Với hy vọng hồi sinh ngành du lịch và nền kinh tế vốn chịu không ít tổn thất trong hơn một năm rưỡi đại dịch vừa qua, một số quốc gia hiện áp dụng quy định "mở cửa" cho người nước ngoài đã được tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chứng nhận tiêm vaccine giả: “Bom nổ chậm” đe dọa nỗ lực chống dịch

Với hy vọng hồi sinh ngành du lịch và nền kinh tế vốn chịu không ít tổn thất trong hơn một năm rưỡi đại dịch vừa qua, một số quốc gia hiện áp dụng quy định “mở cửa” cho người nước ngoài đã được tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19.

Chứng nhận tiêm vaccine giả: “Bom nổ chậm” đe dọa nỗ lực chống dịchHộ chiếu và Chứng chỉ COVID-19 của EU. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngay tại mỗi nước, nhiều địa điểm vui chơi giải trí cũng yêu cầu khách hàng xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm chủng. Các loại giấy tờ chứng nhận đã tiêm vaccine, như “hộ chiếu vaccine,” hay mô hình Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 có hiệu lực tại Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1/7 vừa qua, cũng được nhiều quốc gia áp dụng.

Tuy nhiên, đi kèm với đó là vấn nạn làm giả các loại giấy tờ chứng nhận. Vụ cảnh sát Italy ngày 3/7 thông báo phá vỡ một số âm mưu chào bán trực tuyến các chứng nhận kỹ thuật số EU về COVID-19 giả mạo, theo đó hàng nghìn người đã sẵn sàng trả tiền cho những chứng chỉ tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 giả, cho thấy đây là vấn đề đáng báo động.

Từ lâu, các chuyên gia an ninh mạng đã cảnh báo các loại giấy tờ chứng nhận tiêm chủng đã bị làm giả một cách dễ dàng và hiện được rao bán với giá rẻ trên các trang “web đen” nằm ngoài phạm vi tiếp cận của các công cụ tìm kiếm, nơi người dùng Internet chủ yếu ẩn danh và thanh toán bằng tiền điện tử như bitcoin.

Như vụ ở Italy, cảnh sát đã tìm cách chiếm quyền kiểm soát 10 kênh trên dịch vụ nhắn tin mã hóa Telegram được liên kết với các tài khoản ẩn danh tại các thị trường trong các trang mạng đen, qua đó có thể liên hệ với người bán.

Nhà sáng lập công ty tình báo mạng Cyble, ông Beenu Arora, nhận định nhu cầu của nhiều người muốn tới các điểm giải trí, đi du lịch, ra nước ngoài... song không muốn tiêm chủng, hoặc cũng có thể chưa được tiêm chủng, đã tạo cơ hội cho hàng trăm trang “web đen” mọc lên như nấm sau mưa để bán các “ hộ chiếu vaccine ” giả.

Bên cạnh đó, hiện nhiều nước cũng đưa ra những quy định bắt buộc tiêm vaccine đối với một số nhóm đối tượng, như ở Nga yêu cầu nhân viên ngành dịch vụ phải được tiêm chủng.

Công ty an ninh mạng Check Point đã phát hiện nhiều quảng cáo trên “web đen” cung cấp các chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được phát hành có chủ đích ở Mỹ và nhiều quốc gia khác.

Trong khi đó, chuyên gia bảo mật cấp cao Chad Anderson tại công ty tình báo về mối đe dọa trực tuyến DomainTools, cảnh báo các giấy tờ tiêm chủng giả mạo cũng đã xuất hiện trên các trang web thông thường và các nền tảng thương mại điện tử. Theo ông, việc làm giả giấy tờ hiện nay “quá dễ dàng” với công cụ chỉnh sửa hiện đại.

Chứng nhận tiêm vaccine giả: “Bom nổ chậm” đe dọa nỗ lực chống dịchQuét mã QR “Chứng nhận kỹ thuật số về COVID của EU” (EU digital COVID certificate) được cài đặt trên điện thoại thông minh tại sân bay Liege, Bỉ, ngày 16/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Điều tra của cảnh sát Mỹ cho thấy trên trang bán lẻ eBay, khách hàng có thể tìm thấy “giấy chứng nhận tiêm chủng” được quảng bá là “hàng chuẩn” với giá chỉ 9-11 USD.

Đơn cử như tài khoản eBay asianjackson của một dược sỹ ở Chicago, đăng ba “mặt hàng” gắn mác giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) với các mức 8,99 USD, 9,49 USD và 10,99 USD.

Asianjackson đã bán ít nhất 110 giấy chứng nhận khống như vậy chỉ tính đến giữa tháng 4 năm nay. Theo các nhà quản lý liên bang, toàn bộ số giấy tờ này đều bất hợp pháp.

