Phát huy giá trị di sản văn hóa từ chuyển đổi số
Thanh Hóa có hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú. Để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, việc số hóa di tích, hiện vật lịch sử và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đang được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm.
Ứng dụng công nghệ số tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa giúp du khách có những trải nghiệm tốt hơn khi tìm hiểu về các tư liệu, hiện vật.
Tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 30.000 đơn vị hiện vật được trưng bày theo tiến trình lịch sử. Với việc đổi mới cách trưng bày và ứng dụng chuyển đổi số (CĐS), những năm gần đây Bảo tàng tỉnh đã trở thành không gian văn hóa đặc sắc, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách, góp phần tiếp thêm sức sống cho điểm đến “đặc thù” này.
Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ số nổi bật tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa phải kể đến ứng dụng tham quan 3D trên website và quét mã QR giúp du khách tham quan, tìm hiểu tư liệu, hiện vật một cách thuận tiện, đầy đủ nhất. Đáng chú ý, năm 2022 Bảo tàng tỉnh đã hoàn thành việc số hóa 3 bảo vật quốc gia gồm kiếm ngắn núi Nưa, trống đồng Cẩm Giang I và vạc đồng Cẩm Thủy, giúp du khách tiếp cận với các bảo vật ở không gian đa chiều, cùng những trải nghiệm siêu thực.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Trịnh Đình Dương chia sẻ: “Việc ứng dụng công nghệ số không chỉ giúp các hiện vật, tư liệu tại đây có cơ hội đến gần hơn với công chúng, mà qua đó công tác quản lý, bảo quản cũng chuyên nghiệp, chính xác hơn. Đặc biệt, với việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo đã giúp du khách tiếp cận các bảo vật quốc gia một cách sống động, có thể xem từng chi tiết, hoa văn trên hiện vật thay vì chỉ ngắm nhìn và nghe thuyết minh như trước đây”.
Theo Đề án “Đổi mới hoạt động Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030”, trong giai đoạn 2023-2025, Bảo tàng tỉnh sẽ số hóa từ 10 - 15% hiện vật và tư liệu đang lưu giữ. Trong 5 năm tiếp theo, số hóa hiện vật, tư liệu đạt từ 20 - 30% tổng số lượng hiện vật... Đồng thời, ứng dụng công nghệ 4.0 đối với 4 phòng trưng bày cố định theo tiến trình lịch sử, được sử dụng hệ thống thuyết minh tự động thông minh. Qua đó nhằm giới thiệu, quảng bá giá trị các sưu tập hiện vật tiêu biểu đặc sắc về vùng đất, lịch sử - văn hóa, con người tỉnh Thanh Hóa đến đông đảo công chúng, đưa Bảo tàng tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn.
Trong những năm gần đây việc “số hóa địa chỉ đỏ” trên địa bàn tỉnh ngày càng được triển khai có hiệu quả. Mới đây (ngày 27/10) Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã hoàn tất và cho ra mắt công trình số hóa Khu Di tích lịch sử cách mạng Yên Trường (Thọ Xuân). Đây là nơi diễn ra Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh vào ngày 29/7/1930 trên cơ sở hợp nhất 3 chi bộ Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh. Với việc tích hợp các thông tin vào mã QR và áp dụng công nghệ thực tế ảo tại đây sẽ giúp du khách dễ dàng tìm hiểu chi tiết các sự kiện, dữ liệu... về khu di tích một cách trực quan, sinh động. Qua đó mở ra hướng phát triển Khu Di tích lịch sử cách mạng Yên Trường trở thành điểm đến văn hóa - lịch sử, góp phần lan tỏa truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm kiên cường trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc đến các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Cho đến nay, khi đến một số di tích trên địa bàn tỉnh như: Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân), Di sản Văn hóa Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Khu Di tích lịch sử đền Nưa - Am Tiên (Triệu Sơn), Chiến khu du kích Ngọc Trạo (Thạch Thành), Khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập (Hậu Lộc)... người dân và du khách chỉ cần có điện thoại thông minh kết nối internet để tham quan, tìm hiểu điểm đến. Trong số đó, Khu Di tích lịch sử Lam Kinh đang dần hướng tới trở thành “điểm đến thông minh”, với những ứng dụng công nghệ được triển khai tại đây như quét mã QR; hệ thống 28 điểm thuyết minh tự động; công nghệ Smart Travel Platform... giúp du khách dễ dàng tìm hiểu và cảm nhận giá trị của điểm đến một cách trọn vẹn hơn.
Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh, Nguyễn Xuân Toán cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay, CĐS và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nói chung, di tích lịch sử nói riêng là hết sức cần thiết. Đây chính là cầu nối đưa các giá trị văn hóa, di sản đến gần hơn với cộng đồng. Thực hiện chương trình số hóa di sản, thời gian qua Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh đã phối hợp với đơn vị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giới thiệu điểm đến. Qua đó hình ảnh Di tích lịch sử Lam Kinh với những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc ngày một đến gần hơn với du khách, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ di tích”.
Có thể nói, di sản văn hóa đóng vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần của người dân. Chính vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua CĐS ngày càng trở nên quan trọng hơn. Bởi, chỉ có “di sản văn hóa số” mới mở ra cơ hội để các giá trị di sản văn hóa đặc sắc xứ Thanh được gìn giữ theo thời gian và đến gần hơn với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.
Bài và ảnh: Hoài Anh
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-21 21:28:00
Chương trình"Con đường lịch sử”: Hình ảnh đầy tự hào về người lính Bộ đội cụ Hồ
-
2024-11-07 15:47:00
Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng
[Podcast] - Tản văn: Mùa mè chín đánh đu trên lưng gió
Du lịch Hà Nam đứng trước nhiều vận hội lớn nhờ lợi thế “cửa ngõ Thủ đô”
Siêu nhạc hội hoành tráng nhất 2024: Viettel Y-Fest sẽ được tổ chức tại phố đi bộ Hà Nội
Tây Ninh - Vùng đất của các di sản văn hóa độc lạ
Phú Quốc sắp có bệnh viện và quảng trường đẳng cấp quốc tế tại An Thới
Thúc giục trách nhiệm bảo vệ di tích
Đừng để thư viện vắng bóng bạn đọc
Hồi ký của một nữ chính trị gia
[Podcast] Truyện ngắn: Cơ hội cuối cùng