Phòng ngừa, ngăn chặn lao động xuất cảnh trái phép
Những năm gần đây, việc công dân lợi dụng chính sách mới về xuất nhập cảnh ra nước ngoài thông qua con đường du lịch, thăm thân, xuất khẩu lao động (XKLĐ)... rồi ở lại bất hợp pháp gây ra nhiều hệ lụy. Vì vậy, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai, thực hiện các biện pháp nhằm chấn chỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trên.
Lực lượng Công an huyện Nông Cống tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về xuất nhập cảnh. Ảnh: Quốc Hương
Từ những con số...
Theo thống kê, rà soát của các sở, ngành chức năng, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 39.000 công dân đang cư trú, lao động, học tập, thăm thân tại 63 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; gần 30.000 người đang XKLĐ tại nước ngoài. Riêng từ đầu năm 2023 trở lại đây đã có 16.006 trường hợp đi XKLĐ, tập trung tại một số thị trường, như: Nhật Bản 7.488 người, Đài Loan 5.312 người, Hàn Quốc 2.345 người; số còn lại phân bổ ở các nước: Trung Quốc, Nga, Singapore, Rumani, Đức... Quý I/2024 có hơn 2.000 người đi XKLĐ; có 37 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, môi giới XKLĐ (6 doanh nghiệp của địa phương và 31 doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố khác đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh). Tính từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh còn hơn 2.600 trường hợp thuộc diện đang cư trú, lao động trái phép tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Những năm qua, Công an tỉnh đã điều tra, xử lý 1 công ty du lịch và 4 đối tượng tổ chức cho người khác trốn ở lại Hàn Quốc thông qua con đường du lịch; 1 công ty môi giới XKLĐ và 1 cá nhân có dấu hiệu nghi vấn môi giới đưa người đi làm việc tại các công ty đánh bạc trực tuyến tại Philipines và Thái Lan thông qua con đường du lịch; 4 trường hợp đi du lịch Đài Loan theo chương trình visa đặc biệt trốn ở lại; 23 trường hợp công dân Thanh Hóa xuất cảnh bằng hình thức du lịch sang Philipines và Myanmar làm việc tại các công ty Trung Quốc bị lừa bán vào các casino; 3 trường hợp lấy danh nghĩa lãnh đạo doanh nghiệp đi theo đoàn công tác của VCCI Thanh Hóa thăm, làm việc tại thành phố Seongnam - Hàn Quốc...
... đến những hệ lụy
Dự báo trong thời gian tới, hoạt động lợi dụng du lịch, thăm thân, XKLĐ... để xuất cảnh ra nước ngoài trốn ở lại lao động bất hợp pháp sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh nhu cầu lao động phổ thông ngày càng tăng tại một số thị trường, như: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Úc... Việc người lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài bản thân phải đối mặt với rất nhiều rủi ro như bị nợ, quỵt lương, bóc lột sức lao động, làm việc trong môi trường độc hại, phải sống chui lủi để trốn tránh các cơ quan chức năng của nước sở tại, thậm chí có người phải trả giá đắt bằng tính mạng. Và cũng chính họ tự tước đi quyền được Nhà nước Việt Nam bảo hộ cả về nhân quyền, nhân phẩm, tài sản, sức khỏe, tính mạng. Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ đối ngoại giữa tỉnh Thanh Hóa nói riêng, Việt Nam nói chung với các nước, dẫn đến việc điều chỉnh các chính sách đối với Việt Nam trên lĩnh vực du lịch và trong việc tiếp nhận lao động. Trên thực tế, có thời điểm tỉnh có tới 5 huyện, thành phố bị tạm dừng tuyển lao động sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS. Trong đó có 2 huyện Đông Sơn và Hoằng Hóa bị tạm dừng tuyển lao động nhiều năm liên tục, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều lao động khác trên địa bàn có nhu cầu đi làm việc tại thị trường tiềm năng này.
Một công ty XKLĐ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép tham gia tuyển người đi XKLĐ tại ngày hội việc làm tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Để bảo đảm môi trường lành mạnh trong hợp tác du lịch cũng như XKLĐ với các nước, đồng thời phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngày 8/3/2024, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 3030/UBND-KSTTHCNC về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lợi dụng du lịch, thăm thân, XKLĐ xuất cảnh ra nước ngoài trốn ở lại lao động bất hợp pháp.
Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, Công an tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp công tác để phòng ngừa, đấu tranh đối với các hoạt động xuất cảnh lao động trái phép, nhằm hạn chế thấp nhất phát sinh trường hợp đi mới. Trọng tâm là tập trung xác minh, củng cố tài liệu, chứng cứ để xử lý các đối tượng, đường dây môi giới tổ chức đưa người xuất cảnh lao động trái phép. Phối hợp với các sở, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các công ty kinh doanh lữ hành, XKLĐ có hoạt động tổ chức cho công dân xuất cảnh ra nước ngoài trốn ở lại lao động bất hợp pháp. Tăng cường tuyên truyền để công dân nắm rõ các quy định về xuất, nhập cảnh cũng như những bất lợi, hệ lụy, rủi ro xảy ra khi xuất cảnh trái phép. Vận động công dân tố giác các trường hợp, tổ chức, môi giới, dẫn dắt đưa người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài. Đấu tranh làm rõ các hành vi lôi kéo người xuất cảnh trái phép...
Thực hiện văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành lao động - thương binh và xã hội đã tăng cường quản lý hoạt động của các doanh nghiệp và các chi nhánh, văn phòng đại diện XKLĐ trên địa bàn. Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người lao động đi làm việc tại nước ngoài; công khai danh sách các đơn vị được phép đưa người đi làm việc tại nước ngoài. Yêu cầu các doanh nghiệp XKLĐ ký cam kết không lợi dụng việc XKLĐ tổ chức cho công dân xuất cảnh ra nước ngoài lao động bất hợp pháp.
Các địa phương trong tỉnh huy động sự vào cuộc của chính quyền cấp cơ sở và các ban, ngành, liên quan phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an làm tốt công tác quản lý Nhà nước về cư trú, quản lý hộ tịch tại địa phương. Tổ chức các đợt cao điểm phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh trốn ở lại lao động bất hợp pháp. Tuyên tuyền rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng môi giới đưa người đi lao động trái phép và những hệ lụy, không để các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo. Kịp thời thông báo, tố giác các đối tượng có hoạt động dụ dỗ, lôi kéo tổ chức đưa người xuất cảnh ra nước ngoài lao động bất hợp pháp để cơ quan chức năng có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý đối với các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép...
Bài và ảnh: Mai Phương
{name} - {time}
-
2025-01-15 20:04:00
Bịt “kẽ hở” trong công tác quản lý người nước ngoài (Bài cuối): “Gỡ khó” trong công tác quản lý
-
2025-01-15 17:20:00
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Mai Văn Hải kiểm tra sản xuất và đời sống Nhân dân tại huyện Như Thanh
-
2024-04-10 08:29:00
[E-Magazine] - Lan tỏa phong trào hiến đất mở đường
Nghiên cứu phương án tối ưu đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Nhân lên phong trào hiến đất mở đường
Thanh Hóa ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai
Nhiều bộ, ngành nhất trí với đề xuất nghỉ 5 ngày liên tục dịp 30/4 và 1/5
Khắc phục ngay, không thể chần chừ được nữa
Nghiêm túc tuân thủ những biện pháp phòng bệnh khi tiếp xúc gần với gia cầm
Hội trại truyền thống thanh niên Thanh Hóa phía Nam
Trung ương Đoàn phát động xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong thanh niên
Sức lan tỏa từ mô hình khu dân cư “Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”