(Baothanhhoa.vn) - Tình trạng một bộ phận không nhỏ lái xe, nhất là lái xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa vi phạm Luật Giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng luôn là vấn đề nhức nhối, mối lo ngại thường trực không chỉ của các cơ quan có thẩm quyền mà của toàn xã hội. Vì vậy, trong những năm qua, công tác siết chặt quản lý, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ lái xe được tỉnh Thanh Hóa quan tâm, xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, then chốt trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Siết chặt quản lý, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ lái xe

Tình trạng một bộ phận không nhỏ lái xe, nhất là lái xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa vi phạm Luật Giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng luôn là vấn đề nhức nhối, mối lo ngại thường trực không chỉ của các cơ quan có thẩm quyền mà của toàn xã hội. Vì vậy, trong những năm qua, công tác siết chặt quản lý, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ lái xe được tỉnh Thanh Hóa quan tâm, xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, then chốt trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT).

Siết chặt quản lý, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ lái xe

Công ty TNHH Mai Linh Thanh Hóa ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh vận tải.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia về việc thực hiện các giải pháp nhằm tránh xảy ra những tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, năm 2019, tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra toàn diện việc chấp hành các quy định và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với các doanh nghiệp, chủ phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ đã xảy ra tai nạn trong những năm vừa qua. Mục đích hướng tới là phát hiện, xử lý nghiêm, dừng hoạt động đối với các lái xe không đủ điều kiện hành nghề. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe, tỉnh Thanh Hóa thực hiện siết chặt quản lý chất lượng đào tạo, sát hạch, thi cấp giấy phép lái xe (GPLX) thông qua các biện pháp cụ thể, thiết thực như: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX; tổ chức rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm bị tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng GPLX nhưng cố tình gian dối để xin cấp lại GPLX; các trường hợp cố tình báo mất để xin cấp lại GPLX với mục đích sở hữu đồng thời nhiều GPLX; những trường hợp nghi ngờ như xin cấp lại GPLX nhiều lần, cần kịp thời kiểm tra, xác minh để xử lý theo đúng quy định của pháp luật... Đối với công tác đào tạo cần tăng thêm thời lượng giảng dạy về vấn đề ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của học viên; tăng thời gian thực hành đường trường cho các trường hợp đủ điều kiện tham dự sát hạch cấp GPLX...

Đặc biệt, kể từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14-6-2019 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt chính thức có hiệu lực, công tác quản lý, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ lái xe được siết chặt hơn nữa. Bởi vậy, ngay từ đầu năm 2020, Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, ngành địa phương nghiêm túc triển khai luật, nghị định và ban hành kế hoạch năm ATGT 2020 với chủ đề: “Đã uống rượu, bia không lái xe”, hướng đến mục đích, nhiệm vụ trọng tâm cụ thể. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lái xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ như: Chở quá tải, quá số người quy định; chạy quá tốc độ; vượt đèn đỏ, tránh, vượt sai quy định; sử dụng chất cấm; vi phạm nồng độ cồn...

Cùng với các cơ quan, ban, ngành, lực lượng chức năng, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tích cực, chủ động siết chặt quản lý, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe, tiêu biểu như Công ty TNHH Mai Linh Thanh Hóa. Quản lý 970 xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải với đội ngũ lái xe khoảng 1.000 người, Công ty TNHH Mai Linh Thanh Hóa luôn chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ thông qua các hoạt động: Thường xuyên tổ chức nhiều lớp học, tuyên truyền, phổ biến các thông tư, nghị định, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động vận tải cho đội ngũ lái xe; tập huấn nghiệp vụ lái xe taxi... Công tác thanh, kiểm tra được duy trì một cách chặt chẽ. Trong các buổi giao ca hằng ngày tại đội xe, cán bộ điều hành của công ty tiến hành kiểm tra, kiểm soát tác phong, điều kiện hoạt động của lái xe và kỹ thuật xe nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách trên mỗi chuyến hành trình. Từ năm 2015, công ty ký cam kết với Công an tỉnh về việc nghiêm túc thực hiện văn hóa giao thông và an toàn, an ninh trật tự.

