Phát triển cây trồng giá trị kinh tế cao
Là địa phương có nhiều dư địa để phát triển nông nghiệp, huyện Nga Sơn đã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm “đánh thức” tiềm năng, lợi thế để nâng cao giá trị kinh tế cho những sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, huyện đã lựa chọn phát triển một số loại cây trồng chủ lực cả về quy mô và chất lượng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Người dân thôn Yên Lộc, xã Nga Yên phát triển diện tích rau, củ, quả an toàn mang lại giá trị kinh tế cao.
Để nâng cao giá trị sản xuất trên từng đơn vị diện tích, từ năm 2010, huyện Nga Sơn đã xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp cũng như các sản phẩm cây trồng lợi thế như dưa hấu, rau an toàn, khoai tây, cói... Cùng với đó, huyện ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân tích tụ tập trung đất nông nghiệp, gắn liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp... Nhờ sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương, người dân các xã, thị trấn cũng tích cực mở rộng diện tích sản xuất theo hướng quy mô lớn, giá trị kinh tế cao.
Nga Trường là một trong những địa phương đi đầu của huyện trong sản xuất quy mô lớn, với những loại cây trồng như khoai tây, hành lá, đậu tương, rau màu... được phát triển theo hướng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp tại Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Ninh. Được biết từ năm 2018, HTX dịch vụ nông nghiệp Nga Trường đã ký kết hợp đồng với Viện Sinh học nông nghiệp Việt Nam (Hà Nội) và Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina tổ chức trồng khoai tây Atlantic theo mùa vụ. Để khuyến khích bà con nông dân sản xuất khoai tây theo hình thức tập trung, HTX đã chủ động đầu tư 80% giống, phân bón cho nông dân. Khi thu hoạch, công ty sẽ cử người trực tiếp thu mua với số lượng không hạn chế. Đến nay, HTX đã triển khai sản xuất được 3 vụ khoai tây Atlantic/năm với diện tích khoảng hơn 50ha/vụ, thu hút hơn 200 hộ dân tham gia, doanh thu đạt khoảng 200 triệu đồng/ha/vụ, mở ra hướng phát triển mới hiệu quả, bền vững cho sản xuất nông nghiệp địa phương.
Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Nga Trường Bùi Văn Hồng cho biết: Sau khi lựa chọn được những cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và trình độ canh tác của người dân, xã Nga Trường đã chú trọng phát triển theo hướng tăng vụ, tăng diện tích và nâng cao năng suất. Theo đó, xã chủ trương cân đối kinh phí từ các chương trình để hỗ trợ phát triển từ 2 - 3 vụ/năm đối với các loại cây trồng có liên kết sản xuất. Nhờ được đầu tư về vốn, hướng dẫn kỹ thuật và bảo đảm đầu ra, giá trị kinh tế, nên người dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia sản xuất. Xã luôn duy trì hơn 150ha cây trồng liên kết/năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Nhiều địa phương khác của huyện cũng đã lựa chọn và phát triển những loại cây trồng thế mạnh như xã Nga Tân, Nga Thanh, Nga Liên, Nga Tiến, Nga Thủy phát triển cây cói theo hướng thâm canh; Nga Thành, Nga Hải, Nga Trung phát triển các loại rau, củ, quả an toàn; Nga Trung, Nga Yên, Nga An, Nga Thành trồng dưa hấu... Đây không chỉ là bước khởi đầu thành công cho sự linh hoạt, sáng tạo của người dân trong phát triển sản xuất mà còn là chủ trương đúng đắn, là kết quả cho việc chuyển đổi cây trồng trên địa bàn huyện. Đến nay Nga Sơn đã hình thành được các vùng sản xuất rau an toàn chuyên canh diện tích 55ha; vùng sản xuất cói thâm canh khoảng hơn 1.200ha; dưa hấu duy trì hơn 800ha/vụ; lạc khoảng 1.250ha/năm; cây ăn quả hơn 800ha...
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn Phạm Văn Sinh cho biết: Phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao đang là hướng đi đúng đắn, phù hợp với điều kiện sản xuất của người dân trên địa bàn huyện. Hiện nay, toàn huyện có gần 1.000ha cây trồng có giá trị kinh tế cao; trong đó có khoảng 60 - 70% diện tích được liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp. Để đạt được kết quả trong sản xuất các loại cây trồng lợi thế, giá trị kinh tế cao, phù hợp với thị hiếu của thị trường, bên cạnh việc khuyến khích các xã, thị trấn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện đã tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư, sản xuất và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh triển khai các lớp tập huấn về sản xuất đối với từng loại cây trồng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thị trường.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nga Sơn lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định “phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, gắn với XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu” là một trong 3 chương trình trọng tâm, nhằm tạo ra những đột phá mới. Do đó, ngành nông nghiệp của huyện đã và đang đẩy mạnh việc khuyến khích hỗ trợ người dân đầu tư sản xuất cây trồng theo hướng VietGAP, tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu thị trường; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân và phát triển nông nghiệp theo hướng giá trị cao và bền vững.
Bài và ảnh: Lê Hòa
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:44:00
Prudential và CarePlus ký kết hợp tác chiến lược, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tầm soát cho khách hàng
-
2024-11-21 15:51:00
13 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm
-
2024-09-11 07:00:00
Bản tin Tài chính 11/9: Giá vàng và USD cùng tăng
Công ty Điện lực Thanh Hóa tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả sau bão số 3 tại Quảng Ninh, Hải Phòng
VNPT Thanh Hóa tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả sau bão số 3 tại Quảng Ninh, Hải Dương
Nông Cống nỗ lực thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước
Tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao
Vietjet ưu đãi 30% hạng vé SkyBoss, Business và hàng triệu vé bay từ 0 đồng
Bộ Công Thương: Không để hàng hóa tăng giá bất hợp lý sau bão
Bản tin Tài chính ngày 10/9: Giá vàng tăng nhẹ
Nhà xe Vân Anh Limousine vận chuyển an toàn trên 15.000 hành khách trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9
Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa