Phụ nữ Thanh Hóa học và làm theo Bác
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Lời Bác dạy cùng truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam trong hành trình dựng nước và giữ nước đã và đang trở thành động lực để phụ nữ Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực, phấn đấu vươn lên, góp phần xây dựng hình ảnh "Phụ nữ Thanh Hóa thời đại mới yêu nước, tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên”.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Ngô Thị Hồng Hảo và mẹ đỡ đầu Nguyễn Thị Hồng Liên thăm con Phạm Cao Khánh Na.
Hai chị em Sung Thị Xế và Sung Thị Lâu ở xã Nhi Sơn (Mường Lát) từng làm thuê ở nhiều nơi nhưng vẫn không học được một nghề ổn định. Mỗi lần đón xe khách đi Hà Nội, TP Thanh Hóa... tìm việc làm là cả một câu chuyện dài đầy vất vả của hai cô gái vùng cao. May thay, khi được nghe cán bộ hội phụ nữ xã giới thiệu tham gia lớp học nghề làm tóc tại Hội LHPN tỉnh trong thời gian 6 tháng mà không phải nộp học phí, cả hai chị em đã đăng ký tham gia. Suốt thời gian này, hai chị em chăm chỉ học tập. Khi có kiến thức cơ bản, hai chị em còn tranh thủ cuối tuần làm thêm ở Salon tóc để lấy kinh nghiệm; tham gia một số hoạt động cắt tóc cho học sinh, người cao tuổi ở vùng biên trong chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”...
Sau khóa học, hai chị em tham gia nhóm “Tự lực giúp nhau phát triển kinh tế” do Hội LHPN tỉnh thành lập. Nhóm có 5 thành viên, Xế là nhóm trưởng và được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ các trang thiết bị ngành tóc gồm: tóc giả, hóa mỹ phẩm, dụng cụ... trị giá 30 triệu đồng để khởi nghiệp tại quê nhà. Cùng với nguồn hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh và nguồn tích lũy, Xế đã mở được Salon tóc và chăm sóc sắc đẹp cho phụ nữ địa phương. Chị còn tạo việc làm cho một số chị em đến học nghề và giới thiệu làm việc cho tiệm khác.
Cháu Phạm Cao Khánh Na và chị gái Phạm Cao Khánh Lê ở thôn Mơ, xã Mỹ Tân (Ngọc Lặc) mồ côi bố mẹ lúc còn rất nhỏ. Hai chị em Na ở với bà nội, cuộc sống rất khó khăn nhưng 3 bà cháu luôn cố gắng, nỗ lực vượt khó. Cảm thương hoàn cảnh của các con, hội LHPN các cấp đã kết nối để bé Na là một trong 10 trẻ mồ côi khó khăn được mẹ Nguyễn Thị Hồng Liên, Giám đốc Công ty CP Dạ Lan nhận đỡ đầu từ năm 2021. Mỗi tháng con được nhận 500 nghìn đồng từ công ty. Nguồn hỗ trợ này đã giảm bớt khó khăn cho gia đình, tạo động lực để 3 bà cháu cùng vươn lên trong cuộc sống...
Đây là hai trong số hàng ngàn việc mà cán bộ, hội viên và tổ chức hội LHPN các cấp trên địa bàn toàn tỉnh đã và đang làm. Mỗi hoạt động, mỗi phong trào của hội luôn hướng về cơ sở, về hội viên, phụ nữ khó khăn.
Tiếp tục đẩy mạnh việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phụ nữ Thanh Hóa đã cụ thể hóa bằng những việc làm nhỏ bé trong cuộc sống nhưng có ý nghĩa xã hội, thể hiện tính nhân văn, sự đôn hậu và tình cảm, trách nhiệm. Đó là giúp đỡ ngày công, con giống, phân bón, cho vay không lấy lãi; hỗ trợ học nghề và tạo việc làm; trao tặng mái ấm tình thương; thực hành tiết kiệm, học tập suốt đời; tham gia trồng cây, các hoạt động bảo vệ môi trường; rèn luyện sức khỏe; kết nối, đỡ đầu trẻ mô côi, hỗ trợ mô hình sinh kế; giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng nếp sống văn minh...
Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh, từ việc học và làm theo Bác, riêng năm 2024 các cấp hội đã đăng ký và thực hiện 1.260 phần việc/hoạt động XDNTM; vận động các hộ hiến gần 45.000m2 đất, 712m2 hàng rào để làm nhà văn hóa thôn, mở rộng đường giao thông nông thôn; hỗ trợ hơn 13.000 gia đình đạt tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình 5 có 3 sạch”; giúp hơn 16.200 lượt hộ nghèo, cận nghèo bằng nhiều hình thức, trị giá trên 14 tỷ đồng; trao 215 con bò/trâu sinh sản trị giá trên 1,2 tỷ đồng; Hội LHPN tỉnh kết nối với ngân hàng, Tổ chức tài chính vi mô, TYM chi nhánh Thanh Hóa cho gần 200 ngàn lượt hội viên vay vốn phát triển kinh tế; phối hợp chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho gần 40.000 chị, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho gần 5.000 chị.
Ngoài ra, hội còn thực hiện nhiều chương trình an sinh, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận đánh giá cao, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng như: Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Từ thu gom phế liệu đến triệu phần quà”, “Mẹ đỡ đầu”... Tính đến nay, các cấp hội đã vận động, nhận đỡ đầu hơn 2.200 trẻ mồ côi với tổng kinh phí trên 8,5 tỷ đồng/năm; trao gần 17.000 suất quà cho phụ nữ, trẻ em nghèo trị giá gần 6,5 tỷ đồng từ chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, “Từ gom phế liệu đến triệu phần quà”; vận động xây, sửa 83 “mái ấm tình thương” trị giá hơn 3,1 tỷ đồng...
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Ngô Thị Hồng Hảo cho biết: Tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ quê hương Bà Triệu anh hùng trong thực hiện các nhiệm vụ, phong trào thi đua, phụ nữ Thanh Hóa đã có gần 18.000 chị đạt danh hiệu “Phụ nữ tiêu biểu” thực hiện phong trào thi đua; hơn 6.000 điển hình được biểu dương, khen thưởng trên các lĩnh vực, trong đó có việc học và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Năm 2025, Hội LHPN tỉnh đã phát động đợt thi đua đặc biệt với 6 công trình, phần việc quy mô toàn tỉnh để lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của tỉnh, của đất nước và báo công dâng Bác dịp 2/9.
Bài và ảnh: Lê Hà
{name} - {time}
-
2025-04-14 13:06:00
Người có uy tín nêu gương hiến đất
-
2025-04-12 16:21:00
Những việc làm dung dị đem lại lợi ích lớn
-
2025-04-12 09:19:00
Xác định nhiệm vụ trọng tâm để học và làm theo Bác
Như Xuân đề cao trách nhiệm nêu gương
Gương sáng giáo viên học tập và làm theo Bác
Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa học và làm theo Bác
Đảng bộ thị xã Nghi Sơn tạo sức lan tỏa trong học và làm theo Bác
Lực lượng vũ trang tỉnh học tập và làm theo Bác
Thấm sâu và lan tỏa
Người có uy tín góp sức xây dựng quê hương
Lan tỏa việc học và làm theo Bác từ những việc làm cụ thể, thiết thực