sớm lần này sẽ là chiến thắng bản lề, làm tăng cơ hội lãnh đạo nước Pháp của bà Marine Le Pen vào cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2027. Khi đó, chính sách đối nội, đối ngoại của Pháp sẽ có những điều chỉnh đáng kể, thậm chí là đảo ngược hoàn toàn so với thời kỳ của Tổng thống Macron.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2024-12-11 15:51:00
Tại sao Israel tấn công Syria?
-
2024-12-11 09:18:00
Kỷ nguyên mới ở Syria và vị thế của Iran
-
2024-06-28 07:29:00
Bầu cử Tổng thống Iran: Tìm hy vọng giữa thách thức
Nguy cơ leo thang “cuộc chiến” thương mại mới giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu
Giải thích làn sóng gia nhập BRICS tại Đông Nam Á
Liên minh châu Âu tiếp tục siết chặt cấm vận vào ngành năng lượng của Nga
Trung Quốc và Malaysia thắt chặt quan hệ với một hiệp định kinh tế mới
Việc Nga và Triều Tiên ngày càng xích lại gần nhau khiến phương Tây lo ngại?
Chuyến thăm của Tổng thống Putin tạo nền tảng mới thúc đẩy quan hệ Nga - Việt
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Thụy Sĩ : Kết quả và triển vọng có thể mang lại
Gia tăng khả năng Fed chỉ hạ lãi suất một lần trong năm 2024
Thông điệp đằng sau đề xuất hòa bình của Tổng thống Putin