Các nhóm thậm chí công khai thảo luận trên mạng xã hội về kế hoạch làm giả giấy chứng nhận rồi rao bán trên các trang thương mại điện tử như eBay, hay in mẫu phôi giấy từ trang web của chính quyền.

Việc giới chức liên bang quyết định dùng giấy chứng nhận bản in do “những trở ngại về mặt kỹ thuật và áp lực thời gian” thay vì áp dụng hệ thống theo dõi kỹ thuật số đã khiến tình hình trầm trọng hơn. Một số bang thậm chí vô tình tiếp tay cho hành vi gian lận khi đăng phôi giấy chứng nhận tiêm chủng lên trang web của cơ quan y tế.

Tại Đức, cuối tháng 5 vừa qua, Cục Hình sự liên bang Đức (BKA) đã phát hiện các giấy tờ giả mạo đầu tiên. Xu hướng lừa đảo này ngày càng gia tăng khi chính quyền nới lỏng hạn chế với những người đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.

Cơ quan Công tố thành phố München cảnh báo chứng nhận tiêm chủng đang là mặt hàng bị làm giả “sốt dẻo” nhất và được chào bán với giá dao động tùy theo ưu đãi và số lượng chứng nhận đặt mua.

Việc làm giả rất đơn giản bởi có thể dễ dàng mua hợp pháp sổ tiêm chủng mới cũng như sao chép các con dấu của bác sỹ trên mạng Internet.

“Thị trường đen” giấy chứng nhận tiêm chủng giả cũng phát triển mạnh tại Nga, đặc biệt sau khi chính quyền thành phố Moskva quy định chủ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công phải đảm bảo 60% nhân viên tiêm phòng trong vòng một tháng, nếu không sẽ đối mặt với án phạt hành chính, đồng thời các quán bar và nhà hàng chỉ phục vụ người đã tiêm vaccine.

Chuyên gia phân tích dữ liệu Internet Boris Ovchinnikov cho biết chỉ vài ngày sau quy định mới, lượt tìm kiếm từ khóa “mua giấy chứng nhận tiêm chủng” trên Google ở khu vực Moskva tăng gấp 10 lần.

Tháng trước, cảnh sát Moskva thông báo đã truy tố 24 đối tượng sản xuất giấy chứng nhận tiêm chủng giả. Theo cảnh sát, các chứng nhận giả này được rao bán với có giá dao động từ 5.000 rúp (69 USD), song có nơi lên đến 10.000-15.000 rúp.

Đáng lưu ý, vấn nạn này đang lan tới châu Á. Hồi tháng 5 vừa qua, cảnh sát thủ đô Phnom Penh đã bắt giữ 2 người buôn bán giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 giả. Hai đối tượng này khai nhận bán giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine với giá 10.000 riel/bản (khoảng 2,5 USD).

Người đứng đầu cơ quan tư pháp bang North Carolina (Mỹ) Josh Stein nhận định tình trạng làm giả giấy chứng nhận tiêm chủng ngày càng tăng có nguy cơ đe dọa an toàn của cộng đồng, cũng như nỗ lực tiêm chủng đại trà ở các nước.

Lực lượng biên phòng hay hải quan, dù có công cụ và nghiệp vụ song vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra. Hiện cũng chưa có hệ thống nào giúp doanh nghiệp, trường học và những tổ chức khác dễ dàng kiểm tra để biết một “hộ chiếu vaccine” là giả hay thật.

Các chuyên gia của Check Point còn cảnh báo người mua “hộ chiếu vaccine” giả và giấy xét nghiệm âm tính giả có thể trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo, lâm vào tình trạng “tiền mất tật mang.”

Chứng nhận tiêm vaccine giả: “Bom nổ chậm” đe dọa nỗ lực chống dịchMột hành khách kiểm tra chứng nhận kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (EU) về COVID-19 (còn gọi là hộ chiếu vaccine) được cài đặt trên điện thoại di động tại sân bay ở Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 1/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Riêng trong tháng 4/2021, số vụ tố giác liên quan đến giả mạo giấy chứng nhận tiêm chủng mỗi ngày chiếm tới 40-50% các khiếu nại liên quan đến COVID-19 ở Mỹ. Chuyên gia Oded Vanunu tại Check Point cũng khuyến cáo, bên cạnh những rủi ro dịch tễ, việc mua bán các chứng nhận tiêm chủng giả vô hình trung sẽ tạo cơ hội cho tin tặc đánh cắp thông tin và danh tính của cá nhân để khai thác, tiến hành các hoạt động lừa đảo.