Kể từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt chính thức có hiệu lực, theo định hướng tuyên truyền của các cơ quan chức năng, công ty đã xây dựng thông điệp truyền thông: “Đã uống rượu bia là không lái xe”, “tính mạng con người là trên hết”; đồng thời lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp như: Dán decal, pano trên các xe kinh doanh vận tải của công ty như hình thức nhắc nhở thường xuyên đối với lái xe. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, 100% lái xe của công ty phải ký cam kết không sử dụng chất cấm, không uống rượu, bia khi tham gia giao thông. Thời điểm “lên ca”, nếu phát hiện lái xe có nồng độ cồn thì cán bộ điều hành sẽ cho ngừng “lên ca” ngay lập tức và tiến hành xử lý theo nội quy, quy chế của công ty. Trong trường hợp, lái xe sử dụng rượu bia, gây ra hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị sa thải và buộc phải bồi thường thiệt hại uy tín cho công ty. Bên cạnh đó, công ty tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ cho đội ngũ lái xe nhằm đảm bảo quyền lợi và đảm bảo các tiêu chuẩn về sức khỏe khi tham gia lĩnh vực kinh doanh vận tải công cộng theo quy định Bộ Y tế. Trước diễn biến bất thường của dịch COVID–19, công ty chủ trương thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch cho lái xe và hành khách như: Khuyến cáo lái xe sử dụng dung dịch sát khuẩn, vệ sinh xe hằng ngày trước và sau mỗi chuyến hành trình; cấp, phát khẩu trang miễn phí cho đội ngũ lái xe; dán decal tuyên truyền về 5 tiêu chí an toàn trong mùa dịch...

Đặc biệt, công ty đã tích cực đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và điều hành thông qua phần mềm định vị lái xe – GPS, phần mềm đặt xe trực tuyến MLO... Đối với phần mềm định vị lái xe - GPS, phòng an toàn của công ty có thể theo dõi, kiểm soát được tốc độ lưu thông trên đường của từng xe. Nếu phát hiện lái xe nào chạy quá tốc độ trên cung đường đang lưu thông cho phép thì cán bộ điều hành sẽ nhắc nhở để lái xe đi đúng tốc độ quy định. Đồng thời, phần mềm này còn có thể giúp công ty quản lý lịch trình làm việc, thời gian làm việc của lái xe, kịp thời phát hiện những tình huống bất thường khi xe đậu đỗ quá thời gian quy định tại một vị trí. Từ đó, rèn luyện cho đội ngũ lái xe phải có ý thức tự giác chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước và nội quy, quy định của công ty về các điều kiện kinh doanh vận tải. Nhằm đảm bảo quyền lợi, tăng khả năng tương tác giữa khách hàng và cả đội ngũ lái xe, công ty đã ứng dụng phần mềm đặt xe trực tuyến – MLO thay cho hình thức phát đàm. Sau mỗi chuyến hành trình, qua phần mềm đặt xe trực tuyến này, khách hàng có thể trực tiếp đánh giá chất lượng phục vụ của lái xe và gửi ý kiến phản hồi về phía công ty. Mặt khác, khi có nhu cầu gọi xe ở bất kỳ tỉnh, thành nào trong cả nước, khách hàng có thể liên hệ theo số: 1055 mà không phải “loay hoay” tìm kiếm mã vùng. Hơn thế, khi “gọi xe” theo số điện thoại này, khách hàng có thể tiếp cận được thông tin về tài xế và xe mà mình chuẩn bị di chuyển. “Việc công khai thông tin về tài xế và xe kinh doanh vận tải không chỉ tạo được cảm giác yên tâm, thoải mái hơn cho khách hàng mà góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật, thái độ, tác phong làm việc của đội ngũ lái xe” - ông Hồ Hữu Thiết, Giám đốc Công ty TNHH Mai Linh Thanh Hóa chia sẻ.

“Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ban, ngành và sự chung tay, giúp sức của cộng đồng, trong đó có đóng góp tích cực từ phía các đơn vị kinh doanh vận tải, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giảm trên các tiêu chí về số vụ, số người chết” – ông Vũ Hoàng Linh, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa cho biết. Theo số liệu thống kê của Ban ATGT tỉnh, trong 3 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 43 vụ tai nạn giao thông, làm chết 33 người, làm bị thương 36 người, so với cùng kỳ 2019 giảm 5 vụ (10%), giảm 15 người chết (31%). Tuy nhiên, để tình hình TTATGT có sự chuyển biến tích cực hơn nữa, thiết nghĩ, mỗi lái xe cần phải nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của mình đối với bản thân, gia đình và toàn xã hội.

Bài và ảnh: Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]