(Baothanhhoa.vn) - Hiện tại thời tiết diễn biến phức tạp, mưa phùn, độ ẩm cao, là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát triển và gây bệnh. Vì vậy, ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương chủ động hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tạo tiền đề để chăn nuôi phát triển ổn định trong những tháng tiếp theo.

Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ xuân

Hiện tại thời tiết diễn biến phức tạp, mưa phùn, độ ẩm cao, là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát triển và gây bệnh. Vì vậy, ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương chủ động hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tạo tiền đề để chăn nuôi phát triển ổn định trong những tháng tiếp theo.

Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ xuânNgười chăn nuôi xã Trường Xuân (Thọ Xuân) phun hóa chất khử trùng, tiêu độc khu vực xung quanh chuồng nuôi.

Thời điểm này đàn trâu, bò dễ bị nhiễm bệnh tụ huyết trùng, viêm phổi, lở mồm long móng, cảm lạnh. Đối với lợn, có thể mắc bệnh tai xanh, lở mồm long móng, tụ huyết trùng... nhất là dịch tả lợn châu Phi vẫn đang bùng phát tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đối với gia cầm dễ mắc bệnh cúm, hội chứng tiêu chảy. Hiện nay, người chăn nuôi bắt đầu thực hiện tái đàn, nếu không có biện pháp để chủ động phòng, chống, mầm bệnh sẽ phát triển nhanh, phát tán qua không khí, thức ăn, nước uống, vật dụng, chuồng nuôi, bùng phát thành dịch, ảnh hưởng đến kinh tế.

Với kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi gia cầm, ông Nguyễn Đức Biền ở xã Trường Xuân (Thọ Xuân) cho biết: Từ tháng 1 đến tháng 3 là thời điểm người chăn nuôi tập trung tái đàn, nhưng đây cũng là lúc dễ phát sinh các loại bệnh dịch bởi thời tiết có nhiều thay đổi bất thường. Vì vậy, ngay sau khi bán hết đàn gà, ông đã sử dụng vòi tăng áp bơm nước rửa sạch nền, vách tường, chuồng nuôi nhằm hạn chế tối đa điều kiện để phát sinh dịch bệnh; đầu tư gia cố lại chuồng nuôi, san phẳng mặt chuồng, thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xới lớp độn chuồng và xử lý chất thải theo đúng quy định. Ngay sau tết, khi có kế hoạch tái đàn, ông đã tìm nơi cung cấp giống có uy tín, có giấy tờ kiểm định chất lượng bảo đảm con giống khỏe, tiêm vắc-xin theo quy định và nuôi cách ly 2 tuần để theo dõi bệnh trước khi đưa vào chuồng nuôi chính.

Theo ông Biền, với tình hình dịch cúm gia cầm có nguy cơ tái phát, thì người chăn nuôi chú ý hơn về khẩu phần ăn theo nhu cầu dinh dưỡng của từng giai đoạn, lứa tuổi; những ngày nhiệt độ xuống thấp dùng lưới đen che xung quanh chuồng trại, thắp điện sưởi ấm, sử dụng đệm lót sinh học để giữ ấm vào ban đêm; cho uống nước ấm; bổ sung các loại khoáng chất, vitamin để vật nuôi nâng cao sức đề kháng, ngăn chặn mầm bệnh...

Tại thời điểm người dân tập trung tái đàn nhưng thời tiết nhiều bất lợi, Hội Nông dân huyện Thiệu Hóa đã chủ động tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, bởi hiện nay dịch cúm gia cầm và dịch tả lợn châu Phi đang diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, nguy cơ lây lan rất cao.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thiệu Hóa Đỗ Duy Trung cho biết: Hầu hết các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đều thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, các điều kiện để thực hiện tái đàn, tăng đàn. Chúng tôi cũng đã hướng dẫn cụ thể cho người dân các biện pháp phòng dịch như vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất... nhất là các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm lây từ gia cầm sang người. Trong thời điểm giao mùa, các hộ chăn nuôi cần quan tâm chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng vật nuôi, khơi thông cống rãnh, vệ sinh máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi, che chắn chuồng trại đảm bảo cho vật nuôi không bị nhiễm lạnh đột ngột. Hàng ngày theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện sớm những con vật có biểu hiện bất thường để cách ly, điều trị kịp thời. Đối với những ngày mưa phùn kéo dài, độ ẩm cao, cần giữ ấm cho vật nuôi, nhất là đối với gia súc, gia cầm non. Khi có nhu cầu vận chuyển gia súc, gia cầm từ nơi này sang nơi khác cần chú ý đảm bảo các quy trình vận chuyển an toàn dịch bệnh; phương tiện vận chuyển trước và sau khi vào chuồng nuôi phải được khử trùng, tiêu độc; nhất là không để phương tiện vận chuyển đến gần khu vực chuồng nuôi; con giống phải có nguồn gốc rõ ràng; tiêm phòng vắc-xin đầy đủ...

Mặc dù thời gian qua trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, nhưng ngành nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi không được chủ quan, lơ là, nhất là tại thời điểm tái đàn; cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch, bảo vệ đàn vật nuôi, tránh thiệt hại trong quá trình chăn nuôi. Bên cạnh đó, các địa phương cần chú trọng hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi, khơi thông cống rãnh, không để nước thải ứ đọng; tiêm phòng vắc-xin bổ sung... Riêng đối với các trang trại có quy mô lớn cần thực hiện nghiêm việc đào hố sát trùng và rắc vôi bột ngoài khu vực chuồng nuôi. Hàng ngày theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi để phát hiện sớm các biểu hiện bất thường để cách ly, theo dõi và điều trị; nếu thấy có biểu hiện nặng và lây lan nhanh phải thông báo ngay cho cán bộ thú y địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời. Khi mua giống vật nuôi mới về cần có khu nuôi cách ly theo dõi ít nhất từ 10 đến 15 ngày, khi con giống hoàn toàn khỏe mạnh mới thả vào đàn nuôi cũ...

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]