Bên cạnh lên án các nhóm buôn bán, sản xuất giấy chứng nhận giả, một số ý kiến cho rằng trong nhiều trường hợp, hành vi giả vờ rằng bản thân đã được tiêm chủng để vào một môi trường có nguy cơ cao, như nhà điều dưỡng hay nơi tập trung đông người, sau đó vô tình lây lan virus vốn có khả năng giết người, có thể coi là phạm tội.

Trước vấn nạn này, nhà chức trách các nước đã tăng cường các hoạt động truy quét các đường dây buôn bán giấy chứng nhận tiêm chủng giả và xử lý nghiêm hành vi sử dụng chứng nhận giả.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cảnh báo việc sản xuất chứng nhận tiêm vaccine giả bị quy vào tội làm giả con dấu của chính phủ va người phạm tội này có thể bị phạt tới 5 năm tù.

Tại Đức, những người giả mạo hoặc sử dụng giấy chứng nhận tiêm chủng/xét nghiệm giả sẽ bị phạt tiền hoặc phạt tù một năm; người cung cấp thông tin dịch tễ sai lệch cũng bị phạt tiền hoặc phạt tù tới 2 năm.

Chính phủ Bỉ cũng vừa đưa ra quy định người nào cố tình sử dụng chứng chỉ tiêm chủng giả sẽ bị cảnh sát ghi biên lai xử phạt số tiền là 750 euro (895 USD).

Quyết định này được đưa ra khi chỉ trong 2 tháng kể từ ngày Bỉ cho phép công dân ra nước ngoài và người ngoại quốc nhập cảnh cuối tháng 4 vừa qua, lực lượng hải quan đã phát hiện 576 trường hợp xuất trình chứng chỉ tiêm chủng giả mạo tại sân bay Brussels, cũng như ở nhiều trạm kiểm soát biên giới khác.

Khoảng 50 quan chức tư pháp tại Mỹ đã kêu gọi những người đứng đầu các trang Twitter, eBay và Shopify khẩn trương hành động để các nền tảng của họ không bị lợi dụng thành nơi rao bán “hộ chiếu vaccine” giả.

Giới chức Mỹ nêu rõ việc tiếp thị và lừa đảo bán “hộ chiếu vaccine” giả có thể đe dọa sức khỏe cộng đồng, kìm hãm những bước tiến trong việc bảo vệ người dân trước đại dịch và vi phạm luật pháp của nhiều bang.

Nhiều quốc gia khác đang kêu gọi hình thành quy định yêu cầu các nhà mạng, đặc biệt là các nền tảng xã hội như Facebook, Twitter cần có công cụ phát hiện và gỡ bỏ lập tức những nội dung quảng cáo bán “hộ chiếu vaccine ” giả.

EBay sau đó thông báo đang chặn hoặc nhanh chóng loại bỏ các các mặt hàng giả mạo thông tin y tế, trong đó có “hộ chiếu vaccine” ngừa COVID-19. Twitter tuyên bố không cho phép bán mặt hàng giả mạo này trên nền tảng của hãng và đã có biện pháp xử lý khi phát hiện các trường hợp sai phạm.

Trong khi đó, FBI kêu gọi người dân không đăng ảnh chụp giấy chứng nhận tiêm chủng trên nền tảng mạng xã hội do các thông tin này có thể bị kẻ xấu lợi dụng để làm giả nhờ các công cụ chỉnh sửa hiện đại.

Chuyên gia Vanunu cho rằng để tránh bị làm giả, “hộ chiếu vaccine” nên chứa mã bảo mật trong tem QR, tương tự như “thẻ Xanh” được áp dụng tại Israel. Việc nhiều nước EU cấp giấy chứng nhận kỹ thuật số về tiêm vaccine, với mã QR được đánh giá giúp hạn chế hiệu quả nạn làm giả.

Tuy nhiên, để áp dụng phương pháp này cho hoạt động đi lại quốc tế, hệ thống như trên đòi hỏi các quốc gia phải sẵn sàng chia sẻ dữ liệu. Ngoài ra, các chuyên gia từ công ty bảo mật Đức GData Cyber Defense cũng vừa phát hiện ra một số lỗ hổng có thể dẫn tới nguy cơ làm giả loại chứng nhận này.

Trong bối cảnh các biến thể của virus có khả năng lây lan nhanh đang xuất hiện tại nhiều quốc gia, như biến thể Delta đã có mặt tại 98 quốc gia và vùng lãnh thể, chứng nhận tiêm chủng vaccine giả đang là “quả bom nổ chậm” hết sức nguy hiểm, làm tăng nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh mà hậu quả của nó còn chưa lường hết nổi.

Bên cạnh siết chặt quản lý và tăng cường các biện pháp chống làm giả chứng nhận tiêm vaccine, việc tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của mỗi người là yếu tố quyết định./.

(TTXVN/Vietnam+)


(TTXVN/Vietnam+)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]